Nhắc đến mối tương quan giữa Giáo Hội Công giáo và khoa học, chúng ta thường nghe nói về vụ Galileo. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã có lời xin lỗi khi Giáo Hội xử lý vụ án Galileo trong một vài phương diện nào đó, thế nhưng thực chất vụ án này phức tạp hơn rất nhiều so với những gì mà các nhà khoa học hậu hiện đại muốn nói.
Vụ Galileo chỉ là cái cớ để những người chủ trương duy lý tấn công đức tin, vẽ nên một Giáo Hội phản khoa học và mê tín. Đương nhiên cũng có những Kitô hữu phản khoa học và chấp nhận thuyết tương hợp sai lầm (ví dụ như cho rằng Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ trong 7 ngày đúng y như trong Kinh Thánh). Thế nhưng đây không phải là quan điểm của Giáo Hội Công Giáo. Thực sự, Giáo Hội cũng có đôi cánh khoa học của riêng mình, được gọi là Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học, một cơ quan không chỉ đón nhận công trình của những người Công giáo, nhưng cả những người thuộc các tín phái khác, ngay cả người vô thần. Thôi thì cứ bỏ qua câu chuyện nhàm chán đó và hãy nhìn vào 11 nhà khoa học Công giáo kiệt xuất này và hết thảy đều là những linh mục!
1. Copernicus (1473–1543)
Bạn còn nhớ Copernicus chứ?! Vị linh mục Công giáo hành nghề y và rồi bước sang lĩnh vực thiên văn để phát triển lý thuyết mặt trời là trung tâm (heliocentrism). Ngài khám phá ra rằng trái đất không phải là trung tâm vũ trụ cũng như của Thái dương hệ. Người ta cho rằng ngài chịu chức linh mục sau này. Sự đóng góp của ngài cho ngành thiên văn đã thay đổi lĩnh vực này và thế giới.
2. Albertus Magnus, O.P. (trước năm 1200 – 1280)
Có thành tựu tri thức nào mà không có một hai tu sĩ Đaminh trong danh sách?! Linh mục Albertus Magnus là vị thánh bổn mạng của các ngành khoa học tự nhiên và là vị Tiến sĩ Hội Thánh vì công trình vĩ đại của ngài trong khoa vật lý, luận lý, siêu hình, sinh học và tâm lý.
3. Georges Lemaître (1894–1966)
Vị linh mục người Bỉ và là cha đẻ của thuyết “vụ nổ lớn” (Big Bang Theory). Linh mục Lemaitre là người đương thời với Einstein và ngài cũng phát triển công trình của mình dựa vào Lý thuyết tương đối của Einstein. Linh mục Lemaitre cũng có thời gian làm Giám đốcHàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học.
Cha Lemaitre với đồng nghiệp Albert Einstein.
4. Gregor Mendel (1822-1884)
Gregor Mendel là tu sĩ Dòng Augustinô và là người khai sáng nên khoa di truyền hiện đại. Trời đất! Khoa di truyền được một linh mục Công giáo khởi xướng! Nếu bạn theo một lớp khoa học và biết được các từ “tính lặn” (recessive) và “tính trội” (dominant), đó là nhờ Linh mục Mendel.
5. Giuseppe Mercalli (1850–1914)
Là linh mục, nhà núi lửa học và là Giám đốc Đài quan sát Vesuvius, người được nhớ đến qua “thang đo Mercalli” (Mercalli scale) để đo động đất vẫn còn được dùng ngày nay. Vâng! Người Công giáo không giới hạn lĩnh vực nghiên cứu khoa học nào, ngay cả núi lửa và động đất.
6. William xứ Ockham (khoảng 1288 – 1348)
Bạn đã nghe về lý thuyết “Dao cạo Ockham” chưa? Ngài là một học giả Dòng Phanxicô, đã viết nhiều công trình về luận lý, vật lý và thần học, và nổi tiếng với thuyết “Dao cạo Ockham”[1]. Lại một linh mục Công giáo nữa mà công trình của ngài đã có tác động rất lớn trên các khoa học tự nhiên.
