Hội chứng nhiễm độc

Trong thời đại “vàng thau lẫn lộn”, truyền hình, báo đài ra rả những thông báo ngộ độc thực phẩm: hoa quả nhiễm thuốc, sữa có melanin, nước giải khát toàn hương liệu hóa chất, thậm chí người cũng có cơ quan thật giả. Rất nhiều thứ dán mác “Xịn”, mà bên trong trái tim là nhịp đập và sự tính toán của tử thần.  Xét về nguyên nhân sâu xa, phải chăng đã có quá nhiều khối óc bị nhiễm độc nhưng vẫn dán mác “tri thức”.

Cuộc sống bon chen, cùng với trái tim hoen ố mà vẫn dán mác “sống theo lương tâm, sống vì người khác”. Thời gian gần đây phòng khám chúng tôi tại cơ sở 1 : Đại lộ Ed 11/19 và cơ sở 2 : Đại lộ Ed 36/26 nhận được rất nhiều bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Chúng tôi xin nêu lên một số trường hợp điển hình để mọi người nhận biết và kịp thời đi khám chữa để tránh dẫn đến tình trạng nghiệm trọng

– Trường Hợp thứ nhất: Bệnh nhân được đưa tới trong tình trạng thoi thóp. Bệnh nhân này có tim màu vàng rất sang trọng, hào nhoáng.

Thăm khám bệnh lý: Đây là tim của người quá yêu vật chất và hư danh trong lời khen tiếng chê. Họ quá yêu tiền tài và coi trọng của cải hơn mạng sống con người. Do đó họ sẵn sàng đạp lên người khác để mình được nổi danh. Họ coi trọng lương lậu và lương tháng hơn lương tâm, bởi mục đích sống của họ là tiền, nhịp đập trái tim họ lên xuống theo giá vàng, thị trường tiền tệ, sàn giao dịch chứng khoán, giá bất động sản. Họ nhanh nhẹn việc mua gian bán lận, hoặc đổi quả cân, hay gạt đấu đong. Họ hạ thấp Thiên Chúa và đặt ngẫu tượng là con bò vàng lên bàn thờ….

– Trường Hợp thứ 2: trái tim trắng: Bệnh nhân này được đưa tới trong tình trạng sắp đóng băng. Trái tim nơi những người này rất lạnh lùng.

Quá trình bệnh lý: Ngày nay có nhiều người mang nơi mình trái tim này, thậm chí có khả năng tạo nên một phong trào của vẻ đẹp lạnh lùng, để chứng tỏ rằng “tôi là người biết tôn trọng tự do của người khác”.  Họ không quan tâm đến ai, hoặc vấn đề gì. Họ cho rằng quan tâm đến người khác là soi mói, giúp đỡ người khác là phiền hà. Họ chai lỳ trước tất cả mọi sự vật, sự việc. Đây là một nguy hiểm đáng báo động, bởi nó là nguyên nhân dẫn đến sự thờ ơ, tình trạng vô trách nhiệm, vô cảm, thậm chí “đóng băng cảm xúc” trước tất cả mọi nỗi đau.

– Trường Hợp thứ 3: Đang thăm khám bệnh nhân có tim màu trắng thì chúng tôi nhận được một bệnh nhân khác có trái tim rất đẹp long lanh nhiều màu sắc và liên tục đổi màu như con Tắc Kè Hoa.

Quá trình bệnh lý: Đây là trái tim điển hình cho loại người “gió chiều nào che chiều ấy”. Vẻ mặt và cảm xúc hợp với mọi hoàn cảnh. Họ “vui với người vui, khóc với người khóc”. Xét về mặt hình thức học nhân loại thì chẳng có gì phải chê, chuẩn không cần chỉnh. Nhưng cái cốt lõi bên trong là sự bác ái, cảm thông và sẻ chia… thì không có. Họ dùng lời lẽ yêu thương, an ủi vỗ về người xa lạ cũng như người gần bên, nhưng “lời trơn tru hơn mỡ mà bén nhọn như gươm” (Tv 54,22). Thế nhưng, khi chạm đến quyền lợi bản thân, thì họ toan tính khôn khéo để trốn tránh, và chuyển hướng trách nhiệm cho người khác. Đây là bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim rất nặng, vì họ luôn phải chạy theo hoàn cảnh môi trường.

– Trường Hợp thứ 4: Đã hết giờ làm việc, chuẩn bị ra về thì có một bệnh nhân được xe cứu thương đưa đến với tình trạng hết sức bấn loạn. Chúng tôi phải triệu tập ekíp mổ gấp và thấy bệnh nhân có trái tim đen ngòm như nước thải nhà máy.

Quá trình bệnh lý: Đây là tình trạng của những bệnh nhân chỉ yêu chính mình. Họ không tin ai. Tựa như biển chết không lưu thông dòng nước, vì độ mặn quá cao nên chẳng sinh vật nào sống được. Máu nơi bệnh nhân này không chảy để nuôi dưỡng, làm việc tốt, mà chỉ lòng vòng trong chính tim mình. Họ mắc bệnh tự kỉ, tự ái, nên mọi hy vọng, mọi tư tưởng tốt lành vào trong họ đều bị bóp chết. Nơi trái tim này chứa đựng, nuôi dưỡng những ý nghĩ và tư tưởng, căm ghét, thù hận. Đây là bệnh nhân nặng nhất mà chúng tôi từng thấy. Chúng tôi phải làm việc hết sức căng thẳng để thay máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, con tim họ khó tiếp nhận máu khác, nên ca mổ diễn ra rất chậm.

– Trường Hợp thứ 5: Ca mổ vừa xong, trên đường về, tôi thấy một người bên lề đường đang lên cơn vật vã. Tôi dừng lại và gọi xe cấp cứu đưa về bệnh viện. Bệnh nhân có kích thước trái tim quá khổ, nên rơi vào tình trạng khó thở.

Quá trình bệnh lí: tim của người này bị quá tải, yêu tất cả mọi thứ, dưới lớp bọc “đáp trả tình yêu”. Họ không có khái niệm thủy chung, nên chỉ sống để thỏa mãn đam mê với lý do “tình yêu”. Nhưng họ cũng chẳng hiểu tình yêu đích thực là gì.

Phương pháp chữa trị và tiên lượng bệnh: trên đây chỉ là một số trường hợp điển hình để cảnh báo. Thực ra trái tim họ đổi màu như thế không phải do “phút lơ đễnh của tạo hóa” khiến Ngài đổ nhầm màu máu trong tim, nhưng vì rất nhiều lý do mà những bệnh nhân này bị nhiễm độc nặng như thế. Đây là những bệnh nhân hết sức đáng thương. Thế nhưng nhờ vị Bác Sĩ Toàn Năng, họ được đưa đến cấp cứu bởi người khác, bởi phút tỉnh thức của chính họ hay bởi bị thương mà gặp được cơ hội thay đổi.

Vậy mỗi người chúng ta hãy xem mình có triệu chứng của sự nhiễm độc không? Hãy gọi và đến với cơ sở của Bác Sĩ Toàn Năng. Có hai cơ sở nhưng chất lượng giống nhau đón tiếp và cứu chữa tất cả những ai đến với Ngài : Đại lộ Ed 11/19 hoặc Đại lộ Ed 36/26.

Bác sĩ Toàn Năng sẽ chữa trị tất cả mọi vết thương đặc biệt với những trái tim nhiễm độc với lời hứa rằng: “Ta sẽ ban cho chúng một quả tim mới và đặt Thần Khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng quả tim chai đá và ban cho chúng một quả tim biết yêu thương”

M. Thiên Ân, Đaminh Bùi Chu