Câu chuyện cuối tuần số 41 – Bắc những nhịp cầu

POPE_FRANCIS_cuba.jpgSuốt tuần qua, cả thế giới chăm chú theo dõi chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Phanxicô tại Cuba và Hoa Kỳ. Các phương tiện truyền thông tràn ngập hình ảnh và tin tức về cuộc viếng thăm. Nếu để ý sẽ thấy trong các bài diễn văn của ngài, một trong những hình ảnh được Đức giáo hoàng vận dụng nhiều là hình ảnh những cây cầu.

Với người dân ở đồng bằng sông Cửu Long, còn hình ảnh nào cụ thể và gần gũi hơn? Cầu treo, cầu lớn, cầu nhỏ, cầu khỉ… cơ man nào là cầu trên miền đất này! Và hơn ai hết, người dân miền Tây cũng thấm thía sự cần thiết của những nhịp cầu, không những cho sự phát triển kinh tế mà còn cho sự phát triển tri thức, nhất là phát triển những mối quan hệ và tương giao trong đời sống.

Quả thật, Đức giáo hoàng là người bắc những nhịp cầu nối liền đôi bờ ngăn cách. Chuyến viếng thăm cùng lúc hai quốc gia vốn được coi là cựu thù, không đội trời chung, tự nó đã nói lên mục đích của ngài. Cả hai vị nguyên thủ quốc gia của hai đất nước đều nhìn nhận vai trò của Đức giáo hoàng trong việc giúp hai dân tộc xích lại gần nhau. Thế rồi, trong một thế giới đang bị đe dọa vì những vụ khủng bố nhân danh niềm tin tôn giáo, Đức giáo hoàng cũng là người kêu gọi bắc những nhịp cầu đối thoại thay cho sự trả đũa bằng vũ trang. Cả trong lòng Giáo Hội cũng thế, vẫn có những anh chị em tín hữu giống như đứa con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu (Lc 15), nhất định không chịu đón tiếp đứa em lầm đường lạc lối nay muốn trở về, và Đức giáo hoàng đóng vai người cha, cố gắng bắc nhịp cầu yêu thương và tha thứ.

Như thế đã rõ, một trong những sứ điệp Đức giáo hoàng Phanxicô trao gửi cho thế giới là: Hãy bắc những nhịp cầu, hãy trở nên những con người hòa giải. Những nhịp cầu này không làm bằng gạch cát hay gỗ đá, nhưng bằng tình yêu. Tình yêu mời gọi chúng ta tôn trọng sự khác biệt của nhau và đón nhận người khác như họ là. Tình yêu hàm chứa trong nó sự lắng nghe và chia sẻ, và đỉnh cao của tình yêu là khoan dung và tha thứ.

Không phải vô tình khi Đức giáo hoàng đến thăm một trường tiểu học ở New York, các em học sinh đã hát tặng ngài bài Kinh Hòa Bình bằng hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha: “Lạy Chúa, xin Chúa dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Cả thế giới đang nhìn Đức giáo hoàng như khí cụ bình an của Chúa. Và người Công giáo được mời gọi theo bước vị cha chung, trở thành người bắc những nhịp cầu yêu thương trong đời sống hằng ngày.

Ngày 26.09.2015

Người Mỹ Tho