Hỏi : 1- xin cha giải thích Giáo Hội nào là Giáo Hội thật của Chúa Kitô; 2- Người Công giáo có thể bỏ Giáo Hội để gia nhập Giáo Hội khác được không?
Trả lời :
I. Trong một bài viết trước đây tôi đã có dịp nói đến nhiều Giáo Hội, giáo phái khác nhau, mặc dù cùng chia sẽ chung niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng đã thiết lập Giáo Hội duy nhất của Người trên đá tảng Phêrô:
“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16:18).
Nhưng Giáo Hội duy nhất thánh thiện này đã trải qua nhiều sóng gió từ sau ngày Chúa về trời cho đến nay. Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước sự phân ly trong Thân Thể Nhiệm Mầu của Người là Giáo Hội, cho nên trước khi chịu khổ hình thập giá, Chúa đã tha thiết cầu xin Chúa Cha “cho chúng được nên một như chúng ta là một” (Ga 17:22).
Hậu quả của sự ly giáo (schism) trên cho đến nay là sự xuất hiện của các Giáo Hội Chính thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) từ thế kỷ 11, hàng ngàn các giáo phái Tin lành (Protestant Denominations) và Anh Giáo (Anglican Communion) từ thế kỷ 16.
Ngoài ra, trong thời hiện đại, còn có âm mưu của một vài chế độ độc tài, độc đảng, muốn tách Giáo Hội Công Giáo ở các địa phương dưới quyền thống trị của họ, ra khỏi quyền cai trị và hiệp thông với Rôma để thành lập các Giáo Hội Quốc Doanh như đã xảy ra ở Trung Hoa lục địa. Đáng buồn thay là gần đây, có một số giáo sĩ đã cộng tác với chế độ cai trị khi họ tuân lệnh của nhà nước để truyền chức giám mục bất hợp pháp ( không có phép của Đức Thánh Cha) cho vài linh mục quốc doanh, gây khó khăn thêm cho việc hoa lục muốn cải thiện bang giao với Tòa Thánh. Nhưng đây chỉ là khó khăn nhất thời,vì đại đa số giáo dân và giáo sĩ ở Hoa Lục vẫn trung thành với Giáo Hội Mẹ ở Rôma, dù phải đương đầu với bao khó khăn, bách hại của nhà cầm quyền cộng sản muốn thống trị Giáo Hội Công Giáo.Chúng ta cầu xin cho Giáo Hội ở những quốc gia không tôn trọng tự do tôn giáo và tự do hành Đạo này được thêm kiên cường sống và làm chứng cho Đức Tin KitôGiáo trong khi vẫn trung thành với Giáo Hội duy nhất mà Chúa Kitô đã thiết lập trên nền tảng các Thánh Tông Đồ là Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
Trở lại với các nhóm tự nhận là Giáo Hội (Church) hay Giáo phái (Denominations), các nhóm này cho đến nay vẫn chưa muốn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo và nhận quyền cai trị của Đức Giáo Hoàng. Vì thế, con đường tiến đến hiệp nhất trong cùng một niềm tin, một Phép Rửa, một phụng vụ thánh, và một quyền bính cai trị vẫn còn quá nhiều trở ngại, khó khăn phải vượt qua.
Nhưng cái khó khắn lớn lao nhất vẫn là làm sao để mọi thành phần trong Giáo Hội-Giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ,và giáo dân- được đồng tâm nhất chí sống trung thực, và làm chứng tá cho Tin Mừng Cứu Độ để thuyết phục các anh em ly khai mau trở về với Giáo Hộ, cũng như mời gọi thêm nhiều người chưa biết Chúa được nhận biết để cùng nhau tôn thờ một Thiên Chúa, tuyên xưng một đức tin và được dẫn dắt bởi một Mục Tử duy nhất là Đức Thánh Cha.
Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo, qua Hiến Chế tín lý Lumen Gentium của Thánh Công Đồng Vaticanô II,, đã long trọng tuyên bố: “Giáo Hội độc nhất của Chúa Kitô được chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền… Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các Giám Mụchiệp thông với ngài điều khiển.” (x.LG, số 8)
Trung thành với lập trường này, ngày 10 tháng 7, 2007 trước đây, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregation of Doctrine of the faith) đã công bố một văn kiện mới, nói rõ về chân lý và đặc tính duy nhất của Giáo Hội Công Giáo, là Giáo Hội của Chúa Kitô thiết lập như phương tiện hữu hiệu để chuyên chở ơn cứu độ của Người cho muôn dân đến tận cùng thời gian. Văn kiên này đã được Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI chấp thuận cho công bố để minh xác điều đã được Thánh Công Đồng Vaticanô II tuyên bố trên đây, cách nay hơn 40 năm về bản tính và mầu nhiệm của Giáo Hội Chúa Kitô. Nói rõ hơn, Đức Thánh Cha muốn mọi tín hữu Công giáo hiểu rõ là chỉ có một Giáo Hội duy nhất được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ và Giáo Hội này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, dưới quyền cai trị của Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô, Tông Đồ trưởng.(Mt 16:18-19; Ga 21:15-16). Tuyên ngôn trên chắc đã không làm hài lòng những anh em đang ở trong các “Giáo hội hay Giáo phái” ngoài Công Giáo. Tuy nhiên để bảo vệ chân lý tinh tuyền, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin không có chọn lựa nào khác.
Nhưng mặc dù xác nhận Giáo Hội của Chúa Kitô tồn tại (subsists) trong Giáo Hội Công Giáo, Công Đồng Vaticanô II cũng không loại bỏ sự kiện là “bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội, còn có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý. Những yếu tố ấy là những ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, nên cũng thúc đẩy đến sự hiệp nhất công giáo.” ( cf.LG, no.8).
Nói khác đi, Giáo Hội nhìn nhận có ơn thánh hóa và một số yếu tố chân lý nơi các Giáo phái ngoài Công Giáo, nhưng Giáo Hội Công Giáo có đầy đủ phương tiện cứu chuộc của Chúa Kitô đến mức không cần phải được bổ túc thêm yếu tố nào khác từ các giáo hội hay giáo phái đang hoạt động bên ngoài Giáo Hội. Mọi chân lý đức tin đã được Chúa Kitô dạy dỗ và mặc khải trọn vẹn cho các Tông Đồ là nền tảng của Giáo Hội duy nhất của Chúa trên trần gian này. Vì thế, chức năng và danh xưng Giáo Hội ( Church) đúng nghĩa chỉ thuộc về Giáo Hội Công Giáo mà thôi. Riêng với các anh em Chính Thống Đông Phương, Giáo Hội nhìn nhận họ có chung một truyền thống tông đồ ( apostolic succession) cũng như có đủ bí tích hữu hiệu như Công Giáo, nhưng không vì thế mà họ là Giáo Hội chính danh như Giáo Hội Công Giáo, hay là một Giáo Hội thứ hai khác mà Chúa Kitô đã thiết lập từ đầu. Sỏ dĩ họ chưa hiệp nhất được với Giáo Hội Công Giáo vì có những bất đồng về tín lý từ năm 1054 cho đế nay, và đặc biết là về quyền bính của Đấng thay mặt Chúa Kitô để lãnh đạo Giáo Hội là Đức Thánh Cha, Thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
Trong hoàn cảnh còn phân ly hiện nay, Giáo Hội tha thiết mong tiến đến hiệp nhất với tất cả các anh em còn ở các “giáo hội” ngoài Công Giáo, đặc biệt là anh em Chính Thống Đông Phương, vì các anh em này gần Giáo Hội Công Giáo hơn tất cả mọi giáo phái mang danh Kitô khác.Giáo Hội mong muốn sớm đạt được sự hiệp thông sâu xa và trọn vẹn với tất cả mọi anh em còn ly khai để cùng nhau tuyên xưng một đức tin, một Phép Rửa và tôn trọng một uy quyền cai trị.
