Giáo Hội: Bí Tích của Hi Vọng

Giới thiệu

Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Nguyên Tổ của nhân loại được dựng nên tốt lành, theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27). Tuy nhiên, Nguyên Tổ đã bất tuân phục, lạm dụng tự do, và hậu quả là con người đã trở nên tội lỗi. Sách Sáng Thế cũng cho biết rằng sau khi Nguyên Tổ phạm tội, Thiên Chúa đã ban lời hứa cứu độ là hi vọng cho toàn thể nhân loại (St 3,15). Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa không chỉ phục hồi con người theo hình ảnh Thiên Chúa mà còn cho họ trở nên con cái Thiên Chúa (Ga 1,12).

Hi  vọng của toàn thể nhân loại trở nên hiện thực nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính Người là điểm đến cho hi vọng của toàn thể nhân loại, cách cụ thể hơn, hi vọng của Cựu Ước và khởi đầu cho hi vọng mới, hi vọng Tân Ước. Cuộc đời của Đức Giêsu, từ nhập thể cho đến sống lại là minh chứng cho hi vọng mà Thiên Chúa đã hứa trong Sách Sáng Thế cũng như được quảng diễn trong lịch sử Cựu Ước của Dân Do Thái. 

 

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, cao điểm của hành trình trần thế, Đức Giêsu cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha rằng “lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”(Ga 17,24-26). Đức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ với Người, như Người hằng hiệp nhất với Đức Chúa Cha. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cũng là hi vọng của Người đối với các môn đệ mình và tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Hi vọng của Đức Giêsu tiếp tục được chuyển tải nhờ Giáo Hội, bí tích của Người giữa lòng thế giới. Sứ mệnh của Giáo Hội là làm cho hi vọng của Đức Giêsu được chia sẻ bởi tất cả mọi người để họ được sống hiệp nhất với nhau trên đường lữ hành về với Thiên Chúa, Nguồn và Đích của muôn loài thụ tạo.

 

Chủ đề ‘Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng’ quá rộng lớn vì liên quan đến ba ngành thần học: Thần Học Giáo Hội (Giáo Hội Học), Thần Học Bí Tích (Bí Tích Học), Thần Học Hi Vọng. Bài viết ngắn này không nhằm mục đích đào sâu hay khai triển cách mạch lạc các khía cạnh khác nhau liên quan đến nhận định ‘Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng?’, cũng không đào sâu hay khai triển tương quan giữa ba nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy (đức hi vọng), và đức mến) trong đời sống Kitô hữu. Bài viết được trình bày theo thứ tự sau: (1) Đặc Điểm và Tính Phổ Quát của Hi Vọng, (2) Hi Vọng trong Cựu Ước, (3) Hi Vọng trong Tân Ước, và (4) Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng.

 

1/ Đặc Điểm và Tính Phổ Quát của Hi Vọng

 

Để có một định nghĩa chính xác, ngắn gọn, và súc tích về hi vọng dường như nằm ngoài tầm khái quát của bất cứ người nào.[1] Xem ra chúng ta nhận thức về tình yêu cũng như niềm tin cách dễ dàng hơn là hi vọng bởi vì tình yêu đúng nghĩa luôn ở thì hiện tại và con người có thể cảm nghiệm được. Chúng ta cũng có thể nói như vậy đối với niềm tin, có nghĩa rằng niềm tin có thể cảm nhận, có thể phân định dễ dàng hơn nhờ lý trí lành mạnh. Đối với hi vọng thì không nhất thiết phải như vậy, hi vọng luôn kèm theo ‘những gì đó’ mạo hiểm và đòi hỏi nhiều hi sinh, nhiều kiên nhẫn hơn. Tình yêu, niềm tin, và hi vọng đi cùng nhau và định nghĩa nhau, trong đó, hi vọng có thể xem là trung gian giữa tình yêu và niềm tin. Trong một số hoàn cảnh, niềm tin và hi vọng có thể ‘đổi chỗ cho nhau’, chẳng hạn, nói rằng ‘tôi tin tưởng vào Thiên Chúa’ cũng không khác lắm với nói rằng ‘tôi hi vọng vào Thiên Chúa’.[2]  Sự khó khăn của việc định nghĩa hi vọng phần vì tính phổ quát của hi vọng trong xã hội loài người, phần vì sự đa dạng về hình thức của hi vọng nơi mỗi người trong những hoàn cảnh cụ thể. Do đó, thay vì định nghĩa hi vọng, người ta thường mô tả hi vọng dựa trên kinh nghiệm sống của mình.[3] 

 

Chúng ta biết rằng đã là người ai cũng hi vọng, cho dù đó là hi vọng hão huyền, chẳng hạn, người giàu hi vọng được giàu thêm, người nghèo hi vọng sẽ đến lúc giàu có. Người khỏe mạnh hi vọng sức khỏe của mình được kéo dài, người đau ốm hi vọng được khỏe mạnh trở lại. Kẻ sắp chết hi vọng được nhiều người tưởng nhớ. Không có hi vọng, cuộc sống con người trở nên nhàm chán, vô nghĩa, không lối thoát. Hơn nữa, không có hi vọng, con người có thể suy nghĩ và hành động theo những cách thức tiêu cực nhất, có thể phương hại nghiêm trọng cho bản thân cũng như anh em đồng loại. Hi vọng không còn là một chọn lựa giữa các chọn lựa khác trong cuộc sống con người mà là yếu tố có tính quyết định vận mệnh con người. Hi vọng chi phối con người từ cách suy nghĩ, cách hành xử, cách thiết lập các tương quan, đến cách định vị đời sống mình trong môi trường trần thế. 

 

Hi vọng thuộc bản tính con người. Dù ý thức hay vô thức, từ khi hình thành trong lòng mẹ tới lúc lìa đời, hi vọng luôn hiện diện trong mọi biến cố của mỗi người. Chẳng hạn, bản tính hi vọng nằm sâu trong tiềm thức của đứa trẻ và chi phối các hoạt động đứa trẻ, cho dù đứa trẻ chưa ý thức đủ về mình cũng như những tương quan khác trong môi trường xung quanh. Hi vọng làm trung gian giữa thế giới hiện tại và thế giới mai ngày. Tương lai của con người được bắt đầu ở hiện tại và hi vọng chính là động lực căn bản giúp con người làm được điều đó. Nói cách khác, ai hi vọng, người đó có tương lai và ai mang hi vọng gieo rắc, người đó sẽ thu lượm hoa thơm trái ngọt. Không có hi vọng cũng đồng nghĩa với không có tương lai. Hi vọng cho phép con người được ngẩng đầu lên khi bị ngã gục bởi sức nặng tâm hồn, thể xác, bởi bấp bênh của thế sự. Hi vọng làm cho con người luôn cảm thấy nhu cầu phải đi ra, phải gặp gỡ, phải thiết lập các mối tương quan mới để có thể thay thế hoặc siêu thăng các mối tương quan hiện tại. Ai hi vọng thì không cô đơn, ai hi vọng thì không phải sống cô độc!

 

Hi vọng không chỉ tồn tại trong đời sống cá nhân mà còn trong đời sống tập thể nữa với nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn, kinh nghiệm về hi vọng của gia đình, của dòng tộc, của cộng đoàn, của quốc gia, của toàn thể nhân loại. Hi vọng hiện diện trong các môi trường tôn giáo, văn hóa, xã hội, chính trị. Hi vọng vừa chi phối, vừa định dạng các hình thức tập thể này. Chẳng hạn, hi vọng đóng vai trò quyết định trong việc hình thành, phát triển, và hoạt động của một thể chế. Hi vọng đúng đắn, sẽ cho phép thể chế này được hình thành đúng tầm mức, tồn tại lâu dài, và hoạt động hiệu quả nhằm đem lại lợi ích cho những người trong đó, bằng không, thể chế này trở thành rào cản cho sự phát triển con người toàn diện. 

 

Hi vọng vừa là căn bệnh kinh niên của tất cả mọi người, đồng thời cũng là liều thuốc bổ cho chính họ. Hi vọng là căn bệnh kinh niên theo nghĩa rằng không có hi vọng nào lại miễn nhiễm tất cả các hình thức đau khổ và hao tổn về thể chất lẫn tinh thần. Hi vọng càng nhiều, càng lâu thì đau khổ và hao tổn càng lớn, càng kéo dài. Hi vọng là liều thuốc bổ theo nghĩa rằng hi vọng là điều còn lại sau khi con người đã lao nhọc, đã vật lộn, đã cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề mà không thể nào giải quyết được. Hi vọng là điều còn lại sau khi con người đã mất tất cả những gì mình mơ tưởng, mình sở hữu hay muốn sở hữu mà không thể đạt được.[4]

 

Người ta có thể giam hãm ai đó, chứ không giam hãm được hi vọng của họ. Người ta có thể giết chết người, chứ không thể giết chết hi vọng của người đó. Hi vọng của con người là hi vọng sống. Bao lâu con người còn hi vọng, bấy lâu con người còn sống, hay ngược lại, bao lâu con người còn sống, bấy lâu con người còn hi vọng. Chúng ta có thể nói rằng người đang sống mà không hi vọng thì như người đang chết và người đang chết mà hi vọng thì như người đang sống vậy. Hi vọng là vốn quí nhất của con người trong cuộc sống. Tác giả Sách Giảng Viên nói rằng “những ai còn sống trong cõi dương gian mới có hi vọng mà thôi, vì con chó sống thì hơn con sư tử chết” (Gv 9,4). Hi vọng là chỗ dựa an toàn cho những gì bất cập hay vượt tầm kiểm soát của con người. Chẳng hạn, một chiếc thuyền tắt máy giữa phong ba bão táp. Hi vọng của những người trên thuyền là có ai đó cứu hộ hoặc tìm được một hoang đảo nào đó để có thể trú ngụ, để có thể kéo dài cuộc sống mong manh giữa biển khơi dậy sóng. Nhờ đó, họ có thể tiếp tục cuộc hành trình với nhiều hứa hẹn khác.

