Hương xoan

Hoa. Một phần của cuộc sống. Thế giới sẽ ra sao khi vắng bóng những nụ hoa thắm biếc tươi màu? Hoa khoe sắc cho lòng người rực rỡ. Hoa tỏa hương cho khí trời thơm tho. Hoa e ấp những sứ điệp cho cuộc sống, như một kho tàng ẩn dấu những lời minh triết vô ngôn. Trong thế giới loài hoa, có cái rực rỡ kiêu sa của bông hồng, bông lan, có cái âm thầm đơn sơ của hoa chanh, hoa bưởi. Thế giới hoa thật phong phú, như thế giới người vốn cũng rất đa đoan.

Mùa Chay làm cho tôi nhớ đến một loài hoa đồng nội: hoa xoan. Cây xoan hay xoan ta, xoan nhà, sầu đông, thầu đâu, là một loài cây thân gỗ, cao từ 7 đến 12 m, được coi có nguồn gốc ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Australia. Không biết xoan đã được nhập vào Việt Nam từ bao giờ, nhưng khi tôi mở mắt chào đời thì đã thấy có những cây xoan rất lớn trong vườn trước nhà tôi. Xoan rủ bóng mỗi buổi trưa hè oi ả. Xoan rỉ rả tiếng gió vi vu mỗi độ thu về. Xoan khẳng khiu trơ trụi khi mùa đông băng giá. Xoan nở rộ cành lá khi xuân ấm nắng hồng. Buổi sáng bắt đầu với tiếng chim hót líu lo trên cành xoan. Buổi trưa thú vị khi chúng tôi vắt vẻo trên những cành xoan để thực tập leo trèo hoặc làm tổ cho chim sáo. Xoan cũng là chỗ bám víu vững chắc cho những cây leo, như cây mướp, cây bí, cây gấc… Lá xoan xanh và đắng, có thể dùng làm thuốc trừ sâu tự nhiên, thuốc ướp vật dụng, làm phân xanh bón lúa nương đồng. Quả xoan có hình bầu dục (nên thường ví khuôn mặt trái xoan), to cỡ hòn bi, vỏ có màu vàng nhạt khi chín, treo trên cây suốt mùa đông cho đến khi ngả màu trắng. Thân xoan thường được dùng làm xà nhà hoặc đóng một số vật dụng có tính cách tạm thời hoặc bình dân.

Hoa xoan nhỏ và có mùi thơm, với 5 cánh hoa có màu tía nhạt hoặc tím hoa cà, mọc thành từng chùm. Hoa xoan không hấp dẫn đối với ong và bướm, nhưng với tôi nó hấp dẫn lạ thường. Xoan quyến rũ tôi không phải vì cái dáng nho nhỏ, tim tím, e lệ và chân chất như có lần đã từng thấp thoáng trong thơ Nguyễn Bính:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
(Mưa xuân)
Hôm ấy tôi đi nắng ửng vàng
Bời bời ngõ cũ tím hoa xoan.
(Trở về quê cũ)
Hay như đã từng “lung linh” trong thơ Trần Vương Việt:
Tháng ba hoa xoan nở, 
Những chùm tím xinh xinh
Hoa tươi cười rạng rỡ
Trong nắng trời lung linh.
(Hoa Xoan)

Hoa xoan làm tôi thương nhớ vì với tôi hoa xoan là hoa mùa Chay, hoa thương khó, hoa táng xác. Không biết tự bao giờ, cứ đến tuần thương khó, người ta lại hái hoa xoan để kết chùm xung quang nấm mồ của Chúa. Hoa xoan cũng được trộn chung với nả để ướp xác Chúa. Có lẽ đây là một hình thức hội nhập văn hóa? Xoan tím màu phụng vụ Mùa Chay, màu của thương khó, thống hối, ăn năn; màu của yêu thương, khổ sầu và hy vọng. Người quê lam lũ chất phác, nào có gì ngoài bó hoa nhà, hoa quê, hoa sương khói, hoa đồng nội: hoa xoan. Những cành xoan sau khi đã canh mồ và ướp xác Chúa, được người ta đem về nhà để nấu nước tắm gội cho con trẻ, để da dẻ chúng nó không bị lở ghẻ, đẹp đẽ hồng hào.

Cây xoan còn được coi là loài hoa của “cây khổ luyện”. Xem như vậy, hoa xoan còn chất chứa cho ta một sứ điệp: mùa chay là mùa khổ luyện, tập luyện… Khổ luyện nào mà chẳng có đắng cay, nhưng “thuốc đắng giã tật”. Cái khổ luyện của chay tịnh đó giải phóng ta khỏi các “tật” đang tù túng ta, để sống như hoa xoan, hoa sương khói, hoa khiêm nhường siêu thoát, hoa chín chắn, chân thành, hoa tím màu chung thủy yêu thương…

Hoa xoan đã từng “nở” rất sớm trong thi ca nghệ thuật, ngay như Nguyễn Trãi cũng đã từng ngâm nga:

Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan. 
Và thật thú vị khi xoan cũng “nở” trong truyền thống đạo đức bình dân của Đạo chúng ta. Và phải chăng cần có nhiều nụ xoan “nở” tiếp  trong kho tàng văn hóa đức tin hôm nay?
Nhớ tới Mùa Chay, nhớ hương xoan
Thoang thoảng sầu vương lệ hai dòng
Tím hoàng hôn thánh, lòng như cắt
Vì con, Thầy khổ nhục tân toan.
Con đây thôn dã không dầu quý
Chỉ có lòng con tựa đóa xoan
Ăn năn thống hối muôn lầm lỗi
Ướp thân hình Chúa trái tim ngoan.
Thời buổi “kinh tế thị trường” xoan đang dần dần vắng bóng do “hiệu quả kinh tế” không cao! Vì thế không biết bao giờ xoan mới có thể “nở” trong lòng tôi, trong lòng chúng ta và trên quê hương đât nước này? Liệu có còn chăng một cơ hội cho xoan?
Hương Kinh (Trà Lũ)
(Ra Khơi số 12)