Tôi không thể tưởng tượng nổi một đám đông bảy triệu người. Con số này là quá lớn, nó có vẻ gần như không thể hình dung nổi.
Bảy triệu người là hơn ba lần dân số của Nebraska. Bảy triệu là nhiều hơn số người sống ở Nebraska, Kansas, North và South Dakota và Wyoming, cộng lại. Bảy triệu người là nhiều hơn so với dân số của Chicago và Los Angeles gộp lại. Trong thực tế, chỉ có một thành phố tại Hoa Kỳ là thành phố New York mới có hơn bảy triệu dân.
Nhưng Chúa Nhật tuần trước, bảy triệu người đã tụ tập tại một công viên ở Phi Luật Tân dưới trời mưa gió để tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô. Họ tràn ngập các khu vực, và các đường phố xung quanh công viên đó. Họ tràn ra các con đường đến hàng nhiều dặm, khiến sinh hoạt thành phố dừng lại. Trong thực tế, gần như toàn bộ thành phố đã quỳ trên đầu gối của mình, trong lời cầu nguyện, trong sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha.
Khi cử hành Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu nguyện cho người dân Phi Luật Tân biết “làm việc cùng nhau, bảo vệ nhau, bắt đầu với các gia đình và cộng đồng của anh chị em, trong việc xây dựng một thế giới công bằng, liêm chính và hòa bình.” Ngài nói với họ rằng Chúa Giêsu Kitô là nguồn mạch của công lý, chính trực, và hòa bình.
Thánh Lễ này kết thúc của một chuyến đi đáng kể được thực hiện bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Thánh Cha đã đến thăm Sri Lanka, quê hương của bốn chủng sinh thân yêu của chúng ta, là những người đã được giáo phận Lincoln bảo trợ trong vòng năm năm qua. Tại Sri Lanka, Đức Thánh Cha đã kêu gọi hòa bình và hòa giải cho một quốc gia đã trải qua gần 30 năm trong một cuộc nội chiến. Ngày 14 tháng Giêng, ngài cũng đã phong thánh cho Chân Phước Joseph Vaz, vị linh mục vĩ đại sống ở thế kỷ 17 đã truyền giáo cho người dân Sri Lanka.
Tiếp theo, Đức Giáo Hoàng đã đến Phi Luật Tân. Ngài đã đến thăm một hòn đảo nơi 4 triệu người bị mất nhà cửa và sinh kế của họ sau một cơn bão. Ngài kêu gọi các gia đình cùng nhau cầu nguyện, để theo Chúa Kitô với nhau, và để chống lại “trào lưu thực dân hóa tư tưởng” đang cố thay thế các giá trị Công Giáo bằng chủ nghĩa duy vật và tự quy chiếu về bản thân mình. Ngài cũng mời gọi “sự thánh thiện và yêu thương trong gia đình để bảo vệ vẻ đẹp và sự thật của các gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa, để hỗ trợ và nêu gương cho các gia đình khác.”
Đức Thánh Cha đã dành thời gian ở châu Á để ở giữa những người nghèo, giữa những kẻ có quyền thế, và giữa hàng triệu người đến cầu nguyện với ngài. Và ở những nơi ngài đến, ngài đã công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Chuyến đi của ngài là một khoảnh khắc của sự hiệp nhất và niềm vui cho người Công Giáo trên khắp châu Á. Đó là một khoảng thời gian để chào mừng ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Ngài.
Tháng Chín tới đây, Đức Thánh Cha sẽ đến Hoa Kỳ. Ngài sẽ đến thăm New York, Washington, DC, và Philadelphia. Tại Hội nghị thế giới về gia đình ở Philadelphia, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ trong sự hiệp nhất với hàng triệu người Mỹ đến được với ngài. Tôi sẽ là một trong số họ. Tôi cầu nguyện rằng anh chị em cũng sẽ đến được. Giáo phận Lincoln đã tạo cơ hội cho những người hành hương đến dự Hội nghị Thế giới về gia đình để hỗ trợ các gia đình khác, và để chào mừng ân sủng của Giáo Hội Chúa Kitô.
Có thể ở Philadelphia chúng ta không có được bảy triệu người vào tháng Chín này. Nhưng Đức Thánh Cha – vị Đại Diện của Chúa Kitô trên trái đất, sẽ có mặt ở đó. Chắc chắn tôi sẽ ở đó. Và tôi cầu nguyện rằng anh chị em sẽ tham gia với tôi.
+ Đức Giám Mục James Conley giáo phận Lincoln, Nebraska, Hoa Kỳ
Đặng Tự Do