Ngày 04-10 hàng năm, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được nhắc nhớ, yêu mến và tôn kính nhiều nhất, đó là Thánh Phanxicô Assisi, vị sứ giả hoà bình. Cuộc sống của ngài thật đơn sơ thanh thoát, sống hòa bình, thực thi hòa giải, đã trở thành lý tưởng cho con người của mọi thời đại.
1. Thánh Phanxicô chọn nếp sống nghèo khó
Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi phía bắc Rôma. Cha của ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ. Mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức. Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gauthie de Brienneur đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương. Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát!” Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại các Nhà thờ cạnh Assisi. Trong hai năm, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Assisi: nhà thờ Thánh Đamianô, nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Đức Bà Porziuncula. Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.
Ngày 24-2-1208, đang dự lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng… Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy…” (Mt 10, 10). Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, nên quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Giá (Mt 19, 21 ; Lc 9, 1-6 ; Mt 16, 24). Phanxicô công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ. Với tình yêu sự khó nghèo, Phanxicô yêu những người nghèo, những bệnh nhân. Ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ.
Lối sống của ngài thu hút trước tiên hai anh bạn đồng hương: anh Bernađô Cantavalê giàu có và anh Phêrô Catanê, nhà giáo luật. Tiếp đó có 9 anh khác nhập đoàn. Họ trở thành 12 “người đền tội” và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định. Lúc đầu Phanxicô soạn một ít quy luật sống và đã được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng; cuối cùng, ngài viết ra bản Luật Dòng Anh em Hèn mọn và đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1223 bằng sắc dụ.
Phanxicô bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tàu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.
Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài. Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, “Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần.” Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô. Ngài qua đời vào tối ngày 3-10-1226. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16-7-1228.
2. Thánh Phanxicô được nhận Năm Dấu Thánh
“Sáng tinh sương ngày 14 tháng 9 năm 1224, tức là ngày lễ Suy tôn Thánh giá, trên đỉnh Alverna đã xảy ra một phép lạ tân kỳ. Lúc mặt trời gần dãi lên nền trời những tia sáng vàng tươi, Phanxicô quì tựa lưng vào một tảng đá, hướng về phương đông, mắt tuôn đôi hàng lệ, ngài than thở: “Lạy Chúa, trước lúc qua khỏi đời này, con chỉ xin Chúa ban cho con hai ơn: một là, xin Chúa cho tâm hồn cũng như thể xác con cảm thông hết nỗi đau đến thê thảm Chúa chịu trong giờ tử nạn; hai là, xưa kia khi Chúa tử nạn, Chúa yêu loài người tội lỗi chúng con đến độ nào, thì xin cho lòng con cũng được yêu Chúa đến độ ấy.” Bỗng vụt như làn chớp, một thiên thần Chí ái tự trời bay xuống. Sáu cánh chói loà. Hai cánh phủ đầu, hai cánh dương bay và hai cánh khép che toàn thân. Thiên thần hiện xuống đứng trên phiến đá, rõ hình một người chịu đóng đinh vào thánh giá. Thiên thần ấy chính là Chúa Giêsu tử nạn, mặc hình người hiện đến với Phanxicô. Ngài nhìn Phanxicô, đôi mắt như thiết tha, như thiêu cháy cả tâm hồn rồi vụt biến. Phanxicô quỵ xuống, ngất đi. Khi bừng tỉnh dậy, ngài thấy tay chân đã bị đinh đóng thâu qua. Đầu đinh tròn và đen nổi rõ giữa lòng bàn tay và trên mặt bàn chân. Đinh đóng thâu qua tay chân, mũi đinh quắp lại trên lưng bàn tay và giữa gan bàn chân. Ngực bên phải, cạnh trái tim, dấu một lưỡi đòng đâm qua còn nguyên nét, máu chảy rìn rịt thấm ướt đến tận lớp áo ngoài.”
Phép lạ Năm Dấu là lời đáp trả ân cần của Chúa cho bao nỗi khao khát và bao nỗ lực của Phanxicô để được nên giống với Người trong cuộc thương khó.
Nhìn lên huy hiệu và khẩu hiệu của Dòng Anh Em Hèn Mọn, người ta có thể biết phần nào nền linh đạo Phan sinh. Khẩu hiệu đó là: Caritas (Tình yêu) và huy hiệu là một thập giá với hai cánh tay bắc chéo nhau, một của Chúa Kitô và một của Thánh Phanxicô sau ngày lãnh Năm Dấu. Nghèo khó, khiêm hạ, phục vụ vô điều kiện, yêu mến cách riêng những người nghèo khổ bé mọn … là hậu quả tất nhiên của việc thường xuyên chiêm ngưỡng thánh giá và lòng yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. (Lm Nguyễn Hồng Giáo. ofm)
3. Phanxicô, sứ giả hoà bình
Khi thánh Phanxicô cư ngụ tại Agodio, có một con chó sói hung dữ đã xuất hiện, quấy nhiễu và gieo rắc tai họa cho mọi người. Mỗi lần đi ra ngoài, ai ai cũng phải trang bị khí giới sẳn sàng giao chiến với con thú dữ, có người sợ đến nỗi không dám ra khỏi nhà. Thấy vậy, ngày nọ thánh nhân quyết định đến chạm chán với con thú dữ, Ngài làm dấu thánh giá, đặt tất cả tin tưởng vào Chúa, rồi tiến thẳng đến trước mặt con vật. Vừa thấy thánh nhân, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng thánh nhân không lùi bước. Ngài tiến lại gần, làm dấu thánh giá và gọi nó lại. Ngài nói với nó như trò chuyện với một con người: “Này anh sói, anh lại đây, nhân danh Chúa Kitô tôi truyền cho anh đừng hãm hại ai nữa.”
