Nguyên nhân làm Đức Tin chết nghẹt, Thuận và Nghịch

Nguyên nhân làm Đức Tin chết nghẹt

 

Chúng ta biết rằng không có Đức Tin thì không ai khả dĩ nhận biết Thiên Chúa, thật vậy sao? Vâng, lý do hoặc nguyên nhân có thể đưa chúng ta đi rất xa, nhưng chỉ có đức tin là “người thầy” dạy chúng ta biết tín thác vào Thiên Chúa, tin ngay cả khi cuộc đời chúng ta bị đảo lộn, coi như “bó tay” và thua trắng. Với kinh nghiệm bản thân, tác giả Thánh Vịnh chân thành chia sẻ: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37:5).

 

Đây là 7 lý do làm Đức Tin chết nghẹt, chúng khả dĩ giúp chúng ta tỉnh thức, đứng dậy và bước đi trong Đức Tin Kitô giáo, nhờ đó chúng ta có thể duy trì Đức Tin. Thánh Phaolô nói: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8:39).

 

1. BỊ “SỐC”. Khi hoàn cảnh thay đổi, khiến bạn bị “sốc”, nó có thể làm bạn gục ngã? Chiến đấu và chiến thắng là một phần của cuộc sống. Hãy cố gắng đứng vững, cắm chặt “chiếc neo đức tin” vững vàng nơi Bến yêu Thương của Thiên Chúa.

 

2. CĂNG THẲNG. Có lý do chính đáng nên Kinh Thánh mới nói chúng ta phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Trong cuộc sống, chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề, đôi khi rất “hóc búa”, sự thật là chúng ta chẳng làm được gì. Lo cứ lo, nhưng chúng ta không thể chủ động trong vấn đề thành công hoặc thất bại. Làm sao thoát? Tín thác vào Thiên Chúa hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn, nhất là những lúc cuộc đời xem chừng bế tắc.

 

3. THẤT VỌNG. Thất vọng là lời nói dối của kẻ thù – ma quỷ. Nó tìm mọi cách để chúng ta mất niềm tin vào Đức Kitô, nó muốn chúng ta cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng. Hãy cố gắng bám chặt vào áo Đức Kitô bằng cách cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện là dấu chắc chắn còn được Chúa thương, còn cầu nguyện là còn hy vọng, còn hy vọng là còn trông cậy, còn trông cậy là còn yêu mến. Ngược lại, không muốn cầu nguyện là “cờ đỏ” báo hiệu “biển đời” của chúng ta đang động mạnh, rất nguy hiểm!

 

4. ĐA NGHI. Con người là phàm phu tục tử, vốn dĩ yếu đuối và thích phóng khoáng, đa nghi nên có nhiều lý do để biện hộ: Vì, tại, bởi, nếu, giá mà, ước gì,… Lời Chúa là sự thật, chứa đầy “nhiên liệu” Đức Tin, vì Chúa Giêsu xác định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Hãy cố gắng trang bị cuộc đời bằng Lời Chúa, loại siêu vũ khí này cần thiết để chúng ta chiến đấu trên suốt chặng đường lữ hành trần gian này.

 

5. BẤT MÃN. Bất mãn có nhiều dạng. Có thể là cảm thấy bất tài, bất lực, vô duyên,… Nói chung là cảm thấy “lép vế” hơn người khác. Thậm chí chúng ta không muốn tin rằng Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố cuộc đời. Đôi khi chúng ta còn bị mọi người xa lánh, chê trách, chỉ trích đủ thứ. Chúng ta làm gì cũng không được người khác chấp nhận. Hãy bình tĩnh! Có ai hoàn thiện bằng Chúa Giêsu? Vậy mà sao Ngài bị chê, bị ghét, thậm chí là bị giết chết nhục nhã? Ngài đã biết trước và nói chắc: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15:18).

