“Giáo hoàng Francis từng gửi thư cho Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong mùa hè vừa qua, kêu gọi một giải pháp cho vấn đề tù nhân và phát triển quan hệ song phương”, Kenneth Hackett, đại sứ Mỹ tại Vatican, nói.
Vatican trong những cuộc đàm phán bí mật Mỹ-Cuba
Vatican và Canada tổ chức hàng loạt cuộc đàm phán bí mật trong suốt hơn một năm qua, trở thành nhân tố chủ chốt trong việc tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao Washington-Havana.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro trong lễ tưởng niệm cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Johannesburg tháng 12/2013. Ảnh: Reuters. |
Sau nhiều tháng đàm phán bí mật, với sự hậu thuẫn của Vatican vàCanada, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro hôm qua nhất trí về việc trao đổi tù nhân và thành lập các đại sứ quán, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau hơn 50 năm đóng băng.
Bước đột phá lịch sử trong quan hệ Mỹ – Cuba bắt đầu từ mùa xuân 2013, khi Tổng thống Obama cho phép đàm phán bí mật với Havana, phương thức ông từng sử dụng để mở ra các vòng đàm phán hạt nhân với Iran. Vatican đã làm việc chặt chẽ với cả Mỹ và Cuba, đồng thời tổ chức các cuộc gặp giữa giới chức hai nước.
Vatican tham gia vào quá trình này ngay từ tháng 3/2012, khi một nhóm nhà lập pháp Mỹ tới văn phòng đại sứ giáo hoàng ở Washington và xin được giúp đỡ.
Kể từ đó, “vấn đề này luôn nằm trên radar của Vatican”, xuyên suốt trong quá trình chuyển tiếp từ Giáo hoàng Benedict XVI sang Giáo hoàng Francis, Thượng nghị sĩ Barbara Mikulski, bang Maryland, quê nhà của tù nhân chính trị Alan Gross vừa được Cuba trả tự do, nói.
Trong các cuộc đàm phán, Washington luôn nhấn mạnh việc trả tự do cho một gián điệp của Mỹ ngồi tù trong nhà giam Cuba trong gần hai thập kỷ qua.
Cá nhân chưa rõ danh tính này “là công cụ trong quá trình nhận diện và phá một số hoạt động tình báo của Cuba ở Mỹ”, văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cho biết trong một thông báo.
Trong số những người làm việc cho Cuba bị đặc vụ lật mặt có một nhà phân tích cấp cao trong Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ và các thành viên trong một mạng lưới gián điệp trụ sở tại bang Florida có tên gọi “Mạng lưới Wasp”.
Cuba cũng nhấn mạnh yêu cầu thả ba thành viên trong mạng lưới. Các đặc vụ người Cuba đã ngồi tù 16 năm ở Mỹ.
Trong các cuộc đàm phán, vẫn còn những bất đồng chưa được giải quyết. Phía Cuba lặp lại lời kêu gọi Mỹ chấm dứt chương trình mà Cuba cho là nhằm lật đổ chế độ ở nước này. Washington không chấp thuận những yêu cầu trên vì cho rằng đó là để thúc đẩy dân chủ, một quan chức chính quyền Mỹ cho hay.
Quá trình chuyển giao các tù nhân được hoàn thiện trong một cuộc gặp quan trọng ở Vatican, quan chức này nói. Hiện vẫn chưa rõ chính xác thời điểm diễn ra phiên họp.
Vào đầu mùa hè năm nay, Giáo hoàng Francis từng gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro kêu gọi họ trao đổi tù nhân, giải quyết trường hợp của tù nhân Alan Gross và thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn.
Cuba bắt Gross, hiện 65 tuổi, từ năm 2009 và kết án 15 năm tù vì nhập khẩu công nghệ bị cấm và cố thiết lập dịch vụ Internet bí mật cho người Do Thái ở Cuba. Gross từng là nhà thầu phụ cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ.
“Giáo hoàng Francis từng gửi thư cho Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong mùa hè vừa qua, kêu gọi một giải pháp cho vấn đề tù nhân và phát triển quan hệ song phương”, Kenneth Hackett, đại sứ Mỹ tại Vatican, nói. “Một quan chức cấp cao của Vatican cũng góp phần quan trọng vào động thái lịch sử này khi gặp gỡ các phái đoàn Cuba và Mỹ trong tháng 10, giúp các cuộc thảo luận kết thúc thành công”.
Trong chuyến thăm tới Vatican hồi tháng 3, Tổng thống Obama đã có buổi thảo luận với Giáo hoàng Francis và tiếp tục phối hợp với tòa thánh, một quan chức Mỹ cho hay. Giáo hoàng nhận thấy ông Obama đang xem xét thay đổi trong chính sách với Cuba và tiếp cận tổng thống. Quan chức trên lưu ý rằng chính lời kêu gọi cá nhân hiếm hoi này đã tăng thêm động lực cho các cuộc đàm phán.
Đức hồng y người Cuba Jaime Ortega cũng đóng vai trò lớn trong các cuộc đàm phán trả tự do cho Gross, Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Richard Durbin, bang Illinois, cho biết. Theo Durbin, các cuộc đàm phán đã kéo dài hơn một năm.
“Sự ủng hộ của Giáo hoàng Francis và Vatican là điều quan trọng với chúng tôi”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói, đồng thời cho biết chính quyền Obama đã thông báo với người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã về bước tiến ngoại giao giữa Mỹ với Cuba. “Tòa Vatican hoan nghênh thông tin này”.
Các cuộc đàm phán cũng diễn ra trong nhiều tháng ở Canada, quốc gia vẫn duy trì quan hệ với Cuba.
Cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai nước tại Canada diễn ra vào tháng 6/2013. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, trợ lý thân cận của ông Obama, và Ricardo Zuniga, chuyên gia về Mỹ Latin trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng. Hiện chưa rõ danh tính các thành viên trong phái đoàn Cuba trong cuộc gặp này.
Các tù nhân Mỹ và Cuba là vấn đề chính được thảo luận, các quan chức Mỹ cho hay. Với chính quyền Obama, việc Gross ngồi tù là rào cản cả về thực tế lẫn chính trị để cải thiện quan hệ hai nước.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong mùa hè vừa qua từng điện đàm 4 lần với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez về vấn đề Gross. Ông Kerry nói với phía Cuba rằng nếu Gross có mệnh hệ gì thì mối quan hệ giữa Havana với Washington sẽ không bao giờ được cải thiện.
Nhưng cuối cùng nhiều tháng đàm phán bí mật ở Canada và Vatican đã đem lại kết quả vào ngày 17/12, khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro nói chuyện qua điện thoại gần một tiếng đồng hồ và đưa ra nhất trí cuối cùng về các bước để chấm dứt hơn nửa thế kỷ thù địch, định hình lại mối quan hệ ở bán cầu tây.
Obama tin rằng “nếu có bất kỳ chính sách ngoại giao nào của Mỹ đã bị lỗi thời, thì đó là chính sách Mỹ-Cuba”.
(Như Tâm, Vnexpres.net 18.12.2014/ Reuters)