Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về Bí tích Rửa Tội

Với bí tích Rửa Tội chúng ta được dìm vào trong nguồn sống vô tận đó, là cái chết của Chúa Giêsu, hành động tình yêu lớn nhất trong toàn thể lịch sử; và nhờ tình yêu nầy chúng ta có thể sống một đời sống mới, không còn dưới quyền của ma quỷ, của tội lỗi và sự chết, nhưng trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với những người anh chị em.
 
Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về Bí tích Rửa Tội

 Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Rửa Tội

Đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha về các Bí Tích được trình bày trong cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ngày 8-1-2014.

***

Anh chị em thân mến, chúc buổi sáng tốt lành!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về các phép Bí tích, và bài thứ nhất là phép Rửa Tội. Do một sự trùng hợp rất hay, Chúa nhật tới là lễ Chúa Chịu Phép Rửa.

1. Phép Rửa Tội là bí tích trong đó đức tin của chúng ta được thiết lập và nó làm cho chúng ta tham gia như là một thành viên sống động trong Đức Kitô và trong Giáo Hội của Ngài. Cùng với bí tích Thánh Thể và bí tích Thêm sức, chúng làm nên điều gọi là “Khai tâm Kitô giáo” vốn tạo thành một kết quả bí tích lớn lao duy nhất định hình chúng ta giống như Chúa và làm cho chúng ta trở thành một dấu chỉ sống động của sự sự hiện diện và tình yêu của Ngài.

Nhưng một câu hỏi có thể nảy sinh nơi chúng ta: Phép Rửa Tội có thật sự cần thiết để sống như người Kitô hữu và để đi theo Chúa Giêsu? Về cơ bản nó không phải là một nghi thức đơn giản, một hành động thủ tục của Giáo hội để đặt tên cho một đứa bé trai hay gái sao? Đó là một câu hỏi có thể đến với chúng ta. Trong bối cảnh nầy, những gì thánh Phaolô viết làm cho sáng tỏ: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúg ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rom 6,3-4). Như vậy, nó không phải là một hình thức! Đó là một hành vi tác động sâu thẳm đến cuộc sống của chúng ta. Một em bé được rửa tội và một em không rửa tội thì không giống nhau! Một người được rửa tội và một người không rửa tội thì không giống nhau! Với bí tích Rửa Tội chúng ta được dìm vào trong nguồn sống vô tận đó, là cái chết của Chúa Giêsu, hành động tình yêu lớn nhất trong toàn thể lịch sử; và nhờ tình yêu nầy chúng ta có thể sống một đời sống mới, không còn dưới quyền của ma quỷ, của tội lỗi và sự chết, nhưng trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với những người anh chị em.