 

Hi vọng luôn được thể hiện như một lộ trình vươn xa, như một dự án dang dở, như một viễn cảnh đa màu trong đời sống mỗi người. Hi vọng là con đường còn lại sau khi các con đường khác đã bế tắc. Quả vậy, con người bị giới hạn bởi không gian, thời gian, sức khỏe, môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa, môi trường xã hội, và các yếu tố khác. Tâm hồn con người luôn khao khát và khắc khoải những gì tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, bình an hơn, hòa hợp hơn. Tuy nhiên, thực tế lắm lúc phũ phàng, không chỉ ngăn cản con người đạt được điều mình hi vọng mà còn làm cho những gì mình đang có bị biến dạng, thậm chí vượt khỏi tầm tay của mình. Trong những hoàn cảnh như vậy, con đường cuối cùng chính là con đường hi vọng, con đường mở ra những khả thể thay đổi tình thế hiện tại.[5]

 

Hi vọng luôn luôn đi đôi với những thách đố trong cuộc sống. Không có những thách đố thì hi vọng kém phần giá trị. Chính những thách đố làm cho hi vọng được mạnh mẽ hơn và gột rửa hi vọng nên tinh tuyền hơn. Hi vọng luôn ẩn chứa tình yêu, trung tín, hi sinh, tin tưởng, khao khát những gì tốt đẹp ló rạng. Hơn thế nữa, chính hi vọng là nguồn cảm hứng cho những phát minh, sáng tạo, đổi mới không ngừng nghỉ của con người qua mọi thời và khắp mọi nơi.[6] Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy rằng những phát minh sáng tạo đột biến trong lịch sử đều phát xuất từ những con người có hi vọng, hoài bão lớn lao cho gia đình nhân loại.

 

Chúng ta có thể nói rằng hi vọng với trương độ chỉ vươn tới sự chết và kết thúc tại đó quả thật là ‘hi vọng khốn khổ nhất’, nói đúng hơn, đó là thất vọng lớn nhất mà con người ai cũng muốn trì hoãn hay tránh càng xa càng tốt. Hi vọng vượt qua vực thẳm sự chết được xem là hi vọng lớn lao nhất của con người. Các hình thức hi vọng khác có thể được xem là dẫn xuất của hi vọng này. Chẳng hạn, hi vọng được khỏi bệnh tật hay được sống lâu là dẫn xuất điển hình của hi vọng trường sinh bất tử hay hi vọng vượt qua vực thẳm sự chết. Khi con người đặt những câu hỏi, chẳng hạn, ‘vũ trụ từ đâu mà có?’, ‘vũ trụ sẽ ra sao trong tương lai?’, ‘con người từ đâu đến?’, ‘con người đi đâu?’ cũng là khi trong lòng con người trào dâng hi vọng về hừng đông tươi mới của chính mình, của anh em đồng loại, và của thế giới thụ tạo.

 

Trong cuộc sống, không phải tất cả hi vọng đều giống nhau, mà có trật tự ưu tiên của nó. Những gì càng khó đạt được thì hi vọng càng cao hơn. Những gì thuộc thế giới siêu nhiên thì hi vọng càng mãnh liệt hơn. Điều này đã được Platon mô tả cách tổng quát là con người luôn mơ về thế giới linh tượng, thế giới thực, thế giới hoàn hảo, thế giới không còn chết chóc hay biến đổi thất thường. Như thế, hi vọng vào đời sống vĩnh cửu luôn mãnh liệt hơn hi vọng vào đời sống lâu dài trong thời gian, cho dù thời gian đó kéo dài vô tận, bởi vì, vô tận của thời gian (nếu có) cũng thuộc về môi trường thụ tạo, còn vĩnh cửu thuộc về môi trường của Thiên Chúa, vĩnh cửu siêu việt và bao trùm thời gian. 

 

Hi vọng luôn được hiểu theo nghĩa năng động, hi vọng phát xuất từ quá khứ, chi phối hiện tại, và định hướng tương lai. Hi vọng đích thực luôn là một tiến trình có hướng và không bao giờ dừng lại ở một thời điểm nào đó, bao lâu tại thời điểm đó con người chưa được sự thỏa mãn toàn diện. Nói cách khác, hi vọng luôn hướng tới cánh chung, nơi sự thánh thiện, sự sống, sự thật, tình yêu trọn vẹn, nơi mà tất cả những gì con người khao khát trên trần gian được no thỏa. Rõ ràng nơi đó không thuộc môi trường thụ tạo này. Nơi đó thuộc về Thiên Chúa. Chính thánh Augustinô đã bày tỏ kinh nghiệm hi vọng của bản thân ngài khi nói “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con luôn xao xuyến cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”[7]

 

Hi vọng của con người không bao giờ dừng lại với những ai nhỏ hơn Thiên Chúa. Những gì chưa phải là sản phẩm cuối cùng của Thiên Chúa đều chưa đáp ứng được hi vọng thẳm sâu của con người. Hi vọng cho phép con người vươn cao, vươn xa tới môi trường Thiên Chúa. Hi vọng cho phép con người tiếp cận mầu nhiệm sự sống, sự sống hiện tại cũng như sự sống vĩnh hằng. Con người chỉ đạt được hi vọng trọn vẹn khi họ được hưởng kiến Thiên Chúa (beatific vision) và được sống trong Người. Thánh Irênê nói rằng “vinh quang Thiên Chúa là con người được sống và sự sống con người hệ tại ở việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa.”[8] Theo thánh Irênê, khi đó con người hoàn toàn thuộc về Chúa và ở trong Người, bởi vì khi đó, chính họ đã ở trong Nguồn và Đích của hi vọng. 

 

Ngôn ngữ hi vọng vang lên trong hầu hết các sách Kinh Thánh, từ Cựu Ước tới Tân Ước. Chúng ta có thể nói rằng ngôn ngữ Kinh Thánh là ngôn ngữ hi vọng và các ngôn ngữ khác được xem là bổ trợ cho ngôn ngữ hi vọng. Nói cách khác, chủ đề quán xuyến của Bộ Kinh Thánh Cựu Ước từ Ngũ Thư, đến các Sách Lịch Sử, các Sách Thi Ca và Minh Triết, các Sách Ngôn Sứ là hi vọng. Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngôn ngữ hi vọng vang lên từ các ngôn sứ, từ những người cầm quyền đến những người bình dân Do Thái thời Cựu Ước.

 

2/ Hi Vọng trong Cựu Ước

 

Tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại được thể hiện qua các giao ước. Giao ước giữa Thiên Chúa với A-đam, với Nô-ê, với Áp-ra-ham, với Mô-sê, và với Đa-vít luôn được diễn tả trong bối cảnh hi vọng, bởi vì chúng luôn mở ra chân trời mới mẻ, tương lai xán lạn, viễn cảnh huy hoàng cho toàn thể nhân loại, đặc biệt cho Dân Do Thái. Nhờ những giao ước này, trong cơn bĩ cực nhất, Dân Do Thái biết hướng lòng về Thiên Chúa, Đấng Trung Tín, luôn thực hiện những gì Người đã hứa. Sự trung tín của Thiên Chúa là hi vọng cho dân Do Thái, giúp họ có thể chịu đựng những thử thách lớn nhất trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Chẳng hạn, trong cảnh bất an, lưu đày, hay bị quân thù hà hiếp, Dân Do Thái không vơi lòng hi vọng vào sự vinh thắng cuối cùng của dân tộc họ.

 

Hi vọng của Dân Do Thái vào Thiên Chúa được thể hiện cách cụ thể với Tổ Phụ của họ, Áp-ra-ham, ‘cha của những kẻ tin’, đồng thời, cũng là ‘cha của những kẻ hi vọng’. Lịch sử của Dân Do Thái là lịch sử của hi vọng vào quyền năng, lời hứa, và vào sự công minh của Thiên Chúa. Chính vì hi vọng đó, Áp-ra-ham sẵn sàng sát tế đứa con trai duy nhất của mình được sinh ra trong lúc tuổi già. Sự thử thách của Thiên Chúa chạm đến ngưỡng thất vọng nhất của con người, tuy nhiên, Áp-ra-ham đã vượt qua được ngưỡng đó để thực thi ý định Thiên Chúa.[9] Dĩ nhiên, Thiên Chúa đã không để cho điều đó xảy ra, nhát dao đã không bổ xuống thân hình bé nhỏ I-xa-ác, thay vào đó là con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây (St 22,13). Sự vâng phục, niềm tin, và hi vọng của Áp-ra-ham trở thành mẫu gương cho toàn thể Dân Do Thái cùng tất cả mọi người trong lịch sử nhân loại. 

