Đức Chúa thi hành công lý cho những kẻ bị áp bức; Ngài ban lương thực cho kẻ đói ăn (Tv 146,7).
– Kitô giáo phải tiếp nhận vào trong toàn thể đời sống Kitô hữu của mình tất cả những gì tốt đẹp, cao quí và sống động trong các nền văn hóa và các truyền thống của chúng ta – cũng như làm cho viên mãn bất cứ hạt giống Tin Mừng nào đã được gieo vào các nền văn hóa Á Châu trước khi Tin Mừng được loan báo ở đây (Các giám mục Á Châu, Calcutta, 1978).
Những thách đố đặt ra cho gia đình nhân loại thế kỷ 21 thật dễ gây nản lòng. Vấn đề dân số, nghèo đói, sự cạn kiệt tài nguyên, tình trạng bất công, xáo trộn văn hóa, chủ nghĩa dân tộc, vấn đề sản xuất vũ khí, xuống cấp môi trường, thay đổi khí hậu: đây chỉ là một phần của những liệt kê mà tất cả mọi người đều quá quen thuộc. Trong khi đó, sự khôn ngoan của con người dường như không theo kịp trí thông minh của họ. Kết quả là, những lực huỷ diệt dường như mạnh hơn nhiều so với quyết tâm kiềm chế chúng. Để cho con người bớt ‘cận thị’ và để phục vụ cho lợi ích lâu dài của hành tinh này thì tất cả tài khéo của con người phải được huy động. Điều này cũng đòi hỏi sự cộng tác quốc tế chặt chẽ hơn bao giờ trước đây, bao gồm sự cộng tác của các tôn giáo lớn và các truyền thống khôn ngoan của thế giới.
Vượt quá các biên giới quốc gia, Giáo Hội Công Giáo rõ ràng đóng một vai trò trong việc thiết lập khung cảnh cho sự cộng tác liên tôn. Giáo Hội Công Giáo phải lấy những mối quan tâm của thế giới này làm của mình. “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người thời nay, nhất là của những người nghèo khổ và bất hạnh, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô.” Với lời tuyên bố dứt khoát này ngay trong những giòng mở đầu Gaudium et Spes, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay, do Công Đồng Vatican II công bố ngày 7 tháng 12 năm 1965, Giáo Hội Công Giáo đã mở ra với thế giới và với những nhu cầu của thế giới. Một Giáo Hội đặt nền trên niềm tin vào một Thiên Chúa nhập thể phải tự đặt mình phục vụ thế giới. Nhưng sẽ làm điều đó bằng cách nào, những thần học nào sẽ làm động lực cho sứ mạng đó, những tầm nhìn mục vụ nào sẽ chất chứa sứ mạng đó – những dấu hỏi ấy đã được để dành cho người tín hữu trả lời. Việc tìm kiếm các câu trả lời vẫn tiếp tục. Cuối cùng, rõ ràng là sẽ cần đến nhiều thần học và nhiều phương thức mục vụ. Dĩ nhiên là không phải tất cả các tầm nhìn và tất cả các phương thức đều có cùng trọng lượng hay thẩm quyền như nhau. Những tầm nhìn và những phương thức phát xuất từ đời sống của dân nghèo hay đáp lại nhu cầu của dân nghèo, chẳng hạn ở Châu Mỹ La Tinh, đã cách mạng hoá cách thức mà vô số Kitô hữu làm thần học, hình dung Giáo Hội, và liên can vào thế giới. Đối với nhiều người Công Giáo, các nhà thần học Châu Mỹ La Tinh đã giúp họ thay đổi nhận thức về Giáo Hội và về sứ mạng của Giáo Hội.
Các nhà thần học Á Châu, ít được thế giới biết đến hơn, đã làm việc với các giám mục của mình và cũng đặt nền trên những cam kết liên đới với người nghèo – đã định hình một tầm nhìn mục vụ năng động khác có thể giúp định hướng Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội trong thế kỷ mới. Tầm nhìn Á Châu đã phát triển qua những thập niên đáp lại các nhu cầu của Á Châu, nhưng đó là một tầm nhìn đáng được quan tâm bởi cộng đồng Công Giáo rộng lớn hơn. Nhìn nhận tính đa dạng phong phú của các xã hội, văn hóa, và tôn giáo, trong khi nhận hiểu những sự bất công tự nền tảng đang vận hành thế giới hôm nay, tầm nhìn Á Châu dường như thực sự thích hợp. Một cách đầy nhiệt tâm và không hề có tính biện giáo, những người Á Châu dũng cảm gọi đó là “một cách thế mới để thể hiện Giáo Hội.”
Các tầm nhìn có vai trò lát con đường đi về phía trước. Chúng cung cấp chiều hướng. Chúng sản sinh hy vọng và thắp sáng đức tin của cộng đoàn. Những người Công Giáo Á Châu nhanh chóng nhìn nhận rằng vẫn còn một khoảng cách rất xa giữa tầm nhìn của mình và những gì mà mình đã thực hiện được sau 3 thập niên. Chặng hành trình ấy cũng đầy những thăng trầm. Những bổ nhiệm giám mục gần đây ở Á Châu, cũng như ở các nơi khác, thường đặt những con người dè dặt vào các chức vụ nắm quyền chủ chốt. Và điều này đã không thúc đẩy được tiến trình. Tuy nhiên, những sự bổ nhiệm ấy cũng đã không làm suy yếu tầm nhìn vốn đã được hình thành từ sự đồng tâm nhất trí qua mấy thập niên.