 

6. CAY CÚ. Vì cay cú mà người ta khó tha thứ. Cảm thấy cay cú vì bạn cứ so sánh mình với người khác và cho rằng điều mình mơ ước là chính đáng. Nhưng có mấy khi ước mơ thành hiện thực! Vì khôngthỏa nguyện, bạn càng cay cú – cay cú với chính mình và cay cú với người khác (ganh tỵ chứ không ganh đua). Chính các lý do bạn đưa ra để tự biện hộ lại có thể là cái bẫy khiến bạn “vào tròng” của ma quỷ. Lý do dẫn đến kết luận, kết luận dựa trên thực tế. Tuy nhiên, Chúa Giêsu xác định: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55:8).

 

7. NGHIỆN TÌM HIỂU. Có một số vấn đề mà chúng ta không bao giờ hiểu hết. Lý lẽ của con người không chấp nhận điều này. Do đó, người ta muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của mình và muốn tự xử lý mọi thứ, cứ tưởng mình là “cái rốn” của vũ trụ. Càng muốn hiểu Thiên Chúa thì càng bất lợi cho chúng ta. Đó là một dạng “nghiện tìm hiểu” (khác với muốn tìm hiểu). Tốt nhất là nên nhìn nhận mình tài hèn trí mọn, đầu óc còn tệ hơn bã đậu, nhờ vậy mà khả dĩ phát triển Đức Tin. Và Thiên Chúa sẽ bù đắp cho chúng ta.

 

Thật vậy, Thánh Linh mục Tiến sĩ Thomas Aquinas, người viết tác phẩm đồ sộ là “Tổng Luận Thần Học” (Summa Theologiae), thế mà khi được hỏi, ngài bảo: “Đó chỉ là rơm rác”. Và ngài cầu nguyện với Chúa rất giản dị: “Con chỉ muốn được yêu mến Chúa mà thôi”. Còn Thánh Giám mục Tiến sĩ Augustinô cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.

 

 

Thuận và Nghịch

(Chúa Nhật XXVI TN, năm A)

 

Thuận và nghịch là hai trạng thái đối lập, trái ngược nhau. Trạng thái đối lập này có thể là tốt hoặc xấu, tùy trường hợp. Có những trường hợp thuận mà lại nghịch, gọi là thuận-lý-nghịch; có những trường hợp nghịch mà lại thuận, gọi là nghịch-lý-thuận.

 

Trong toán học có tỷ lệ thuận và nghịch. Nếu biết cặp giá trị tương ứng của hai đại lượng tỷ lệ thuận và một giá trị khác của đại lượng này, ta có thể tìm được giá trị tương ứng của đại lượng kia. Toán học cũng có quy tắc tam xuất đơn thuận và nghịch. Quy tắc tam xuất đơn thuận: Nếu A tăng N lần, B cũng tăng N lần (nhân với N). Quy tắc tam xuất đơn nghịch: Nếu A tăng N lần, B sẽ giảm N lần (chia cho N).

 

Khi nói về “tội phạm tới Chúa Thánh Thần”, loại tội không được tha cả đời này và đời sau, Chúa Giêsu có nói điều liên quan tình trạng thuận và nghịch: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Mt 12:30; Lc 11:23).

 

Giữa con người với nhau cũng có sự thuận và nghịch. Ở đây không có ý nói “theo phe” hoặc “chống lại” nhau, mà chỉ có ý đơn giản và bình thường. Đó là gì? Tuy không là thù địch, nhưng vẫn có người này “hợp” với người kia hoặc “không hợp” với người nọ. Hai người “hợp” nhau thì dễ nói chuyện, dễ thông cảm, dù không cần nói gì; ngược lại, hai người “không hợp” nhau thì rất khó nói chuyện và khó thông cảm, khoảng im lặng rất ngột ngạt. Nếu đối nghịch nhau thì “chiến tranh” rất dễ bùng nổ.

 

Người phàm với nhau mà đối nghịch đã là nguy hiểm rồi, huống chi là đối nghịch với Thiên Chúa. Ấy thế mà ngày xưa, dân chúng đã dám nói phạm thượng: “Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng” (Ed 18:25). To gan và lớn mật hết sức, liều lĩnh thật, đâu kém gì Ông Bà Nguyên Tổ ngày xưa!

