BÀI GIÁO LÝ 13-14-15-16 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ

Đời sống của Hội Thánh là sự khác biệt, và khi chúng ta muốn áp đặt sự đồng nhất này, chúng ta tiêu diệt tất cả nhửng hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng chính là tác giả của sự hiệp nhất trong đa dạng này, tác giả của sự hòa hợp này, vì Ngài làm cho chúng ta mỗi ngày một “công giáo” hơn, nghĩa là, ở trong Hội Thánh công giáo và hoàn vũ này! Cảm ơn anh chị em.
 
BÀI GIÁO LÝ 13-14-15-16 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ

Bài Giáo Lý 13 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Hội Thánh như Một Người Mẹ Thương Con

Như một người Mẹ, “Hội Thánh hướng dẫn cuộc sống của chúng ta,. Hội Thánh là một người mẹ nhân từ, hiểu biết, luôn luôn tìm cách giúp đỡ, khuyến khích ngay cả những người con đã làm những điều sai quầy và đang sai lầm,… Hội Thánh đặt trong bàn tay của Chúa, bằng lời cầu nguyện của mình, tất cả mọi hoàn cảnh của con cái mình.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 18 tháng 9 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin và nói về Hội Thánh là Người Mẹ thương con.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi trở lại hình ảnh của Hội Thánh như một người mẹ. Tôi thực sự thích hình ảnh của Hội Thánh như một người mẹ này. Đó là lý do tại sao tôi muốn trở lại với nó, bởi vì điều này đối với tôi dường như cho chúng ta biết không những Hội Thánh như thế nào, mà khuôn mặt của Hội Thánh là Mẹ chúng ta càng ngày càng phải có dung nhan của một người mẹ.

Tôi muốn nhấn mạnh ba điều, trong lúc luôn luôn nhìn đến những người mẹ của chúng ta, tất cả những gì các bà làm, các bà sống, các bà chịu đau khổ vì con cái của của mình, và tiếp tục với những gì tôi đã nói thứ Tư tuần trước. Tôi tự hỏi: Một người mẹ làm gì?

1. Trước hết, mẹ dạy chúng ta bước đi trong cuộc đời, dạy chúng ta sống tốt, mẹ biết làm sao để hướng dẫn con cái, mẹ luôn luôn cố gắng để chỉ cho chúng con đường ngay thẳng trong cuộc sống để chúng lớn lên và trở nên những người trưởng thành. Và mẹ làm như thế với sự dịu hiền, với lòng trìu mến, với tình yêu, luôn luôn, ngay cả khi mẹ cố gắng sửa lại con đường của chúng ta bởi vì chúng ta đi trật một chút trong cuộc sống, vì chúng ta theo con đường dẫn đến vực thẳm.  Một người mẹ biết điều gì quan trọng để giúp con mình tiến bước tốt đẹp trong cuộc sống, và bà đã không học điều ấy từ sách vở, nhưng từ quả tim của mình.  Đại học của các bà mẹ là quả tim của các bà!  Ở đó, các bà học làm sao thăng tiến con cái của mình.

Hội Thánh cũng làm như thế: Hội Thánh hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, dạy chúng ta những bài học để chúng ta bước đi cách tốt đẹp. Hãy nghĩ đến Mười Điều Răn: chúng chỉ cho chúng ta một con đường để đi đến trưởng thành, để chúng ta có một số điểm [qui chiếu] chắc chắn trong cách chúng ta cư xử. Và chúng là kết quả của sự ân cần, của chính tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã ban các điều răn ấy cho chúng ta.  Anh chị em có thể nói với tôi: nhưng chúng là những giới răn!  Toàn là những điều “cấm đoán”!  Tôi mời anh chị em đọc lại chúng – có lẽ anh chị em đã “quên mất” một ít – và sau đó suy nghĩ về chúng một cách tích cực.  Anh chị em sẽ thấy chúng có liên quan đến cách chúng ta cư xử với Thiên Chúa, với chính mình và với những người khác, đó chính là những gì một người mẹ dạy chúng ta để sống tốt.   Chúng mời gọi chúng ta đừng tạo ra những thần tượng vật chất để sau đó biến mình thành nô lệ cho chúng, nhắc nhở chúng ta về Thiên Chúa, về việc tôn kính cha mẹ, phải thành thực, tôn trọng những người khác… Hãy thử nhìn vào chúng như thế và coi chúng như thể chúng là những lời, những giáo huấn mà một người mẹ làm để dạy chúng ta sống tốt đẹp trong cuộc sống. Một người mẹ không bao giờ dạy những điều xấu, mẹ chỉ muốn điều tốt cho con mình, và đó cũng là những gì mà Hội Thánh làm.