7. Giovanni Battista Riccioli (1598–1671)
Nhà thiên văn học Dòng Tên, tác giả cuốnAlmagestum novum, một bộ bách khoa về thiên văn. Ngài là người đầu tiên đo được gia tốc của thiên thể rơi tự do, khai sáng nên khoa nghiên cứu mặt trăng (selenography) cùng với linh mục Grimaldi, người được vẽ hình ở cửa vàoViện Bảo Tàng Quốc Gia về Hàng Không và Không Gian ở Washington D.C. Các vị linh mục Công giáo được tưởng nhớ tại Viện Smithsonian!
8. Francesco Maria Grimaldi (1618 – 1663)
Có nhiều khoa học gia là linh mục Dòng Tên! Grimaldi là linh mục Dòng Tên, người Ý, nhà toán học và vật lý học, giảng dạy ở Học viện Dòng Tên tại Bologna. Một miệng núi lửa trên mặt trăng được đặt tên là Grimaldi.
9. Nicolas Steno (1638-1686)
Nicholas Steno đã có nhiều đóng góp cho khoa phẫu thuật và địa chất. Cuối cùng, ngài đã trở thành một Giám mục Công giáo. Nhiều bộ phận thân thể được đặt theo tên ngài: ống Stensen (ống dẫn tuyến nước bọt mang tai), tuyến Stensen, mạch Stensen, và lỗ Stensen. Ngài cũng là người sáng lập khoa hóa thạch học.
10. George V. Coyne, S.J.(sinh ngày 19 tháng Giêng 1933)
Hiện thời còn có những ai? Linh mục Coyne thuộc Dòng Tên, nhà thiên văn học, nguyên Giám đốc Đài quan sát Vatican và đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Arizona ở Tucson, Arizona. Từ tháng Giêng 2012, ngài phụ trách môn Triết học tôn giáo tại Học viện cao đẳng Le Moyne ở Syracuse, NY.
11. Stanley Jaki (1914-2009)
Jaki là linh mục Dòng Benêđictô và là Giáo sư vật lý tại Đại học Seton Hall, New Jersey. Ngài thường dạy rằng khoa học phát triển từ Kitô giáo và ngài rất quan tâm đến việc nối lại nhịp cầu chia cách giữa khoa học và đức tin. Có thể đọc tư tưởng của ngài trong cuốnScience Was Born of Christianitycủa Stacy Trasancos.
Một trong những cách tốt nhất để hiểu biết quan điểm của Giáo Hội về khoa học và đức tin là đọc các thông điệp Humani Generis và Fides et Ratio.
Lần tới, nếu gặp ai cáo buộc Giáo Hội là phản khoa học thì bạn cứ bình tâm chia sẻ rằng những tiến bộ khoa học vĩ đại trong lịch sử đều là công lao của các khoa học gia Công giáo, trong đó rất nhiều người là linh mục!
—————————
[1] Dao cạo Ockham (tiếng Anh: Ockham’ s Razor) là một lý thuyết triết học nổi tiếng của nhà triết học người Anh William xứ Ockham. Nó được ông đưa ra vào năm 1324. William đã viết rằng lời giải thích đơn giản nhất thường là lời giải thích xác đáng nhất, hoặc “Điều gì có thể được giải thích bằng ít giả thuyết hơn thì lại được giải thích một cách vô ích bằng nhiều giả định hơn” (Hồ Cúc, Tóm tắt phát minh và sự kiện khoa học, xuất bản năm 2009). Tức là nếu một vấn đề khoa học được giải thích bằng ít giả thuyết nhất thì sẽ đúng đắn nhất. Dao cạo Ockham đã chứng tỏ được giá trị lớn của mình trong việc nghiên cứu khoa học. (vi.wikipedia.org)
Constance Hull
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ,
(WGP.Qui Nhơn 10.03.2016)