 

Thiên Chúa đặt vấn đề thẳng thắn: “Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết” (Ed 18:26-28). Ngài cũng đang chất vấn chúng ta như vậy, chắc hẳn chúng ta chẳng thể nói được nửa lời. Cái chết là thất bại lớn nhất của nhân loại, chính tội lỗi khiến chúng ta phải chết (Rm 5:12; Rm 5:21), chứ Thiên Chúa tốt lành không bắt chúng ta chết.

 

Dù chỉ là bụi đất (St 3:19), chẳng đáng chi cả, vậy mà phàm nhân chúng ta dám “chọc giận” Thiên Chúa, thậm chí còn dám phản nghịch Ngài (vì cứ phạm tội còn hơn cơm bữa). Tuy nhiên, Ngài không chấp “lũ trẻ con”, thế nên Ngài vẫn luôn nhớ đến và quan tâm (Tv 8:5), đồng thời còn kiên trì chờ đợi chúng ta hối lỗi: “Đối với các dân tộc khác, Chúa Tể nhẫn nại chờ đợi cho đến khi tội lỗi chúng ngập đầu mới trừng phạt; còn đối với chúng ta, Người không xử như thế” (2 Mcb 6:14). Quả là Lòng Chúa Thương Xót quá lớn lao, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn cứng đầu thì hết đường thoát: “Nếu các ngươi không chịu nghe Ta, thì Ta sẽ còn sửa phạt các ngươi gấp bảy lần vì tội lỗi của các ngươi” (Lv 26:18). Đáng sợ quá, lạy Thiên Chúa của chúng con!

 

Khôn sống, mống chết. Ước gì chúng ta biết khôn ngoan như tác giả Thánh Vịnh: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5). Cầu xin và muốn được Thiên Chúa nhậm lời thì phải biết chân thành sám hối. Đó là điều kiện có lợi cho chính chúng ta mà thôi, chứ đối với Chúa chẳng “xi-nhê” gì. Vâng, Thiên Chúa lúc nào cũng chờ đợi và luôn sẵn sàng nghe chúng ta nhận lỗi mà thân thưa: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng. Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25:9).

 

Hứa thì phải chấn chỉnh cách sống với nỗ lực hết sức, chứ không chỉ hứa suông. Chúa biết chúng ta có họ hàng với Cuội nên “lẻo mép” mà “hứa lèo” lắm. Thực sự Ngài không chấp, nhưng Ngài lưu ý là chúng ta có nỗ lực hết sứchay không. Quả thật, “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được” (Tv 130:3). Tuy nhiên, đừng “được đằng chân lân đằng đầu”, cũng đừng thấy Ngài nhân từ mà làm tới. Không khéo chúng ta lại lợi dụng lòng thương xót của Ngài đấy!

 

Biết sám hối chân thành là biết liên kết với Thiên Chúa. Biết mình “nghịch” thì cần chỉnh sao cho “thuận” với Ngài, càng sớm càng tốt. Thánh Phaolô khuyên: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biếtcảm thương nhau, xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng MỘT cảm nghĩ, cùng MỘT lòng mến, cùng MỘT tâm hồn, cùng MỘT ý hướng như nhau” (Pl 2:1-2). Sống được như vậy là “nên một” theo ý muốn của Đức Kitô (Ga 17:21-23).

 

Thực tế chưa được như vậy, vì thế mà chúng ta phải nỗ lực hơn. Một lần nọ, ban chấp hành của một hội đoàn Công giáo (TGP Saigon) rủ tôi ăn uống chung, chỉ là để “cho vui” thôi. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 10 phút, tôi thấy người thì “vạch lá tìm sâu”, người thì “bới bèo ra bọ”, họ “căng thẳng” với nhau, tôi thấy bất lợi nên xin ra về. Thật đáng buồn! Bản chất con người luôn đề cao “cái tôi”, vì thế mà rất nguy hiểm, cần phải luôn cố gắng “đè nén” nó. Ngay cả khi chúng ta làm việc gì gọi là “vì Chúa”, thực ra chúng ta vẫn “vì mình” nhiều lắm, Chúa chẳng “xơ múi” gì đâu! Thánh Phaolô cũng đã từng cảnh báo: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2:3-5). Khó lắm, vì thế mà luôn phải cố gắng “chết” triền miên!

