Ba Lan: các linh mục Công giáo đã cứu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai

Tại Ba Lan, có hơn 1.000 linh mục Công giáo đã liều mạng để cứu người Do Thái trong thảm hoạ Shoah(diệt chủng Do Thái) hồi Thế chiến thứ hai. Con số này được linh mục Ba Lan Paweł Rytel-Andrianik, đưa ra trong một bản tường trình về cuộc nghiên cứu trong hai tháng 7 và 8 năm 2014. Nhóm nghiên cứu 8 người do ngài làm điều phối viên đã khảo sát các tài liệu trong kho văn khố Đài tưởng niệm Yad Vaschem ở Jerusalem, nhằm cho thấy thái độ của các linh mục Công giáo Roma đối với người Do Thái ở Ba Lan trong Thế chiến thứ hai.

Cha Rytel-Andrianik là giáo sư Kinh Thánh tại Đại học giáo hoàng Thánh Giá ở Roma, chuyên thu thập những câu chuyện và lập danh sách tên tuổi của những con người bình thuờng, các linh mục và nữ tu đã liều mạng cứu thoát người Do Thái. Năm 2011, cha đã xuất bản một cuốn sách viết về những hành động anh hùng của những người Ba Lan bảo vệ người Do Thái, nhan đề “Ta sẽ cho tên tuổi chúng trường tồn (Isaia 56,5) – Người Ba Lan cứu người Do Thái tại vùng Treblinka”. Sách viết bằng tiếng Ba Lan với phần tóm lược bằng tiếng Do Thái và tiếng Anh.

Lời dẫn nhập tập sách này ghi nhận có từ 40.000 đến 60.000 người Do Thái đã được cứu thoát nhờ sự trợ giúp của người Ba Lan. Cụ thể, “mạng lưới trợ giúp của người Ba Lan có khoảng từ 160.000 đến 360.000 người. Tất cả những người này đã liều mạng của mình và của người thân để giúp đỡ cứu thoát người Do Thái”. Trong số những người này, có nhiều linh mục.

Quân chiếm đóng đã chẳng hề tha các linh mục: trên tổng số 16.000 linh mục của Ba Lan vào năm 1939, khoảng 4.000 đã bị giam trong các trại tập trung và 2.000 đã bị giết trong các phòng hơi ngạt. Khoảng một nửa số linh mục của các giáo phận như Włocławek, Gniezno và Chelmno đã bị giết chết.

Nhiều người tiếp tục giúp đỡ các kẻ gặp khó khăn, đặc biệt người Do Thái. Sự trợ giúp của Giáo hội Công giáo nằm trong một chương trình trong đó các linh mục hoạt động một cách bí mật.

Cách phổ biến nhất là cấp giấy chứng nhận rửa tội giả mạo hoặc chứng thư khác, cũng như tìm nơi trú ẩn an toàn trong các gia đình Công giáo hay nhận vào làm việc trong các giáo xứ.

Cha Rytel-Andrianik kết luận bản tường trình: “Để tổng kết công việc và những nghiên cứu chúng tôi tiến hành tại Yad Vashem,có thể khẳng định chắc chắn rằng các linh mục sống ở Ba Lan dưới thời Đức Quốc xã chiếm đóng đã không thờ ơ trước số phận bi thảm của người Do Thái. Hàng giáo sĩ Ba Lan đã tìm cách cứu các anh chị em Do Thái của mình với lòng can đảm lớn lao, sự thấu cảm và lòng thương xót. Lúc đó họ thường liều mạng sống, khi ngay cả những hành động nhỏ nhất của lòng tốt của con người cũng bị trừng phạt bằng cái chết”.

Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, cộng đồng người Do Thái tại Ba Lan được xem là lớn nhất thế giới. Theo đài Tưởng niệmShoah tại Washington, Hoa Kỳ, thì vào năm 1933, có 9,5 triệu người Do Thái sống tại châu Âu, tức 1,7% dân số châu Âu và 60% dân số Do Thái trên thế giới (ước tính 15,3 triệu người). Có trên 3 triệu sống tại Ba Lan. Trong chiến tranh, có 3 triệu người Do Thái và 3 triệu người công giáo Ba Lan đã bị giết chết.

 

Mai Tâm