2. Rõ ràng nhiều người trong chúng ta không có một mảy may ký ức nào về việc cử hành Bí tích nầy, nếu chúng ta được rửa tội ngay sau khi sinh. Tôi đã đưa ra câu hỏi nầy hai hay ba lần ở đây, trong quảng trường nầy. Ai ở đây biết ngày rửa tội của mình? Xin đưa tay lên! Ai biết? Ít người! Rất ít! Thật quan trọng! Thật là quan trọng để biết ngày nào bạn được dìm vào trong nguồn nước cứu độ đó của Đức Giêsu! Cho phép tôi được gởi đến các bạn một lời khuyên. Hơn cả một lời khuyên, một bài làm ở nhà cho ngày hôm nay: Hôm nay ở nhà hãy tìm kiếm, hãy hỏi ngày Rửa Tội của bạn. Và như vậy bạn có thể thật sự biết rõ ngày hạnh phúc mình được rửa tội đó. Các bạn có thực hiện điều đó không? [Mọi người: Có!] Tôi chưa nghe sự hưởng ứng nhiệt tình. Các bạn có làm điều đó không? [Mọi người: Có!] Vâng! Vì được biết một ngày hạnh phúc! Bí tích Rửa tội của chúng ta! Nhưng nguy cơ là đánh mất ký ức về điều mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi chúng ta, ký ức về quà tặng mà chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta cuối cùng rồi xem nó như là một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ -và thậm chí không do chính ý muốn của chúng ta, mà ý muốn của cha mẹ-, nó không còn có một tác động nào trong hiện tại của chúng ta nữa. Chúng ta phải đánh thức ký ức về Bí Tích Rửa Tội. Hãy đánh thức trí nhớ về Phép Rửa Tội. Chúng ta được mời gọi sống bí tích rửa tội của chúng ta mỗi ngày như là một thực tế thực sự trong đời sống. Nếu chúng ta bước theo Chúa Giêsu và ở lại trong Giáo Hội, mặc dù những giới hạn, yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, đó chính là nhờ Bí Tích mà qua đó chúng ta trở nên những thụ tạo mới và chúng ta được củng cố nhờ Đức Kitô. Quả thật, đó là hiệu quả của Bí tích Rửa tội mà, thoát khỏi tội nguyên tổ, chúng ta được tháp nhập vào tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha; mà chúng ta là những người mang một niềm hy vọng mới, vì phép Rửa Tội cho chúng ta niềm hy vọng nầy. Không có gì và không có ai có ai có thể dập tắt niềm hy vọng nầy, bởi vì hy vọng nầy không lừa dối. Xin hãy nhớ điều nầy: niềm hy vọng vào Chúa không bao giờ lừa dối chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội mà chúng ta có khả năng tha thứ và yêu thương ngay cả những người xúc phạm và làm tổn thương chúng ta, mà chúng ta có thể nhận ra nơi những người cùng khổ và nơi người nghèo khó khuôn mặt của Chúa, Ngài đến thăm và gần gũi với chúng ta và, với bí tích Rửa tội nầy, giúp chúng ta nhận ra nơi khuôn mặt của những người thiếu thốn, đau khổ, ngay nơi người lân cận của chúng ta, dung mạo của Đức Giêsu. Đó là một ân sủng sức mạnh của bí tích Rửa tội.

3. Một yếu tố quan trọng cuối cùng, và tôi sẽ đặt một câu hỏi. Người ta có thể tự rửa tội cho mình được không? [Mọi người: Không!] Tôi không nghe rõ! [Mọi người: Không!] Các bạn có chắc không? [Mọi người: Có!] Người ta không thể tự rửa tội cho mình được! Không ai có thể tự rửa tội cho mình! Không một ai! Chúng ta có thể cầu xin, có thể ước muốn nó, nhưng chúng ta phải luôn cần một ai đó ban Bí tích nầy nhân danh Chúa. Bí tích rửa tội là một quà tặng được trao ban trong bối cảnh của sự quan tâm và chia sẻ huynh đệ. Luôn luôn trong lịch sử, một người rửa tội một người khác, và một người khác. Đó là một chuỗi, một chuỗi ân sủng. Nhưng tôi không thể tự rửa tội cho bản thân mình. Tôi phải nhờ một người khác rửa tội. Đây là một hành động của tình huynh đệ, một hành động của tình con cái với giáo hội. Trong khi mừng lễ phép rửa tội chúng ta có thể nhận ra các nét đặt trưng đích thực của Giáo Hội, vốn như một người mẹ tiếp tục sinh ra những người con mới trong Đức Kitô, trong hoa trái của Thánh Thần. Bây giờ chúng ta hãy cầu xin Chúa với tất cả tấm lòng để có thể trải nghiệm luôn mãi, trong cuộc sống hằng ngày, ân sủng mà chúng ta đã lãnh nhận với bí tích Rửa tội. Để khi gặp gỡ chúng ta, anh chị em của chúng ta có thế gặp gỡ con cái đích thực của Thiên Chúa, anh chị em thật sự của Đức Giêsu Kitô, thành viên thật sự của Giáo Hội. Và xin đừng quên bài làm ở nhà hôm nay, đó là tra tìm, hỏi ngày rửa tội của các bạn. Và khi người ta biết ngày sinh của mình, họ cũng phải biết ngày được Rửa tội vì đó là một ngày lễ!

Bài Giáo Lý II của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Rửa Tội

Như sự sống được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì ân sủng cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua việc tái sinh ở giếng Rửa Tội, và với ân sủng này, dân Kitô lữ hành trong thời gian, như một dòng sông tưới gội trái đất và truyền lan phúc lành của Thiên Chúa khắp thế gian.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 15 tháng 1 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC bắt đầu loạt bài giáo l‎ý‎ về cácBí Tích, mở đầu bằng Bí Tích Rửa Tội.

baptism[1]

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Thứ tư tuần trước, chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý ngắn về các Bí Tích, khởi đầu với Bí Tích Rửa Tội.  Và hôm nay tôi muốn tập trung vào Bí Tích Rửa Tội, để nhấn mạnh đến một loại hoa quả rất quan trọng của Bí Tích này: nó làm cho chúng ta thành phần tử của Thân Thể Đức Kitô và của Dân Thiên Chúa.  Thánh Tôma Aquinô nói rằng những người lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội được tháp nhập vào Đức Kitô, như chi thể của Người và được thêm vào cộng đồng các tín hữu (x. Summa Theologiae, III, q. 69, art. 5; q. 70, art. 1), đó là Dân Thiên Chúa.  Trong trường của Công Đồng Vaticanô II, ngày nay chúng ta nói rằng Bí Tích Rửa Tội đưa chúng ta vào Dân Thiên Chúa, làm cho chúng ta thành những phần tử của một dân đang hành trình, một dân lữ hành trong lịch sử.

Thực ra, như sự sống được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì ân sủng cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua việc tái sinh ở giếng Rửa Tội, và với ân sủng này, dân Kitô lữ hành trong thời gian, như một dòng sông tưới gội trái đất và truyền lan phúc lành của Thiên Chúa khắp thế gian.  Từ giây phút mà Chúa Giêsu truyền lệnh mà chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, các môn đệ đã đi rửa tội, và từ lúc đó đến nay có một chuỗi dây chuyền trong việc truyền thụ đức tin qua Phép Rửa. Và mỗi người chúng ta là một mắt xích trong chuỗi ấy: một bước về phía trước, luôn luôn, như một dòng sông tưới gội mặt đất.  Đó là ân sủng của Thiên Chúa, và do đó cũng là đức tin của chúng ta, là điều mà chúng ta phải truyền lại cho con cái chúng ta, ban tặng cho các trẻ em, bởi vì các em, khi trưởng thành, có thể truyền thụ nó lại cho con cái của các em.  Bí Tích Rửa Tội là thế.  Tại sao?  Tại vì Bí Tích Rửa Tội làm cho chúng ta được gia nhập vào Dân này của Thiên Chúa, là dân truyền thụ đức tin.  Điều này là rất quan trọng.  Một Dân của Thiên Chúa bước đi và truyền thụ đức tin.

Nhờ Bí Tích Rửa Tội chúng ta trở nên những môn đệ truyền giáo, được mời gọi đem Tin Mừng vào thế gian (x. T.h. Evangelii Gaudium, 120 ). “Mọi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Hội Thánh và trình độ giáo dục đức tin của họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng… Việc Tân Phúc Âm hóa liên quan đến vai trò tiên phong mới của từng người đã được rửa tội” (ibid.), của tất cả mọi người, của toàn thể Dân Thiên Chúa, vai trò tiên phong mới của từng người đã được rửa tội.  Dân Thiên Chúa là một Dân Môn Đệ – bởi vì dân này nhận được đức tin – và Truyền Giáo – bởi vì dân này truyền thụ đức tin.  Và Bí Tích Rửa Tội làm việc này trong chúng ta.  Nó ban cho chúng ta ân sủng và truyền đức tin cho chúng ta.  Tất cả mọi người trong Hội Thánh đều là môn đệ, và vì thế chúng ta luôn luôn, toàn thể đời sống chúng ta; và tất cả chúng ta đều là những nhà truyền giáo, tất cả mọi người ở nơi mà Chúa đã chỉ định cho họ.  Tất cả mọi người: người nhỏ nhất cũng là một nhà truyền giáo, và người có vẻ lớn nhất cũng là một môn đệ.  Nhưng một số trong anh chị em sẽ nói:  “Các giám mục không phải là các môn đệ, các Giám Mục biết tất cả; và Đức Giáo Hoàng biết tất cả, ngài không phải là một môn đệ.”  Không, các Giám Mục và Giáo Hoàng cần phải trở thành môn đệ, bởi vì nếu các ngài không phải là môn đệ thì các ngài không làm tốt được, các ngài không thể truyền giáo, không thể truyền thụ đức tin.  Tất cả chúng ta đều là môn đệ và nhà truyền giáo.