2. Tôi muốn nói với anh chị em một điều thứ nhì: khi một đứa con lớn lên thì nó trở thành một người lớn, nó sống theo cách của mình, nhận lãnh những trách nhiệm của mình, tự bước đi bằng đôi chân của mình, làm những gì mình muốn, và đôi khi, cũng xảy ra, là nó đi trật đường, nó có thể gặp một tai nạn.  Trong mọi hoàn cảnh, người mẹ luôn luôn kiên nhẫn tiếp tục đồng hành với con mình.  Điều thúc đẩy bà là sức mạnh của tình yêu; một người mẹ biết đi theo cuộc hành trình của con mình với sự kín đáo, với sự ân cần, ngay cả khi chúng sai lạc, và bà luôn luôn tìm cách hiểu chúng, gần gũi để giúp đỡ chúng. Ờ nước tôi – chúng tôi nói rằng một bà mẹ biết cách dar la cara.”  Điều này có nghĩa gì?  Nó có nghĩa là một bà mẹ có thể bênh vực” [“đưa mặt ra cho]” con cái của mình, có nghĩa là luôn luôn được thúc đẩy để bảo vệ chúng.  Tôi nghĩ đến các bà mẹ đau khổ vì con cái của họ trong các nhà tù hoặc trong những hoàn cảnh khó khăn: các bà không hỏi xem chúng có tội hay không, các bà tiếp tục yêu thương chúng, và thường thì các bà chịu những sự nhục nhã, nhưng không sợ hãi, không ngừng tự hiến.

Hội Thánh cũng thế, Hội Thánh là một người mẹ nhân từ, hiểu biết, luôn luôn tìm cách giúp đỡ, khuyến khích ngay cả những người con đã làm những điều sai quầy và đang sai lầm, Hội Thánh không bao giờ đóng cửa nhà mình; Hội Thánh không xét đoán, nhưng cung cấp cho họ ơn tha thứ của Thiên Chúa, ban tặng cho họ tình yêu của Ngài là Đấng mời gọi ngay cả những người con đã rơi xuống vực thẳm trở về đường ngay; Hội Thánh không sợ bước vào đêm đen của họ để ban cho họ hy vọng; Hội Thánh không sợ bước vào đêm đen của chúng ta khi chúng ta đang ở trong bóng tối của tâm hồn và lương tri, để ban cho chúng ta hy vọng!  Bởi vì Hội Thánh là mẹ!

3. Một tư tưởng cuối cùng.  Một người mẹ cũng biết cầu xin, gõ mọi cánh cửa vì con mình mà không tính toán, bà làm điều ấy vì tình yêu.  Và tôi nghĩ về cách mà các bà mẹ cũng biết, trên hết, là gõ cửa quả tim của Thiên Chúa!  Các bà mẹ cầu nguyện nhiều cho con cái của họ, đặc biệt là cho những người con yếu hơn, cho những người con cần lời cầu nguyện nhất, cho những người con không đi theo đường tốt lành, hay đang theo đường nguy hiểm hoặc sai lầm trong cuộc sống.  Vài tuần trước, tôi đã cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ Thánh Augustinô, ở đây tại Roma, nơi di tích của mẹ ngài, là Thánh Mônica, được cất giữ.  Biết bao nhiêu lời cầu nguyện mà bà mẹ thánh này đã dâng lên Thiên Chúa cho con trai bà, và biết bao nước mắt mà bà đã tuôn rơi!  Tôi nghĩ đến các chị em, những người mẹ thân yêu: Các chị em cầu nguyện cho con cái biết bao nhiêu rồi mà không biết mệt!  Hãy tiếp tục cầu nguyện và phó thác con cái cho Thiên Chúa; Ngài có quả tim vĩ đại!  Hãy gõ cửa quả tim của Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện cho con cái của mình của các chị em.

Và đó cũng là điều mà Hội Thánh làm: Hội Thánh đặt trong bàn tay của Chúa, bằng lời cầu nguyện của mình, tất cả mọi hoàn cảnh của con cái mình. Chúng ta hãy tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện của Mẹ Hội Thánh, Chúa không vô tình.  Người luôn luôn biết làm sao để chúng ta ngạc nhiên lúc chúng ta ít mong đợi nhất.  Mẹ Hội Thánh biết điều này!

Đó là những tư tưởng mà tôi muốn nói với anh chị em hôm nay: chúng ta hãy thấy trong Hội Thánh một người mẹ tốt lành, là người chỉ cho chúng ta con đường để đi theo trong cuộc sống, là người luôn luôn biết kiên nhẫn, thương xót, hiểu biết, và biết cách đặt chúng ta trong bàn tay của Thiên Chúa.

Bài Giáo Lý 14 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô:
Hội Thánh Duy Nhất

 “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn biết mỗi ngày một hiệp nhất hơn, và đừng bao giờ trở thànhcông cụ của chia rẽ.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 25 tháng 9 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin và nói về Hội Thánh Duy Nhất.

pope francis 2

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong “Kinh Tin Kính” khi chúng ta

đọc “Tôi tin Hội Thánh duy nhất” nghĩa là chúng ta tuyên xưng rằng Hội Thánh là duy nhất, và điều đó có nghĩa là trong chính mình Hội Thánh này là sự hiệp nhất.  Nhưng nếu nhìn vào Hội Thánh Công Giáo trên hoàn vũ chúng ta khám phá ra rằng nó bao gồm gần 3.000 giáo phận trải rộng trên tất cả các châu lục, gồm nhiều ngôn ngữ và nhiều nền văn hóa!  Ở đây có các Giám Mục của nhiều nền văn hóa khác nhau, từ nhiều quốc gia.  Có Giám Mục Tích Lan, Giám mục Nam Phi, một Giám mục Ấn Độ, có

rất nhiều người ở đây…  Các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh.  Hội Thánh đang ở rải rác khắp nơi trên thế giới!  Tuy nhiên, hàng ngàn cộng đồng Công Giáo hợp thành một sự hiệp nhất.  Làm sao điều này có thể xảy ra?