Kết quả cho đến nay, nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, một số tiến bộ đã đạt được trong nỗ lực hiệp nhất các Kitô hữu. Cụ thể, trong hai năm qua một số đông các giáo sĩ và tín hữu Anh Giáo ( Anglicans)đã xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Và để đón mừng họ và tạo điều kiện thuân lợi cho họ sống đức tin hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, Đức Thánh Cha Bê-nê-đich tô XVI, ngày 9-11-09, đã ban hánh Tông Thư Anglicanorum, cho phép thành lập các Giáo hạt Tòng nhân cũng như cho phép các cựu tín hữu Anh giáo được duy trì một số nghi thức phụng vụ theo truyền thống văn hóa của họ trong khi hiệp thông với Giáo Hội Công giáo về mọi phương diện khác. Giáo hạt tòng nhân có nghĩa là Giáo hạt được thành lập nơi có các cựu tín hữu Anh Giáo sống đạo trong lãnh thổ của một Giáo Phận Công Giáo Anh Quốc. Giáo hạt Tòng nhân đầu tiên là Giáo hạt Đức Mẹ Washingham dành cho các cựu Anh Giáo ở Anh và xứ Wales. Giáo Hạt này được trao cho cha Keith Newwton coi sóc. Ngài là một trong ba giám mục Anh Giáo được thụ phong Linh mục Công Giáo ngày 15-1-2011.Sở dĩ các cựu giáo sĩ Anh giáo như Giáo mục và linh mục phải được huấn luyện thêm và chịu chức linh mục Công Giáo vì Giáo Hội không công nhận việc truyền chức của Anh Giáo và các giáo phái ngoài Công Giáo.Chỉ có điểm đặc biệt là các cựu giáo sĩ Anh Giáo, sau khi được chịu chức linh mục Công Giáo, vẫn được phép sống với vợ con, như họ đã sẵn có gia đình từ trước khi gia nhập Công Giáo , nên họ được miễn trừ giữ luật độc thân( celibacy)vẫn áp dụng nghiêm ngặt cho hàng giáo sĩ tu sĩ Công Giáo.
Về phần các Giáo Hội Chính Thông Đông Phương thì năm 2010, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíchtô XVI đã sang thăm viếng Thổ Nhĩ Kỳ, và đã có cuộc gặp gỡ thân mật với Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống ở Istanbul. Riêng Giáo Hội Chính Thông Nga thì chưa tỏ dấu muốn xích lại gần Rôma vì họ cho rằng Giáo Hội Công Giáo muốn “lôi kéo” tín hữu Chính Thống Nga vào Công Giáo La Mã.
Chúng ta tiếp tục cầu xin cho sự hiệp nhất của các giáo phái còn chưa muốn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo duy nhất của Chúa Kitô trên trần thế này.
II. Tín hữu Công giáo có được từ bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái khác hay không?
Thực tế cho thấy là có nhiều tín hữu thuộc các tôn giáo hay giáo hội khác đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Và ngược lại, cũng có nhiều người Công giáo đã bỏ Đạo để theo Tin lành hay các giáo hội khác hoặc trở thành vô thần (atheist). Dĩ nhiên, không ai có quyền cấm đoán việc này vì con người có lý trí và tự do mà chính Thiên Chúa còn tôn trọng. Tuy nhiên, để bảo vệ chân lý của Chúa và vì muốn chăm lo cho phần rỗi của đoàn chiên được trao phó cho mình coi sóc, Giáo Hội Công Giáo đã tha thiết noi gương Chúa Kitô, Đấng Chăn Chiên lành không muốn mất một con chiên nào, dù phải bỏ 99 con phía sau để đi tìm con chiên bị lạc. Trong tinh thần và mục đích đó, Giáo Hội cố gắng rao giảng giáo lý tinh tuyền của Chúa Giêsu và làm chứng cho những chân lý ấy để củng cố đức tin của mọi tín hữu trong Giáo Hội và mời gọi người khác tin và gia nhập đoàn chiên duy nhất của Chúa Kitô dưới quyền chăn dắt của Chủ Chiên duy nhất là Đức Thánh Cha, Người kế vị Thánh Phêrô trong trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
Mặt khác, cũng vì tin tưởng vững chắc rằng Giáo Hội của Chúa Kitô, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, là phương tiện cứu rỗi cần thiết cho mọi người, nên Giáo Hội cũng dạy rằng : “Vì thế, những ai biết Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Kitô mà vẫn không muốn gia nhập hoặc kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.” (LG, số.14.)