 

Thánh Phaolô dẫn chứng cụ thể: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:6-9). Chúng ta đã nghe đi nghe lại điều này nhiều lần rồi, thế nhưng đã mấy lần chúng ta “giật mình”, hay là cứ nghe tai này rồi qua tai kia? Chúng ta tội lỗi lắm, tội với Chúa và tội với tha nhân!

 

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài có tất cả mọi sự, nhưng Ngài đã tự hạ đến tột cùng, vì thế mà Ngài xứng đáng được Thiên Chúa Cha siêu tôn: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:10-11).

 

Nói tới tình trạng thuận và nghịch thì phải có hai đối tượng. Ví dụ: Đất trời có âm và dương, nam châm có âm và dương, nhân loại cũng có âm và dương (nữ và nam). Âm và dương là hai thái cực. Nhưng âm và dương là để hài hòa chứ không để đối lập nhau. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai con người trái ngược nhau: Dụ ngôn hai người con. Một thuận, một nghịch. Đây cũng chính là “hai con người” hoặc “hai bộ mặt” trong mỗi chúng ta.

 

Một hôm, các thượng tế và kỳ mục hỏi vặn Chúa Giêsu về “quyền hành”. Chúa Giêsu thản nhiên kể chuyện rằng một người cha nọ có hai con trai. Ông bảo người con thứ nhất đi làm vườn nho, nhưng nó nói thẳng là “không đi”. Nó cãi ngay lập tức. Nhưng sau đó, nó hối hận nên lặng lẽ đi làm. Ông cũng đi bảo người con thứ hai đi làm. Nó ngoan ngoãn vâng lời ngay, nhưng rồi nó lại không đi.

 

Chúa Giêsu hỏi họ: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21:31a). Họ trả lời ngay:“Người thứ nhất” (Mt 21:31b). Giả sử Ngài trực tiếp hỏi chúng ta, chắc hẳn mỗi chúng ta cũng dễ dàng trả lời được như vậy. Không gì hóc búa! Và Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21:31c). Mèn ơi! Nghe chi mà “sốc” quá chừng! Nhưng đó là sự thật, rất thật. Ngài biết họ đang ngẩn ngơ như chú Tàu nghe kèn, nên Ngài giải thích luôn: “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông KHÔNG TIN ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại TIN. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (Mt 21:32).

 

Đức Giêsu đã xác định: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ GIỮ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì KHÔNG GIỮ lời Thầy” (Ga 14:23-24). Rất rõ ràng và mạch lạc, không khó hiểu, tất nhiên không ai có thể biện minh vì bất cứ lý do nào. Chữ YÊU ngắn gọn mà bao la quá đỗi! Có khi chúng ta là người con thứ nhất, có khi chúng ta lại là người con thứ hai. Lúc thuận, lúc nghịch. Biến hóa thất thường. “Cái tôi” to lớn và hung dữ lắm, do đó phải luôn cảnh giác với nó. Thánh Phaolô cũng đã cảm thấy lo sợ: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9:27).

 

Như Thánh Gioan Tẩy Giả, ước gì mỗi chúng ta cũng luôn biết dẹp bỏ “cái tôi” và luôn tâm niệm: “Chúa phải LỚN lên, còn tôi phải NHỎ đi” (Ga 3:30), để Danh Chúa được tỏa sáng mọi nơi, để Nước Chúa hiển trị, và để Ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

 

Lạy Thiên Chúa, xin “giữ gìn chúng con như thể con ngươi, xin thương che chở chúng con dưới bóng Ngài” (Tv 17:8), và xin giúp chúng con biết “thuận” với mọi người và “nghịch” với tội lỗi, để chúng con xứng đáng là con cái của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 

TRẦM THIÊN THU