1.  Một câu trả lời ngắn gọn được tìm thấy trong Sách (Toát Yếu) Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, trong đó xác nhận: Hội Thánh Công Giáo lan tràn trên toàn thế giới có một đức tin duy nhất, một đời sống bí tích duy nhất, một chuỗi kế nhiệm tông truyền duy nhất, cùng một niềm hy vọng chung và cùng một đức mến (số 161).  Đó là một định nghĩa đẹp, rõ ràng, hướng dẫn chúng ta cách tốt đẹp.  Sự hiệp nhất trong đức tin, đức cậy, đức mến, sự hiệp nhất trong các bí tích, trong các thừa tác vụ, như những trụ cột nâng đỡ và giữ vững tòa nhà to lớn duy nhất của Hội Thánh.  Dù chúng ta đi bất cứ nơi nào, ngay cả trong giáo xứ nhỏ bé nhất, trong một nơi xa xôi nhất của trái đất này, đều có một Hội Thánh duy nhất; chúng ta cảm thấy thoải mái như ở nhà, chúng ta ở trong một gia đình, chúng ta là anh chị em.  Và đây là một hồng ân cả thể của Thiên Chúa!  Hội Thánh là một cho tất cả mọi người.  Hội Thánh không phải là một Hội Thánh cho ngưởi Châu Âu, một Hội Thánhội Thánh  cho người Châu Phi, một Hội Thánh cho người Châu Mỹ, một Hội Thánh cho người Châu Á, một Hội Thánh cho những người Châu Đại Dương, không, Hội Thánh là một ở khắp mọi nơi.  Hội Thánh giống như một gia đình: người ta có thể ở xa, rải rác trên thế giới, nhưng mối liên hệ sâu đặm nối kết tất cả các phần tử trong gia đình vẫn kiên định bất kể khoảng cách.  Tôi nghĩ đến, kinh nghiệm về Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro chẳng hạn, trong đó đám đông bao la những người trẻ trên bãi biển Copacabana, người ta đã nghe thấy nhiều ngôn ngữ, nhìn thấy những khuôn mặt với những đặc điểm rất khác nhau, người ta đã gặp các nền văn hóa khác nhau, nhưng, tuy thế, có một sự hiệp nhất sâu xa, chúng ta hợp lại thành một Hội Thánh, chúng ta đã hợp nhất với nhau, và người ta cảm nhận được điều ấy.  Tất cả chúng ta hãy tự hỏi: Còn tôi, như một người Công Giáo, tôi có cảm thấy sự hiệp nhất này không?  Như một người Công giáo, tôi có sống sự hiệp nhất này của Hội Thánh không?  Hoặc tôi không quan tâm gì đến điều ấy, bởi vì tôi đang bị khép kín trong nhóm nhỏ của tôi hay trong chính mình?  Có phải tôi là thành viên của những người “tư nhân hóa” Hội Thánh cho nhóm riêng của mình, cho dân tộc riêng của mình, cho những bạn bè riêng của mình không?  Thật đáng buồn khi tìm thấy một Hội Thánh “bị tư nhân hóa” vì sự ích kỷ và thiếu đức tin này.  Thật đáng buồn!  Khi nghe nói rằng rất nhiều Kitô hữu trên thế giới đang đau khổ, tôi thờ ơ không hay tôi coi họ như những người trong gia đình của tôi đang bị đau khổ?  Khi tôi nghĩ hoặc nghe nói rằng có rất nhiều Kitô hữu bị bách hại và thậm chí hiến mạng sống của họ cho đức tin, điều này làm cho tim tôi rung động hay không ảnh hưởng gì đến tôi?  Tôi có mở lòng ra cho người anh em hay chị em này của gia đình tôi đang hiến cuộc đời mình cho Chúa Giêsu Kitô không?  Chúng ta có cầu nguyện cho nhau không?  Tôi xin hỏi anh chị em môt câu, nhưng đừng trả lời lớn tiếng, chỉ trong lòng anh chị em thôi, có bao nhiêu người đang cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại?  Bao nhiêu ngưởi?  Chắc mọi người trả lời trong lòng.  Tôi có cầu nguyện cho anh này chị kia đang gặp khó khăn trong việc tuyên xưng và bảo vệ đức tin của họ không?  Điều quan trọng là nhìn ra bên ngoài nội vi của mình, để cảm thấy rằng mình là Hội Thánh, gia đình duy nhất của Thiên Chúa!

2.  Chúng ta hãy đi xa hơn một chút và tự hỏi: sự hiệp nhất này có những vết thương không?  Chúng ta có thể làm tổn thương sự hiệp nhất này không?  Tiếc thay, chúng ta thấy rằng trong quá trình lịch sử và ngay cả bây giờ, chúng ta không luôn luôn sống trong sự hiệp nhất.  Đôi khi xuất hiện những hiểu, xung đột, căng thẳng, chia rẽ, là những điều làm tổn thương nó, và do đó Hội Thánh đã không có khuôn mặt mà chúng ta muốn, không biểu hiện tình yêu, là điều Thiên Chúa muốn.  Chính chúng ta là những người tạo ra những vết rách!  Và nếu chúng ta nhìn vào những chia rẽ vẫn còn tồn tại giữa các Kitô hữu, Công giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành…  chúng ta cảm thấy sự khó khăn trong việc làm sự hiệp nhất này được hoàn toàn hữu hình.  Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hiệp nhất, nhưng chúng ta thường thấy khó sống nó.  Chúng ta phải tìm cách xây dựng sự hiệp thông, giáo dục về hiệp thông, để vượt qua những hiểu lầm và chia rẽ, bắt đầu từ gia đình, từ các thực tại thuộc về Hội Thánh, cùng trong việc đối thoại đại kết.  Thế giới của chúng ta cần sự hiệp nhất.  Chúng ta đang ở trong một thời đại mà trong đó tất cả chúng ta cần hiệp nhất, cần hòa giải, hiệp thông và Hội Thánh là nhà của sự hiệp thông.  Thánh Phaolô nói cùng các  tín hữu Êphêsô rằng: “Vì thế, tôi, một tù nhân vì Chúa, van nài anh em hãy sống xứng đáng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã kêu mời anh em, bằng tất cả lòng khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nại; hãy chịu đựng lẫn nhau trong đức ái.  Hãy cố gắng duy trì sự hiệp nhất trong Thần Khí, bằng mối dây hòa thuận ( 4, 1-3).  Khiêm tốn, hiền lành, nhẫn nại, yêu thương để bảo vệ sự sự hiệp nhất!  Này, đó là những conđường, những con đường thật sự của Hội Thánh.  Chúng ta hãy nghe một lần nữa.  Khiêm tốn thay vì phô trương, thay vì tự hào, khiêm tốn, hiền lành, nhẫn nại và yêu thương để bảo vệ sự sự hiệp nhất!.  Và Thánh Phaolô tiếp tục: Chỉ có một thân thể, đó là thân thể của Đức Kitô mà chúng ta lãnh nhận trong Bí Tích Thánh Thể; và một Thần Khí duy nhất, là Chúa Thánh Thần Đấng không ngừng sinh động hóa và tái tạo Hội Thánh;một niềm hy vọng duy nhất, đời sống vĩnh cửu; một đức tin duy nhất, một Phép Rửa duy nhất, một Thiên Chúa duy nhất là Cha của mọi người (x. cc. 4-6).  Sự phong phú của những gì liên kết chúng ta!  Và điều này là một kho báu thật: những gì liên kết chúng ta, không phải những gì chia rẽ chúng ta.  Đây là tài sản của Hội Thánh!  Chớ gì hôm nay mỗi người tự hỏi mình: tôi có làm cho sự hiệp nhất trong gia đình, trong giáo xứ và trong cộng đồng lớn lên không, hay là tôi nói điều xấu?  Tôi có là lý do của chia rẽ, của ngột ngạt không?  Nhưng anh chị em không biết rằng việc ngồi la mách lẻo làm hại Hội Thánh, các giáo xứ, các cộng đồng biết bao!  Nó hại biết bao!  Những tin đồn làm tổn thương.  Trước khi phao đồn nhảm nhí, một Kitô hữu phải cắn lưỡi mình!  Có hay không?  Cắn lưỡi mình: điều này sẽ tốt cho chúng ta, bởi vì khi lưỡi xưng lên thì người ta không thể nói được nữa và không còn có thể mách lẻo nữa.  Tôi có khiêm tốn để hàn gắn những vết thương của sự hiệp nhất bằng lòng kiên nhẫn và hy sinh không?