Trong nhiều thế kỷ, người Công Giáo Á Châu được nhìn như những kẻ sống ở tận rìa xa của Giáo Hội Công Giáo. Họ được coi như sống trong “vùng truyền giáo.” Ít người ở phương Tây có lý do để chú ý đến các anh chị em này của mình trong đức tin. Nói cho cùng, cớ gì người phương Tây phải quan tâm kia chứ? Á Châu đã chẳng “thụt lùi” đó sao? Các nhà thần học ở Á Châu thì biết gì về Giáo Hội, về thần học? Âu Châu không phải là trung tâm của văn minh đó sao? Không phải Âu Châu đã sinh ra thời đại Phục Hưng đó sao? Không phải Rôma giữ ngai toà của vị giám mục của các giám mục – là đức giáo hoàng – đó sao? Vì thế, tương đối ít người ở phương Tây quan tâm đến Á Châu. Các giám mục Á Châu và các nhà thần học của các vị bị quên lãng. Tuy nhiên, kể từ Công Đồng, được thúc đẩy bởi khát vọng hội nhập văn hóa đức tin và làm cho đức tin ấy phù hợp với đời sống các Kitô hữu, giới lãnh đạo Công Giáo Á Châu đã làm việc để xây dựng một tầm nhìn đức tin. Có một số yếu tố cho phép điều này xảy ra. Trước hết, đó là sự qui tụ của các giám mục và các nhà thần học từ khắp Á Châu trong một tổ chức mà trong đó lần đầu tiên các vị lãnh đạo có thể lắng nghe nhau và nhận ra rằng các vị cùng chia sẻ rất nhiều mối quan tâm chung. Cùng nhìn ra đời sống xã hội, điều mà các vị nhìn thấy là sự nghèo đói tràn lan, sự áp bức, cũng như sức nặng khủng khiếp của thế giới tục hoá hiện đại đè lên các xã hội truyền thống của mình. Các vị đã sớm bắt đầu cùng nhau suy nghĩ và biện phân, và trong tiến trình đó các vị bắt đầu tổng hợp những ý tưởng của mình trong những tuyên bố mục vụ. Các vị đề cập tới những nhu cầu thường ngày: đời sống, công ăn việc làm, căn tính linh đạo, lương thực, cộng đồng, đối thoại, việc xây dựng những mối dây liên kết với gia đình, láng giềng (thường là thuộc các tôn giáo khác). Một yếu tố khác nữa giúp có được tầm nhìn mới này, đó là sự tín nhiệm. Các nhà thần học Á Châu và các giám mục Á Châu tín nhiệm lẫn nhau. Họ làm việc sát cánh với nhau để viết ra các tuyên bố mục vụ. Họ cùng chia sẻ một cảm thức mục đích chung. Có thể nói kể từ Công Đồng Vatican II, chưa có nhóm thần học gia và nhóm giám mục nào làm việc với nhau chặt chẽ đến như thế. Kết quả là các vị đạt được những tầm nhìn và năng lực chưa từng có. Đây là kết tinh của nhiều tuyên bố chủ chốt khác nhau, được hậu thuẫn bởi vô số các tuyên bố khác đã được đưa ra trong các tạp chí, sách vở, những khoá hội thảo và các hội nghị khác. Rất nhiều chương trình và các sáng kiến địa phương trên khắp Á Châu đã được phát động. Ta cần nhớ rằng người Á Châu đặc biệt trân trọng giáo dục và những người học cao hiểu rộng. Đó là truyền thống tôn sư trọng đạo. Các thần học gia, chuyên về lãnh vực tâm linh, lại càng được kính trọng. Trong nhiều ngôn ngữ Á Châu, các giám mục dùng chữ “thầy” để gọi các nhà thần học của mình. Thật không mấy ngạc nhiên khi ta thấy các giám mục Á Châu tôn trọng và sẵn sàng cộng tác với các nhà thần học, và chính những vị này đã có nhiều ảnh hưởng trong tiến trình phát triển tầm nhìn mục vụ Á Châu suốt những thập niên qua.
Chiếc kiềng ba chân của tầm nhìn mục vụ Á Châu tựa trên: Giáo Hội địa phương, suy tư bối cảnh hoá, và xây dựng sự đồng thuận. Trong khi đó, tầm nhìn này nổi lên phần lớn là ở ‘ngoài vùng phủ sóng’ của những màn hình radar Rôma. Các thập niên 1970 và 1980 là thời gian trọng yếu của cuộc phát triển thần học Á Châu. Đó cũng là giai đoạn mà Vatican đang mải chăm chú dò xét Châu Mỹ La Tinh và các nhà thần học ở đấy.
Tầm nhìn mục vụ Á Châu được sản sinh bởi các nhà thần học đặt sự nhấn mạnh đặc biệt trên những mối dây tin tưởng giữa Thiên Chúa và con người. Các vị tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử Á Châu. Các vị tin tưởng một Thánh Thần hiện diện trong thế giới và hoạt động trong nhiều nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống của Á Châu. Các vị tin tưởng rằng điều mà Đức Giêsu muốn ở mình hôm nay là: trở thành môn đệ của Đức Giêsu, phục vụ như Người mời gọi, và loan báo Tin Mừng bằng đời sống mình. Nói cho cùng, các vị tín thác công cuộc loan báo Tin Mừng của Công Giáo hôm nay cho Thiên Chúa.
Một số vị ở Rôma nhận thấy rằng phương thức này còn thiếu sót. Những nhà phê bình giới lãnh đạo Công Giáo Á Châu kiên quyết chủ trương rằng việc loan báo Tin Mừng đòi hỏi phải có sự rao giảng minh nhiên Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới. Giới lãnh đạo Công Giáo Á Châu trả lời “Vâng, nhưng…” Loan báo Tin Mừng ở Á Châu vừa có nghĩa là vừa không có nghĩa là “rao giảng” Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, ít nhất theo nghĩa rao giảng trực tiếp bằng lời. Người Á Châu không gặp khó khăn gì trong việc giữ những chủ trương tưởng chừng khác nhau này. Họ nói: “Dạ được, chúng tôi sẽ rao giảng, nhưng chúng tôi sẽ rao giảng bằng cách nêu chứng tá đời sống Tin Mừng, nêu chứng tá sống các giáo huấn của Đức Giêsu.” Trong một số trường hợp, người Á Châu nhắc, việc rao giảng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ sẽ là một hành động tự sát. Trong nhiều trường hợp khác, việc rao giảng như vậy sẽ chỉ gây hiệu ứng ngược. Điều quan trọng là các Kitô hữu sống dạt dào hy vọng với một quyết tâm xây dựng triều đại của Thiên Chúa.
Tầm nhìn mục vụ Á Châu đặt trên nền tảng Tin Mừng. Nó qui chiếu đến các giáo huấn của Đức Giêsu. Nhãn quan của nó là sống Phúc Âm giữa đời. Nghĩa là nó không lấy cơ chế làm trọng. Mục tiêu hàng đầu của nó không phải là xây dựng các cơ cấu của Giáo Hội. Các cơ cấu ấy phải nhường ưu tiên cho sứ mạng thiết yếu hơn, sứ mạng hướng ra ngoài nhằm “giải phóng toàn diện”, giải phóng ở mọi cấp độ hiện hữu, từ cá nhân đến cộng đồng, từ quốc gia đến toàn cầu. Tầm nhìn này kêu gọi giải phóng khỏi những lực phá rối như lòng tham dục, cũng như giải phóng khỏi những cơ cấu kinh tế xã hội bất công làm ngăn trở các mối tương quan hoà điệu. Tầm nhìn Á Châu cốt yếu có tính phi bạo lực. Nó thượng tôn sự hoà điệu. Ở đâu không có hoà điệu, tầm nhìn Á Châu cố gắng tìm lại hoà điệu bằng đối thoại. Tầm nhìn Á Châu về Giáo Hội là một tầm nhìn khiêm hạ. Nó không hề cố áp đặt. Nói cho cùng, Thiên Chúa vẫn hiện diện sẵn ở mọi nơi. Thay vào đó, tầm nhìn Á Châu nhắm tìm gặp, nhận hiểu và kinh nghiệm về cộng đồng và về Thiên Chúa. Đó là một tầm nhìn mở. Nó tìm kiếm sự hoà điệu, hay sự giác ngộ – theo cách nói của một số truyền thống Á Châu.