 

Sau Áp-ra-ham, một con người khác cũng được Thiên Chúa kêu gọi và gieo hi vọng cách đặc biệt để ông dẫn dắt Dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đó là Mô-sê. Thiên Chúa kêu gọi Mô-sê, cho ông biết Người là Đấng Hiện Hữu, Đấng là Thiên Chúa của tổ phụ Dân Do Thái ‘Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp’, Đấng mà Dân Do Thái kêu cầu từ đời nọ đến đời kia (Xh 3,13-15). Kinh nghiệm Xuất Hành từ Ai Cập trở về Đất Hứa là kinh nghiệm hi vọng sâu đậm đối với Dân Do Thái. Dưới sự dẫn dắt của Mô-sê, Dân Do Thái đã trải qua 40 năm trong sa mạc với nhiều thử thách trong tương quan với Thiên Chúa, trong chính nội bộ dân này, và trong tương quan với các dân khác ở Palestine. Cuối cùng thì hi vọng Đất Hứa đã được Thiên Chúa thực hiện, trong khi giấc mơ Ai Cập ‘ăn cá mà không phải trả tiền’ hay xứ sở có đầy ‘dưa gang, dưa bở, hẹ, hành, tỏi’ trôi vào dĩ vãng (Ds 11,4-6). 

 

Chính Gia-vê là Đấng đã luôn tiếp sức và cho phép các chiến binh Do Thái trở thành những ‘tay võ nghệ cao cường’ để có thể đương đầu với các chiến binh của các dân tộc khác khi họ từ Ai Cập về Palestine. Chiến thắng của Dân Do Thái, từ chiến thắng Biển Đỏ chống lại quân của Pha-ra-ô  đến các chiến thắng khác trong vùng Palestine là nhờ vào ‘cánh tay của Đấng mà họ luôn đặt hi vọng’. Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của Dân Do Thái, vị Thiên Chúa mà họ luôn hi vọng, trước hết là vị Thiên Chúa cứu họ khỏi tay địch thù, đồng thời, cũng là vị Thiên Chúa cho họ Man-na để họ có thể sống sót trong sa mạc hoang vu hiu quạnh, không sự sống (Xh 16,1-35). Não trạng này còn kéo dài tới thời Tân Ước, chẳng hạn, khi Đức Giêsu làm cho bánh hóa ra nhiều từ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của một em bé cho hơn năm ngàn người ăn, thì dân chúng muốn tôn Người làm Vua của họ (Ga 6,1-15). Hi vọng được cứu độ, được hồi hương, được tái tạo, được cuộc sống sung túc luôn nẵm trong tâm khảm của những người Do Thái qua muôn thế hệ. 

 

Dân Do Thái hi vọng thoát khỏi tay địch thù là một trong những chủ đề quan trọng của các sách Cựu Ước. ‘Cứu độ’ đối với Dân Do Thái thời Cựu Ước mang tính gia đình, bộ tộc, dân tộc, vương quốc hơn là cá nhân (Tv 130,7). Não trạng này còn vang vọng tới thời Tân Ước. Chẳng hạn, liên quan đến quyết định bắt và giết Đức Giêsu, các thượng tế và Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và Cai-pha đã nói rằng “các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,49-50). Chúng ta dễ dàng nhận ra tính tập thể trong hi vọng của Dân Do Thái trổi vượt so với các dân tộc khác sau khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 70 AD và kéo dài mãi tới hôm nay.

 

Hi vọng của Dân Do Thái trong Cựu Ước mang nhiều sắc thái khác nhau tùy theo từng thời kỳ lịch sử: Trước thời Lưu Đày, trong thời Lưu Đày, biến cố Xuất Hành, về lại Đất Hứa, thiết lập vương quốc cùng những chuyển biến không ngừng thời sau đó. Ngay trong mỗi cuốn sách, chúng ta nhận thấy chủ đề hi vọng rất đa dạng, chẳng hạn, Is 1-39 so với Is 40-66. Từ thời Cựu Ước tới thời Tân Ước, hi vọng của Dân Do Thái cũng không nhất quán. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về hi vọng của các ngôn sứ so với hi vọng của những tầng lớp khác trong xã hội Do Thái trong những thế kỷ cuối thời Cựu Ước và những thập niên đầu của Tân Ước như: Nhóm Xa-đốc, nhóm Pha-ri-sêu, nhóm Ét-xê-nô, nhóm Sa-ma-ri, nhóm Hê-rô-đê. Não trạng khác biệt giữa nhóm Xa-đốc và nhóm Pha-ri-sêu liên quan đến sự sống lại là ví dụ điển hình (Lc 20,27-40; Mt 22,23-33; Mc 12,18-27).[10]   

 

Hi vọng của truyền thống ngôn sứ Cựu Ước luôn mở ra chân trời mới, không chỉ dừng lại ở chiều kích chính trị, xã hội, sự hưng thịnh quốc gia, điều kiện vật chất hằng ngày, cơ sở thờ tự, hay sự trổi vượt các dân tộc xung quanh về mọi mặt (Gr 29,11). Sự cứu độ của Dân Do Thái không chỉ dừng lại ở việc ‘quân thù bị đánh bại’ mà còn hướng tới sự toàn thiện và công chính của Thiên Chúa được thể hiện trong mọi chiều kích của cuộc sống (Is 51,15). Nói cách khác, hi vọng của truyền thống ngôn sứ hướng tới thời cánh chung (dĩ nhiên, không thể hiểu theo nghĩa của Tân Ước), thời mà quyền năng của Thiên Chúa ngự trị và ơn cứu độ của Thiên Chúa được tỏ bày. Chúng ta có thể tìm được nhiều trích đoạn điển hình theo nghĩa này ở sách I-sai-a và Giê-rê-mi-a (Is 4,2-3; Gr 3,23). 

 

Trong một số hoàn cảnh, đối với Dân Do Thái, tình thương, sự cứu độ, và sự công chính của Thiên Chúa chưa được tỏ bày là vì tội lỗi của chính họ (St 4,1-16; St 18,16-33; Is 1,10-20). Sự chậm trễ của Thiên Chúa trong việc làm cho hi vọng của họ trở nên hiện thực có nguyên do từ sự bất trung, bất tín của chính họ, đặc biệt, sự xao lãng bổn phận của họ trong việc thờ phượng hay quay lưng với Thiên Chúa để hướng về phía tà thần, hay xem thường giới răn Thiên Chúa khi đối xử với người khác. Do đó, việc thường xuyên thanh tẩy và chọn đời sống thánh thiện trên bình diện cá nhân cũng như các hình thức tập thể hay toàn bộ dân tộc Do Thái là điều tiên quyết để hi vọng được thực hiện theo đúng lộ trình (Xh 20,1-21; Tv 50). 

 

Khi tìm hiểu và suy tư về chủ đề hi vọng trong Cựu Ước, chúng ta thấy rằng các Thánh Vịnh là nơi mà chủ đề hi vọng được tìm thấy nhiều nhất. Những lời cầu nguyện tha thiết của Dân Do Thái, cá nhân cũng như tập thể, biểu lộ lòng khát khao của họ đối với Thiên Chúa. Đối với các tác giả Thánh Vịnh, Thiên Chúa là nền tảng, là núi đá, là Đấng bênh vực kẻ bị áp bức. Người là chỗ dựa cuối cùng trong cơn tuyệt vọng, quẫn bách và là tương lai của những kẻ khốn cùng (Tv 22,1-51). Họ xác tín rằng ơn cứu độ và sự công chính của Thiên Chúa sẽ được thực hiện. Sự mong muốn được giải thoát khỏi tội và bước đi trên đường thánh thiện chỉ có thể được thực hiện khi họ có Thiên Chúa ở cùng. Được Thiên Chúa bênh đỡ họ sẽ chống lại mọi địch thù, địch thù bên trong là tội lỗi của họ và địch thù bên ngoài là những kẻ áp bức họ cách vô cớ (Tv 33,22; Tv 39,8; Tv 42,12; Tv 70,3-5; Tv 113,4-6; Tv 119,114; Tv 130,5; Tv 130,7; Tv 147,10-11). 

 

Khi đề cập đến sự sống lại và sự sống vĩnh cửu, chúng ta nhận thấy rằng đối với Dân Do Thái thời Cựu Ước, điều quan trọng hơn là cuộc sống hiện tại. Sự thưởng phạt chủ yếu xảy ra cách nhãn tiền trên bình diện cá nhân cũng như tập thể hay quốc gia, và có thể xảy ra cho các thế hệ con cháu kế tiếp (Cn 10,27-28). Não trạng này còn tồn tại đến thời Tân Ước (Ga 9,1-41). Tuy nhiên, chúng ta tìm thấy đây đó những ý niệm về sự sống sau khi chết hay sự sống lại của những người đã qua đời trong văn chương khôn ngoan và ngôn sứ. Một số cá nhân được xem là được đem đi sau cuộc sống trần thế, chẳng hạn, Kha-nốc (St 5,21-24), Ê-li-a (2 V 10,1-17). Sa-mu-en là trường hợp khá điển hình về sự tỏ bày của người chết đối với người sống (1 Sm 28,3-25). Nhìn chung, niềm hi vọng vào sự sống lại được diễn tả cách tiệm tiến theo dòng lịch sử, những sách cuối cùng của bộ Cựu Ước diễn tả cách tỏ tường hơn (1 Mcb 2,61; 2 Mcb 2,18; 2 Mcb 7,11; 2 Mcb 7,13-14; 2 Mcb 12,43-45). Hi vọng vào sự sống lại và sự sống vĩnh cửu đạt tới đỉnh điểm trong biến cố Đức Kitô (the Christ Event) của Tân Ước.[11]

