Mồng Hai Tết: Kính nhớ Tổ Tiên

Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18.23; Lc 1,67-75
        
Mùa Xuân không chỉ là hướng chúng ta nhìn tới tương lai, nhưng còn là thời gian để quay nhìn lại quá khứ, là thời gian của tưởng nhớ và lòng biết ơn những bậc tiền nhân, vì các ngài đã đưa chúng ta vào dự hội xuân trần thế hôm nay. Chúng ta cảm tạ bằng lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, xin Người đổ tràn tình thương cho các bậc tiền nhân. Cuộc đời mỗi người chúng ta là những mối liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là dòng chảy xuyên suốt của sự sống được bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì chính Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muôn loài, Chúa đã dựng nên loài người, và là nguồn gốc mọi tình phụ tử. Chính Thiên Chúa đã ban sự sống cho tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta, để các ngài truyền lại cho chúng ta là con cháu.

Trong tâm tình yêu mến biết ơn, và tấm lòng hiếu thảo, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về chữ ‘Hiếu’ theo truyền thống văn hóa Việt Nam và theo cái nhìn Kitô giáo.

1. Chữ Hiếu theo văn hóa Việt Nam

Con người sinh ra, ai cũng có quê hương xứ sở, có gia đình dòng tộc. Chúng ta được thừa hưởng một nền văn hoá, mang trong mình những cội nguồn sự sống. Trước khi là một Kitô hữu Việt Nam, người tín hữu đã là một con người có nguồn gốc từ “Dòng giống Lạc Hồng”; “con Rồng cháu Tiên”, cưu mang trong mình một chữ đạo, chữ đạo ấy là “Hiếu”. Hiếu trở thành “Đạo”, hiểu như một con đường sống của người Việt để thành nhân và thành thánh. Hiểu chữ “Đạo” như thế sẽ không gây phương hại đến niềm tin của người Kitô hữu Việt Nam, bởi vì chữ “ Đạo” ấy không hiểu như một tôn giáo. Hiếu kính là một truyền thống rất tốt đẹp trở thành “Đạo”, ăn sâu trong cội nguồn văn hoá Việt Nam. Nhiều ca dao tục ngữ phản ảnh sinh động truyền thống đó.  Chúng ta có thể nói rằng: trước khi Tin Mừng được loan báo, đã có một mảnh đất tốt được chuẩn bị để đón nhận hạt giống Tin Mừng trong một nền văn hoá của dân tộc Việt Nam. Con đường “Hiếu Đạo” của Kitô giáo cũng bắt nguồn từ những truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa ấy.

Người Kitô hữu Việt Nam có nguồn gốc văn hoá chung với dân tộc, một dân tộc đón nhận rất nhiều ảnh hưởng của Khổng giáo, một tôn giáo có học thuyết luôn thiên về thực tiễn và lấy Đạo “Nhân” làm căn bản. Nhân là lòng thương yêu rộng lớn, bao trùm cả vạn vật. Người có đạo Nhân là người hết mực thương yêu bắt nguồn từ gia đình. Theo lẽ thường gia đình có cha mẹ, anh chị em, người ta cần kính yêu, rồi đến người ngoài mới có lòng trung thứ, từ ái được. Hiếu được đặt thành Kinh, cho thấy việc Hiếu vô cùng trọng đại, Hiếu không chỉ là “Tận tâm kính dưỡng phụ mẫu”, mà còn có nghĩa rộng hơn đối với cha mẹ lúc còn sống cũng như đã qua đời.

2. Chữ Hiếu theo cái nhìn Kitô giáo

Đối với người Kitô hữu, chữ Hiếu còn mở rộng ra tới chân trời của Thiên Chúa. Sách Xuất hành dạy rằng: “Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Sách “Huấn ca” có những lời dạy bảo khôn ngoan của các tiền nhân, khi truyền lại kinh nghiệm cho con cháu sống “Đạo Hiếu” : trước là kính Chúa, sau là hiếu với cha mẹ. Đó cũng là điều kiện để được cứu độ. “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3, 3-4). Và cho thấy rõ hơn sự chúc phúc của Thiên Chúa đối với những người con có hiếu: “Ai tôn vinh cha thì sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3, 6).  Người con có hiếu thì được Thiên Chúa xót thương tha thứ những lỗi lầm: “Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời” (Hc 3, 15).

Trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, thì Điều răn thứ Tư dạy rằng: “Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.”(Xh 20, 12). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Điều răn thứ tư mở đầu phần 2 của Thập Giới, ấn định trật tự của Đức Ái. Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì đã sinh thành dưỡng dục, và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải tôn kính những người được Thiên Chúa trao quyền hành để mưu ích cho chúng ta”. Thật đúng là lòng hiếu thảo của người con đụng tới tình trời, vượt xa khỏi thế giới này, và gặp được Đấng là Tình Yêu. Có thể nói gốc của đạo Hiếu thì mọc nơi đất thấp, nhưng hoa trái của đạo Hiếu thì được chính Thiên Chúa ban tặng từ trời cao.

Cảm nhận điều đó, và với lòng thảo hiếu sâu xa, chúng ta cùng hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, nhất là hiệp với của lễ của Đức Giêsu trên thập giá, xin Chúa ban cho các bậc tiền nhân được hưởng ánh sáng thánh nhan Chúa.

Lạy Chúa, hôm nay, chúng ta quy tụ nơi đây để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ, và dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các ngài. Chúng ta cám ơn tổ tiên ông bà cha mẹ, vì nhờ các ngài, chúng con được sinh ra được nuôi dưỡng, giáo dục và có được như ngày hôm nay. Qua Thánh lễ này, chúng con hy vọng Thiên Chúa sẽ thứ tha, thanh tẩy và ban cho linh hồn tiên ông bà cha mẹ của chúng con được về hưởng mùa Xuân vĩnh hằng là hạnh phúc thiên đàng. Và xin cho chúng con là con cháu biết sống hiếu thảo, để danh thơm tiếng tốt của các ngài được mãi lưu truyền cho hậu thế. Amen. 
 

Lm. GB. Vũ Quốc Đạt