San sẻ Lời Chúa “Chao ôi Ghê quá”

 

 

 

Vấn đề ly dị và tái hôn trong Đạo Công Giáo: Phần Hai, cuộc tranh luận quanh đề xuất của Đức HY Kasper (16)

 

Chủ yếu là vấn đề tiết dục

Điều đáng lưu ý là Đức HY Kasper không nhắc chi tới điểm quan yếu này: ăn năn đòi hối nhân phải từ bỏ nguyên nhân gây ra tội, trong trường hợp này là cuộc hôn nhân thứ hai, khách quan vốn tạo ra tội ngoại tình. Không từ bỏ nó, ăn năn trở thành vô nghĩa. Và do đó, rước lễ là mâu thuẫn với yếu tính của Phép Thánh Thể. Ngài có nhắc tới hồi tâm bản thân nhưng không nói rõ hồi tâm bản thân là thế nào. Phải chăng chỉ là cố gắng sống tốt trong cuộc hôn nhân thứ hai và dưỡng dục con cái thành Kitô hữu tốt? Thực ra hồi tâm bản thân chỉ có thể có nghĩa: phải từ bỏ cuộc hôn nhân bất thành sự thứ hai. Đức HY hình như không đồng ý như thế khi quả quyết rằng không thể đảo ngược được cuộc hôn nhân đó mà không rơi vào mặc cảm tội lỗi mới. Ngài không cho biết thêm gì về mặc cảm tội lỗi này. Trong khi đó, giải pháp hiện nay của huấn quyền là liên hệ anh trai em gái, một liên hệ đòi hai người phải tiết dục, và chắc chắn không khiến họ rơi vào mặc cảm tội lỗi đối với con cái.

Đức HY Kasper không đề cập gì tới giải pháp trên cả. Có lẽ ngài coi giải pháp ấy không thực tiễn và do đó, cuộc thảo luận nên tập chú vào vấn đề tiết dục. Đây là quan điểm của 12 nhà thần học Dòng Đa Minh trong một khảo luận tựa là “Các Đề Xuất Gần Đây Đối Việc Chăm Sóc Mục Vụ Những Người Ly Dị Và Tái Hôn: Một Lượng Định Thần Học” đăng trên Tập San Thần Học Nova Et Vetera (Mới Và Cũ), ấn bản Anh Ngữ, Tập 12, Số 3 năm 2014. 

Các nhà thần học này nhằm trả lời ngắn gọn các điểm được Đức HY Kasper nêu ra, dưới hình thức gần như các đề mục bách khoa, chứ không hẳn các các bài nghiên cứu dài rộng. Theo họ, đề xuất của Đức HY có hai điểm quan yếu:

Thứ nhất, ngài cho rằng một cuộc hôn nhân thành sự đòi hai bên phải tin vào “mầu nhiệm vốn được bí tích biểu tượng” và vì điều này thường thiếu vắng, nên nhiều cuộc hôn nhân không thành hiệu lúc kết ước dù được thực hiện dưới hình thức đúng theo giáo luật. Để sửa chữa, ngài đề nghị: thay vì theo “con đường pháp chế” ta có thể sử dụng “các thủ tục khác, có tính mục vụ và tâm linh hơn”. Hay, “giám mục có thể ủy nhiệm [quyết định về tính thành hiệu của hôn nhân] cho một linh mục, có kinh nghiệm tâm linh và mục vụ, làm đại diện xá giải hay đại diện giám mục”. 

Thứ hai, ngài nói tới trường hợp “một cuộc hôn nhân đã thành hiệu và hoàn hợp giữa các cá nhân đã chịu phép rửa, nhưng cuộc chung sống vợ chồng đã gẫy đổ vô phương cứu chữa và một người hay cả hai người phối ngẫu đã kết ước cuộc hôn nhân thứ hai theo luật dân sự”. Đức GH Bênêđíctô XVI khuyến khích những người này rước lễ thiêng liêng thay vì rước lễ bí tích, một việc được coi như không “mâu thuẫn với lệnh truyền của Chúa Kitô”. 

Sau đó, ngài đề cập tới một số thực hành từ thời các giáo phụ. Cuối cùng, ngài đề nghị cho các người này được rước lễ, nếu họ thoả mãn 5 điều kiện đã nói trên đây. 

Các nhà thần học Đa Minh lần lượt giải đáp các đề nghị nêu trên.

Các nguyên tắc tổng quát

1. Hôn nhân bí tích bất khả tiêu

Đức Kitô nâng hôn nhân lên hàng bí tích vì nó biểu tượng cho tình yêu phu phụ và lòng trung thành tuyệt đối của Người đối với Giáo Hội (Eph 5:32). Bản chất bí tích của cuộc hôn nhân giữa các người đã chịu phép rửa không phải là một yếu tố tùy thể, mà nối kết với chính yếu tính của hôn nhân. 

Cuộc hôn nhân bí tích đã thành hiệu và hoàn hợp thì không thể bị tiêu hủy bởi bất cứ quyền lực con người nào, kể cả quyền đại diện của Giám Mục Rôma. Đức Gioan Phaolô II, trích dẫn rất nhiều tuyên bố của các vị tiền nhiệm, đã quả quyết rằng điều vừa nói đã được giải quyết dứt điểm. Ngài kết luận: Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo… dạy rằng “Như thế, dây hôn phối đã do chính Thiên Chúa thiết lập một cách khiến cho một cuộc hôn nhân đã thành sự và hoàn hợp giữa các người đã chịu phép rửa thì không bao giờ tiêu hủy được. Sợi dây này, vốn do kết quả một hành vi tự do nhân linh của các người phối ngẫu và sự hoàn hợp hôn nhân của họ đem lại, là một thực tại, do đó, không thể hủy bỏ được, và làm phát sinh ra một giao ước được lòng trung thành của Thiên Chúa bảo đảm. Giáo Hội cũng không có quyền lực đi ngược lại sự sắp xếp này của Thiên Chúa” (Diễn văn trước Tòa Thượng Thẩm Rôma năm 2000). 

Thành thử, Giáo Hội nhấn mạnh rằng khi có sự hiện hữu của của dây hôn phối thành sự, không cuộc hôn nhân thứ hai nào có thể có khi người phối ngẫu đầu còn sống. Ngay trước CĐ Nixêa, giáo huấn này đã được tuyên bố chính thức (xem khoản luật 9 của CĐ Elvira, các năm 300-303).

Về vấn đề này, huấn quyền cho hay: phán đoán riêng do xác tín bản thân của cá nhân không thể được dùng làm căn bản để quyết định tính thành sự của hôn nhân. Quyết định này, do thiên luật, thuộc về Giáo Hội.

2. Lịch sử việc định nghĩa ngoại tình và giáo huấn của Giáo Hội

Điều răn thứ sáu cấm ngoại tình (Xh 20:12). Chúa Giêsu đưa ra câu định nghĩa sau đây về ngoại tình: “ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình, và ai cưới người đàn bà ly dị cũng phạm tội ngoại tình” (Lc 16:18). 

Giáo Hội luôn hiểu câu ngoại trừ “gian dâm” trong tin mừng Matthêu, tức mê epi porneia, như là cho phép ly thân trong trường hợp ngoại tình nhưng không được tái hôn, ngoại trừ cuộc hôn nhân đầu bất thành sự. 

Việc cấm ly dị và tái hôn đã rõ ràng trong các tuyên bố chính thức sớm sủa nhất của Giáo Hội Công Giáo (Xem CĐ Elvira (c. 300-303), DH 117; CĐ Carthage, Khoản 11 (407); và CĐ Angers, Khoản 6 (453).Từ thời Cải Cách, các Đức Giáo Hoàng liên tiếp tái khẳng định nó. Như năm 1595, Đức Clêmentê VIII cho hay không vị giám mục nào được dung thứ việc ly dị. Các Đức Urbanô VIII (1623-1644) và Bênêđíctô XIV (1740-1758) đều lặp lại giáo huấn này. 

Năm 1803, Đức Piô VII nhắc các linh mục không được cử hành các cuộc hôn nhân lần thứ hai dù bị luật dân sự đòi hỏi. Sau cùng Đức Lêô XIII, trong Arcanum năm 1880, cực lực kết án việc ly dị. 