 

3/ Hi Vọng trong Tân Ước

 

Sứ mệnh của Đức Giêsu trên trần gian có thể được gọi là sứ mệnh hi vọng, sứ mệnh được Sách Sáng Thế trình bày sau khi Nguyên Tổ phạm tội cũng như các sách khác của bộ Kinh Thánh Cựu Ước đào sâu và diễn tả (St 3,15; Is 7,14; Is 61,1-2). Như đã được đề cập ở trên, hi vọng là chủ đề quán xuyến lịch sử Dân Do Thái. Chủ đề này được khơi dậy bởi các tiên tri, tư tế, và các nhà lãnh đạo Dân Do Thái qua các thế hệ. Hi vọng của Dân Do Thái Cựu Ước liên quan đến việc giải phóng ‘khỏi tay địch thù’ chủ yếu theo nghĩa chính trị, xã hội, và là hình bóng cho sự giải phóng đích thực, đó là sự giải phóng khỏi tội lỗi và sự chết về mặt tâm linh. Trong nhãn quan Kinh Thánh Tân Ước, sự chết về mặt thể lý theo lẽ tự nhiên không nghiêm trọng bằng sự chết về mặt luân lý, đặc biệt sự chết vĩnh cửu, sự chết mà con người không còn mảy may chút hi vọng về sự biến đổi nào khác cho tình trạng khốn cùng của mình (Mt 25,31-46; Lc 16,19-31).[12] 

 

Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu không chỉ là Đấng đem hi vọng cho nhân loại, mà còn là Người Tôi Tớ Đau Khổ cho hi vọng. Hơn thế nữa chính Người là Hi Vọng cho toàn thể mọi người (1 Tm 1,1). Như vậy, theo mặc khải Tân Ước, hi vọng mà toàn thể nhân loại hướng tới không phải là một ý tưởng cao siêu nào đó, một lý thuyết nào đó hay là một cái gì đó, mà chính là Đức Giêsu. Hi Vọng mà nhân loại mong đợi là một Đấng, một Nhân Vị, một Con Người, Ngôi Hai Thiên Chúa từ môi trường Thiên Chúa đến với môi trường nhân loại. Người giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Thánh Phêrô cũng có kinh nghiệm này khi khuyên dạy các tín hữu rằng “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của anh em” (1 Pr 3,15).[13]

 

Để duy trì và củng cố hi vọng của Dân Do Thái, bằng nhiều hình thức và đường lối khác nhau, Thiên Chúa đã thông truyền ý định của Người qua các tiên tri và các bậc lãnh đạo Do Thái (Dt 1,1-4). Khi thời gian tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã thông truyền với Dân Do Thái và toàn thể nhân loại bằng chính Con của Người. Với sứ mệnh của mình, Đức Giêsu chỉ cho nhân loại biết chính Người là Đường, Đường Hi Vọng đúng nghĩa và đầy đủ nhất. Từ cổ chí kim, từ Đức Phật (của Phật Giáo) tới Mohamed (của Hồi Giáo), từ Lão Tử (của Lão Giáo) tới Khổng Tử (của Khổng Giáo), không ai cho mình là Đường, họa chăng, họ là ngón tay chỉ Đường (Đức Phật), hoặc không biết Đường (Lão Tử và Khổng Tử), hay tiên tri của Đường (Mohamed) mà thôi. Cuộc sống, sự chết, và sự phục sinh của Đức Giêsu chỉ ra rằng Người là Đường Hi Vọng cho toàn thể nhân loại, Đường nối kết tất cả những hoài bão, khao khát, và đợi chờ của toàn thể nhân loại.

 

Hi vọng Đức Giêsu mang đến không loại trừ bất cứ hi vọng chân thành nào của con người trong dòng lịch sử cho dù họ là ai, thuộc chủng tộc, tôn giáo hay văn hóa nào. Hi vọng Đức Giêsu mang đến là hi vọng cho phép gắn kết các hình thức hi vọng chân thành trong dòng lịch sử nhân loại. Mặt khác, hi vọng Đức Giêsu mang đến cũng có tác dụng thanh luyện và dẫn đưa những hình thức hi vọng khác về hướng sung mãn nhất. Như thế, hi vọng đúng nghĩa bất kỳ dưới hình thức nào cũng tìm được chỗ đứng của mình trong hi vọng Đức Giêsu mang đến, bởi vì, xét cho cùng, những gì tốt lành, những gì thánh thiện, những gì cho phép con người sống xứng đáng hơn với nhân phẩm của mình đều phát xuất từ Thiên Chúa. Do đó, không có hình thức hi vọng đúng nghĩa nào lại vắng bóng Thiên Chúa.[14] 

 

Hi vọng Đức Giêsu mang đến không chỉ dừng lại ở chỗ thần hóa hi vọng của con người trong tương quan với Thiên Chúa mà còn các tương quan khác nữa. Chẳng hạn, hi vọng vào sự biến đổi của tất cả các thụ tạo được đặt trong bối cảnh chung với hi vọng vào sự sống lại và giải thoát của con người. Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu thêm điều này khi nói rằng “cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8,22-23). Như vậy, chúng ta không chỉ hi vọng cho sự biến đổi bản thân mình cũng như toàn thể nhân loại, mà còn hi vọng cho sự biến đổi của những gì thuộc về Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo hướng về sự biến đổi chung cuộc của trời mới đất mới (Kh 21,1).

 

Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng hi vọng của con người đúng nghĩa phải là hi vọng đặt nền tảng trên tình yêu.[15] Bao lâu hi vọng chưa đặt trên nền tảng tình yêu, bấy lâu hi vọng đó còn mù quáng, còn giả tạo, và nhiễm tính hão huyền. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là ‘tình yêu nào đây?’. Trên trần gian này ai cũng có kinh nghiệm về tình yêu, tôn giáo nào cũng nói về tình yêu, vậy, đâu là tiêu chuẩn? Chính Đức Giêsu đã đưa ra câu trả lời, đó là tình yêu hi sinh, tình yêu quên mình, tình yêu phục vụ theo cách của Đức Giêsu, cách mà Người gọi đó là ‘điều răn mới’: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Người còn giải thích thêm rằng “đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Như thế, tình yêu mà Đức Giêsu nói tới là tình yêu ngang qua thập giá, tình yêu thể hiện nơi thung lũng của sự chết, nơi sa mạc khô cằn của đau khổ, nơi hi vọng con người lịm tắt, nơi mà đối với con người mọi sự trở nên vô nghĩa.

 

Với Đức Giêsu, thập giá, dấu chỉ sự thất vọng tột cùng của con người lại trở thành hi vọng tột cùng của họ. Suy tư về thập giá, chúng ta càng hiểu rõ hơn lời Thiên Chúa nói trong sách tiên tri I-sai-a rằng tư tưởng của Người không phải là tư tưởng của nhân loại và đường lối của Người siêu vượt đường lối của nhân loại (Is 55,8-9). Khi đề cập đến thập giá Đức Giêsu, thánh Phaolô đã nói rằng người Do Thái tìm điềm thiêng dấu lạ, người Hi Lạp tìm sự khôn ngoan, còn thánh nhân và các môn đệ của Đức Giêsu lại rao giảng thập giá, đối với người Do Thái là ô nhục, đối với dân ngoại là điên rồ, nhưng lại là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,22-25). Với thập giá, Đức Giêsu biến thất vọng thành hi vọng, biến chết thành sống, biến hận thù thành yêu thương, biến sự dữ thành sự lành, biến ghen ghét thành tha thứ, biến đau thương thành hạnh phúc. Như thế, hi vọng mà Đức Giêsu tỏ bày là hi vọng ngang qua thập giá, ngang qua hận thù, ngang qua nỗi đau khổ nhất mà con người có thể cảm nghiệm trong cõi nhân sinh. Chính Người đã mang lấy thập giá, chịu đóng đinh vào thập giá và biến thập giá thành Thánh Giá. Như thế, hi vọng của con người đúng nghĩa khi hi vọng đó được kết hợp với thập giá Đức Giêsu để được Người nâng đỡ, thanh luyện, và biến đổi.[16] 

 

Với biến cố thập giá, Đức Giêsu không chỉ thấy hay chạm đến ngưỡng sự chết, mà chính Người đã chết. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá chỉ ra rằng nơi sự đau khổ tột cùng của con người cũng chính là nơi tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ cách mãnh liệt nhất. Tận cùng của thập giá, tận cùng đau khổ, tận cùng của thất vọng, cũng chính là tận cùng của liên đới, tận cùng của tình yêu, tận cùng của hi vọng, tắt một lời, tận cùng sự thông hiệp giữa Thiên Chúa và thụ tạo mình. Qua biến cố thập giá, Thiên Chúa minh chứng điều đã được sứ thần Gáp-ri-en nói cùng Đức Ma-ri-a trong biến cố truyền tin “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) hay nói cách khác, đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Như thế, khi con người cậy dựa vào Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.[17] Thánh Phaolô nói với các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca rằng “thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hi vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4,13-14). Đối với thánh Phao-lô, Thiên Chúa của Đức Giêsu, Thiên Chúa mà những ai hi vọng, những ai phải vất vả, phải chiến đấu vì Người là Thiên Chúa hằng sống (1 Tm 4,10).[18] Chính vì hi vọng này mà thánh nhân đã thốt lên “đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).

