“Anh em chưa hiểu ư?” (27.2.2015 – Thứ ba, sau Chúa Nhật VI Thường Niên)

“Anh em chưa hiểu ư?”
(Mc 8, 14-21)

 

14 Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh.15 Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê! “16 Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh.

17 Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế!18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao:19 khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? ” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.”20 “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh? ” Các ông nói: “Thưa được bảy.”

21 Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư? “

  1. Nỗi khổ của các môn đệ

Đức Giê-su và các môn đệ đang ở trên thuyền để sang bờ bên kia. Ngài yêu cầu các ông: “Chú ý! anh em hãy giữ mình khỏi men Pha-ri-sêu và men Hêrôđê”. Nghe lời này, các ông quay ra tranh luận với nhau vì họ không có bánh trên thuyền. Đức Giê-su trách các môn đệ:

Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh?

Tuy nhiên, nếu đặt mình vào hoàn cảnh của các môn đệ, chúng ta sẽ cảm thông với các ông hơn: các ông đang bồng bềnh trên chiếc thuyền bé nhỏ, bỏ lại đàng sau tất cả, cả người cả bánh dư tràn của phép lạ bánh hóa nhiều, hướng về bờ bên kia bấp bênh, trên thuyền lại chẳng có gì ngoài một chiếc bánh và những hiểm nguy có thể xẩy ra. Vì thế, các môn đệ quan tâm đến bánh là điều hợp lý và cần được cảm thông; và ngang qua hình ảnh “những tấm bánh”, các ông chắc chắn còn lo lắng nhiều chuyện khác liên quan đến sự sống, đến việc sinh sống, đến những phương tiện, sự an toàn, sự thành công của riêng mình và của cả nhóm.

Có lẽ, ai trong chúng ta đều đã có, đang có hoặc sẽ có kinh nghiệm lo lắng này, nhất là những lúc chuẩn bị đi xa, những lúc phải san, phải rời bỏ gia đình hay nơi chốn thân quen và thân yêu, rời bỏ công việc hay sứ vụ đã quen làm, rời bỏ một giai đoạn sống hay huấn luyện, rời một lứa tuổi; và sau cùng, sẽ đến lúc, và lúc này không thể tránh được, phải rời bỏ tất cả, phải buông xuôi tất cả để “sang bờ bên kia”!

 

  1. Nỗi khổ của Đức Giê-su

Các môn đệ, rồi đến lượt chúng ta, quan tâm đến “bánh”, còn Đức Giê-su lại muốn các môn đệ, muốn chúng ta, quan tâm đến chuyện khác: tỉnh thức để khỏi bị nhiễm “men Pha-ri-sêu và men Hêrôđê”! Vì thế, Đức Giê-su chất vấn họ bằng một loạt câu hỏi; tùy theo cách dịch, có từ 6 đến 8 câu hỏi!

Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? … Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?… Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?… Người bảo các ông: Anh em chưa hiểu ư?

Qua những câu hỏi chất vất này, Đức Giê-su thực sự “nặng lời” với các môn đệ. Và bên trong những lời trách cứ mạnh mẽ này, là nỗi khổ của Ngài. Cũng tương tự như trong bài Tin Mừng hôm qua, Ngài thở dài não ruột, vì người ta đòi dấu lạ từ trời để thử Người. Chúng ta cần chia sẻ nỗi khổ này của Đức Giê-su và tìm hiểu tại sao vậy?

Những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu là ai? và những người thuộc phe Hêrôđê là ai? Nhóm này thuộc phần đạo, còn phe kia thuộc phần đời; và theo Đức Giê-su, cả trong đạo lẫn ngoài đời, đều có thứ men xấu cần tránh; hơn nữa hình ảnh “men” muốn diễn tả sự lớn mạnh và lây lan nguy hại. Men Pha-ri-sêu liên quan đến thái độ giả hình, chuyên môn thử Đức Ki-tô vì không chịu tin (x. Mc 8, 11-13), chuyên môn dò xét người khác, để xem có phạm luật không nhằm lên án…; còn men Hêrôđê liên quan đến danh dự, danh vọng, quyền lực, quyền bính, quyền lợi, phe phái…

 

  1. Suy niệm và chiêm niệm

Các câu hỏi chất vấn của Đức Giêsu liên quan đến các giác quan của chúng ta, và ngang qua các giác quan, liên quan đến trí nhớ và trí hiểu:

  • Mắt và tai : « Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?»
  • Trí nhớ, và phải nhớ chính xác bao nhiêu, chứ không nhớ mông lung : « Bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?… Bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?»
  • Trí hiểu (hai lần, câu hỏi thứ hai và câu hỏi cuối cùng) : « Anh em chưa hiểu chưa thấu sao?»

Mắt và tai là khả năng chiêm niệm ; trí nhớ và trí hiểu là khả năng suy niệm. Hành trình theo Đức Giêsu của chúng ta có đến nơi đến chốn hay không, có hạnh phúc hay không, tùy thuộc vào hai khả năng này: khả năng suy niệm và khả năng chiêm niệm để nhận ra sự hiện diện và cách dẫn đưa của Chúa trong tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta và cho xẩy ra cho chúng ta; và đó là cách tốt nhất để loại bỏ “men Pha-ri-sêu và men Hêrôđê”. Chính khi chúng ta học biết suy niệm và chiêm niệm các trình thuật Kinh Thánh hướng tới và được hoàn tất bởi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, chúng ta sẽ biết chiêm niệm và suy niệm đời mình, như những trang Kinh Thánh, bởi vì Kinh Thánh kể lại cho chúng ta lịch sử đầy thăng trầm của một dân tộc, những cuộc đời cụ thể, với những vấn đề muôn thủa của cõi nhân sinh, sinh lão bệnh tử, cùng những tai họa và sự hiện diện của tội và sự dữ.

Bởi vì, đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhận ra những thực tại vô hình : ngôi vị, tình yêu, tình bạn, sự hiện diện qua các dấu chỉ, quà tặng, ân huệ Thiên Chúa, sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa nơi mọi sự ; như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả :

Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
Lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu
.

(Tv 8, 2)

Và đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe tiếng động hay âm thanh, nhưng là sự hài hòa của âm thanh làm thành giai điệu, và nghe ra ý nghĩa đến từ qui luật kết nối âm thanh, và nhất là nghe ra Ngôi Lời trong mọi sự, vì « Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3 và nên đọc St 1 dưới ánh sáng của Lời Thiên Chúa) ; chính vì thế :

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm
.

(Tv 19, 2)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc