TUẦN 6
Lv 13,1-2.44-46; 1Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45
Thời xưa, người phong cùi phải chịu nhiều nỗi đau về thể xác và tinh thần. Về thể xác, da thịt thường phát nhọt và lở loét. Khi nặng hơn, vết thương lõm vào da thịt, lông mày rụng, mắt lộ ra và thanh quản bị lở nên giọng nói khàn. Bệnh nhân bị mất cảm giác ở một số bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Sau đó, các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co lại làm hai bàn tay co quắp. Ở mức độ nặng, ngón tay và ngón chân rụng dần. Về tinh thần, người phong cùi bị loại khỏi đời sống xã hội “phải mặc áo rách, xõa tóc che râu và kêu lên ô uế! ô uế! Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.” Hơn cả nỗi đau thể xác và tinh thần, người phong cùi còn phải chịu nỗi đau tâm linh là bị loại khỏi đời sống tôn giáo, không được tham gia việc phượng thờ Thiên Chúa với cộng đoàn. Điều này có nghĩa là họ bị cắt đứt quan hệ với Thiên Chúa, nguồn gốc và cùng đích của mọi ân huệ theo cách hiểu của người Do Thái thời ấy.
Chính vì phải gánh chịu nhiều nỗi đau như vậy mà người phong cùi được nói đến trong Tin Mừng hôm nay đã vượt qua ranh giới của lề luật đến gặp Đức Giêsu và quì xuống van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Anh đã làm một việc không được phép vì người phong cùi không được đến gần và nói chuyện với bất kỳ ai lành sạch, kể cả việc xin chữa lành vì theo luật “anh phải mặc áo rách, xõa tóc che râu và kêu lên ô uế! ô uế! Anh phải ở riêng ra một nơi ở bên ngoài trại.” Anh phải kêu lên “ô uế” để tránh cho người khác đến gần và đụng vào anh kẻo bị lây và cũng trở nên ô uế. Anh này bất chấp luật lệ và cương quyết đến với Đức Giêsu vì tin vào quyền năng chữa lành và tình thương nhân hậu của Ngài. Anh tin rằng cho dù không được phép làm điều ấy theo luật, thì Đức Giêsu vẫn không lên án hoặc tố cáo, thậm chí Ngài có thể chữa lành cho anh.
Đúng như vậy! Điều anh mong ước đã trở thành hiện thực. Đức Giêsu đã không tố cáo anh, không rời xa anh, nhưng chấp nhận ở lại với anh, đụng vào người anh và nói “Tôi muốn, anh hãy lành bệnh”, và ngay lập tức bệnh phong cùi biến mất và anh được sạch. Anh vô cùng phấn khởi vui mừng nên thay vì phải im lặng, đi trình diện với tư tế và dâng lễ vật như ông Môsê truyền theo yêu cầu của Đức Giêsu, để chứng minh anh đã được khỏi bệnh hầu được tái hòa nhập vào đời sống xã hội và phụng tự, thì ngay khi ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi đến nỗi Đức Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Người phong cùi này thật đặc biệt vì ban đầu muốn được chữa lành nên bất chấp sự cấm cản của lề luật đến gặp Đức Giêsu, nhưng sau khi được chữa lành thì lại quên đi chính mình mà chỉ nghĩ đến Đức Giêsu, loan báo và giới thiệu Ngài cho người khác.
Hiểu sâu sắc được nỗi đau của người phong cùi nên Đức Giêsu đã vượt ra khỏi hàng rào của lề luật. Không những cho phép người phong cùi đến gặp, Ngài còn đưa tay ra đụng vào người anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” Đức Giêsu không sợ bị lây bệnh, chẳng sợ bị nhiễm uế theo luật và không sợ người khác kết án vi phạm lề luật. Ngài cũng không sợ bị loại khỏi đời sống xã hội và đời sống tôn giáo vì tình thương của Ngài lớn hơn tất cả. Ngài biết rõ quyền năng chữa lành của mình và thể hiện quyền năng đó qua việc đụng vào người phong cùi và nói “Tôi muốn, anh hãy được sạch.”
Sau khi chữa lành cho người phong cùi, thay vì nghĩ đến mình, Đức Giêsu nghĩ ngay đến hạnh phúc của người bệnh. Ngài yêu cầu anh im lặng, không nói gì cho ai biết, chỉ đi trình diện với tư tế và dâng lễ vật theo luật Môsê để làm chứng cho người ta biết anh đã khỏi bệnh. Yêu cầu anh làm thế vì muốn anh được nhanh chóng hòa nhập trở lại với cuộc sống của một người bình thường, được cộng đồng xã hội và cộng đoàn tôn giáo đón nhận, được sống an vui và bình anh như bao người khác trong cộng đoàn tôn giáo của mình.
Nói đến đây, tôi liên tưởng đến các kitô hữu hôm nay. Chúng ta thật may mắn vì chúng ta khỏe mạnh, không mắc chứng bệnh nan y gây ra nhiều đau khổ cả về thể xác lẫn tâm hồn như người phong cùi được kể đến trong Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng ta có thể bị mắc chứng bệnh phong cùi tâm linh. Đó có thể là một tội lỗi, những thói quen không tốt, cũng có thể là một đam mê, một sự ích kỉ hay một sự tham sân si nào đó. Chúng như một thứ vi khuẩn phong cùi đang dần dần ăn mòn tâm hồn của chúng ta. Mỗi ngày thay vì đưa chúng ta đến gần Chúa và gần nhau, chúng lại kéo chúng ta xa Chúa và xa nhau. Chúng đang làm cho tâm hồn chúng ta chết dần chết mòn để đến một lúc nào đó, chúng ta mất hoàn toàn ý thức về tội, về sự công bằng và tình thương tha thứ của Thiên Chúa, về tình thương tha nhân. Chứng bệnh này còn đáng sợ hơn nhiều vì làm ta mất sự sống đời đời, hạnh phúc vĩnh cửu và niềm vui tròn đầy trong nhà Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải đặc biệt cảnh giác với chứng bệnh ghê sợ này.
Người phong cùi đã đến với Đức Giêsu và xin Ngài chữa lành. Anh đã được mãn nguyện và lập tức trở lại loan báo Đức Giêsu cho người khác mà quên đi cuộc sống riêng của mình. Mỗi chúng ta có thể bị bệnh phong cùi trên diện tâm linh. Chúng ta hãy chạy đến với Đức Giêsu và xin Ngài chữa lành cho chúng ta qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Chắc chắn chúng ta sẽ được chữa lành và trở thành người rao truyền tình thương và quyền năng của Chúa Giêsu cho người khác như thánh Phaolo đề nghị “Dù ăn, dù uống hay làm bất kỳ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. Đừng nêu gương xấu cho bất kỳ ai. Trong mọi hoàn cảnh hãy cố gắng làm đẹp long mọi người, không vì lợi ích bản thân, nhưng để nhiều người được ơn cứu độ. Bắt chước thánh nhân như thánh nhân bắt chước Đức Giêsu.” Amen!