3.  Sau hết, một bước cuối cùng đi sâu hơn.  Và, đây là một câu hỏi tuyệt đẹp: ai là động lực của sự hiệp nhất này của Hội Thánh?  Đó chính là Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhận được trong Bí Tích Rửa Tội và cũng trong Bí Tích Thêm Sức.  Chính Chúa Thánh Thần.  Sự hiệp nhất của chúng ta không chủ yếu là kết quả của một thỏa thuận, hoặc của sự dân chủ trong Hội Thánh, hay nỗ lực của chúng ta để có được sự đồng lòng, nhưng nó đến từ Đấng làm ra sự hiệp nhất trong sự đa dạng, bởi vì Chúa Thánh Thần là sự hòa hợp, luôn luôn tạo nên sự hòa hợp trong Hội Thánh.  Đó là một sự hiệp nhất hài hòa trong sự đa dạng rất lớn lao của các nền văn hóa, ngôn ngữ và tư tưởng.  Chính Chúa Thánh Thần là động cơ.  Chính vì thế mà cầu nguyện là điều, vì cầu nguyện là linh hồn của sự dấn thân của chúng ta, những người nam nữ của hiệp thông và hiệp nhất.  Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, bởi vì Ngài đến và làm nên sự hiệp nhất của Hội Thánh.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa:  Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn biết mỗi ngày một hiệp nhất hơn, và đừng bao giờ trở thành công cụ của chia rẽ; xin làm cho chúng con biết dấn thân, như lời trong một kinhnguyện đẹp đẽ của Phanxicô, để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem sự hiệp nhất vào nơi bầt hòa.  Chớ gì được như vậy.

Bài Giáo Lý 15 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Hội Thánh Thánh Thiện

 “Hội Thánh thánh thiện theo nghĩa nào khi chúng ta thấy rằng Hội Thánh lịch sử, trên cuộc hành trìnhcủa nó trải qua nhiều kỷ nguyên, đã có nhiều khó khăn, nhiều vấn đề và nhiều giây phút đen tối? Làmsao một Hội Thánh được hợp thành bởi những con người, những kể tội lỗi, có thể là một Hội Thánh thánh thiện?…. Hội Thánh thánh thiện không phải vì công lao của chúng ta,  nhưng vì Thiên Chúa làm cho nó nên thánh, nó là hoa quả của Chúa Thánh Thần và hồng ân của Ngài.

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 2 tháng 10 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin và nói về Hội Thánh Thánh Thiện, Hội Thánh là Ngôi Nhà mà trong đó mỗi người có thể được tình yêu của Thiên Chúa biến đổi.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong “Kinh Tin Kính”, sau khi đã tuyên xưng: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất”, chúng ta thêm tĩnh từ “thánh thiện”; chúng ta xác nhận sự thánh thiện của Hội Thánh, và đó là một đặc tính đã hiện diện ngay từ thủa ban đầu trong tâm thức của các Kitô hữu tiên khởi, là những người đơn thuần được gọi là “các thánh” (x. Cv 9:13.32.41, Romans 8:27 ; 1 Corinthians 6:1), vì họ xác tín rằng chính hành động của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, là Đấng thánh hóa Hội Thánh.

Vatican-square-rome-pope-benedictNhưng Hội Thánh thánh thiện theo nghĩa nào khi chúng ta thấy rằng Hội Thánh lịch sử, trên cuộc hành trình của nó trải qua nhiều kỷ nguyên, đã có nhiều khó khăn, nhiều vấn đề và nhiều giây phút đen tối? Làm sao một Hội Thánh được hợp thành bởi những con người, những kể tội lỗi, có thể là một Hội Thánh thánh thiện?  Những người nam nữ tội lỗi, các linh mục và nữ tu tội lỗi, các Giám Mục và Hồng Y tội lỗi, các Giáo Hoàng tội lỗi?  Tất cả, tất cả mọi mọi người đều như thế.  Như vậy làm sao một Hội Thánh như thế có thể thánh thiện?

1. Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn mình được hướng dẫn bởi một đoạn trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô.  Thánh Tông Đồ, dùng thí dụ về những mối liên hệ gia đình, quả quyết rằng: “Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mạng sống Mình để thánh hóa Hội Thánh (5:25-26). Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, bằng cách hiến trọn thân mình trên thập giá.  Điều này có nghĩa gì?  Điều này có nghĩa là Hội Thánh thánh thiện bởi vì xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, là Đấng trung tín và không bỏ mặc Hội Thánh cho quyền năng sự chết và sự dữ (x. Matthew 16:18).  Hội Thánh thánh thiện vì Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1:24), đã kết hợp một cách bất khả phân ly với Hội Thánh (x. Mt 28;20);  Hội Thánh được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần là Đấng thanh lọc, biến đổi và canh tân Hội Thánh.  Hội Thánh thánh thiện không phải vì công lao của chúng ta,  nhưng vì Thiên Chúa làm chonó nên thánh, nó là hoa quả của Chúa Thánh Thần và hồng ân của Ngài Không phải chúng ta làm cho Hội Thánh thành thánh thiện.  Chính Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, là Đấng trong tình yêu của Ngài làm cho Hội Thánh nên thánh.

2. Anh chị em có thể nói với tôi: nhưng Hội Thánh được cấu thành bởi những người tội lỗi, chúng tôi thấy họ mỗi ngày.  Và điều này đúng: chúng ta là một Hội Thánh của những người tội lỗi; và chúng ta, những người tội lỗi, được mời gọi để cho mình được Thiên Chúa biến đổi, đổi mới và thánh hóa.  Trong lịch sử đã có cám dỗ của một số người khi họ xác quyết rằng: Hội Thánh chỉ là Hội Thánh của những người trong sạch, hoàn toàn trước sau như một, còn những người khác thì phải loại ra.  Điều này không đúng!  Đó là lạc giáo!  Không!  Hội Thánh là thánh, nhưng không chối từ những người tội lỗi; không chối từ chúng ta, tất cả chúng ta; Hội Thánh không chối từ vì Hội Thánh mời gọi và đón chào tất cả chúng ta, Hội Thánh cũng mở cửa ra cho những người xa cách nhất, mời gọi tất cả mọi người hãy để cho mình được bao bọc bởi lòng thương xót, sự ân cần và tha thứ của Chúa Cha, là Đấng ban cho tất cả mọi người cơ hội gặp gỡ Ngài và tiến về sự thánh thiện.  NhưngLạy Cha, con là kẻ có tội, con đã phạm những trọngtội, làm sao con có thể là một phần tử của Hội Thánh?  Anh em thân mến, chị em thân mến, chính vì điều này mà Chúa muốn anh chị em thưa với Người: “Lạy Chúa con đây, với các tội lỗi của con.”  Có ai trong anh chị em ở đây không có tội không?  Có một người nào trong anh chị em không?  Không ai cả, không có ai trong chúng ta, tất cả chúng ta đều mang tội lỗi trong người, nhưng Chúa muốn nghe chúng ta nói: “Xin tha thứ cho conxin giúp con bước đi, xin biến đổi tâm hồn con.”  Và Chúa có thể biến đổi các tâm hồn.

Thiên Chúa mà chúng ta gặp trong Hội Thánh không phải là một quan tòa nhẫn tâm, nhưng như NgườiCha của dụ ngôn trong Tin Mừng.  Anh chị em có thể như người con hoang đàng bỏ nhà ra đi, đã chìm đến tận đáy của việc xa cách Thiên Chúa.  Khi anh chị em có sức mà nói: Tôi muốn về nhà, anh chị em sẽ thấy cánh cửa mở ra.  Thiên Chúa đến với anh chị em vì Ngài luôn luôn chờ đợi, Thiên Chúa luôn luôn chờ đón anh chị em, Thiên Chúa ôm lấy anh chị em, hôn anh chị em và ăn mừng.  Chúa là như thế, sự âu yếm của Cha chúng ta là như thế.  Chúa muốn chúng ta là phần tử của một Hội Thánh biết cách mở rộng vòng tay chào đón tất cả mọi người, đó không phải nhà của một số ít người, nhưng nhà của tất cả mọi người, nơi mọi người có thể được đổi mới, biến đổi, thánh hóa bởi tình yêu của Ngài, những người mạnh nhất và những người yếu nhất, những người tội lỗi, những người thờ ơ, những người cảm thấy chán nản và lạc đường.  Hội Thánh cống hiến cho tất cả mọi người khả năng để theo đuổi con đường nên thánh, đó là con đường của Kitô hữu: làm cho chúng ta gặp Đức Chúa Giêsu Kitô trong các Bí Tích, nhất là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể; truyền thông cho chúng ta Lời Chúa, làm cho chúng ta sống trong đức mến, trong tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người.  Như thế, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có để cho mình được thánh hóa không?  Chúng ta là một Hội Thánh mời gọi và chào đón những người tội lỗi bằng vòng tay rộng mở, đem lại cho họ can đảm và hy vọng, hay chúng ta là một Hội Thánh đóng kín?  Chúng ta có phải là một Hội Thánh mà trong đó người ta sống tình yêu của Thiên Chúa, trong đó người ta để tâm đến tha nhân, trong đó người ta cầu nguyện cho nhau không?

3. Một câu hỏi cuối cùng: tôi, một người cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối và tội lỗi, có thể làm ?  Thiên Chúa nói với anh chị em: đừng sợ sự thánh thiện, đừng sợ nhắm đến mục tiêu cao, để cho mình được Thiên Chúa yêu thương và thanh tẩyđừng sợ để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình Chúng ta hãy để cho mình bị lây sự thánh thiện của Thiên Chúa.  Mọi Kitô hữu được mời gọi nên thánh (x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 39-42); và sự thánh thiện không hệ tại chính yếu ở việc làm những sự phi thường, nhưng ở việc để Thiên Chúa hoạt động.  Đó là cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của chúng ta với sức mạnh của ân sủng của Ngài, đó là tin tưởng vào hành động của Ngài, là Đấng giúp chúng ta sống trong đức ái, để làm tất cả mọi sự với niềm vui và khiêm nhường, vì vinh quang Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.  Có một câu nói thời danh của nhà văn Pháp Léon Bloy, trong những giây phút cuối của cuộc đời ông, ông đã nói: “Chỉ có một nỗi buồn trong cuộc sống, đó là không nên thánh.”  Chúng ta đừng mất hy vọng vào sự thánh thiện, tất cả chúng ta hãy theo con đường này.  Chúng ta có muốn là thánh không?  Chúa đang chờ đợi tất cả chúng ta với vòng tay rộng mở, chờ đợi để cùng đồng hành với chúng ta trên con đường này của sự thánh thiện.  Chúng ta hãy sống đức tin của mình với niềm vui, hãy để cho mình được Chúa yêu thương… chúng ta hãy xin Thiên Chúa hồng ân này trong lời cầu nguyện cho chính mình và cho tha nhân.