 

Hình hài của hi vọng theo Tân Ước chính là sự sống lại của Đức Giêsu, khuôn mẫu cho hi vọng vào sự sống lại của muôn người.[19] Đây chính là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại.[20] Hi vọng Đức Giêsu tỏ bày cho toàn thể nhân loại là hi vọng rằng tiếng nói cuối cùng của lịch sử mỗi người, tiếng nói cuối cùng của lịch sử nhân loại, tiếng nói cuối cùng của thế giới thụ tạo này không phải là tiếng nói của đau khổ, của chết chóc, của sự dữ lên ngôi, nhưng là tiếng nói của Đấng Hi Vọng, của Thần Khí Hiệp Thông, của Chúa Cha Nhân Từ. Tiếng nói đó được thánh Phaolô diễn tả cách rõ hơn, đó là tiếng nói của công chính, bình an, và hoan lạc trong Thánh Thần (Rm 14,17). Dĩ nhiên, công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần vượt qua những gì mà chúng ta có thể cảm nghiệm (Mt 5,12). Đó là lý do giải thích tại sao thánh Phaolô nói rằng “mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9). Đó cũng là lý do giải thích tại sao thánh nhân lại nói rằng “nếu chúng ta đặt hi vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,19). 

 

Về mặt thực hành trên Đường Hi Vọng, Đức Giêsu cho chúng ta biết rằng con người phải từ bỏ những gì cản trở hành trình của mình. Họ không thể đồng thời, một mặt, hi vọng vào điều tốt đẹp nhất, mặt khác, lại tự mình dựng rào cản điều tốt đẹp nhất đó xảy đến (Mt 5,29-30; Mt 10,28). Chính điều mình hi vọng là động lực dẫn tới những thay đổi và mở ra những khả thể mới trong việc hoán cải. Người hi vọng chân thành đồng thời cũng là người thực hành đời sống chân thành. Sẽ là bất cập nếu không có sự hòa hợp giữa hi vọng và thực hành. Chẳng hạn, người ta không thể hi vọng vào điều tốt trong khi lại làm điều xấu. Người ta không thể một mặt hi vọng vào sự thánh thiện, mặt khác luôn đắm chìm trong thế giới của sự dữ, thế giới mà trong đó những gì xảy ra đều ngược với ý định của Thiên Chúa, ý định đem tất cả vạn vật tới viên mãn.[21] Do đó, sự đòi hỏi của Tin Mừng Hi Vọng thật lớn lao, đến nỗi tự sức mình (là những con người tội lỗi), chúng ta không thể nào đạt tới thực tại mà chúng ta hi vọng. Tuy nhiên, Thần Khí của Đấng Hi Vọng hoạt động trong môi trường nhân loại, đặc biệt trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô, luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời (Tt 3,6-7).

 

4/ Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng

 

a/ Căn Tính Bí Tích Hi Vọng của Giáo Hội

 

Như đã được đề cập ở trên, ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong nhân loại trong bối cảnh hi vọng, hi vọng được nảy sinh từ thuở ban đầu của tạo dựng, của lịch sử nhân loại, tiếp tục trong Cựu Ước, cụ thể hóa trong Tân Ước, và diễn tiến trong Giáo Hội cho đến tận thế. Ơn cứu độ được Đức Giêsu Kitô thực hiện ‘một lần cho tất cả’ không theo nghĩa chặt của sự đóng khung về không gian, thời gian, nhưng theo nghĩa một công trình đã, đang, và sẽ hoàn thành. ‘Hình hài’ của ơn cứu độ đã được định dạng trong Biến Cố Đức Kitô, đặc biệt, khi Người sống lại. Sự định dạng này vừa có tính qui tụ vừa có tính lan tỏa. Qui tụ theo nghĩa rằng ơn cứu độ đã tới thời viên mãn trong biến cố này. Lan tỏa theo nghĩa rằng ‘thời viên mãn’ của ơn cứu độ hướng về cánh chung, khi Thiên Chúa qui tụ muôn loài muôn vật trong Người (Ep 1,10). 

 

Để trả lời cho câu hỏi ‘tại sao Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng?’, chúng ta cần tìm hiểu đôi chút về căn tính của Giáo Hội. Chúng ta biết rằng không có một định nghĩa nào diễn tả đầy đủ thực tại có tên gọi là ‘Giáo Hội’ bởi vì thực tại này vừa là công trình của Thiên Chúa, vừa là công trình của con người; vừa thánh thiện bởi bản tính, vừa ôm ấp những người tội lỗi; vừa hiện diện trong thời gian, vừa siêu vượt thời gian. Kinh Thánh, truyền thống, và giáo huấn của Giáo Hội cho phép chúng ta hiểu Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần, thể chế, hiệp thông, hòa hợp, tôi tớ. Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu Giáo Hội qua những hình ảnh như cây nho, nắm bột trong men, ruộng lúa và nhiều hình ảnh khác nữa. Trong Kinh Thánh Tân Ước có khoảng 100 hình ảnh khác nhau về Giáo Hội.

 

Công Đồng Vatican II là Công Đồng đào sâu nhất về căn tính của Giáo Hội so với 20 công đồng chung trước đó, kể từ Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội, Công Đồng Nicea (325 AD). Thay vì diễn tả Giáo Hội theo các mô hình trước đó, đặc biệt mô hình Giáo Hội là xã hội hoàn hảo (Societas Perfecta – Perfect Society) gắn liền với Công Đồng Tren-ti-nô (1545-1563) như là phản ứng cần thiết đối với anh em Tin Lành cũng như một số chủ nghĩa nảy sinh sau đó, chẳng hạn, chủ nghĩa lý trí, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa thế tục, Công Đồng Vatican II đã diễn tả Giáo Hội là mầu nhiệm, là bí tích. Công Đồng Vatican II minh định tính bí tích của Giáo Hội ngay trong số đầu tiên của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium rằng “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1).

 

Công Đồng cũng khẳng định rằng “Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người” (LG 9). Ngoài ra, Công Đồng Vatican II cũng nhấn mạnh rằng Giáo Hội là Bí Tích hoàn vũ của ơn cứu độ (LG 48). Khi diễn tả Giáo Hội như vậy, Công Đồng Vatican II muốn nhấn mạnh đến tương quan mật thiết giữa Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội. Giáo Hội được Đức Giêsu Kitô thiết lập và ủy thác tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình trên trần gian với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội hiện diện vì Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội không hiện diện cho chính mình. Nói theo ngôn ngữ giáo hội học, Giáo Hội là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô trên trần gian và chính là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người.

 

Giáo Hội là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, mà Đức Giêsu Kitô là Hi Vọng của chúng ta (1 Tm 1,1), do đó, Giáo Hội chính là Bí Tích của Hi Vọng. Như đã được trình bày ở trên, hi vọng của Giáo Hội không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một con người cụ thể, Đức Giêsu Kitô, Người là Hi vọng của toàn thể nhân loại cũng như thế giới thụ tạo. Hơn thế nữa, Người cũng là Thầy dạy con người về Nguồn Hi Vọng đích thực là chính Thiên Chúa, Đấng hiện thực hóa hi vọng của những người thành tâm tìm kiếm Người. Chính Đức Giêsu Kitô, nhân danh toàn thể nhân loại nói lên hi vọng chân thành của tất cả mọi người. Đồng thời, cũng chính Người thiết lập Giáo Hội và ủy thác cho các môn đệ của Người tiếp tục loan báo Tin Mừng Hi Vọng cho toàn thể thế giới thụ tạo (Mc 16,15).

 

Ngoại trừ là Bí Tích của Hi Vọng, Giáo Hội không có lý do hiện hữu, thông truyền, và phát triển giữa lòng nhân thế. Hi vọng trở thành máu thịt của Giáo Hội và nhờ đó, Giáo Hội được gọi là thực tại tiếp tục sự hiện diện lịch sử của Đức Giêsu Kitô trên trần gian. Do đó, người ta không thể tiếp cận Giáo Hội mà không ý thức được căn tính hi vọng của chính Giáo Hội. Về căn bản, Giáo Hội được hiểu là cộng đoàn của những người hi vọng, cộng đoàn có từ đời đời trong ý định Thiên Chúa, cộng đoàn được tiên báo trong Cựu Ước, cộng đoàn xuất hiện với Biến Cố Đức Kitô, cộng đoàn được Chúa Thánh Thần thánh hóa và tiếp tục đồng hành cùng thế giới hướng về sự sung mãn của toàn thể thế giới thụ tạo trong thời cánh chung (eschaton) 

 

Là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng, Giáo Hội chính là công cụ, là dấu chỉ hi vọng cho toàn thể nhân loại. Giáo Hội cho nhân loại thấy rằng hi vọng thuộc căn tính của mình và hi vọng của Giáo Hội chính là Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Những gì Giáo Hội hi vọng cũng là những gì Giáo Hội đã, đang, và sẽ cảm nghiệm bởi vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Như thế, hi vọng của Giáo Hội là hi vọng ‘rồi mà chưa’ (already and not yet), hi vọng vừa được định dạng, vừa hướng về sự hoàn thành mỹ mãn trong Nước Thiên Chúa. 

