Giới trẻ sống tinh thần truyền giáo (1)

Giới trẻ sống tinh thần truyền giáo (1)Loan báo Tin mừng, là việc của các giáo sĩ, tu sĩ! Không ít người có quan điểm như thế. Có lẽ với cái nhìn lịch sử chúng ta thấy lưu danh trong sử sách, truyền giáo tại Việt nam phần lớn là các bậc giáo sĩ, tu sĩ, nhưng thực tế thành phần âm thầm đóng góp quan trọng sứ mệnh loan Tin mừng Nước Chúa phải kể đến giáo dân, những người trẻ. Thời giáo hội sơ khai, các Kitô hữu tiên khởi đã hăng say sống chứng tá. Hạt giống Tin mừng được gieo vào mảnh đất Việt nam không chỉ nhờ những người giáo sĩ,  mà có cả những người lái buôn, binh sĩ, thủy thủ. Tất cả mọi thành phần trong Giáo hội đều được mời gọi sống và làm chứng cho Chúa: “Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo theo mức độ mà người ấy đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói rằng chúng ta là “môn đệ” và “nhà truyền giáo”, nhưng chúng ta luôn luôn là “môn đệ – truyền giáo”[1].

 
Truyền giáo là sứ mệnh của Giáo Hội
 
Trong Kinh thánh chúng ta thấy có nhiều gương mặt trẻ, chàng Gioan tiền hô hăng say dọn đường và dẫn dắt các môn sinh của mình đến với Đức Giêsu (Ga 1, 6-42). Người phụ nữ Samaria, sau khi vừa nói chuyện với Chúa Giêsu xong lập tức trở thành một nhà truyền giáo, nhiều người Samaria đã tin vào Chúa Giêsu (Ga 4, 39). Mađalêla người trẻ loan Tin mừng phục sinh đầu tiên. (Ga 20,11-18). Nhiều chàng trai trẻ, các thiếu nữ đức hạnh đã bỏ mọi sự danh vọng, quyền lực trần gian để sống triệt để làm chứng niềm vui tin mừng như Augustinô, Đaminh, Phanxicô, Têrêxa, Catarina. Cêcilia, Anrê Phú Yên…
 
“Nhờ bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, mỗi phần tử của Dân Thiên Chúa trở thành một môn đệ truyền giáo (Mt 28,19). Mọi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Hội Thánh và trình độ giáo dục đức tin của họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin mừng, và thật là thiếu sót khi nghĩ về một chương trình truyền giáo được thực hiện bởi các chuyên viên có khả năng trong khi phần còn lại của các tín hữu chỉ là những người tiếp nhận thụ động.[2]”
 
Trong Giáo hội có những ơn gọi truyền giáo chuyên biệt “Ad Gentes”. Linh đạo dành cho những người sống triệt để dấn thân, trao hiến trọn vẹn cho sứ vụ loan truyền Nước Chúa, đó là con đường nên thánh của họ. Tinh thần truyền giáo đều được đề cao trong các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn. Nếu bạn trẻ nào nhận thấy nơi mình thao thức muốn dấn thân trong cách đồng truyền giáo cách triệt để, hãy cầu nguyện bàn hỏi, tìm hiểu để bước theo Chúa qua ơn gọi chuyên biệt. Sứ mệnh truyền giáo là sứ mệnh phổ quát. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại phẩm tính này trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, nhờ bí tích Rửa Tội mọi phần tử của Dân Thiên Chúa trở thành một môn đệ truyền giáo.
 
Người trẻ hôm nay có thái độ thế nào đối với công cuộc truyền giáo? Nếu các bạn nói việc truyền giáo không phải là công việc của tôi, tôi không có khả năng, quan niệm như thế chưa đúng. “Truyền giáo là bản chất của Hội thánh”. Chúng ta là thành phần, là chi thể trong Giáo hội, liên kết với Đức Kitô, được thông phần với Ngài qua các chức năng tư tế, vương đế và ngôn sứ của Người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi: “Ngày nay còn rất nhiều người không biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế việc rao giảng cho người ngoài Kitô Giáo thật là công việc rất khẩn cấp, mà tất cả mọi thành viên của Giáo Hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi vì tự bản tính Giáo Hội là truyền giáo: Giáo Hội được sinh ra để ‘ra đi’”[3]. 
 
Công giáo là Đạo phổ quát dành cho hết mọi người, “Đạo nhập thể” mà Chúa Giêsu đã mang đến để cứu chuộc nhân loại, Người mời gọi hết thảy mọi người làm chứng loan truyền niềm vui cứu độ cho các dân tộc. Khi nào chúng ta “ra đi” để làm chứng cho Tin mừng? Nếu đợi khi nào có đủ mọi kiến thức, phương tiện mới truyền giáo, thì chẳng bao giờ chúng ta “lên đường” được! Giáo hội mời gọi chúng ta làm chứng những gì đã nếm cảm nơi Tin mừng cứu độ: “những gì mà anh chị em khám phá ra, những gì giúp anh chị em sống và ban cho anh chị em hy vọng, chính là những điều mà anh chị em cần phải truyền thông cho những người khác”[4].
 
Chúng ta không do dự, tự ty với sự bất toàn, thiếu thốn về khả năng hay điều kiện; không nên mặc cảm với những quá khứ chưa đẹp, hay những kinh nghiệm thất bại, những điều chưa sống đúng với tinh thần Tin mừng. Thánh Phaolô nói: “Không phải như là tôi đã đạt được điều đó, hay đã nên hoàn thiện; nhưng tôi đang cố gắng theo đuổi, để đạt cho kỳ được mục tiêu” (Pl 3,12-13). Chúng ta sống làm chứng cho Chúa với cả con người mình, dâng cho Chúa cả những bất toàn, hữu hạn để Chúa dẫn dắt thi hành sứ mệnh của Người.

Laurensô Đặng 
(Còn nữa)