Có một sự liên hệ chặt chẽ giữa bình diện mầu nhiệm và truyền giáo của ơn gọi Kitô hữu, cả hai bắt nguồn từ Bí Tích Rửa Tội. “Khi tiếp nhận đức tin và Bí Tích Rửa Tội, các Kitô hữu chúng ta đón nhận hành động của Chúa Thánh Thần là điều dẫn chúng ta đến việc tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là “Abba”, Cha.  Tất cả chúng ta đã được rửa tội và khi được rửa tội… chúng ta được mời gọi sống và truyền thụ sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì truyền giáo là một lời mời gọi thông phần vào sự hiệp thông Ba Ngôi” (Văn bản cuối cùng của Aparecida, s. 157 ).

Không ai tự mình cứu được mình.  Chúng ta là một cộng đồng tín hữu, chúng ta là Dân Thiên Chúa và trong cộng đồng này chúng ta cảm nghiệm vẻ đẹp của việc chia sẻ kinh nghiệm về một tình yêu đi trước tất cả chúng ta, nhưng đồng thời đòi hỏi chúng ta thành “máng” ân sủng cho nhau, bất chấp những giới hạn và tội lỗi của chúng ta.  Chiều kích cộng đồng những chỉ là một “khuôn khổ”, một “đường nét”, nhưng còn là một phần không thể thiếu được của đời sống Kitô hữu, của việc làm chứng và loan báo Tin Mừng.  Đức tin Kitô giáo được sinh ra và sống trong Hội Thánh, và trong Bí Tích Rửa Tội, gia đình và giáo xứ chào đón sự gia nhập của một phần tử mới vào Đức Kitô và vào Thân Thể của Người là Hội Thánh (x. ibid., s. 175b ).

Về tầm quan trọng của Bí Tích Rửa Tội đối với Dân Thiên Chúa, lịch sử của cộng đồng Kitô hữu tại Nhật Bản là một mẫu gương.  Họ bị bách hại một cách trầm trọng trong những năm đầu thế kỷ XVII.  Có nhiều vị tử vì đạo; các thành viên giáo sĩ đã bị trục xuất và hàng ngàn người bị giết.  Đã không còn một linh mục nào ở lại Nhật Bản, tất cả đều bị trục xuất.  Sau đó, cộng đồng rút lui vào bóng tối, giữ đức tin và cầu nguyện trong trốn tránh.  Và khi một em bé được sinh ra, người cha hoặc người mẹ rửa tội cho em, bởi vì tất cả các tín hữu có thể rửa tội trong những trường hợp cụ thể.  Sau gần hai thế kỷ rưỡi, 250 năm sau, khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật Bản, hàng ngàn Kitô hữu đã ra công khai và Hội Thánh có thể tái phát triển.  Họ đã sống sót nhờ ân sủng của Bí Tích Rửa Tội của họ!  Điều này thật vĩ đại:  Dân Chúa truyền thụ đức tin, rửa tội cho con cái mình và tiến bước.  Họ đã duy trì, thậm chí trong bí mật, một tinh thần cộng đồng mạnh mẽ, bởi vì Bí Tích Rửa Tội đã làm cho họ nên một thân thể trong Đức Kitô: họ đã bị cô lập và trốn tránh, nhưng họ luôn luôn là phần tử của Dân Thiên Chúa, phần tử của Hội Thánh. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ câu chuyện này!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