Cảm thức thống nhất này cũng phải được vận dụng vào cách mà các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới liên hệ với nhau. Tầm nhìn Á Châu về Giáo Hội không phủ nhận địa vị đứng đầu của giám mục Rôma, nhưng nhấn mạnh rằng các Giáo Hội địa phương cần phải học hỏi nhau và chia sẻ cho nhau các ân sủng đặc biệt của mình. Người Á Châu mường tượng một Giáo Hội được làm thành bởi mạng lưới các Giáo Hội địa phương, không có chuyện chỉ có một nền văn hoá hay một khuôn mẫu chi phối. Theo nghĩa này, tầm nhìn Á Châu là một tầm nhìn đặc biệt phổ quát về Giáo Hội. Người ta có thể nói rằng đó là một Giáo Hội hậu Tây phương.
Trong một thời đại ngày càng quan tâm đến tính đa dạng văn hoá và sắc tộc, trong một thời đại ca ngợi những công nghệ mới đang nối mạng toàn cầu, thì tầm nhìn Á Châu về một Giáo Hội tản quyền xem ra mới mẻ và phù hợp. Đó là cái âm của Đông phương đối với cái dương của Tây phương. Trong cái nhìn âm dương, vũ trụ được điều hành bởi một nguyên lý, đó là Đạo, hay Thái Cực. Nguyên lý này phân chia thành hai nguyên lý đối lập nhau, hay hai nguyên lý âm-dương đối lập nhau trong tác động. Dương là nguyên lý của giống đực, mặt trời, sự sáng tạo, sức nóng, ánh sáng, Trời, sự thống trị, vân vân…; âm là nguyên lý của giống cái, mặt trăng, sự hoàn thành, cái lạnh, bóng tối, các dạng vật chất, sự tùng phục, vân vân… Mỗi một cặp đối lập này sản sinh ra những cặp đối lập khác: Trời sinh ra các ý tưởng về các sự vật thuộc dương; đất sinh ra các dạng vật chất thuộc âm. Sự sáng tạo xảy ra theo nguyên lý dương, sự hoàn thành những gì đã được sáng tạo diễn ra theo nguyên lý âm. Âm sinh dương và dương sinh âm, cứ thế luân chuyển, và không nguyên lý nào thống trị hay định đoạt nguyên lý nào. Câu hỏi đặt ra là phải chăng lịch sử nhân loại, được định hình bởi sự đi lại và thông tin toàn cầu, chỉ gần đây mới đạt đến một điểm hội ngộ âm dương? Phải chăng là Giáo Hội chúng ta, được hình thành xuyên qua bao thế kỷ ở Tây phương, nay đang gặp được nửa kia của nó? Phải chăng là hai nửa này bây giờ cần phải tìm cách hội nhập với nhau? Phải chăng là cả hai đều cần đến nhau để phát triển và thậm chí để tồn tại? Phải chăng đây là ý nghĩa của thế nào là Công giáo, thế nào là thuộc về một Giáo Hội phổ quát trong ngàn năm thứ ba sau Đức Kitô? Cần phải mất nhiều năm để đưa ra câu trả lời cho những dấu hỏi ấy. Nhưng chúng ta đã có manh mối rồi. Các thực hành tôn giáo Đông phương đang tìm được chỗ ở của mình ở Tây phương. Những Kitô hữu Tây phương từng sống ở Đông phương – là những kẻ “bắc cầu” – đã trở về nhà và cho biết rằng có rất nhiều điều phải học hỏi từ Đông phương. Trong khi đó, hàng chục ngàn người Á Châu – đa số là dân tị nạn và nhiều người vẫn còn bị gạt ngoài lề tại quê hương mới – cũng đang nói lên điều tương tự.
Sau đây là một khái lược về các lực xã hội, kinh tế và văn hoá đã làm nên bối cảnh trong đó tầm nhìn Á Châu về Giáo Hội đã nổi lên và vẫn con đang nổi lên. Cũng xin liệt kê ra đây một số thành tố căn bản về linh đạo, mục vụ và thần học của tầm nhìn ấy.
Vấn đề dân số, nghèo đói, và bất công
Vào năm 1960 dân số thế giới vào khoảng 3 tỉ; đến cuối thế kỷ 20, con số tăng gấp đôi thành 6 tỉ, và dự kiến sẽ đạt tới 9 tỉ vào năm 2050. Phần lớn những người mới sinh ra – và phần lớn những người Công Giáo – sống trong nghèo đói. Vào thời điểm đầu thế kỷ 21, khoảng 3,5 tỉ trong tổng số 6 tỉ dân số trái đất này sống ở Đông Á, Đông Nam Á, và Nam Trung Á – hầu hết sống dưới mức 2 Mỹ Kim một ngày. Liên Hiệp Quốc dự kiến rằng vùng đất này sẽ phải nuôi thêm gần 1 tỉ miệng ăn nữa vào năm 2025.
