Cơn Thịnh Nộ Của Các Thánh

Trong tác phẩm có tựa đề “Quyển Phúc Âm thứ 5″, tác giả người Ý là ông Pomilio có tưởng tượng một câu chuyện như sau: Ngày kia, các thánh trên Thiên Đàng không còn chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên Ngài mới họp công nghị để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại…
Sau không biết bao nhiêu buổi họp, cuối cùng các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng việc Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người. Do đó, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài người.
Các Ngài họp lại thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được thế giới. Các Ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn tất cả những kẻ gian ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn.
Tại đây, các ngài dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả những người tội lỗi. Các ngài tin chắc rằng sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất sẽ chỉ có những người công chính…
Khi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các thánh bỗng thấy một người đang vác thập giá. Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp dỡ hắn…
Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa. Tại sao một người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ được dành riêng cho Con Thiên Chúa mà thôi? Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến, trói chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử.
Vừa thoáng nhìn qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy mình. Các thánh ngỡ ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi. Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài: “Con Người không đến để cứu thoát những người công chính mà chính là những người tội lỗi”.
Chúa Giêsu cũng nói các thánh rằng Ngài đã quyết định chết một lần nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh.
Chúng ta dễ rơi vào hai thái cức trái nghịch nhau: thái độ của những người biệt phái và thái độ của Giuda, kẻ bán nộp Chúa.
Thái độ của những người biệt phái được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một người tự cao tự đạo vào Đền Thờ cầu nguyện. Người này kể ra bao nhiêu công trạng của mình và nhìn một cách khinh bỉ về người thu thuế đang nép mình ở phía cuối Đền Thờ. Thái độ ấy tiêu biểu ấy cho chính cái nhìn mà đôi khi chúng ta cũng có đối với người khác. Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta và kết án những yếu hèn, thiếu sót của những người xung quanh…
Đối nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái là thái độ thất vọng của Giuda. Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuda mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông không còn tin tưởng ở lòng Nhân Từ của một Thiên Chúa có thể tha thứ tất cả tội lỗi của ông và có thể mang lại cho cơ may để sống tốt đẹp hơn.
Tựu trung, cả hai thái độ đều có chung một mẫu số: đó là đóng khung trong chính bản thân để khước từ mọi ân sủng của Chúa.
Qua cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa. Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn có sức xóa sạch tất cả. Tình yêu của Ngài mạnh hơn cả hỏa ngục và sự chết…
Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng được mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời, đó là luôn biết tha thứ và cảm thông đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người…
Trích: Lẽ Sống