Bài Giáo Lý 16 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Hội Thánh Công Giáo

 “Hội Thánh là công giáo bởi vì nó … là ngôi nhà mà trong đó toàn bộ đức tin được công bố  trong đó ơn cứu độ mà Đức Kitô đã mang đến cho chúng ta được cung cấp cho mọi người;… vì nó lan tràn khắp nơi trên thế giới và công bố Tin Mừng cho mọi người, … và vì nó là “Ngôi Nhà của sự Hòa Hợp”, ở đó sự hiệp nhất và đa dạng biết kết hợp với nhau thành sự phong phú.Pope Reform Vatican

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 9 tháng 10 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về đặc tính Công Giáo của Hội Thánh Thánh.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!  Chúngta thấy rằng hôm nay, với thời tiết xấu này, mà anh chị em thật can đãm, xin chúc mừng anh chị em!

“Tôi tin Hội Thánnh duy nhất, thánh thiện, công giáo…  “.  Hôm nay chúng ta dừng lại để suy nghĩ đặc điểm này của Hội Thánh: Chúng ta nói “công giáo”, đó là Năm của công giáo tính.  Trước hết: Công giáo nghĩa là gì?  Nó bắt nguồn từ chữ “kath’olòn” của Hy Lạp, có nghĩa là “theo tất cả”, tổng thể.  Theo nghĩa nào mà công giáo tính này có thể được áp dụng cho Hội Thánh?  Theo nghĩa nào mà chúng ta cho rằng Hội Thánh là công giáo?  Tôi có thể nói rằng theo ba ý nghĩa cơ bản.

1.  Thứ nhất.  Hội Thánh là công giáo bởi vì nó là không gian, là ngôi nhà mà trong đó toàn bộ đức tin được công bố và trong đó ơn cứu độ mà Đức Kitô đã mang đến cho chúng ta được cung cấp cho mọi người.  Hội Thánh làm cho chúng ta gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, là điều biến đổi chúng ta vì chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng hiện diện trong Hội Thánh, Người ban cho Hội Thánh lời tuyên xưng đức tin thật, sự sung mãn của đời sống bí tích, tính xác thực của thừa tác vụ có chức thánh.  Trong Hội Thánh, mỗi người chúng ta tìm thấy điều cần thiết để tin, để sống như những Kitô hữu, để nên thánh, để đi bước đi khắp mọi nơi và trong mọi thời đại.

Để đơn cử một thí dụ, chúng ta có thể nói rằng giống như trong cuộc sống của một gia đình.  Trong gia đình, mỗi người chúng ta nhận được tất cả mọi sự giúp chúng ta lớn lên, trưởng thành và sống.  Chúng ta không thể lớn lên một mình, không thể bước đi một mình, tự mình sống cô lập, nhưng chúng ta bước đi và lớn lên trong một cộng đồng, một gia đình.  Trong Hội Thánh cũng thế!  Trong Hội Thánh chúng ta có thể nghe Lời Chúa, biết chắc chắn rằng đó là sứ điệp mà Chúa đã ban cho chúng ta; trong Hội Thánh chúng ta có thể gặp Chúa trong các Bí Tích, là những cửa sổ mở ra mà qua đó chúng ta nhận được ánh sáng của Thiên Chúa, là những dòng suối mà từ đó chúng ta múc được chính sự sống của Thiên Chúa.  Trong Hội Thánh chúng ta học cách sống trong sự hiệp thông, trong tình yêu đến từ Thiên Chúa.  Hôm nay mỗi người chúng ta có thể tự hỏi:  Tôi sống thế nào trong Hội Thánh?  Khi tôi đi nhà thờ, có giống như tôi đi đến sân vận động, như đi xem một trận đấu banh không?  Có giống như tôi đi xem chiếu bóng không?  Không, phải khác.  Như vậy tôi đi nhà thờ như thế nào Tôi lãnh nhận những hồng ân mà Hội Thánh mang lại cho tôi để lớn lên, để trưởng thành như một Kitô hữu như thế nào? Tôi có tham gia vào đời sống cộng đồng hay tôi khép kín mình trong những vấn đề của tôi bằng cách tự mình cô lập với những người khác?  Theo nghĩa thứ nhất này, Hội Thánh là công giáo vì là nhà của tất cả mọi người.  Tất cả đều là con cái của Hội Thánh và tất cả đều ở trong căn nhà này.

