Tài liệu gốc của Vatican bằng tiếng Hàn Quốc giúp hiểu nhiều hơn về các vị tử đạo

Khám phá này giúp hiểu rõ hơn về lịch sử thời sơ khai của những người Công giáo bị bách hại tại Hàn Quốc

 

  Tài liệu gốc của Vatican bằng tiếng Hàn Quốc giúp hiểu nhiều hơn về các vị tử đạo
Một trang bản gốc trong văn khố Vatican nói về các vị tử đạo tại Hàn Quốc vào thế kỷ 19
 

 

Khám phá bản gốc trong văn khố Vatican nói về các vị tử đạo ở Hàn Quốc vào thế kỷ 19 giúp hiểu rõ hơn về lịch sử sôi động của Giáo hội thời sơ khai trên bán đảo này, hơn một thế kỷ sau khi các bản gốc được sao chép và biên dịch.

 

Các bản gốc, có tới hàng ngàn trang, chủ yếu kể lại những người từng tiếp xúc với khoảng 100 người Công giáo bị giết hại trong cuộc đàn áp chống Công giáo dưới thời Joseon theo Nho giáo.

 

Đúng với những khái niệm tử đạo của Kitô giáo, những người bị giết hại được miêu tả là điềm nhiên khi đối diện cái chết, theo Ahn Jae-won, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul, người có công trình nghiên cứu dẫn đến sự khám phá này.

 

“’Chúng tôi đối diện cái chết cách thanh thản vì chúng tôi về trời’ – họ thường nghĩ như thế”, ông kể.

Trong khi mọi người đều biết có các bản gốc này, nhưng không biết được tầm quan trọng của chúng. Chỉ sau khi Ahn xuất bản cuốn sách nói về các tài liệu này, lấy tên là Congregatio Riti Processus 4858, 4859, 5279, một đồng nghiệp tại một viện nghiên cứu tôn giáo khác mới chú ý đến những điểm giống nhau giữa các bản văn.

 

“Người ta không biết có những bản dịch bằng tiếng Latinh và tiếng Pháp dùng làm tài liệu chính thức ở Vatican, đó là vấn đề. Vì thế chúng tôi đã so sánh và hiện nay chúng tôi đã điền vào chỗ trống trong bản văn”, Ahn nói.

 

Các bản văn này được viết bằng chữ cái Hàn Quốc, được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Latinh trong thời gian từ năm 1882-1925 và được lưu trong văn khố Vatican.

 

Chứng cứ được thánh tử đạo Hàn Quốc Hyeon Seok-mun thu thập vào những năm sau hai vụ đàn áp Công giáo trên cả nước, Gihaebakhae và Byeongobakhae lần lượt diễn ra vào năm 1839 và 1846.

 

Gihaebakhae và Byeongobakhae, trước và sau đều có những đợt bách hại khác trong thế kỷ đó, khác nhau về hình thức và mục đích, theo Cha Gi-jin, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Giáo hội Yangeob.

 

Trong khi cuộc đàn áp Gihaebakhae là động cơ có tính toán của “những kẻ nắm quyền chính trị căm nghét Giáo hội”, vụ đàn áp Byeongobakhae là cuộc thanh trừng tự phát chứng kiến cảnh hành quyết linh mục tiên khởi của Hàn Quốc Andrew Kim Taegon.

 

Từ khi du nhập vào Hàn Quốc vào thập niên 1780, đạo Công giáo bị nghi ngờ vì không phù hợp với giới luật của Nho giáo như phân chia phẩm trật theo giới tính và tầng lớp. Nhận thấy mối đe dọa đối với quyền lực của mình và trật tự xã hội, tầng lớp cầm quyền liền cấm truyền bá đạo Công giáo.

 

Các vụ giết hại bắt đầu năm 1791, qua vụ hành quyết một số người Công giáo không chịu cử hành các nghi thức thờ kính tổ tiên theo truyền thống. Theo Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc, có hơn 10.000 người Công giáo bị giết hại chỉ riêng trong khoảng thời gian từ năm 1801-1866.

 

Ngoài tầm quan trọng về mặt tôn giáo, các bản gốc này còn có giá trị lịch sử, miêu tả sinh động quá trình hiện đại hóa của Hàn Quốc và bình luận về chế độ dân chủ và tự do ngôn luận đặc biệt đi trước thời đại, theo Ahn.

 

“Tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo trong lịch sử Hàn Quốc, từ Thời kỳ Ba Vương quốc và Joseon, giống như thời trung cổ … ở châu Âu”, Ahn nhận xét. Nhưng các bằng chứng miêu tả các quyền tự do này là một thứ mà “người ta cần phải trả giá bằng tính mạng”.

 

Ahn cho biết một ví dụ về thông điệp tương đối sáng tỏ trong các bản văn này là sự miêu tả một người phụ nữ khuyết tật, tiếng nói thường bị làm ngơ vào thời đó.

 

“Bà ấy không có danh tiếng, nhưng bày tỏ quan điểm của mình không hề sợ hãi. Vì thế điều này rất quan trọng khi giải thích nền dân chủ cũng như truyền thống của Hàn Quốc”.

 

Nội dung cũng đáng chú ý đến phần miêu tả Hàn Quốc, vốn lệ thuộc các thế lực nước ngoài mạnh hơn trong một thời gian dài, là một quốc gia độc lập, ông nói thêm.

 

“Khi chúng ta đọc các bài viết của dòng Tên từ thế kỷ 17-19, họ miêu tả Hàn Quốc là vùng đất thuộc một tỉnh của Trung Quốc. Nhưng trong bản văn này, Hàn Quốc được công nhận là một vương quốc độc lập. Tôi nghĩ điều đó cũng rất quan trọng”, Ahn nói.

 

Khám phá này đã làm dấy lên hy vọng có thêm nhiều khám phá nữa liên quan đến việc ghi chép lịch sử trong thời kỳ đó. Một phần quan trọng trong phần ghi chép đó là tác phẩm của Thánh Marie-Nicholas-Antoine Daveluy, giám mục người Pháp, ngài cũng biên soạn về sự bách hại Công giáo ở Hàn quốc.

 

“Tôi rất vui khi các bản gốc Notes pour l’Histoire des Martyrs de Corée và Notices des Principaux martyrs de Corée của Thánh A Daveluy được xác nhận tại văn khố Vatican”, Cha nói.

 

(UCAN 13.02.2015)