 

Hi vọng trở thành nguyên lý cho sự hiện hữu và hoạt động của Giáo Hội giữa lòng thế giới. Đồng thời, hi vọng trở thành sức sống cho Giáo Hội lữ hành với những khó khăn, bất trắc phát xuất từ Giáo Hội xét như là một xã hội giữa lòng thế giới cũng như phát xuất từ các thực tại khác đang cùng đồng hành với Giáo Hội. Giữa cảnh trắng đen, sáng tối, và thánh thiêng trần tục lẫn lộn, khó phân biệt, Giáo Hội dõi bước theo sự hướng dẫn của Thần Khí Đức Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần. Như thế, Giáo Hội lệ thuộc vào Chúa Thánh Thần trong mọi hoàn cảnh của đời sống mình, bằng không, Giáo Hội là thực tại qui tụ những người cao ngạo, tiếp tục xây tháp Ba-ben của thời đại mới.

 

Trong Cựu Ước, nhân loại với hi vọng xây tháp Ba-ben để tiếp cận môi trường Thiên Chúa theo ý riêng mình, để thể hiện chính mình, để danh mình được cả sáng. Hậu quả là thất vọng ê chề, tháp hoàn toàn bị sụp đổ vì Thiên Chúa ‘xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất’, khiến họ không thể đồng sức đồng lòng để xây tháp đó (St 11,1-9). Tại Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chính Chúa Thánh Thần xây Tháp Hi Vọng đó chính là Giáo Hội. Chúa Thánh Thần xây tháp này là thành trì của Thiên Chúa ở trần gian dựa trên những viên đá sống động, những viên đá khiêm tốn, những viên đá hi vọng, những viên đá tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Tháp Hi Vọng này tiếp tục được xây và ngày càng vươn lên giữa lòng thế giới.[22]

 

Khi nói rằng Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng, đồng thời, chúng ta cũng nói rằng Giáo Hội không kết thúc ở chính mình. Giáo Hội không nhằm vào chính mình, mục đích của Giáo Hội không phải là mục đích tự thân. Trái lại, Giáo Hội ý thức rằng mình là công cụ, là ngọn đèn cho phép con người nhận ra đâu là hi vọng đích thực. Vì là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, vì là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô, sự hiện diện của Giáo Hội cũng chính là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự hiện diện của Giáo Hội luôn hướng tới sự hiện diện sung mãn của Nước Thiên Chúa trong thời cánh chung. 

 

Đặc tính hi vọng của Giáo Hội luôn được diễn tả trong các bí tích cụ thể nhằm nuôi dưỡng đời sống của các thành phần Giáo Hội: Rửa Tội, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh, và Hôn Phối. Mỗi bí tích diễn tả đặc tính hi vọng của cộng đoàn Giáo Hội cũng như hi vọng của mỗi cá nhân khi lãnh nhận các bí tích này. Nói cách khác, tính bí tích của Giáo Hội (sacramentality of the Church) luôn in đậm dấu ấn của hi vọng, dấu ấn của một khởi đầu mới cho một tương lai tốt đẹp hơn. Hi vọng và bí tích gần nhau đến nỗi, cử hành các bí tích cũng là cử hành hi vọng. Bao lâu con người còn hi vọng cũng như sống đúng với hi vọng đó, bấy lâu hiệu quả của bí tích còn hiện diện và hoạt động trong đời sống họ. 

 

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, người tín hữu hi vọng rằng nhờ bí tích này, họ sẽ được tái sinh trong sự sống mới của Chúa Ba Ngôi và được trở nên thành phần sống động trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô. Khi chịu Bí Tích Thêm Sức, người tín hữu hi vọng rằng họ được hưởng tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để cùng với các thành phần khác trong Giáo Hội làm chứng cho Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng Hi Vọng của Người giữa lòng thế giới. Khi chịu Bí Tích Thánh Thể, người tín hữu hi vọng rằng họ trở nên một với Đức Giêsu Kitô và ý thức hơn về sự cần thiết của sự hiệp nhất trong Giáo Hội như muôn hạt lúa miến làm nên tấm bánh và muôn trái nho làm nên li rượu tiến dâng trên bàn thờ. Khi chịu Bí Tích Hòa Giải, người tín hữu hi vọng rằng họ được giao hòa với Thiên Chúa nhờ sự tha thứ của Người qua trung gian thừa tác viên Giáo Hội. Khi chịu Bí Tích Xức Dầu Thánh, người tín hữu hi vọng rằng họ có thêm sức mạnh để có thể vượt qua những đau khổ, thất vọng nhất của cuộc đời trong tình hiệp thông với Giáo Hội. Khi chịu Bí Tích Truyền Chức Thánh, người tín hữu hi vọng rằng họ sẽ là cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong Giáo Hội, để trao ban tình thương của Người cho đồng loại. Khi chịu Bí Tích Hôn Phối, người tín hữu hi vọng rằng họ sẽ mãi mãi thủy chung và thương yêu nhau dựa trên khuôn mẫu ‘giới răn yêu thương mới’ của Đức Giêsu Kitô (Ga 13,34; Ga 15,12-3).

 

Người ta sẽ đặt câu hỏi ‘tại sao Giáo Hội được gọi là Bí Tích của Hi Vọng trong khi không ít con cái Giáo Hội lại bất xứng?’ Phải chăng con cái Giáo Hội phản ánh bản chất của Giáo Hội? Thực ra, sự thánh thiện của Giáo Hội không phải là sự qui tụ của những người thánh thiện đã được rửa tội. Giáo Hội thánh thiện bởi từ đời đời, Thiên Chúa Cha đã tiền định cho sự hiện diện của Giáo Hội. Giáo Hội thánh thiện bởi vì Giáo Hội được Đức Giêsu Kitô thiết lập. Giáo Hội thánh thiện bởi Giáo Hội được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Giáo Hội thánh thiện bởi vì các bí tích của Giáo Hội là các bí tích thánh. Giáo Hội thánh thiện bởi vì mục đích của Giáo Hội là Vương Quốc Thiên Chúa, là Vương Quốc Thánh. Nói cách ngắn gọn hơn, các yếu tố làm cho Giáo Hội hiện hữu và hoạt động, cũng như phương tiện và mục đích của Giáo Hội là thánh.

 

Sự thánh thiện của Giáo Hội không lệ thuộc trực tiếp vào sự thánh thiện của con cái Giáo Hội. Sự thánh thiện của con cái Giáo Hội là sự thánh thiện tham dự, còn sự thánh thiện của Giáo Hội là sự thánh thiện bởi bản tính. Như thế, tội lỗi và bất xứng của con cái Giáo Hội không làm vong bản hay triệt tiêu bản tính thánh thiện của Giáo Hội.[23] Con cái Giáo Hội, hay bất cứ ai khác đều phải không ngừng sám hối để ngày càng thánh thiện hơn. Như đã được đề cập ở trên, từ nguyên thủy, con người là hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27), con người thánh thiện. Tuy nhiên, con người trở nên tội lỗi vì Tội Nguyên Tổ, tội của các hình thức tập thể, và tội cá nhân mỗi người.

 

Cách nào đó, chúng ta có thể nói rằng sự thánh thiện của Giáo Hội là sự thánh thiện của những ai ý thức rằng mình tội lỗi, đồng thời, cũng ý thức rằng tự bản thân, mình không thể làm cho mình trở nên thánh thiện, rằng mình cần sự yêu thương, tha thứ của Thiên Chúa. Sự thánh thiện của Giáo Hội là sự thánh thiện của những ai ý thức rằng chỉ Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện và là Nguồn mọi sự thánh thiện. Thánh Gioan Tông Đồ khẳng định “nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8). Lời khẳng định của thánh Gioan không chỉ nhằm đến con cái Giáo Hội theo nghĩa chặt (những người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội) mà thôi mà còn cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Bằng ngôn ngữ hi vọng, chúng ta có thể nói rằng người tội lỗi, người khiếm khuyết đồng thời cũng là người hi vọng. Người cho rằng mình không có tội, không tham gia vào môi trường tội lỗi, hay không có kinh nghiệm về môi trường này cũng là người không bao giờ hi vọng, hay nói đúng hơn, chẳng phải là người nữa!  

 

Trên bình diện lịch sử, sự thánh thiện của Giáo Hội còn là sự thánh thiện nảy nở cho đến khi đạt tới sự sung mãn trong thời cánh chung, khi Thiên Chúa qui tụ muôn loài muôn vật trong Đức Kitô. Câu cuối cùng trong Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mathêu là “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đây là lời hứa của Đức Giêsu Kitô và là hi vọng của các tông đồ Đức Giêsu Kitô qua các thế hệ. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào Đức Giêsu Kitô có thể ở với các môn đệ của mình cho đến tận thế. Câu trả lời đó là Đức Giêsu Kitô tiếp tục hiện diện và hoạt động trong và qua Giáo Hội mà chính Người thiết lập. Người vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội vì Giáo Hội là Bí Tích của Người, là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người. Đặc biệt, Người hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể để trở nên của ăn thiêng nuôi sống các chi thể của người, là các tín hữu. Khi lĩnh nhận Của Ăn Hi Vọng này, người tín hữu nhận lấy Đức Giêsu Kitô, nhận lấy Giáo Hội mà mình là thành phần.

