Chúng ta thì khá “hẹp hòi” trong ánh mắt và con tim; làm cho mình mất đi tầm nhìn, và lại tự thuyết phục mình là chúng ta đã tinh thông mọi sự… Và chúng ta ảo tưởng những công trình mình xây dựng đã chạm đến trời.
VATICAN. Lúc 18 giờ Thứ Bảy 8/6, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ vọng Chúa Thánh Thần hiện xuống cùng với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Cũng tối nay, vào đêm cuối cùng của thời gian Vượt Qua, ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Giêsu ở giữa chúng ta và lớn tiếng nói rằng: ‘Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.’ (Ga 7: 37-38).
“Đó là ‘dòng nước hằng sống’ của Chúa Thánh Thần tuôn ra từ lòng của Chúa Giêsu, từ nơi cạnh sườn bị đâm thâu (x. Ga 19,36), rửa sạch và nuôi dưỡng Giáo hội, hiền thê mầu nhiệm được đại diện bởi Đức Maria, Eva mới, dưới chân thập giá. Thần Khí tuôn ra từ lòng thương xót của Chúa Giêsu Phục sinh, lấp đầy lòng của chúng ta bằng ‘đấu đã giằng, đã lắc và đầy tràn’ của lòng thương xót (x. Lc 6,38) và biến chúng ta thành lòng thương xót của Giáo hội.”
Roma là nơi để trở về
Thánh Lễ Vọng Chúa Thánh Thần hiện xuống là thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành đặc biệt cho giáo phận Roma, vì thế, bài giảng của ngài hướng đến trực tiếp giáo dân Roma. ĐTC nói rằng: “Tôi mong ước người dân sống tại Roma nhận ra Giáo hội, nhận ra chúng ta vì có lòng thương xót lớn hơn, vì tình con người và dịu dàng lớn hơn, là điều mà nhiều người cần. Người ta có thể cảm nhận được đây là nhà, là “nhà mẹ”, nơi luôn luôn được đón tiếp, luôn là nơi để trở về. Người ta có thể cảm nhận được đây là nơi lắng nghe và được lắng nghe, được trợ giúp để tiến một bước hướng về phía nước Thiên Chúa… Giống như đối với một người mẹ, đứa con vẫn luôn nhỏ bé dù đã trưởng thành.”
Cái tôi của con người
Chúng ta biết rằng, ngày nay, cũng giống như mọi thời, có những người cố gắng xây dựng “một thành phố và một tòa tháp vươn tới trời” (x. St 11,4). Đó là các dự án của con người, thậm chí là dự án của chúng ta, được thực hiện để phục vụ cho một “cái tôi” ngày càng lớn, cao ngút lên trời không còn chỗ cho Thiên Chúa.
Thần Khí đổi mới mọi sự
Thiên Chúa để chúng ta làm điều đó một thời gian, để chúng ta có thể trải nghiệm, cho đến một lúc chạm đến sự dữ và đau buồn mà không có Ngài… Nhưng Thần Khí của Chúa Kitô, Chúa của lịch sử, đang mong chờ để xoá bỏ mọi thứ ấy, làm cho chúng ta bắt đầu lại!
Chúng ta thì khá “hẹp hòi” trong ánh mắt và con tim; làm cho mình mất đi tầm nhìn, và lại tự thuyết phục mình là chúng ta đã tinh thông mọi sự… Và chúng ta ảo tưởng những công trình mình xây dựng đã chạm đến trời. Ngược lại, Thần Khí đi vào thế giới từ Trên Cao, từ cung lòng Thiên Chúa, nơi Chúa Con được sinh ra và làm cho mọi sự trở nên mới mẻ.
Lời mời của Thiên Chúa
Vậy chúng ta cùng nhau quy tụ để mừng gì hôm nay? Chúng ta mừng sự trổi vượt của Thánh Thần, khiến chúng ta chết lặng trước sự khôn tả trong kế hoạch của Thiên Chúa, và rồi giật mình với niềm vui: “đây là những gì Thiên Chúa đã dành cho chúng ta!”
Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần cầm lấy tay và dẫn vào giữa thành phố để lắng nghe tiếng kêu gào, rên rỉ. Thiên Chúa đã nói với Môsê rằng tiếng kêu gào của Dân đã thấu đến Ta: Ngài đã nghe, đã thấy sự áp bức và đau khổ… Ngài đã quyết định can thiệp bằng cách gởi Môsê đến khơi dậy và nuôi dưỡng giấc mơ tự do của dân Israel và mặc khải cho họ thấy giấc mơ này cũng chính là ý muốn của Thiên Chúa.
Nhưng để Môsê có thể thực hiện được sứ mạng của mình, Thiên Chúa muốn ông “đi xuống” với Ngài ở giữa dân Israel. Trái tim của Môsê phải trở nên trái tim của Chúa, lắng nghe và cảm nhận nỗi đau và ước mơ của con người. Đó là tiếng kêu của con người tay giơ lên trời. Và đó là tiếng nói của Thần Khí mà Môsê phải nghe bằng trái tim.
Chúng ta cũng cảm thấy trong chúng ta ngọn lửa của Ngày Lễ Ngũ Tuần, khiến chúng ta phải kêu lên cho bao người nam nữ của thành phố này, rằng sự nô lệ của họ đã chấm dứt và Chúa Kitô chính là con đường dẫn đến thành đô trên Trời.
Văn Yên, SJ
(VaticanNews 08.06.2019)