Con số người nghèo sẽ không ngừng vượt xa con số người giàu – và phần đông họ bị loại ra ngoài lề. Ở Âu Châu, Bắc Mỹ, và Nhật Bản dân số đang bình ổn. Tính gộp lại, dân số của họ vào năm 2050 sẽ có giảm một ít so với hiện nay, với trên một tỉ. Còn các quốc gia nghèo hơn được dự đoán sẽ tăng dân số gấp đôi trong 50 năm tới, lên đến 8 tỉ. Hố ngăn cách giữa những người nghèo nhất và những người giàu nhất thật chóng mặt. Khi thế giới bước vào thế kỷ thứ 21, một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng 1/5 dân số giàu nhất thế giới tiêu thụ vật chất và tài nguyên gấp hơn 65 lần so với 1/5 dân số nghèo nhất thế giới. 225 người giàu nhất thế giới, trong đó có 60 người Mỹ, chiếm một lượng tài sản trị giá một nghìn tỉ Mỹ kim, tương đương với thu nhập của 2,5 tỉ người nghèo nhất trên mặt đất này.[78]
Là một người Công giáo Á Châu, điều này hầu như đồng nghĩa với việc đang nếm mùi nghèo khổ, hay ít nhất đang đối diện với nó hằng ngày. Đứng trước thực tế này, các giám mục Á Châu tại Hội Nghị Toàn Thể đầu tiên của FABC năm 1974 đã tuyên bố rằng các vị phải đi vào cuộc đối thoại với người nghèo. Các vị viết: “Cuộc đối thoại này bao gồm một kinh nghiệm và nhận thức đích thực về sự nghèo đói, sự thất đoạt và tình trạng áp bức của nhiều dân tộc Á Châu.” Chủ đề về sự nghèo đói và nhu cầu dấn thân cho công lý đã luôn luôn là mối quan tâm ưu tiên trong tất cả các tài liệu của Giáo Hội Á Châu. Đồng thời một số thần học gia đã phàn nàn rằng các giám mục đã không triển khai một cuộc phân tích có hệ thống các nguyên nhân của đói nghèo và đã không phổ biến các nội dung ấy cho rất nhiều người tại Giáo Hội Á Châu.[79] Thần học gia Aloysius Pieris, Dòng Tên, người Sri Lanka, nói rằng sự liên đới và dấn thân cho người nghèo ở Á Châu là một điều kiện để có thể thực sự có được một nền phụng vụ hội nhập văn hoá. Các thần học gia Á Châu đã không ngừng khẳng định điều này.[80]
Kết thúc cuộc hội nghị Công Giáo Á Châu kéo dài một tuần lễ có tên là “Hội Thảo Chuyên Đề Về Giáo Hội Tại Á Châu Thế Kỷ 21” tại Pattaya, Thái Lan, vào tháng 8 năm 1997, Tổng giám mục Orlando Quevedo của Cotabato, Philippines, chủ tịch hội đồng giám mục Philippines, trong bài giảng lễ bế mạc đã đặt vấn đề:
“Nếu có người hỏi tôi: Nên thánh nghĩa là gì? Trở thành một đầy tớ tốt lành và trung tín nghĩa là gì? … Câu trả lời của tôi sẽ như thế này: trong đức tin và đức ái, tôi phải có mặt ở giữa cuộc đấu tranh của những người bé mọn, như Đức Giêsu đã làm. Tôi phải đứng về phía họ để nói lên tiếng nói ngôn sứ, chất vấn những kẻ quyền thế, củng cố những người bé mọn, giúp xây dựng một hình thức hiệp thông mới trên toàn cầu, tôi phải khởi đi từ giữa người nghèo, và dù khổ đau vẫn không lay chuyển lòng tin vào quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, tôi phải tìm đến mọi người ở mọi nơi. Chắc chắn một suối nguồn sự sống mới sẽ tuôn trào từ ngôi làng mà chúng ta trìu mến gọi là Á Châu này, nếu tất cả chúng ta bước đi trong Thánh Thần của Chúa Giêsu, hướng tới hiệp thông và liên đới.[81]
Người Công giáo Á Châu đem lại cho Giáo Hội hoàn vũ một cơ hội vĩ đại. Họ mở một cửa sổ để nhìn sự đói nghèo và đau khổ của nhân loại, ở đó người ta có thể nghe Lời của Thiên Chúa.
Toàn cầu hoá
Đối với nhiều người ở Tây phương, vấn đề toàn cầu hoá phần lớn vẫn còn thuộc bình diện học thuật. Các cuộc tranh luận về giá trị của nó đang tiếp tục ở các trường đại học và trong suy tư. Ở Á Châu thì khác, tác động của toàn cầu hoá – dù người ta thích nó hay không – vẫn đang tạo ra một sự tàn phá. Những “điều chỉnh” kinh tế đau đớn (mà các người chủ trương toàn cầu hoá cho rằng cần phải thực hiện khi các nước kém phát triển gia nhập nền kinh tế toàn cầu) hầu như đều rơi vào những kẻ nghèo mạt nhất. Gánh nặng ấy đang đè bẹp con người, các xã hội, và toàn bộ các nền văn hoá. Dù người ta muốn đẩy mạnh tiến trình toàn cầu hoá hay chống lại nó, thì tác động của nó trên người nghèo ở Á Châu là trực tiếp và không thể chối cãi được. Toàn cầu hoá không đem lại cho đa số người Á Châu bao nhiêu hy vọng về những ích lợi đáng kể nào đó mà họ sẽ hưởng được trong cuộc đời mình. Sự kiện rằng chỉ có ít người gặt hái được những món lợi kinh tế to lớn từ toàn cầu hoá trong khi phần lớn thấy cuộc sống của mình bị bế tắc và bị đẩy xa hơn vào nghèo đói là một vấn đề luân lý không thể làm ngơ. Các giám mục Á Châu, tuy không đưa ra giải đáp cho những vấn đề kinh tế, nhưng đã làm sáng tỏ các suy tư của mình về toàn cầu hoá. Tại Hội Nghị Toàn Thể FABC lần thứ bảy ở Bangkok vào năm 2000, các giám mục đã đặt toàn cầu hoá vào đầu danh sách những thách thức phải đối mặt trong những năm tới. Các ngài viết: “Chúng tôi nhìn viễn cảnh kinh tế Á Châu với mối quan tâm mục vụ sâu sắc. Trong khi tiến trình toàn cầu hoá kinh tế đã đem lại một vài hiệu quả tích cực … nó đã chỉ có thể cải thiện mức sống của một phần nhỏ dân chúng, còn đa số vẫn phải chịu nghèo đói. Một hậu quả khác nữa là tình trạng đô thị hoá quá mức, làm xuất hiện các siêu đô thị khổng lồ, dẫn đến những làn sóng nhập cư, tội phạm, và sự bóc lột thành phần lao động.” Rồi các giám mục liên hệ toàn cầu hoá kinh tế với toàn cầu hoá văn hoá. Phương tiện truyền thông đại chúng lan rộng, do ảnh hưởng bởi các giá trị Tây phương, “đang nhanh chóng lôi kéo các xã hội Á Châu vào một nền văn hoá tiêu thụ toàn cầu vừa tục hoá vừa duy vật”, gây nên “thiệt hại khôn lường.”
Người Công giáo Á Châu cống hiến cho Giáo Hội hoàn vũ một góc nhìn độc đáo về những hiệu ứng của toàn cầu hoá, đó là nhãn giới của các nạn nhân khốn khổ của tiến trình này.