Như một phép lạ, con chó sói hung dữ ngoan ngoãn khép miệng lại và quấn quýt bên thánh nhân, thánh nhân lại tiếp tục bài giảng: “Này anh sói, anh đã gây ra không biết bao thiệt hại cho vùng này, anh giết hại những tạo vật của Chúa mà không có phép Ngài, anh không những sát hại súc vật mà còn giết hại cả loài người là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, anh đáng bị trừng phạt vì tội giết người, ai cũng ca thán kêu ca vì anh. Nhưng tôi, tôi muốn giảng hoà giữa anh và họ để anh không còn hãm hại ai nữa.”
Thánh nhân vừa nói xong những lời đó thì con sói vặn mình ra chiều sám hối và chấp nhận đề nghị của Ngài, thánh nhân nói tiếp: “Này anh sói, hẳn anh thích được làm hoà với mọi người. Tôi hứa rằng: bao lâu anh còn sống anh sẽ không bị đói khát nữa, anh có hứa với tôi là sẽ không hãm hại bất cứ người và vật nào nữa không? Con vật cúi đầu như đoan hứa, thánh nhân đặt tay trên nó và đại diện cho thị dân Agodio long trọng cam kết những lời Ngài vừa hứa với con chó sói.”
Con chó sói đã được sống 2 năm tại Agodio, ngày ngày ra vào bất cứ nhà nào như chính nhà của nó, nó không làm hại ai mà cũng chẳng ai hãm hại nó, sau 2 năm, con vật qua đời giữa tiếng thương khóc của dân Agodio.
Giai thoại về con chó sói Agodio và bài ca vạn vật của thánh Phanxicô chứng minh ngài là hiện thân của hoà bình, là sứ giả của bất bạo động. Ngài giao hòa với vạn vật, với thiên nhiên, với chim trời, với núi rừng, với không khí, với nước non. Chỉ với một tâm hồn thanh thản và hài hoà với thiên nhiên với con người như thế mới có thể xây dựng hoà bình. Thánh Phanxicô chính là vị sứ giả hoà bình.
Tình huynh đệ của Phanxicô không dừng lại nơi loài người, nhưng còn nới rộng ra tới mọi tạo vật, sống động cũng như vô tri vô giác trong vũ trụ. Ngài không coi tạo vật là xấu xa, nguy hiểm phải đề phòng. Ngài cũng không có thái độ chủ nhân ông, nhìn tạo vật chỉ là đối tượng cho mình khai thác tùy thích. Nhưng ngài thiết lập một mối quan hệ thân ái, hài hòa với mọi vật. Ngài đã sáng tác “Bài ca vạn vật” để ca ngợi mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa: mặt trời, mặt trăng, tinh tú, gió, nước, lửa, trái đất với ngàn hoa, cây cỏ và trái trăng. Ngài gọi tạo vật là anh, chị: anh Cá, anh Chim, chị Trăng, chị Nước… không chỉ theo nghĩa thi phú, mà theo một cảm nghiệm sâu xa rằng tất cả đều là công trình của Cha trên trời và mang dấu ấn của tình thương.
Phanxicô muốn người ta quí chuộng thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên; ngài dạy các môn đệ mình khi đốn cây sử dụng theo nhu cầu, thì đừng chặt tận gốc, để cây còn có thể đâm chồi mới. Con người thời đại chúng ta có thể học biết bao nhiêu điều nơi thái độ của thánh nhân. Chắc chắn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nghĩ như thế khi ban Tông Thư ngày 29-9-1979 công bố thánh Phanxicô là bổn mạng các nhà môi sinh học. Suốt cuộc đời, Thánh Phanxicô luôn quan niệm sống là sống với, sống chung chan hòa với con người và muôn tạo vật.
Lạy Chúa, nhờ lời cầu bầu của thánh Phanxicô, xin cho chúng con biết yêu chuộng hoà bình, hòa bình với mọi người và nhất là với những người đối nghịch với chúng con. Xin cho lời kinh Hoà Bình mà thánh Phanxicô để lại được thấm vào tim, vào phổi, vào khối óc của chúng con biến chúng con thành người sứ giả hoà bình của Chúa. Amen.