Nói khác đi, những tín hữu đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo qua phép rửa và phép thêm sức cũng như đã được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Chúa Kitô qua Phép Thánh Thể, thì được mời gọi và mong đợi kiên trì sống đức tin, đức cậy và nhất là đức ái trong Giáo Hội để được cứu rỗi. Nhưng được rửa tội và gia nhập Giáo Hội mới chỉ là bước đầu cần thiết tiến đến ơn cứu rỗi mà thôi. Bước kế tiếp quan trọng hơn là phải thực thi và kiên trì sống những đòi hỏi của Phép Rửa: đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, yêu thương anh chị em như Chúa Giêsu đã dạy và cộng tác với ơn thánh để chừa bỏ mọi tội lỗi, xa lánh mọi gian tà, độc ác và dâm ô đầy rẫy ở mọi môi trường xã hội ngày nay.. Nếu không thực hành tốt bước thứ hai này thì dù có ở trong Giáo Hội cũng vô ích mà thôi, vì “tuy thể xác họ thuộc về Giáo Hội nhưng tâm hồn họ không ở trong Giáo Hội” (LG. số 14).
Đó là tình trạng của những người Công giáo chỉ có tên chứ không có thực hành, đang sống nửa nóng nửa lạnh, một tình trạng mà Chúa Kitô đã nghiêm khắc cảnh cáo như sau trong Sách Khải Huyền:
“Ta biết việc các ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống mà thực ra đã chết. Hãy thức tỉnh, Hãy củng cố chút sức còn lại đang suy tàn., vì Ta nhận thấy các việc của ngươi không được hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa của Ta…”( Kh 3 : 1-2)
Như vậy đủ cho thấy là nếu không tha thiết sống Đạo trong Giáo Hội Công Giáo mà cứ nửa nóng nửa lạnh như thực trạng của nhiều tín hữu ngày nay, thì dù đã chịu phép Rửa và gia nhập Giáo Hội cũng không ích gì cho phần rỗi của ai, như Chúa đã cảnh cáo thêm sau đây:
” Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” ( Kh 3: 15-16)
Mặt khác, những ai từ bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái khác thì cũng tương tự như trên. Lý do là, tuy bên ngoài Giáo Hội, có thể có một số yếu tố thánh hóa và chân lý nơi các tôn giáo khác, nhưng chỉ trong Giáo Hội của Chúa Kitô, ví như con Tàu ông Noe của thời Tân Ước, mới có đầy đủ mọi phương tiện cứu rỗi hữu hiệu là các bí tích mà thôi. Như vậy, không nên vì một bất mãn nào đó với ai, mà người tín hữu Công giáo có thể từ bỏ Giáo Hội, không muốn sống đức tin Công Giáo nữa để đi tìm phương tiện cứu rỗi ở nơi không có phương tiện hữu hiệu này, thì chắc chắn sẽ không tìm được như Công Đồng đã dạy trên đây.
Tóm lại, chỉ có một Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, là phương tiện hữu hiệu chuyên chở ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người cho đến ngày cánh chung tức ngày mãn thời gian mà thôi.
Chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã thiết lập Giáo Hội như Con Tàu cứu sống chúng ta trong cơn đại hồng thủy mới đang cuồn cuộn nổi lên để cuốn sâu vào lòng đại dương mọi sinh vật đang trôi dạt bên ngoài Con tầu cứu nguy này.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn