Làm người

Làm người-ong-lao-va-bien-ca“Đã làm người thì không bao giờ được bó tay chịu thua, con người có thể bị tiêu diệt, nhưng không thể bị khuất phục”. Lão Santiago nhắc đi nhắc lại nhiều lần với lòng mình như thế. Một lời lẽ đầy cương nghị có sức đẩy lùi mọi chán chường, tuyệt vọng.
 
Santiago, một ông lão đánh cá nghèo khổ – nhân vật chính trong tác phẩm “Ngư ông và biển cả” của nhà văn Mỹ nổi tiếng Ernest Hemingway. Lão sống cô độc trong túp lều nhỏ bên bờ biển ở ngoại ô thành phố La Habana, Cuba. Ngoài cậu bé Manolin, người bạn duy nhất, lão không còn ai là thân thuộc, nghĩa thiết. Con người đến là cô độc !
 
Trong những ngày ấy, hoàng đế Augusto ra sắc chỉ ban hành lệnh kiểm tra toàn thể thiên hạ. … Ông Giuse với bà Maria thuộc xứ Galilê cũng từ thành Nagiarét lên xứ Giuđê, thành của Đavít, gọi là Bêlem. … Khi đó, đến buổi lâm bồn, Bà đã sinh con đầu lòng và đã lấy tã vấn con và đặt nằm trong máng cỏ, vì không có chỗ cho ông bà trong quán trọ (Lc 2,1-6).
 
Lầm lũi, lủi thủi dường như đã trở thành bản chất cố hữu của lão. Hàng ngày, lúc thì ban sáng, lúc ban chiều, có khi là nửa đêm, lão một thân một mình tung lưới ra khơi như xông vào một trận chiến quyết tử. Thỉnh thoảng, cậu bé Monilin, người bạn nhỏ can đảm, cũng cùng ra khơi với lão. Có lần chuyến ra khơi kéo dài cả tuần lễ. Mệt mỏi, đuối sức nhưng lão được tưởng thưởng với một thuyền đầy ấp cá. Nhìn những lũ cá “tung tăng nhún nhẩy” đầy khoang thuyền, lão nhếch mép mỉm cười. Một mụ cười hiếm hoi !
 
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàng vật. … Khi các Thiên Thần từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng hài nhi đặt nằm trong máng cỏ. (Lc 2,8.15-16).
 
Nhưng lần này, đã đến ngày thứ tám mươi tư rồi – lão nhẩm tính, tám mươi tư ngày ra khơi nhưng chẳng một con cá nào chui vào lưới. Không nản lòng, lão quyết định ra khơi một phen nữa. Lão vẫn tin tưởng mình sẽ đánh được một mẻ cá lớn xứng đáng. Lão nhớ lại thời trai trẻ oanh liệt của mình…. Lão ra khơi lúc nửa đêm. Cậu bé Monilin giúp lão mang đồ nghề xuống thuyền, rồi tiễn lão một ly cà phê nóng, mấy con cá nhỏ làm mồi câu và những lời chúc may mắn. Chỉ có thế, một thân một mình, lão ra khơi.
 
Lênh đên một mình trên sóng nước, lão cho thuyền đi xa hơn mọi ngày. Theo kinh nghiệm nhiều năm đi biển, lão biết ngoài khơi xa xăm kia là một bãi cá dầy – vùng Giếng Lớn. Lão cho thuyền băng băng đến tận đó. Trời chưa sáng rỏ, lão đã thả mồi xong. Đợi… đợi và đợi…, mãi đến tận gần trưa, chiếc phao gỗ mới chúi mạnh xuống nước. Lão mừng rơn, giật giây câu, nhưng không tài nào kéo nổi. “Chắc phải là một chú cá to”, lão nhủ thầm trong bụng. Chú cá giật mạnh và lôi thuyền đi. Chú cá đến là khoẻ. Lão già phải ráng tập trung gân cốt để níu lấy nó. từ trưa tới chiều, cá vẫn lôi thuyền đi băng băng và bây giờ thì chẳng còn nhìn thấy bờ đâu nữa.
 
Người ở giữa thế gian vả thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhân biết Người. Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. (Ga 1,10-11).
 
Rồi đêm xuống, một đêm khuya tĩnh mịch. Bầu trời lấp lánh các vì sao. Chung quanh lão là nước, nước… chỉ có nước của Đại Dương bao la, thăm thẳm. Một không gian đến là mênh mông: trời cao vô tận, biển sâu hun hút, bốn phương bát ngát chẳng thấy đâu là bờ bến. Trời và biển, chỉ có trời và biển…. Một lão già cô độc bị ném vào biển khơi trong một tình huống thật gay go, quyết liệt…. Suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau không được một miếng nào vào bụng, nên lão yếu sức dần, nhưng lão vẫn không chịu đầu hàng, buông thả….
 
Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđa, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái thờ Người” (Mt 2, 1-4).
 
Tù túng giữa trời và biển, lão Santiago nhớ lại một thời quá khứ oanh liệt. Lão nhớ tới lần lão đánh được một đôi cá mạch. Lão nhớ tới lần chơi trò “Bàn tay sắt” trong một khách sạn ở Casablanca. Bụng đói, mệt mỏi, lão thiếp đi. Lão mơ thấy một đàn cá khổng lồ dài đến chục dặm. Lão mơ thấy mình đang ở nhà. Lão mơ thấy bãi cát vàng rộng lớn hiện ra trong bóng chiều tà với đàn sư tử…. Một giấc mơ, những giấc mơ… trên con thuyền nhỏ lênh đênh, trôi dạt trên đại dương mênh mông vô tận. Đôi lúc, lão nghêu ngao hát một mình khi giữ lái. Rồi lão nói chuyện to tiếng với con cá kiếm, với bầy chim, lại còn nhủ thầm với đôi cách tay tê dại nữa. Lão nói với chính mình như để giành giựt giấc ngủ chợt đến: “ngủ đi một tí, ngủ đi một tí!”…
 
Sang đến ngày thứ ba, cá đuối sức. Lão Santiago cũng chẳng hơn gì, nhưng lão vẫn còn đủ sức dùng lao đâm chết cá. “ Ồ! Một con cá kiếm khổng lồ!”, một chiến lợi phẩm to lớn. Con cá còn dài hơn cả chiếc thuyền mỏng manh của lão. Lão cẩn thân buột nó vào mạn thuyền, rồi lôi về. Mệt mỏi rã rời, nhưng lòng vui vô tận. Con cá hùng vĩ giương vây như ngọn cờ chiến thắng của lão. Quả thật, đã làm người thì không bao giờ được bó tay chịu thua, con người có thể bị tiêu diệt, nhưng không thể bị khuất phục !
 
LÀM NGƯỜI, sao đơn giản thế hai chữ làm người! nhưng sao gian lao thế cuộc sống làm người! “Vì nhân gian”, Khổng Tử đã có lần nói thế, “làm người thật là khó!”.
 
“Làm người” – đó là một lần dong buồm ra khơi và lần lên đường này là một lần duy nhất, không được quyền quay lui, mà cũng không được quyền đầu hàng, không được quyền trả giá, cò kè xin một bớt hai.
 
“Làm người” – đó là chấp nhân cô đơn giữa trùng dương, không ai có thể thế chỗ của mình; và chính mình phải giành giật lấy cho được một vị thế.
 
“Làm người” – đó là chấp nhân một cuộc thách đấu mà chỉ có người thua, kẻ thắng chứ chẳng thể hoà; thách đấu với bao sóng gió, với thế lực, với bao yếu đuối của chính mình.
 
“Làm người” – đó là dám hiên ngang ngay cả khi “ngọn cờ” của mình chẳng còn phất phới bay, mà đã rách nát và ủ rũ.
 
Thiên Chúa đã nhập thể và làm người theo nghĩa đó. Ngài mang lấy thân phận con người, nhưng là một con người ở giữa thế lực chính trị và quân sự tranh chấp nhau; giữa những trào lưu tôn giáo miệt thị nhau, giữa những người bạn, trong đó có “tên phản bội”.

Thiên Chúa đã nhập thể theo nghĩa đó, Ngài ở trong một gia đình, mà trước khi Ngài được sinh ra, đã có sự “hiểu lầm” (Giuse định tâm bỏ Maria một cách kín đáo, Mt 1,19). Ngài ở trong một hoàn cảnh mà chính Ngài đã chịu thân phận một người bị loại ra ngoài lề xã hội, ngay lúc mới mở mắt chào đời (vì không có chỗ cho hai ông bà trong quán trọ, Lc 2,6). Ngài sống trong một đất nước, mà người ta không chấp nhận sự hiện diện của Ngài (vì vua Hêrôđê sắp tìm giết hài nhi đấy!, Mt 2,13). Ngài sống cuộc sống mà không phải lúc nào mình cũng được hiểu, ngay cả những người thân cận nhất (nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói, Lc 2,50; nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6, 60). Ngài đã sống trọn vẹn thân phận con người giữa những tranh chấp của dòng lịch sử, tranh chấp tôn giáo (chúng ta có lề luật; và chiếu theo lề luật thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là con Thiên Chúa, Ga 19,7), và tranh chấp chính trị (“Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda”; khi nghe những lời ấy, Philatô truyền dẫn Đức Giêsu ra ngoài).
 
Đức Giêsu đảm nhận trọn vẹn những khổ đau của phận người, vượt qua những thách đố gây cấn và tinh vi nhất của kiếp người và đã trở nên con người thập toàn, không gì chê trách được. Đã làm người thì không bao giờ được bó tay chịu thua. Con người có thể bị tiêu diệt, chứ không thể bị khuất phục. (Đức Giêsu nói: Thế là đã hoàn tất ! rồi Người gục đầu xuống và trao thần khí, Ga 19,30).
 
Với Đức Giêsu, con đường “làm người” mở ra tới một chân trời mới, chân trời của “công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14, 17b), vì Thiên Chúa đã đến cư ngụ giữa chúng ta.
 
Đây là cái ghế đẩu của Chúa,
Nơi Chúa nghỉ chân,
Giữa những người rất nghèo nàn nhỏ bé và lạc lõng.
 
Nếu con cúi mình tới Chúa,
Lòng cung kính của con
Không cúi sâu được tới mức thẳm sâu,
Nơi Chúa nghỉ chân,
Giữa những người rất nghèo nàn nhỏ bé và lạc lõng.
 
Nơi nào kiêu căng không ám ảnh,
Chính là nơi Chúa bước đi,
Trong dáng điệu nghèo hèn của người khiêm hạ,
Giữa người rất nghèo nàn nhỏ bé và lạc lõng.
 
Tâm con sẽ chẳng bao giờ tìm thấy
Đường đi tới nơi Chúa nhập bọn,
Với những người không bạn đồng hành,
Giữa những người rất nghèo nàn nhỏ bé và lạc lõng.
                                                                (R. Tagore) 
 

Tác giả bài viết: Lm. Alphongsô Vũ Đức Trung O.P.