 

Giáo Hội được ủy thác làm cho hi vọng mà mình lãnh nhận chiếu soi mọi người trong gia đình nhân loại, đặc biệt, chiếu soi những người chán chường thất vọng, những người không tìm được ý nghĩa cho cuộc sống mình hoặc những người đang hi vọng vào những gì phù phiếm, chóng qua, trần tục. Khi thi hành sứ mệnh của mình, Giáo Hội cho tất cả mọi người biết rằng Giáo Hội chính là ngón tay chỉ về Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống của tất cả những ai đang thành tâm tìm kiếm Người với hi vọng chân thành. Điều này đã được thánh Phaolô diễn tả: “Hội Thánh [Giáo Hội] là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,23). Là Bí Tích của Hi Vọng, Giáo Hội Giáo Hội thâm tín rằng “lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28). 

 

b/ Sứ Mệnh Hi Vọng của Giáo Hội

 

Hi vọng vừa là món quà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, vừa là tác vụ mà Giáo Hội cần thực thi trong sứ mệnh của mình trên đường lữ hành cùng toàn thể nhân loại. Món quà hi vọng của Giáo Hội vừa có hình dạng nhờ Biến Cố Đức Kitô (the Christ Event), vừa đang lớn lên theo dòng lịch sử (Mt 13,31-32; Mc 4,30-32; Lc 13,20-21). Do đó, Giáo Hội cũng như tất cả những ai tham dự vào đời sống Giáo Hội vừa trân quí món quà này, vừa khao khát đợi chờ đến khi món quà này đạt tới tầm mức sung mãn trong đời sống vĩnh cửu mai sau.

 

Theo Công Đồng Vatican II, “số phận mai sau của nhân loại nằm trong tay những người có khả năng trao cho hậu thế những lý do để sống và để hi vọng” (GS 31). Ý thức rằng Giáo Hội cùng song hành với thế giới và cho thế giới, trong ngôn ngữ hi vọng, câu đầu tiên của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới ngày nay Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hi Vọng) nhấn mạnh rằng “vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS 1). Giáo Hội là cộng đoàn những người được tháp nhập vào Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô nhờ Bí Tích Rửa Tội, đồng thời, Giáo Hội cũng là cộng đoàn đồng hành cùng toàn thể nhân loại. Do đó, Giáo Hội không thể lãng quên chiều kích nhân loại của mình, cũng như sự liên đới với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. 

 

Cũng theo Công Đồng Vatican II, “hi vọng vào đời sống mai sau không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này mà trái lại còn thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy” (GS 21). Giáo Hội sẽ không làm trọn bổn phận của mình là Bí Tích của Hi Vọng, khi Giáo Hội không quan tâm đến những khổ đau của biết bao người vì bất công, vì phân biệt đối xử, vì phẩm giá bị chà đạp, và muôn hình thức bất hòa hợp khác. Sứ mệnh hi vọng của Giáo Hội không chỉ là sứ mệnh phần hồn mà còn sứ mệnh phần xác nữa, bởi vì, Đức Giêsu Kitô (mà Giáo Hội là Bí Tích của Người) luôn quan tâm đến mọi chiều kích của đời sống con người.[24] Do đó, khi Giáo Hội loan báo Tin Mừng Hi Vọng cho tất cả mọi người, đồng thời, Giáo Hội cùng chung tay xoa dịu những thương đau của con người trong xã hội. 

 

Là Bí Tích của Hi Vọng, tiếng nói của Giáo Hội là tiếng nói ngôn sứ về hi vọng, đồng thời, Giáo Hội thi hành vai trò nhân chứng hi vọng trong môi trường nhân loại. Giáo Hội diễn tả sự thật rằng Đức Giêsu Kitô là tâm điểm hội tụ hi vọng của lịch sử nhân loại. Người tiếp tục là tâm điểm hội tụ của những gì thiện hảo mà nhân loại hằng mong ước. Cũng chính Người là điểm hẹn của lịch sử, khi Thiên Chúa qui tụ muôn vật muôn loài trong Người. Giáo Hội luôn dõi theo Đức Giêsu Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay, và mãi mãi là khởi đầu, là trung tâm, và là đích đến của toàn thể mọi người. 

 

Để diễn tả căn tính, đời sống, và sứ mệnh hi vọng của mình, Giáo Hội ý thức rằng mình phải đi ra, phải hi sinh, phải bầm dập giữa lòng thế giới. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng Evangelii Gaudium (2013) rằng“tôi lặp lại điều tôi thường nói với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires [Argentina]: Tôi muốn một Giáo Hội bầm dập, đau thương, và dơ bẩn bởi lăn lộn ngoài đường phố, hơn là Giáo Hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn Giáo Hội chú ý đến vai trò trung tâm của mình và kết thúc bởi bị mắc kẹt trong mạng lưới những nỗi ám ảnh và thủ tục.”[25] Thế là rõ, vừa loan báo Tin Mừng Hi Vọng, vừa không ngừng ý thức những bất cập của mình là hai thì không thể thiếu được trong sứ mệnh Giáo Hội. Như đã được đề cập ở trên, là thực tại lữ hành trong dòng lịch sử, các thành phần của Giáo Hội bao gồm những người tội lỗi. Những chướng ngại và rào cản hi vọng đích thực phát xuất từ con cái Giáo Hội vẫn còn đó và đồng hành cùng Giáo Hội cho đến tận thế. Do vậy, sứ mệnh loan báo Tin Mừng Hi Vọng của Giáo Hội đồng hành cùng sứ mệnh thanh tẩy, đổi mới, và tái cấu trúc chính Giáo Hội theo chương trình của Thiên Chúa. 

 

Như đã được đề cập ở trên, giữa lòng thế giới, Giáo Hội luôn thâm tín rằng sẽ không có hi vọng đích thực nếu hi vọng đó không có chỗ đứng trong Tin Mừng Hi Vọng mà Giáo Hội lãnh nhận và có sứ mệnh loan truyền. Tin Mừng này không xa lạ với bất cứ môi trường nhân loại lành mạnh nào. Hơn nữa, Tin Mừng này không chỉ có khả năng thâm nhập tất cả các môi trường trong xã hội loài người, mà còn có khả năng tích hợp các hình thức hi vọng lành mạnh trong các môi trường đó. Hơn nữa, Tin Mừng này có khả năng biến cải và thanh tẩy các hình thức hi vọng trong các môi trường đó.[26] Giáo Hội ý thức rằng bao lâu Tin Mừng Hi Vọng chưa thành lẽ sống của Giáo Hội cũng như lẽ sống của tất cả mọi người, bấy lâu sứ mệnh của Giáo Hội vẫn còn tiếp diễn.

 

Một trong những khủng hoảng của nhân loại hôm nay là khủng hoảng hi vọng (the crisis of hope) khi mà con người không biết đặt hi vọng vào đâu cho đúng giữa thị trường muôn màu sắc hi vọng và ai cũng có có thể chọn cho mình hình thức hi vọng theo sở thích. Xem ra khủng hoảng hi vọng là nguyên cớ cho những đau thương trong xã hội loài người, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Càng ngày nhân loại càng ý thức hơn rằng thực thể có tên gọi ‘con người’ xem ra phức tạp hơn là những gì mà con người có thể mô tả hoặc cân đong đo đếm. Hi vọng của con người luôn dồi dào và thâm sâu hơn là những gì mà thế giới thụ tạo hứa hẹn và có thể cung cấp hay ban tặng. 

 

Việc Giáo Hội đóng góp phần mình để biến đổi xã hội dựa trên các giá trị của Tin Mừng Hi Vọng luôn cần thiết. Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội hiện đại nảy sinh từ sự thất vọng hay hi vọng hão huyền đang có xu hướng gia tăng, phát xuất từ chủ nghĩa tôn giáo quá khích, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa tiêu thụ, cùng nhiều hình thức chủ nghĩa khác. Thêm vào đó, thực tế cũng cho thấy rằng không ít người lại đặt trọn hi vọng vào khoa học, vào kỹ thuật, vào máy móc. Để góp phần cải thiện tình trạng xã hội, Giáo Hội cần phải dấn thân hơn trong việc loan báo Tin Mừng Hi Vọng cho các giai tầng xã hội, nhằm giải phóng con người khỏi hình thức nô lệ mới, ‘nô lệ hi vọng’.  

 

Giáo Hội có sứ mệnh giải phóng tất cả nạn nhân của nô lệ hi vọng, bằng không, chính họ là những nhân tố gây xáo trộn và bất trắc trong xã hội loài người. Tuy nhiên, như đã được đề cập ở trên, trong nhãn quan Tin Mừng Hi Vọng, sự giải phóng đích thực phải là sự giải phóng con người khỏi xiềng xích tội lỗi và những dẫn xuất của tội lỗi. Những hình thức giải phóng khác, nếu có, phải nằm trong lộ trình của sự giải phóng này, bằng không, những hình thức giải phóng khác trở nên vô nghĩa. Sự giải phóng đích thực mà Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng thực hiện cho toàn thể nhân loại là sự giải phóng hướng tới Nguồn và Đích của hi vọng khi mà thiện, ác, tốt, xấu được phân biệt rạch ròi, lúa và cỏ lùng không còn lẫn lộn.  