2.  Một ý nghĩa thứ nhì: Hội Thánh là công giáo vì nó phổ quát, nó lan tràn khắp nơi trên thế giới và công bố Tin Mừng cho mọi người nam nữ.  Hội Thánh không phải là một nhóm người ưu tú, không chỉ liên quan đến một ít người.  Hội Thánh không đóng kín, nhưng được gửi đến với tất cả mọi người, đến toàn thể nhân loại.  Và Hội Thánh duy nhất hiện diện ngay cả trong những thành phần nhỏ nhất của mình.  Mọi người chúng ta có thể nói: Hội Thánh Công giáo hiện diện trong giáo xứ của tôi, bởi vì giáo xứ tôi cũng là một phần của Hội Thánh hoàn vũ, và cũng có sự viên mãn của các hồng ân của Đức Kitô, đức tin, các bí tích, thừa tác vụ; nó hiệp thông với Đức Giám Mục, với Đức Giáo Hoàng và mở ra cho tất cả mọi người, không phân biệt ai cả.  Hội Thánh không chỉ ở trong bóng của tháp chuông của chúng ta, nhưng bao trùm một mảng rộng lớn các dân tộc, những người tuyên xưng cùng một đức tin, được nuôi dưỡng bởi cùng một Thánh Thể, được phục vụ bởi cùng những Mục Tử.  Chúng ta cảm thấy được hiệp thông với tất cả các Hội Thánh, với tất cả các cộng đồng Công giáo lớn nhỏ trên thế giới!  Và điều đó tuyệt đẹp!  Và sau đó chúng ta cảm thấy rằng tất cả chúng ta, dù là cộng đồng nhỏ hay lớn, đều có chung một sứ vụ, tất cả chúng ta phải mở cửa và đi ra rao giảng Tin Mừng.  Cho nên chúng ta hãy tự hỏi:  Tôi làm gì để truyền thông cho những người khác niềm vui của việc gặp gỡ Chúa, niềm vui thuộc về Hội Thánh?  Rao giảng và làm chứng cho đức tin không phải là công việc của một vài người, nó cũng liên quan đến tôi, đến anh chị em và mỗi người chúng ta!

3.  Một ý tưởng thứ ba và cuối cùng: Hội Thánh là công giáo vì là “Ngôi Nhà của sự Hòa Hợp, ở đó sự hiệp nhất và đa dạng biết kết hợp với nhau thành sự phong phú.  Chúng ta nghĩ đến hình ảnh của một buổi hòa nhạc, là điều biểu thị sự hòa hợp, sự hài hòa, ở đó các nhạc cụ khác nhau được chơi cùng nhau; mỗi nhạc cụ vẫn giữ được âm sắc đặc thù của mình và đặc tính âm thanh của nó tất cả hòa hợp với một điều gì chung.  Kế đến là có một người hướng dẫn, người nhạc trưởng, và trong buổi hòa nhạc tất cả cùng cùng chơi với nhau trong “sự hòa hợp”, nhưng âm sắc của mỗi nhạc cụ không bị xóa bỏ, mà trái lại, đặc tính riêng của từng nhạc cụ đạt đến mức giá trị tối đa!

Đó là một hình ảnh đẹp nói cho chúng ta về Hội Thánh như một dàn nhạc vĩ đại, trong đó có nhiều thứ nhạc cụ.  Không phải tất cả chúng ta đều bằng nhau và tất cả chúng ta cũng không cần phải như nhau.  Tất cả chúng ta đều khác nhau, mỗi người với phẩm chất riêng của mình.  Và đó là vẻ đẹp trong Hội Thánh: mỗi người mang những gì Thiên Chúa đã ban cho riêng mình, để phong phú hóa những người khác.  Và có sự khác biệt này giữa các phần tử, nhưng đó là một sự đa dạng mà không có xung đột, không có đối nghịch.  Đó là một sự khác biệt để cho mình được tôi luyện trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, Ngài là “Nhạc Trưởng” thật, Chính Ngài là sự hòa hợp.  Và ở đây chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta sống hòa hợp hay bất hòa với nhau trong cộng đồng của chúng ta?  Trong giáo xứ, trong phong trào của tôi, nơi tôi tham gia vào Hội Thánh, có những nói lời nói hành nói xấu nhau không?  Nếu có những lời đồn đại, thì không có sự hòa hợp, mà có những cuộc đấu tranh.  Và đó không phải là Hội Thánh.  Hội Thánh là sự hòa hợp của tất cả mọi người: không bao giờ nói xấu nhau, không bao giờ cãi nhau!  Chúng ta có chấp nhận những ngưởi khác, chúng ta có chấp nhận có những sự khác biệt chính đáng, có những người khác nhau, suy nghĩ cách này hay cách khác – nhưng, khi chúng ta có cùng một đức tin, chúng ta có thể suy nghĩ khác nhau – hay chúng ta có khuynh hướng đồng nhất hóa tất cả mọi sự?  Nhưng tính đồng nhất giết chết sự sống.  Đời sống của Hội Thánh là sự khác biệt, và khi chúng ta muốn áp đặt sự đồng nhất này, chúng ta tiêu diệt tất cả nhửng hồng ân của Chúa Thánh Thần.  Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng chính là tác giả của sự hiệp nhất trong đa dạng này, tác giả của sự hòa hợp này, vì Ngài làm cho chúng ta mỗi ngày một “công giáo” hơn, nghĩa là, ở trong Hội Thánh công giáo và hoàn vũ này!  Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