Phút lắng đọng Lời Chúa – Chúa Nhật 25 Thường Niên năm A

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

 Lời Chúa: Mt 20,1-16a

 

Dụ ngôn gây thắc mắc. Tại sao những công nhân làm sau cùng lại được hưởng lương bằng những người làm từ sáng sớm? Như thế có công bằng không?

Nếu chúng ta là những công nhân làm từ sáng sớm, chúng ta có vui lòng không? Chắc chúng ta cũng không vui cho lắm, vì chúng ta cực nhọc nhiều mà lãnh lương ít. Họ cằn nhằn là phải, vì họ đã cực khổ nhiều mà chỉ lãnh lương đúng giá. Họ cho rằng ông chủ không công bằng. Nhưng nếu chúng ta là những công nhân làm việc chỉ một tiếng đồng hồ mà được lãnh lương bằng một ngày thì chúng ta nghĩ sao? Chúng ta có vui không? Chúng ta có thấy rằng ông chủ đối xử quá tốt với chúng ta không?

Con người nghĩ theo sự công bằng tự nhiên, Thiên Chúa không theo đường lối của ai cả. Ngài là chủ, Ngài muốn thương ai tùy ý Ngài. Như Ngài đã nói qua tiên tri Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng của các ngươi và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta”Chúng ta đòi hỏi công bằng, điều đó không sai, nhưng có một thứ trật tự vượt hẳn sự công bằng đó là tình yêu. Nếu Chúa lấy sự công thẳng mà đối xử với chúng ta, chúng ta sẽ ra sao? Nhưng may thay cho chúng ta vì Chúa vẫn thương chúng ta, chỉ có chúng ta không đáp lại cân xứng tình yêu của Chúa thôi.

Dụ ngôn này rất thích hợp cho thời bấy giờ và có tính cách tranh luận với phái Pharisêu. Những người Pharisêu cho rằng họ giữ đạo tốt, họ có nhiều công nghiệp, họ phải được ưu đãi. Làm như họ có quyền đòi buộc Chúa phải thưởng công họ xứng đáng. Thực sự Chúa đã nói nhiều lần trong Kinh Thánh là Ngài sẽ thưởng công xứng đáng tùy theo việc của mỗi người, nhưng công việc gì đáng thưởng? Không phải theo tiêu chuẩn của chúng ta, nhưng tùy theo sự đánh giá của Chúa. Dụ ngôn người Pharisêu lên Đền thờ cầu nguyện đã cho thấy tính cách phô trương và tự mãn của người Pharisêu, tưởng rằng mình đã làm được nhiều việc quan trọng cho Chúa. Và Chúa Giêsu đã kết luận: người Pharisêu không được gì cả mà chỉ có người thu thuế là đẹp lòng Chúa.

Dụ ngôn cũng là một lời cảnh báo cho những Kitô hữu Do Thái đầu tiên xem mình như được ưu tiên hơn người mới theo đạo. Thánh Phaolô đã khẳng định, không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, tất cả chỉ là một trong Chúa Kitô mà thôi.

Dụ ngôn cũng vạch trần bộ mặt nhỏ nhen ganh tị của chúng ta. Chúng ta luôn dành phần ưu tiên. Xã hội hôm nay là như thế, là tranh chấp, là ganh tị hờn oán, là đè đầu cỡi cổ, khai thác người anh em. Một người sống nhân ái hiền hòa trở thành nhân vật quí hiếm. Là người Công giáo, tin vào Thiên Chúa Tình Yêu, không lẽ chúng ta lại sống theo thói thế gian hay sao?

Thiên Chúa đại lượng còn chúng ta lại bủn xỉn, hẹp hòi, ích kỷ. Thánh Phaolô dạy chúng ta noi theo gương Chúa, quảng đại, vui với người vui, khóc với người khóc. Yêu thương vẫn là giới luật duy nhất của chúng ta. Chúa không loại bỏ người nào. Tất cả đều được yêu thương như nhau. Chúa luôn mời gọi những người gian ác trở về: “Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo. Người bất lương hãy bỏ tư tưởng mình mà trở về với Đức Chúa và Người sẽ xót thương”.

Bất cứ vào giờ nào tiếng gọi của Chúa vẫn vang vọng, không ngừng khuyến khích chúng ta trở về với Chúa và vào làm vườn nho của Ngài. Vườn nho của Ngài mênh mông luôn cần đến những bàn tay cần mẫn. Vườn nho của Ngài là gia đình của chúng ta, đoàn con phải lo nuôi dưỡng dạy dỗ, là cha mẹ già phải chăm lo hôm sớm, là những người quanh ta đang cần bàn tay nâng đỡ, là những trách nhiệm hằng ngày của chúng ta. Và Chúa sẽ trả công xứng đáng. Và những người thiệt thòi lại được thương xót hơn. Chúa không hẹp hòi. Ngài trả công cho mỗi người xứng với công việc họ làm. Ngài lại quảng đại với những người bị thiệt thòi hơn, những người không ai thèm mướn. Chúng ta đừng tưởng rằng chúng ta vô dụng. Chỉ cần chúng ta muốn làm việc cho Chúa hay không. Nói tóm lại, công việc Ngài trao cho chúng ta đó là yêu thương. Ai cũng có thể làm công việc đó, người mạnh cũng như người đau yếu, người già cũng như người trẻ, người giàu cũng như người nghèo, ai cũng có thể yêu thương. Mở rộng con tim chúng ta ra cho người khác.

