Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã viếng thăm Công quốc Monaco từ ngày 17-19/7 nhân dịp kỷ niệm 40 năm công ước được ký kết giữa Tòa thánh và Công quốc Monaco. Ngài đề cao Monaco như là mô hình cho sự cộng tác giữa tôn giáo và chính quyền.
Công quốc Monaco là quốc gia nhỏ thứ hai trên thế giới, sau Vatican. Đây là lần đầu tiên một Quốc vụ khanh Tòa Thánh viếng thăm Monaco.
Vào tháng 7 năm 1981, Tòa thánh và Công quốc Monaco đã ký Công ước tại Vatican, trong đó có việc ông hoàng Monaco từ bỏ quyền bổ nhiệm Tổng Giám mục của giáo phận, và từ đó Tổng Giám mục của Monaco chỉ do Tòa Thánh bổ nhiệm. Vào ngày 30 tháng 7 năm 1981, Đức Gioan Phaolô II đã nâng Tòa Giám mục Monaco lên thành Tòa Tổng Giám mục. Trong bốn thập kỷ, Tòa thánh và Công quốc đã duy trì các mối quan hệ rất đặc quyền, dựa trên lịch sử và đặc điểm tương tự. Hai quốc gia siêu nhỏ có chủ quyền, Vatican có diện tích 0,44 km2 và Monaco có 2 km2, có Công giáo là quốc giáo. Thực vậy, Công giáo được nhìn nhận là quốc giáo trong điều 9 của Hiến pháp Monaco thực sự là duy nhất trên thế giới.
Điểm nổi bật trong chuyến viếng thăm là Thánh lễ do Đức Hồng y chủ sự tại nhà thờ Chính tòa Monaco vào sáng Chúa nhật 18 tháng 7. Trong bài giảng, Đức Hồng y nhắc lại sự kiện ký công ước trong lịch sử nhiều thế kỷ của Công quốc, một lịch sử thuật lại nguồn gốc sâu xa của đức tin Kitô giáo ở miền đất này. Từ đức tin này, Đức Hồng y khuyến khích quan tâm đến tha nhân, đặc biệt “những người bị thương tích thể lý” như người nghèo, người bị loại ra bên lề và người di dân, và cả “những người mang vết thương tinh thần” như những người cô độc, bị tổn thương trong tâm hồn bởi những mối quan hệ tồi tệ, những thất bại cá nhân”. Ngài nói: “Lòng bác ái Kitô giáo vốn đã làm sống động và xây dựng châu Âu của chúng ta qua nhiều thế kỷ, tuôn trào từ sự dồi dào của lòng thương xót của Thiên Chúa, qua Chúa Kitô tuôn đổ trên cuộc sống của chúng ta và đến lượt chúng ta dấn thân tuôn đổ nó trên cuộc sống của những người khác”.
Sau đó, vào buổi chiều, trong buổi gặp gỡ các giáo sĩ, các phong trào và hiệp hội Công giáo, Đức Hồng y đã nêu bật tính cấp thiết của việc loan báo đức tin, thực thi bác ái, nâng đỡ gia đình, chăm sóc thiên nhiên. Sau đó, ngài nhắc lại cách chúng ta sống trong một xã hội ngày càng phân cực và chia rẽ. Ngài lưu ý rằng chủ nghĩa thế tục tuyên bố loại trừ tôn giáo ra khỏi lĩnh vực đời sống dân sự, biến tôn giáo trở thành một sự kiện đơn thuần của cá nhân, nhưng nơi mà quyền công dân về tôn giáo trong xã hội bị phủ nhận, thì một số điểm quy chiếu cho phép phát triển hài hòa xã hội dân sự sẽ bị suy giảm.
Do đó, Đức Hồng y đánh giá cao “mô hình của Monaco”, trong đó nhấn mạnh rằng, có thể có một mối quan hệ tích cực giữa Giáo hội và Nhà nước, và nói chung là giữa chính quyền dân sự và thẩm quyền tôn giáo. “Một mối quan hệ trong đó mọi người duy trì quyền tự chủ phù hợp của mình”, nhưng trong đó chúng ta cộng tác với nhau vì lợi ích chung.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi/