Một mùa chay mới lại về với các tín hữu Công giáo. Đây là khoảng thời gian 40 ngày để dọn lòng mừng Lễ Phục Sinh, trải dài từ thứ tư Lễ Tro đến hết Tuần Thánh. Mùa Chay giúp ta nhớ lại thời gian 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu năm xưa trước khi bước vào cuộc đời rao giảng công khai; 40 ngày đêm tiên tri Elia tiến lên núi Khôrep để lãnh nhận sứ vụ Chúa trao (1V 19,8); 40 ngày Môsê trên núi Sinai để lãnh nhận 10 điều răn của Đức Chúa (Xh 34,28); 40 năm dân Chúa lưu lạc trong sa mạc để tiến vào Đất Hứa. Mùa chay còn là thời gian quan trọng nhất để chiêm ngắm Đức Giêsu trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, là thời gian để các tín hữu gần Chúa hơn, giúp họ nếm nghiệm được lòng khoan dung và tình yêu vô bờ bến của Người. Từ đó, mọi người dễ dàng sám hối và canh tân đời sống, đồng thời kín múc được nhiều ân sủng từ trái tim yêu thương của Thiên Chúa hơn.
Trong tâm tình đó, hôm nay quì trước Chúa Giêsu, chiêm ngắm Người bị treo trên thập giá cách đau đớn, ê chề nhục nhã trong lòng con đã nảy sinh những câu hỏi muốn thân thưa cùng Người: “Lạy Chúa! Ngài đã làm được gì trên thập giá….???” Trên thánh giá, Ngài đã chẳng thể tiếp tục rao giảng Tin Mừng. Lúc này, đôi tay Người đã chẳng thể đưa lên chúc phúc (Mc 10,16) và chữa lành bệnh tật (Mc 8,23). Đôi chân Người đã không thể rảo bước khắp các làng mạc đó đây để loan báo Tin Mừng Cứu Độ (Mc 6,7). Chính Người đang phải trơ trọi một mình, đang phải quằn quại và đau đớn đến tột cùng cả về thể xác lẫn tâm hồn. Nơi Người tưởng như có lúc đã rơi vào đường cùng khiến Người tuyệt vọng và đã phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con.” (Mc 15,34). Phải chăng Người đã hoàn toàn bất động, chẳng làm nên tích sự gì và chuốc lấy sự thất bại bằng cái chết nhục nhã, đau khổ trên thập giá. Với những người không có đức tin và thiếu hiểu biết thì quả thật Người đã thất bại cách thê thảm. Nhưng không! Khi chiêm ngắm cuộc đời Người, con nhận ra rằng, chính lúc Người chịu chết trên thập giá, chính lúc tưởng chừng Người không làm được gì nữa lại là lúc Người làm được tất cả và đó lại là điều chính yếu, điều tối quan trọng: Ơn Cứu Độ đã đến với nhân loại. Chính tình yêu thương đến cùng và bằng một sự vâng phục trọn hảo cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, Chúa Giêsu đã hiến thân làm hy lễ đền tội. Người đã mang lấy tội lỗi của muôn người và làm cho họ nên công chính. Hy tế của Người đã có giá trị cứu chuộc cho tất cả mọi người. Người đã là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x. SGLHTCG số 615, 616) từ đó con người được giao hòa với Thiên Chúa.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu ghim chặt chân tay vào thập giá làm chúng ta nhớ lại một câu truyện, truyện kể rằng: Sau thế chiến thứ hai, ở Đức, tại ngôi làng kia một toán binh sĩ Mỹ tình nguyện tới để giúp đỡ người dân xây dựng lại cuộc sống. Dân làng đã không xin họ thực phẩm, công cụ hay thuốc men mà chỉ xin tái thiết một pho tượng Chúa Giêsu đã bị đổ nát vì bom đạn. Từ nhiều thế kỷ, bức tượng đã là niềm tự hào của họ mà giờ đây chỉ còn là một đống đổ nát. Liệu những binh sĩ Mỹ có làm được công việc này không? Qua bao ngày tìm kiếm vất vả, họ cũng tìm lại được những mảnh vụn và dựng lại pho tượng, chỉ có điều là hai phần trong pho tượng họ đã không thể tìm thấy. Các binh sĩ dựng pho tượng lên giữa quảng trường của ngôi làng và phủ lên đó tấm vải lụa, tấm vải này chỉ chỉ được mở ra bằng một nghi thức do ông thị trưởng chủ tọa. Vào ngày khánh thành, khi dân chúng trong làng đã tề tựu đông đủ, ông thị trưởng đã đọc bài diễn văn cám ơn các binh sĩ Mỹ và chính tay ông đã mở tấm vải lụa ra. Khi tấm vải lụa được kéo ra, mọi người đã ồ lên và quá đỗi kinh ngạc vì pho tượng tuyệt đẹp nhưng không có tay. Dưới pho tượng người ta đọc được dòng chữ: “Ta không có tay, các con có thể cho ta mượn đôi tay của các con không”. (Như Lòng Chúa Khoan Dung, Thiên Phúc). Nhìn chân tay Chúa bị đinh nhọn đâm thâu, nhớ lại câu truyện trên chúng ta lại nhớ lại rằng, sau khi phục sinh, trên đỉnh núi Olive trước khi được rước lên trời Chúa Giêsu đã trao phó lại cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng qua các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Vâng! Chính Chúa đã sử dụng cánh tay nối dài là Hội Thánh để tiếp tục đem Tin Mừng cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Lạy Chúa, chúng con đây, những chủng sinh đang muốn trở thành đôi chân, đôi tay của Chúa để mang Hạt Giống Giêsu rảo bước ra đi gieo vào lòng nhân thế, trong tư cách là thợ làm vườn nho, là thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo. Nhưng Chúa ơi! Chúng con cũng chỉ là những phàm nhân yếu đuối, mỏng dòn. Trong mình còn mang biết bao ích kỷ, nhỏ nhoi của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ. Người thợ làm vườn nho nào lại không bị những gai nhọn làm cho sây xát, thợ gặt nào lại không mang đôi tay rám nắng và chai lỳ. Đôi chân người thợ nào lại không tứa máu vì sỏi đá, va vấp. Vậy lạy Chúa! Xin cho con biết nhìn lên những vết thương trên mình, trên chân tay Chúa từ đó con được thêm sức mạnh, dám dấn thân với sự quảng đại, và lòng nhiệt thành để trở thành khí cụ hữu dụng trong tay Chúa. Amen.
Joseph Hoàng Nguyễn