Chủ nghĩa tôn giáo quá khích
Nhiều người Công Giáo Á Châu đã đích thân biết thế nào là những hậu quả của chủ nghĩa tôn giáo quá khích đang nổi lên. Chủ nghĩa này phát triển ở Á Châu như một phản ứng lại các áp lực gây đổ vỡ của toàn cầu hoá, tục hoá, và sự phá sản các xã hội truyền thống. Để tìm kiếm một sự ổn định, nhiều tín đồ Hồi giáo và Ấn giáo đã quyết định chọn con đường tôn giáo quá khích. Một số người đã lạm dụng các biểu tượng và các ý tưởng tôn giáo, dùng bạo lực để sửa những cái sai – dù thực sự sai hay chỉ do họ nghĩ là sai. Một số kẻ quá khích đã tấn công Kitô hữu, những người bị coi là mật vụ của Tây phương tại Á Châu. Kitô hữu cũng vậy, họ đã hành động bạo lực. Khi các căng thẳng tăng lên, bạo lực bùng nổ tại các quốc gia như Pakistan, Indonesia, Ấn Độ, và Philippines. Đa số các hành động bạo lực này ít được báo chí Tây phương chú ý đến. Nhưng rồi sự việc đã thay đổi sau những cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tháng sau đó, khi những người Hồi giáo vũ trang chĩa súng vào một nhà thờ Công Giáo tại thành phố Bahawalpur, Pakistan, thì các tường thuật đã xuất hiện trên báo chí khắp thế giới. Vụ thảm sát ấy đã lấy đi mạng sống của 15 người Tin Lành đang có mặt trong nhà thờ vào lúc đó. Và sự việc này xảy ra tiếp theo sau việc Mỹ đánh bóm Afghanistan, như một phần của cuộc chiến chống khủng bố do Washington phát động.
Ngay lập tức, những chiều kích – và những mối đe doạ – của bạo lực có động cơ tôn giáo đã được con người ý thức nhiều hơn. Chưa bao giờ đối thoại tôn giáo được thấy là cần thiết và quan trọng hơn lúc này. Chắc chắn thế kỷ 21 sẽ được định hình tuỳ thuộc vào các tương tác giữa các tôn giáo trên thế giới. Nếu các tôn giáo học cách cộng tác và làm việc với nhau vì hoà bình, thế kỷ mới này rất có thể là một bước ngoặt trong hành trình nhân loại. Nếu không làm được thế, bạo lực và chết chóc hẳn sẽ là hai dấu ấn của thế kỷ này. Nhìn trong ánh sáng này, có thể thấy công cuộc thúc đẩy đối thoại tôn giáo của giới lãnh đạo Công Giáo Á Châu càng rất có ý nghĩa.
Các kênh liên lạc Kitô giáo-Hồi giáo Á Châu có vai trò đặc biệt quan trọng. Thế giới Kitô giáo và Hồi giáo sống bên cạnh nhau tại hàng chục quốc gia. Tại Hội Nghị Toàn Thể Bangkok năm 2000, dường như các giám mục Á Châu đã hiểu tính chất nghiêm trọng của tình hình. Các vị thốt lên rằng “Chúng tôi đau đớn nhận thấy sự bộc phát của chủ nghĩa tôn giáo quá khích,” và nói thêm rằng tầm nhìn của các vị về một “Giáo Hội canh tân,” dựa trên sự đối thoại với các tôn giáo Á Châu khác, sẽ khích lệ các “hoạt động văn hoá, xã hội,” làm cầu nối các cộng đồng và các tôn giáo, xây dựng sự hoà điệu. Các giám mục ghi nhận rằng các Kitô hữu Á Châu, nhờ sống trong các cộng đồng đa tôn giáo, có lợi thế đặc biệt để khích lệ cuộc canh tân tôn giáo lành mạnh, làm việc với giới lãnh đạo các tôn giáo khác để “rút lấy dưỡng chất từ chính các gốc rễ của mình trong thời đại toàn cầu hoá này.” Các giám mục tuyên bố: “Chúng ta phải cố gắng đề cao nhân quyền của mọi người, bất kể giai cấp, màu da, niềm tin hay tôn giáo, bằng cách lên tiếng chống lại tất cả những sự xâm phạm nhân quyền.”
Người Công giáo Á Châu cống hiến cho Giáo hội phổ quát các mẫu thức đối thoại và các kênh liên lạc mà, nếu được sử dụng đúng đắn, sẽ giúp làm dịu đi bạo lực trong thế kỷ mới này.
Chính trị và tham nhũng
Phần lớn Á Châu đã được giải phóng khỏi ách thực dân cách đây ít nhất nửa thế kỷ; tuy nhiên, cuộc tìm kiếm dân chủ không hề dễ dàng. Tầng lớp thống trị vẫn đi con đường của họ. Kết quả các cuộc bầu cử tại Á Châu luôn đáng ngờ. Thường thường, sau bầu cử, dân chúng chẳng có tiếng nói gì trong việc quản lý đất nước. Nhiều quan chức đắc cử chỉ lo tìm kiếm tư lợi. Trong khi đó, thường có một khuynh hướng thu tóm quyền lực và quyền quyết định. Nạn tham nhũng tràn lan là một thực tế quá thường xuyên. Trong khi đó, các chính phủ bị buộc phải áp dụng các chính sách và giải pháp, chẳng hạn các chính sách điều chỉnh cơ cấu, do Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới, và Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đề ra. Những chính sách này thường thiếu tính nhân bản và thiếu quan tâm xã hội. Xem ra không có được mấy tấm gương về thu nhập khiêm tốn và về quản lý tài nguyên. Trong bối cảnh ngờ vực và tham nhũng này, giới lãnh đạo Công Giáo Á Châu, đặc biệt tại các quốc gia như Ấn Độ và Philippines, đã triển khai những mô hình cộng đoàn có tính dân chủ – gọi là các cộng đoàn Kitô giáo cơ bản. Ngày nay, tại nhiều địa phương ở Á Châu, những cộng đoàn được gợi hứng từ Tin Mừng này đang phát triển. Nhờ tinh thần chia sẻ và đối thoại vốn là đặc trưng của mình, các cộng đoàn này tự biểu lộ mình như một phương thế quan trọng để thăng tiến ý thức phê bình và bắt đầu tự quyết. Khi Tin Mừng được rao giảng cho người nghèo và khi các cộng đoàn này tựa vào sứ điệp giải phóng của Tin Mừng, thật ý nghĩa việc các cộng đoàn này đảm nhận giải quyết các vấn đề tác động đến đời sống của mình trên các bình diện địa phương, quốc gia, và toàn cầu. Việc xây dựng ý thức như vậy, lấy việc củng cố sức mạnh cho người nghèo và phụ nữ làm tiêu điểm, là điều đang diễn ra tại nhiều nơi ở Á Châu.
Một đóng góp chủ yếu khác của Á Châu cho nghị trình rộng lớn hơn về kinh tế xã hội và về Giáo Hội, đó là sự khích lệ các “cộng đoàn liên tôn cơ bản” và các “cộng đoàn nhân loại cơ bản.” Những thuật ngữ này được gặp thấy trong nhiều tài liệu của Á Châu cũng như của FABC.