Chúa cho mỗi người chúng ta nhiều khả năng khác nhau, chúng ta cần sử dụng cho thế giới bớt hận thù và mọi người được tôn trọng. Chúa ban cho chúng ta đầy tràn ơn lành, chúng ta cũng phải theo gương Chúa, quảng đại hơn, không so đo tính toán như Chúa không bao giờ tính toán với chúng ta. Chúa không bảo chúng ta làm gì cho Chúa. Ngài không cần một ai, nhưng những người anh em chúng ta cần đến chúng ta, nhiều lúc chỉ cần một nụ cười thông cảm. Yêu mến Chúa thực sự chính là yêu mến anh em thực sự.

Hãy nhìn vào những người đã say mê Chúa, những người mà chúng ta gọi là thánh. Họ làm gì? Họ cũng nhỏ bé như chúng ta, cũng nặng nề trong thân phận con người như chúng ta, nhưng họ đã làm gì? Họ đã say mê Thiên Chúa đến nỗi họ chỉ biết một điều là xả thân cho anh em của Ngài. Họ đã biết yêu Chúa như thế nào: “Khi các ngươi làm cho những người anh em nhỏ bé của Ta đây một điều gì là làm cho chính Ta”.

Nhìn vào các thánh, chúng ta tưởng rằng họ là siêu nhân? Không, họ cũng như chúng ta thôi. Thánh Gioan Boscô xả thân cho những thanh thiếu niên đường phố, thánh Vinh Sơn sống cho trẻ mồ côi, thánh Đamiên Creuser sống chết cho người cùi ở đảo Môlôkai, thánh Gioan Maria Vianney chôn mình hằng ngày trong tòa giải tội, Mẹ Têrêxa Calcutta kiệt sức cho những người cùng khổ nhất trong xã hội… Và gương mẫu cao cả nhất chính là Chúa Giêsu, đã chấp nhận tất cả để cứu chúng ta. Ngài là Tình Yêu vô bờ, không bao giờ vơi cạn. Hãy nhìn Chúa chúng ta trên thập giá để biết phải làm gì.

Vườn nho của Ngài mênh mông, Ngài đang cần những công nhân nghe theo lời Ngài mời gọi vào làm vườn nho cho Ngài. Chúng ta không thể nói rằng: “không ai mướn chúng tôi”. Ngài mở rộng trước mắt chúng ta một vườn nho đang cần những bàn tay chăm sóc. Thế giới chúng ta đang thiếu thốn tình yêu và công bằng và đang trên con đường sụp đổ. Nguy cơ một thế chiến thứ ba đang ngấm ngầm chờ dịp bùng nổ. Máu người vô tội đang chảy từng ngày. Sự dã man tràn ngập như nước vỡ bờ. Làm sao chúng ta có thể nói rằngkhông ai mướn chúng tôi? Chúng ta không thể đóng góp gì cho anh em chúng ta đang chìm sâu trong tuyệt vọng sao? Chúng ta không biết làm gì sao? Một lời cầu nguyện vẫn là một đóng góp quí báu, một cử chỉ thân tình, một hi sinh nhỏ bé có thể là một hồng ân cho thế giới.

Chúa Giêsu đang có mặt nơi bàn thờ và đang ở giữa chúng ta. Ngài là ông chủ nhân lành của vườn nho, là Đấng đã mời gọi chúng ta vào làm vườn nho cho Ngài. Vì chúng ta dễ quên và dễ chán nản, nhất là khi thấy những cố gắng của chúng ta không hiệu quả, và người đời lại cứng cỏi từ chối mọi thiện chí của chúng ta. Ngài đến để nhắc cho chúng ta nhớ rằng cuộc đời của Ngài kết thúc trong thất bại của thập giá, nhưng Ngài vẫn không thôi tiếp tục cứu vớt thế gian. Tình yêu của Ngài không bao giờ vơi cạn và con người càng từ chối Ngài lại thương xót nhiều hơn. Ngài đến để ban cho chúng ta một hồng ân vô tận đó là Mình thánh Ngài làm của ăn để nhờ đó, chúng ta đủ sức làm việc tiếp theo mặc dù không thể thấy kết quả. Hãy ăn lấy Chúa, Thiên Chúa Tình Yêu để biết yêu thương như Ngài là không mỏi mệt.

Lm Trầm Phúc