(Lc 21, 20-28)
- Điểm kết thúc
Chúng ta đang sống ở những ngày cuối của năm phụng vụ; và Lời Chúa trong các bài Tin Mừng của những ngày này, nhất là bài Tin Mừng hôm nay, cũng nói cho chúng ta về thời điểm cuối cùng, không phải của một năm, nhưng là của mọi sự. Hình ảnh thành thánh Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy vì bạo lực, tượng trưng cho mọi công trình của con người, đạo cũng như đời, sẽ bị phá hủy. Không phải vì Thiên Chúa giáng phạt, nhưng vì bạo lực của con người. Nhưng, như chúng ta đều có kinh nghiệm, chuyện người hại người không chỉ xẩy ra lúc chiến tranh, nhưng là chuyện xẩy ra hàng ngày, dưới mọi hình thức, và một cách ý thức cũng như vô thức.
Thế giới sáng tạo cũng sẽ tan rã và trở lại tình trạng hỗn mang như lúc khởi nguyên, khi chưa được Thiên Chúa sáng tạo, phân rẽ, định hướng và sắp xếp bằng Ngôi Lời của Người. Và cũng không phải vì Thiên Chúa cho xẩy ra thiên tai để trách phạt loài người tội lỗi, như thời ông Nô-e, nhưng vì đó là quy luật, là thân phận thọ tạo. Thế giới sáng tạo, dù có rất bền vững, nhưng vẫn phải đi đến điểm tận cùng, vì không phải là vĩnh cửu; chẳng hạn như mặt trời.
- Khi nào?
Nhưng khi nào thời điểm chung cục sẽ đến, như đã có người hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” Chắc là còn rất lâu, sau khi mọi người chúng ta có mặt ở đây về với Chúa hết! Cho dù cứ lâu lâu người ta lại đồn sẽ đến ngày tận thế, chẳng hạn như vào năm kia, ngày 12 tháng 12 năm 2012! Nhưng hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi lắng nghe và tin vào lời của Đức Giê-su:
Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.
Nhưng, ngày tận của mọi sự cùng chắc chắn sẽ đến, bởi vì thế giới chúng ta đang sống là những thực tại lệ thuộc vào không gian và thời gian. Lời của Đức Giê-su nói về thời điểm tận cùng của mọi sự có thể làm chúng ta sợ hãi, nhưng đó lại là con đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, chúng ta phải vượt qua cuộc đời này ngang qua sự chết, thân xác rã tan, để nhường chỗ cho trời mới đất mới và cho sự sống mới. Đó còn là cuộc Vượt Qua, từ sự chết sang sự sống, của toàn thể nhân loại và vũ trụ, theo khuôn mẫu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ.
Hiểu như thế, cả loài người và từng người chúng ta, cùng muôn loài muôn vật được mời gọi trông chờ trong bình an và hi vọng Ngày Cánh Chung và cầu nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mau ngự đến:
A-men, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!
(Kh 22, 20)
- Con Người ngự đến
Điểm kết thúc của lịch sử và của thế giới sáng tạo, xem ra còn ra còn rất xa vời, nhưng lại nhắc nhớ cho chúng ta những điểm kết thúc rất thật, xẩy ra hằng ngày trong đời sống của chúng ta. Đó là hoàng hôn của mỗi ngày sống, của một giai đoạn, của tháng, của năm, của chức vụ, của công việc… Như có ai đó nói rất đúng: khi bắt đầu là đã chuẩn bị kết thúc rồi. Dù chúng ta ở lứa tuổi nào, rồi một ngày kia, chúng ta cũng sẽ đi đến điểm kết thúc là sự chết, giống như những người quá cố ở nghĩa trang hay trong những Nhà Hài Cốt của chúng ta, và nhất là giống như những người quá cố đang còn ở giữa chúng ta, vẫn chưa được mai táng.
Nhưng chúng ta có niềm hi vọng là Đức Ki-tô, bởi vì Ngài đã vượt qua điểm tận cùng của mọi sự, Ngài đã chiến thắng cái chết, là điểm tới của tất cả chúng ta, để trở thành Vua của chúng ta, cả ở đời này lẫn đời sau nữa. Vậy, chúng ta đừng tôn ai làm vua, đừng biến điều gì làm chủ, làm chúa, làm thần tượng, hay làm cùng đích của chúng ta, dù đó là tiền của, phương tiện, bằng cấp, thành công, danh vọng, tiếng tăm. Bởi vì, cùng với chúng ta, tất cả rồi sẽ qua đi. Và lúc đó, sẽ không còn gì hay còn ai chờ đón chúng ta, ngoài Đức Ki-tô và tất cả những ai và những gì thuộc về Ngài.
Nếu chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, điểm kết thúc sẽ không còn là tai họa, nhưng là niềm hi vọng và niềm vui như Người đến lần thứ nhất trong Đêm Giáng Sinh, vì đó là lúc Chúa đến, là lúc, được giải thoát và gặp gỡ. Như Đức Giê-su nói:
Khi những biến cố ấy bắt đầu xẩy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.
* * *
Như thế, điểm tận cùng sẽ trở thành niềm hân hoan, trở thành thời điểm cứu chuộc. Để hướng về thời điểm này, chúng ta được mời gọi sống như người môn đệ, người thuộc về Đức Ki-tô ngay hôm nay; và sau mỗi ngày sống, chúng ta được mời gọi nhận lời Kinh Thánh này làm của mình:
Lạy Chúa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi,
vì chính mắt con đã nhìn thấy Ơn Cứu Độ.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc