Ăn chay như thế nào ?

Nhân dịp Giáo Hội bước vào Mùa Chay, chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu về chủ đề ăn chay. Người ta thấy việc thực hành chay tịnh không chỉ nơi các tôn giáo lớn như Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo… mà còn cả nơi các nền văn hóa xưa cũng như nay. Ăn chay cũng vì nhiều lý do khác nhau : vì lòng đạo đức, tôn giáo, sức khỏe, truyền thống gia đình và vì cả sắc đẹp.

 
« Ăn chay » được gọi theo chữ Hán là « Trai », tức là giữ lòng trong sạch. Xưa có lệ trai giới áp dụng cho việc tế tự hay việc cầu nguyện với trời đất : ăn đồ chay trước ba ngày (trai) và thành tâm tụng niệm trước bảy ngày (giới).
 
Được biết, ba ngày trước khi tế trời ở Đàn Nam Giao, nhà vua phải kiêng ăn thịt cá và tránh gần gũi với các cung phi và mĩ nữ.
 
Ăn chay thịnh hành từ thời Lý – Trần. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), Huế trở thành thủ phủ của Phật giáo và tục ăn chay còn phổ biến trong cả tầng lớp quý tộc, nên ở Huế việc nấu chay khá đặc sắc so với các nơi khác (x. Văn hóa ăn chay của người Việt).
 
Thực phẩm của Phật giáo dùng cho bữa ăn chay chủ yếu là rau củ, quả và các loại ngũ cốc được chế biến không pha trộn gia vị hay hương liệu.
 
Cũng cần nói thêm, ăn chay ngày nay đôi khi mang tính thời thượng. Quý bà thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu ăn chay với mục đích giữ được thân hình thon thả để chưng diện hợp thời trang. Trong khi đó, một số khác trong giới giầu sang lại chú ý đến vấn đề thưởng thức nghệ thuật ẩm thực chay tịnh, do tính công phu của sự chuẩn bị, và sự bắt mắt trong khâu trang trí.
 
Chay tịnh đối với kitô hữu
 
Trên nguyên tắc, luật giữ chay kiêng thịt chỉ đòi hỏi những người ở trong độ tuổi bắt buộc phải giữ hai ngày trong một năm là thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh.
 
Theo gương Đức Giêsu vào sa mạc 40 đêm ngày để ăn chay và cầu nguyện, Giáo Hội mời gọi các tín hữu của mình sống 40 ngày chay thánh trong tinh thần chay tịnh, cầu nguyện, và chia sẻ. Chay tịnh giúp chúng ta biết chế ngự các thói hư tật xấu và ý thức được sự cần thiết của sám hối để mở lòng mình ra với Thiên Chúa qua cầu nguyện và với tha nhân qua việc thực hành bác ái. Do đó, việc chay tịnh sẽ trở nên ý nghĩa khi chúng ta hy sinh nhu cầu về ăn uống và các chi tiêu không cần thiết khác để giúp đỡ cho những người đang thiếu thốn.
 
Với ý nghĩa đó, Mùa Chay là mùa trở về. Chúng ta được mời gọi trở về cùng Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót và hay tha thứ để giao hòa với Người vì những lỗi lầm đã phạm và làm hòa với anh em đồng loại do sự chia rẽ, bất hòa và khuyết điểm mình gây ra, cũng như quan tâm đến những ai đang cần nhu cầu được giúp đỡ.
 
Đây là mùa thuận tiện giúp ta loại bỏ tất cả những gì là hình thức không cần thiết bề ngoài để lắng nghe tiếng Chúa tận trong sâu thẳm của đáy lòng. Nhờ sự gắn bó mật thiết với Ngài, chúng ta có thể đón nhận ơn cứu độ, ân sủng và lòng thương xót vô biên.
 
Mùa Chay là thời gian chuẩn bị tâm hồn để hướng tín hữu đến Lễ Phục Sinh của Chúa Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi, sự chết và thế gian, để dẫn đưa những ai tin vào Người vào thừa hưởng vương quốc của bình an, hạnh phúc, hoan lạc và sự sống vĩnh hằng.
 

Nt. Scholatisca, Đaminh Bùi Chu