Mặc dù không phải là của riêng của Á Châu, các cộng đoàn Kitô giáo cơ bản và các cộng đoàn liên tôn cơ bản đã là một yếu tố thiết yếu trong tầm nhìn mục vụ toàn diện của Á Châu vốn đang hiện lộ, một tầm nhìn loại bỏ cái ý niệm về một linh đạo cá nhân tách rời khỏi các mục tiêu xây dựng cộng đồng, công lý và hoà bình.
Giáo Hội địa phương và thần học bối cảnh
Điểm xuất phát của hầu như tất cả các suy tư mục vụ Á Châu đều là Giáo Hội địa phương. Đó là một bối cảnh trong đó sự nghèo đói lan tràn và bao dân tộc bị gạt ra rìa. Các giám mục Á Châu đã “ưu tiên chọn lựa người nghèo” cách đây gần ba thập niên. Các vị kêu gọi các Giáo Hội của mình trở thành Giáo Hội của người nghèo. Chính sự liên đới triệt để với người nghèo và những kẻ bị áp bức đã định hướng cho thần học Á Châu ngay từ ban đầu. Đó là một thần học nổi lên từ người nghèo. Trong bối cảnh Philippines, thuật ngữ “người nghèo cùng đinh” được dùng để chỉ những “nông dân, công nhân, dân đánh cá, dân ổ chuột thành thị, dân thiểu số.” Trong bối cảnh Hàn Quốc, từ minjung được dùng để chỉ những người bị áp bức về chính trị, bị bóc lột về kinh tế, và bị loại trừ về mặt xã hội bởi giới thống trị. Trong khi các bối cảnh khác nhau ở các quốc gia Á Châu khác nhau dẫn đến những phân tích khác nhau, thì có một sự nhất trí chung là một thần học giải phóng tại Á Châu phải là công trình của người nghèo và những kẻ bị loại trừ. Chính họ phải suy tư và chia sẻ kinh nghiệm đức tin của họ – và qua đó các thần học được phát triển. Nhiều thần học Á Châu đã hiện lộ từ cuộc đấu tranh của những người bị áp bức để tìm kiếm sự giải phóng cá nhân và xã hội.
Đồng thời các thần học Á Châu cũng rút ra từ các bối cảnh lịch sử tôn giáo và văn hoá phong phú. Những thần học Á Châu này không gặp khó khăn để nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong các nghi lễ và các sách thánh của các tôn giáo khác trên thế giới. Đức Kitô vĩnh cửu được nhìn thấy trong những tôn giáo này. Tâm thức Á Châu chấp nhận tính hỗ tương giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau và trân trọng tính vô hạn của Thiên Chúa quan phòng. Tâm thức Á Châu không gặp khó khăn trong việc nhìn nhận đa nguyên tôn giáo vì nó không vận hành theo luận lý loại trừ của Aristotes (hoặc A hoặc B), mà đúng hơn nó vận hành theo luận lý âm-dương tương phù (vừa A vừa B). Do đó, sự mập mờ và nghịch lý là những khía cạnh chung của tâm thức Á Châu.[82]
Thần học gia người Sri Lanka Aloysius Pieris đã chỉ rõ rằng tính duy nhất của Đức Kitô hay của Kitô giáo không bao giờ là khởi điểm cho người Á Châu khi liên hệ với các tôn giáo khác. Ông khẳng định rằng một kiểu thức như thế là rập theo mô hình cơ cấu phẩm trật gán lượng tính cho mọi sự, để so sánh kiểu cao hơn / thấp hơn, hoặc tốt hơn / xấu hơn. Tại Á Châu, những so sánh như vậy thật là xa lạ bởi vì người ta thường có thể xem nhiều sự vật, sự kiện, hay con người có giá trị ngang nhau. Người Á Châu, vì thế, không gặp khó khăn để nhìn nhận có hơn một cứu chúa, và có hơn một nẻo đường cứu độ.[83]
Các thần học Á Châu đặc biệt phù hợp trong một thế giới với biển nghèo mênh mông và với các nền văn hoá đa dạng, trong đó cần phải thúc đẩy cuộc đối thoại tôn giáo nhiều hơn.
Đối Thoại xét như là Rao Giảng
Tại Đài Bắc vào năm 1974, các giám mục Á Châu đã quyết tâm chọn “cuộc đối thoại ba mặt” làm nẻo đường mục vụ của mình: đối thoại với các tôn giáo, với các nền văn hoá, và với người nghèo. Từ đó các vị đã không ngừng nhắc lại nhu cầu về một cuộc đối thoại như thế, đến nỗi “cuộc đối thoại ba mặt” đã trở thành một khẩu hiệu mục vụ chính của Công Giáo Á Châu. Ở đây bao hàm sự nhìn nhận kho tàng phong phú của các nền văn hoá và các tôn giáo Á Châu, cũng như nhìn nhận rằng người Công Giáo cần phải học hỏi nơi các kho tàng đó. Đối thoại, vì thế, không đơn thuần chỉ là một kỹ thuật. Đó là một lối sống; đó là phương tiện để hội nhập văn hoá, phương tiện để hiện thực hoá triều đại Thiên Chúa, phương tiện để đạt đến hoà điệu, và phương tiện để hiểu thánh ý Thiên Chúa.
Cuộc đối thoại với người nghèo trao cho Giáo Hội nền móng cơ bản của mình, trao cho Giáo Hội linh hồn, và trao cho Giáo Hội nẻo đường cứu độ và khai trí. Vì chính trong cuộc đối thoại này mà tiếng nói của Đức Giêsu được khám phá. Vì thế đối thoại thuộc về bản chất cốt lõi của Kitô giáo và của Á Châu. Đồng thời, đối thoại không nhằm chinh phục hay cải đạo cho bằng nhằm cố gắng nhận hiểu và làm chứng. Đối thoại là rao giảng Tin Mừng bằng cách sống theo các giáo huấn của Tin Mừng, bằng cách sống Các Mối Phúc. Đối thoại là rao giảng Lời bằng cách dấn thân xây dựng triều đại Thiên Chúa. Đối thoại là tìm hiểu và hợp tác với các tôn giáo khác để xây dựng các cộng đồng, các quốc gia và một thế giới hoà bình hơn. Đối thoại là dấn thân vào các nền văn hoá để hội nhập đức tin. Các giám mục Á Châu phủ nhận quan điểm cho rằng đối thoại mâu thuẫn với nhu cầu rao giảng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Trái lại, các vị khẳng định dứt khoát rằng đối thoại và rao giảng cùng tác động như một công cuộc duy nhất.
Qua nhiều năm, vai trò chủ chốt của đối thoại xét như phương tiện xây dựng Giáo Hội ngày càng được thấy rõ. Ngày nay người Á Châu thường xuyên nói về ít nhất là năm kiểu đối thoại: Trước hết là đối thoại đời sống. Người ta thuộc những hoàn cảnh khác nhau chen lẫn trong nhau và chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn. Thứ hai: đối thoại hành động. Cuộc đối thoại này bao gồm sự bảo vệ nhân quyền, tự do dân chủ, và chống lại những cơ cấu áp bức. Thứ ba: đối thoại với người nghèo. Thứ tư: đối thoại với các kinh nghiệm tôn giáo và các nền văn hoá. Thứ năm: đối thoại trao đổi thần học.
Người Công giáo Á Châu, trong lời mời gọi đối thoại của mình, nêu gương mẫu cho điều mà họ gọi là “cách thế mới để thể hiện Giáo Hội.” Trong một thời đại xung đột tôn giáo và trong một giai đoạn khẩn thiết cần sự cảm thông nhiều hơn về tôn giáo và văn hóa, thì đối thoại là một mẫu thức đáng được quan tâm tại Á Châu và tại các nơi khác nữa.
Liên đới với những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội
Người nghèo ‘ăn cục nói hòn’. Thông điệp của họ không rườm rà. Lên tiếng nhân danh người nghèo, các Giáo Hội cũng ăn nói cách rõ ràng như họ. Các thành viên của các Giáo Hội này, dù ở đâu, cũng chia sẻ những mối ràng buộc và những kinh nghiệm chung. Họ hiểu nhau. Người ta cảm thấy rằng các giám mục Á Châu, một thành phần nhỏ bé nhưng quan trọng trong phẩm trật Công giáo rộng lớn hơn, xem ra không giống những thành phần khác trong phẩm trật này, vì các vị đã thành công hơn các đồng sự khác của mình trong việc khảo sát vô số những vấn đề mà con người hôm nay phải đương đầu – và các vị đã chọn lựa những kẻ bị loại trừ trong thế giới hôm nay. Sự chọn lựa này làm cho các ngài, những tông đồ hiện đại, trở thành những người mở ra niềm hy vọng trong một thời đại đầy bóng tối. Các giám mục Á Châu là những nhà cách mạng bởi vì các ngài sống và hành động bên ngoài dòng thác tiền bạc của cuộc sống liên kết hiện đại. Các giám mục này lãnh đạo những Giáo Hội tiền-liên-kết với những thế giới quan hậu-liên-kết. Rất có thể tầm nhìn của các ngài cuối cùng tàn lụi vì thiếu can đảm để thực hiện, cũng rất có thể tầm nhìn ấy cuối cùng sẽ hoà tan vào những lực lớn hơn và ít có dấu vết riêng hơn để người ta có thể nhìn thấy. Hiện nay, trong hoàn cảnh bất quyết về tương lai, các giám mục Á Châu vẫn âm thầm đi con đường của mình. Giáo Hội trên thế giới phải biết ơn và trân trọng các ngài.
Các giám mục Á Châu đã có được thẩm quyền của mình. Đó là một thẩm quyền dễ được nhìn nhận bởi những người bị loại trừ, cả bên ngoài lẫn bên trong Giáo Hội. Trong tư cách là tiếng nói của những kẻ bị loại trừ, các giám mục Á Châu nói một thứ ngôn ngữ mà những người bị loại trừ ở khắp nơi đều dễ dàng hiểu được. Trong những năm qua, tôi đã có nhiều dịp nói chuyện với nhiều người Công Giáo Mỹ gốc Phi Châu, gốc Tây Ban Nha, hay gốc Á Châu – họ cảm thấy mình sống bên lề nền văn hoá và Giáo Hội Mỹ. Hầu hết họ kinh nghiệm cả những gánh nặng nghèo đói lẫn những áp lực văn hoá vốn thường xảy ra cho những ai đồng thời phải sống với hơn một nền văn hoá. Trong quá khứ những nhóm thiểu số này có thể cảm thấy bị cô lập, nhưng nay thì sự việc đã thay đổi. Một cách từ từ, Giáo Hội thế kỷ 20 cũ kỹ do Âu Châu nhào nặn đang nhường bước cho một Giáo Hội “mới” có tính toàn cầu của thế kỷ 21. Giáo Hội toàn cầu này có sứ mạng đan kết các tiếng nói của những kẻ cho đến nay vẫn còn bị loại trừ trong Giáo Hội. Những nhóm Công Giáo gọi là “thiểu số” ở Tây phương (thực ra họ thuộc nhóm “đa số” trong bối cảnh Giáo Hội toàn cầu), khi tiếp cận những người Công Giáo Á Châu sẽ hiểu rất dễ dàng và cũng rất dễ dàng được hiểu.
Giáo Hội đứng trước những thách đố như chưa bao giờ, do các chuyển biến đang diễn ra ngay trong lòng Giáo Hội. Điều gây phiền lòng cho những người Á Châu cũng như cho nhóm Công Giáo thiểu số tại Giáo Hội Mỹ, đó là các quyền bính truyền thống thiếu tin tưởng nơi họ. Biểu hiện rõ nhất của sự thiếu tin tưởng này là việc Rôma từ chối cho phép các giám mục Á Châu phê chuẩn các bản dịch phụng vụ từ tiếng La Tinh sang ngôn ngữ Á Châu của các vị. Các giám mục Á Châu, hết vị này đến vị khác, không ngừng lặp lại thỉnh cầu này tại Synod Á Châu – nhưng không được chấp nhận. Theo quan điểm của người Á Châu, những phủ nhận này đồng nghĩa với tình trạng thiếu tin cậy. Các nhóm thiểu số tại Mỹ, đang đấu tranh với chính các thẩm quyền giám mục sở tại của họ, cũng kinh nghiệm những sự hiểu lầm tương tự và những nỗi đau tương tự khi họ cố gắng trình bày ý kiến của mình tại các trung tâm quyền bính của Giáo Hội.
Những người bị gạt ra bên lề Giáo Hội có những mối liên kết đặc biệt bất kể họ sống ở đâu, mối liên kết đó xuất phát từ những nghịch cảnh chung mà họ cùng chia sẻ.