 

Giữa muôn vàn hình thức hi vọng giữa lòng thế giới, sứ mệnh của Giáo Hội không phải là cổ vũ tất cả các hình thức hi vọng, nhưng là cổ vũ những hình thức hi vọng nào ẩn chứa ánh sáng hi vọng cao cả mà Giáo Hội được ủy thác tiếp nhận, sống, và loan báo. Nghĩa là những hình thức hi vọng nào sau khi được gột rửa bởi Hi Vọng mà Giáo Hội là Bí Tích sẽ giúp con người sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình ở đời này và dẫn họ tới Nguồn cũng là Đích của hi vọng vĩnh cửu. Để thực hiện được sứ mệnh này, Giáo Hội cần phải phân định đâu là những dấu chỉ cho phép Giáo Hội tích hợp những hình thức hi vọng giúp con người sống những giá trị của Nước Thiên Chúa ngay trên cõi đời này và hướng họ về Quê Trời Vĩnh Cửu.[27] 

 

Giáo Hội luôn trở về Nguồn để kín múc sức sống hi vọng cho chính mình, đồng thời, Giáo Hội cũng luôn dõi theo những biến chuyển trong đời sống xã hội, nơi Giáo Hội hiện diện và hoạt động, để giới thiệu và trao ban hi vọng đích thực cho tất cả mọi người. Là thực tại lữ hành, Giáo Hội không ngừng đọc những dấu chỉ của Chúa trong môi trường nhân loại và hành động theo những dấu chỉ đó. Giữa lòng thế giới, Giáo Hội ý thức mình là men hi vọng, là muối hi vọng, và là ánh sáng hi vọng cho muôn người. Là Bí Tích của Hi Vọng giữa lòng thế giới đầy phong ba bão táp và bóng đêm của sự dữ, Giáo Hội có sứ mệnh trao ban cho toàn thể nhân loại chân trời hi vọng, nơi đó ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu Kitô không ngừng chiếu tỏa.  

 

Kết luận

 

Hi vọng là thực tại chung của tất cả mọi người trong thế giới đa dạng về văn hóa, tôn giáo, màu da, thể chế, ngôn ngữ. Chính hi vọng làm cho con người phân biệt với vạn vật trong thế giới thụ tạo, đồng thời, là yếu tố quyết định tương lai và vận mệnh của mỗi người. Hi vọng luôn ở trạng thái động, trạng thái vươn lên, vươn xa hơn những gì đóng khung theo khuôn mẫu nào đó. Hi vọng bền lâu và có khả năng tương thích với tất cả các môi trường sống của con người, đồng thời, cho phép con người vượt qua tất cả các biên giới của thế giới thụ tạo và cho phép con người gặp gỡ Thiên Chúa đang khi họ hành trình trong môi trường thụ tạo.

 

Sự xem xét, lượng định, và đánh giá trên đây cho chúng ta thấy rằng hi vọng thuộc bản chất mặc khải Kitô Giáo. Hi vọng là ngôn ngữ của các Sách Kinh Thánh, từ cuốn Sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh, Sách Sáng Thế, đến cuốn cuối cùng, Sách Khải Huyền. Hi vọng của Dân Do Thái, Dân Riêng của Thiên Chúa trong Cựu Ước quan tâm nhiều đến chiều kích xã hội hơn là chiều kích tâm linh. Hi vọng này được xem là hình bóng của Dân Thiên Chúa trong Tân Ước, Dân được Đức Giêsu Kitô thiết lập, nuôi dưỡng, và hướng dẫn. Biến Cố Đức Kitô khơi mào niềm hi vọng chân thực và sâu xa nhất của con người, niềm hi vọng vào cuộc sống vĩnh cửu. Đức Giêsu Kitô cho tất cả mọi người biết rằng Thiên Chúa là Nguồn và là Đích của hi vọng nhân loại và Người không chỉ là Đấng mang hi vọng tới cho nhân loại mà chính Người là Hi Vọng.   

 

Đức Giêsu Kitô đã thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội tiếp tục sự hiện diện của Người trên trần gian. Căn tính, đời sống, và sứ mệnh của Giáo Hội được thêu dệt bằng những sợi chỉ hi vọng kết tinh từ việc Thiên Chúa tự bày tỏ mình cho nhân loại trong dòng lịch sử, đặc biệt, trong Cựu Ước của Dân Do Thái và trong Tân Ước, với Biến Cố Đức Kitô. Theo ngôn ngữ giáo hội học, chính Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô và các thành phần của Giáo Hội là chi thể sống động trong Thân Thể đó. Giáo Hội chính là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng, do đó, Giáo Hội cũng là Bí Tích của Hi Vọng. Giáo Hội hiện diện trên trần gian là dấu chỉ và khí cụ của Đấng Hi Vọng. Giáo Hội cho toàn thể nhân loại biết rằng chính Giáo Hội đang là ‘ngón tay chỉ đường’ cho tất cả mọi người biết đâu là hi vọng đích thực. 

 

Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng Hi Vọng của Người đáp ứng những hoài bão và mong đợi sâu xa nhất của nhân loại. Đức Giêsu lịch sử không còn hiện diện trên trần gian này nữa. Tuy nhiên, Người vẫn hiện diện trong lịch sử nhân loại bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt, trong lịch sử của Giáo Hội mà Người thiết lập. Như vậy, tính lịch sử của Biến Cố Đức Kitô vẫn còn tiếp diễn nhằm làm cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại biết rằng “chỉ có một thân thể, một Thần Khí,… một niềm hi vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Là Bí Tích của Hi Vọng, Giáo Hội không ngừng loan báo và làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng và cho Tin Mừng Hi Vọng của Người giữa lòng nhân thế, ngõ hầu tất cả mọi người trong gia đình nhân loại nhận ra đâu là hi vọng định hướng cuộc sống của họ trên cõi đời này, đồng thời, giúp họ vững tiến về Nguồn và Đích của hi vọng là Thiên Chúa Ba Ngôi hằng hữu và hằng sống.

 

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên

 

 


[1][1] Khi hi vọng được xem là một trong ba nhân đức đối thần, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo trình bày đức cậy (hi vọng) như sau: “Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó, chúng ta khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và phó thác vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức mình” (GLGHCG 1817).

[2][2] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chỉ ra rằng theo Kinh Thánh Kitô Giáo, tin và cậy (hi vọng) có thể hoán đổi cho nhau, tin được hiểu như hi vọng và hi vọng được hiểu như tin vậy (xem Spe Salvi 2).

[3][3] Trong Kinh Thánh có nhiều từ mang nghĩa tương đương như ‘hi vọng’, chẳng hạn, tin tưởng, tìm kiếm, mong mỏi, đợi trông, phó thác.

[4][4] Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Ðức cậy đáp ứng khát vọng hạnh phúc Thiên Chúa đã đặt trong lòng mọi người, đảm nhận các niềm hi vọng gợi hứng cho sinh hoạt của con người, thanh luyện và quy hướng các hi vọng ấy về Nước Trời. Ðức cậy bảo vệ chúng ta khỏi thất vọng, nâng đỡ khi ta bị bỏ rơi, giúp ta phấn khởi mong đợi hạnh phúc muôn đời. Ðức cậy giải thoát ta khỏi lòng ích kỷ và đưa ta đến với hạnh phúc của đức mến” (GLGHCG 1818)

[5][5] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae 97 (1995).

[6][6] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Caritas in Veritate 34 (2009).

[7][7] Thánh Augustinô, Conf. 1,1,1.

[8][8] Thánh Irênê, Adv. Haer. IV, 20,7.

[9][9] Xem thêm Rm 4,18-22.

[10][10] Xem thêm Evangelium Vitae 49.

[11][11] Xem thêm Evangelium Vitae 67.

[12][12] Xem thêm Evangelium Vitae 97.

[13][13] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor 103 (1993).

[14][14] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Nostra Aetate 2.

[15][15] Theo thánh Phaolô, bao lâu muôn vật muôn loài đang trên đường lữ hành, bấy lâu, đức cậy vẫn còn tiếp diễn: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Truyền thống đức tin Kitô Giáo cho chúng ta biết rằng đức tin và đức hi vọng là dẫn xuất của đức mến. Tuy nhiên, theo Karl Rahner, đức hi vọng là trung gian giữa đức tin và đức mến, đức hi vọng định dạng đức tin và đức mến (xem Michael J. Scanlon, ‘Hope’, in The New Dictionary of Theology (Dublin: Gill and Macmillan, 1987), 493. Điều này có nghĩa rằng chính đức hi vọng làm cho đức tin được được tồn tại và phát triển, cũng chính đức hi vọng làm cho đức mến được thực thi trong cuộc sống của người tín hữu. Không còn đức hi vọng, đức tin cũng chẳng còn và đức mến trở nên tàn lụi.

[16][16] Xem thêm Rm 5,1-11.

[17][17] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho rằng “không có gì làm cho chúng ta tin tưởng và hi vọng vững mạnh cho bằng xác tín: Không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (GLGHCG 274).

[18][18] Xem thêm Evangelium Vitae 81.

[19][19] Xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Evangelii Gaudium 275 (2013).

[20][20] Xem thêm Evangelium Vitae 97.

[21][21] Xem thêm Evangelii Gaudium 181.

[22][22] Xem thêm St 11,1-9, Cv 2,1-12; 1 Pr 2,4-10.

[23][23] Xem thêm LG 8.

[24][24] Theo Công Đồng Vatican II, “nếu thiếu căn bản là Thiên Chúa và thiếu niềm hi vọng vào đời sống trường cửu thì phẩm giá con người sẽ bị tổn thương cách trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ vẫn không giải đáp được, như thế con người nhiều khi rơi vào tuyệt vọng” (GS 21).

[25][25] Xem thêm Evangelii Gaudium 49.

[26][26] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 20 (1975).

[27][27] Xem thêm Evangelii Gaudium 181.