Linh đạo hoà điệu
Cùng với các nhà thần học của mình, các giám mục Á Châu không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà điệu, một bản sắc từ ngàn xưa của Á Châu. Cuối cùng, các giám mục Á Châu đã đưa khái niệm hoà điệu vào trong tầm nhìn mục vụ của mình. Thật vậy, nó đã trở thành chủ đề linh đạo số một của tầm nhìn mục vụ này. Tại một hội nghị quan trọng của các nhà lãnh đạo Giáo Hội Á Châu, khi suy tư về chủ đề hoà điệu, các tham dự viên đã ghi nhận rằng bất chấp nhiều lực gây phân hoá ở Á Châu, một khát vọng hoà điệu vẫn được thấy bàng bạc. Nó hiện diện trong các truyền thống triết học và tôn giáo, trong khát vọng hoà bình, khát vọng nhân phẩm, khát vọng bình đẳng.[84] Các giám mục nói rằng các nền văn hoá truyền thống Á Châu cung ứng nhiều điều kiện để phát huy các dấu chỉ của hoà điệu. “Sự nhạy cảm trong các mối tương quan con người, những mối gắn bó yêu thương và cộng tác trong các gia đình được đánh giá cao trong các nền văn hoá của chúng ta. Hơn nữa, theo truyền thống, các nhóm khác nhau trong các xã hội Á Châu sống với nhau cách hoà điệu nhờ các lực dung hợp, tinh thần bao dung, thuyết thần bí và nhờ các phong trào cứu thế. Thần bí Á Châu, được gặp thấy trong sự hợp nhất với Đấng Tuyệt Đối, với thần linh, là cốt lõi của việc cầu nguyện Á Châu và cũng là một thành phần của tiếng gọi đạt đến hoà điệu tâm linh.
Dưới đôi mắt của người Á Châu, Kitô giáo có thể được hiểu như một tôn giáo nhằm thúc đẩy sự hoà điệu giữa con người với Thiên Chúa, giữa các dân tộc của trái đất này, và với chính vũ trụ. Các giáo thuyết về sáng tạo, giao ước và Dân Thiên Chúa, cách riêng là về triều đại Thiên Chúa và về Chúa Ba Ngôi, đều là những cách diễn tả mầu nhiệm trung tâm của niềm tin Kitô giáo: Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại và mời gọi tạo vật đạt đến hoà điệu trong cộng đồng.[85] Khởi đi từ một bình diện cá nhân, ý niệm Kitô giáo về hoà điệu mở rộng ra nhiều tầng khác nhau, từ bản thân mình đến người xung quanh, đến thế giới tự nhiên và đến Thiên Chúa. Các giám mục Á Châu ghi nhận rằng xét dưới một khía cạnh khác, hoà điệu đích thực được chứng nghiệm bởi sự chấp nhận tính đa dạng như là sự phong phú.[86] Các giám mục đã không chỉ viết “được chứng nghiệm bởi sự chấp nhận tính đa dạng.” Các vị còn thêm: “như là sự phong phú.” Hoà điệu cũng có nghĩa là thiết lập cuộc đối thoại để nhìn rõ hơn Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội dưới con mắt của các tôn giáo khác như một cách để đánh giá xem Giáo Hội có đang sống am hợp với các lý tưởng của mình hay không. Tính đa nguyên của văn hóa và tôn giáo, vì thế, được coi như một thành phần của kế hoạch quan phòng mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Theo quan niệm của người Á Châu thì sự việc làm sao có thể khác được. Có thể nào Thiên Chúa chỉ đến với người Á Châu qua các nhà thừa sai cách đây 5 thế kỷ thôi? Đối với người Công giáo Á Châu, đó là điều quá phi lý. Không, Thiên Chúa đã hiện diện trong các tôn giáo của Á Châu cách đây nhiều nghìn năm.
Người Công Giáo được mời gọi khám phá những cách biểu lộ của Thiên Chúa nơi các tôn giáo và các nền văn hoá này qua đối thoại. Phải chăng Thánh Thần đã sai các Giáo Hội Á Châu để chỉ cho Giáo Hội hoàn vũ thấy ý nghĩa thật sự của việc sống hoà điệu với những truyền thống minh triết và các tôn giáo khác của nhân loại? Hàm ẩn trong sự đối thoại thiết yếu này là sự tìm kiếm không ngừng ý nghĩa đích thực và sự thích đáng của Đức Kitô. Dưới mắt nhìn của người Á Châu, câu chuyện Kitô giáo là một câu chuyện về sự phục hồi. Đó là câu chuyện Đức Kitô đi vào lịch sử để phục hồi sự hoà điệu. Những nẻo đường hoà điệu – cầu nguyện, chiêm ngắm, đối thoại, xây dựng triều đại Thiên Chúa trên trần gian – hệ tại ở việc mở lòng ra với toàn thể tiến trình sáng tạo và đáp trả lại tiến trình này như Đức Giêsu đã đáp trả.
Lễ Hiện Xuống là chóp đỉnh của công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô để phục hồi sự hoà điệu cho nhân loại. Đó là lúc mà các Tông Đồ tràn đầy Thánh Thần. Với các mối dây hiệp nhất và hoà điệu, các vị bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau. Lễ Hiện Xuống là một dấu chỉ lịch sử cho thấy rằng sự hỗn loạn của nhân loại, thể hiện qua tình trạng bất đồng ngôn ngữ trong câu chuyện xây tháp Babel, đã được chữa trị – và con đường hoà điệu cho toàn thể nhân loại đã được mở ra cách dứt khoát. Trong hình dung “cách thế mới để thể hiện Giáo Hội” của mình, các giám mục Á Châu cung ứng một tầm nhìn mục vụ hoà điệu và mới mẻ. Đó là một tầm nhìn bắt đầu ở Đông phương, với Đức Giêsu, đã đi đến Tây phương, vào Âu Châu, rồi sang Tân Thế Giới, và rồi quay trở lại Á Châu để được biến đổi ở Đông phương vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới. Đó là một câu chuyện vừa mới vừa cũ, một tầm nhìn vừa lạ vừa quen, được đổi mới để đáp ứng các nhu cầu mới của những dân tộc mới. Sau vài đợt tiến triển và thẩm thấu, đó không còn là một tầm nhìn của Tây phương nữa; đó cũng không phải là của riêng Đông phương. Đó là một tầm nhìn mới cho một thời đại toàn cầu mới. Được sinh ra từ các giá trị ngàn xưa của Á Châu, tầm nhìn ấy đang còn chờ được khám phá.
Chúng ta không chọn các tông đồ của chúng ta. Họ xuất hiện. Họ lên tiếng. Họ gây cảm hứng. Họ nối kết với chúng ta và giúp chỉ đường cho chúng ta. Họ lên tiếng tại Á Châu. Đây là một thời khắc mới. Đây là một Lễ Hiện Xuống ở Á Châu.
Thomas C. Fox
The Pentecost in Asia của – Maryknoll, New York: Orbis Books, 2002
Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ
(VRNs 16.03.2015)