3. Hôn nhân trong yếu tính có tính công cộng

Một số đề nghị đối với THĐ nhằm chuyển việc lượng định tính thành hiệu của hôn nhân cho thẩm quyền chủ quan của lương tâm hay các phán đoán tư riêng, hơn là bàn tới hôn nhân như một thực tại công cộng. 

Tuy nhiên, hôn nhân chủ yếu có bản chất công cộng, xét theo ba phương diện sau đây: (1) nó là một khế ước công cộng giữa hai người phối ngẫu; (2) nó phục vụ công ích qua việc sinh sản và dưỡng dục con cái; và (3) bí tích là chứng tá và dấu chỉ công khai lòng trung thành và tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo Hội.

Thứ nhất, hôn nhân là một khế ước có tính giao ước giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Khế ước này có và phải có tính công cộng. Trong mọi nghi lễ hôn phối, đều có những người làm chứng; việc kết hôn đặt lên vai các người phối ngẫu nhiều bổn phận cũng như ban cho họ nhiều quyền lợi. Trong số này, có việc các người phối ngẫu phải trung thành với nhau, phải giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau lúc vui lúc buồn và hợp tác với nhau để dưỡng dục con cái. Hơn thế nữa, họ còn được và phải được đối xử như một đơn vị dưới luật pháp: họ tạo thành một cộng đồng phu thê đơn nhất có các tài nguyên chung, có quyền đại diện lẫn nhau, và có quyền không bị phân rẽ khỏi nhau hay bị đặt vào thế chống lại nhau. 

Thứ hai, hôn nhân phục vụ công ích theo nghĩa vợ chồng đem con cái vào đời và cam kết dưỡng dục chúng. Đã đành, tại nhiều nơi, việc dạy rằng thiện ích hàng đầu của hôn nhân là sinh sản và dạy dỗ con cái đã trở thành một đề tài tranh cãi; thậm chí còn bị những người cổ vũ việc hợp pháp hóa các cuộc kết hợp đồng tính coi là thiên kiến. Ấy thế nhưng nếu chiều theo áp lực mỗi ngày mỗi gia tăng này để không nói gì về chiều kích công cộng của hôn nhân, Giáo Hội sẽ góp phần tạo ra các khai triển tiêu cực này và sẽ từ bỏ một yếu tố và một lý do chủ yếu của hôn nhân. Nơi nào hôn nhân không còn được coi là một định chế công cộng đáng được luật pháp và văn hóa hỗ trợ, nó sẽ trở thành một thứ tỏ tình tư riêng. 

Thứ ba, bí tích hôn phối hoàn thiện hóa cuộc kết hợp hôn nhân giữa các Kitô hữu đã chịu phép rửa. Tính bất khả tiêu của cuộc kết hợp này không những có tính chủ yếu đối với kế hoạch của Thiên Chúa đối với người đàn ông và người đàn bà (Mt 19:3-10) mà nó còn giúp tình yêu vĩnh viễn và trung thành của họ được dùng làm dấu chỉ bí tích cho tình yêu và lòng trung thành của Chúa Kitô dành cho nàng dâu của Người là Giáo Hội (Eph 5:32).

Hiện nay, Giáo Hội hiện hữu như một trong những tiếng nói ít ỏi của nền văn hóa Tây Phương vẫn trung thành tuyên bố chân lý về hôn nhân. Nền thần học, luật học, và thực hành phụng vụ của Giáo Hội vẫn đề cao tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình trong xã hội và trong Giáo Hội. Các cặp vợ chồng vẫn hợp tác với Thiên Chúa trong việc tạo ra sự sống mới, là những nhà giáo dục đức tin đầu tiên và do đó, sản sinh nhiều con trai con gái nuôi mới cho Thiên Chúa với cùng đích được chung hưởng gia nghiệp đời đời của Người. Với lòng trung thành của họ, họ là các chứng tá công cộng cho lòng trung thành luôn bền vững của Chúa Kitô đối với dân Người.

Phân tích các đề nghị cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ

1. Hết hy vọng sống khiết tịnh?

Như trên đã nói, các nhà thần học Đa Minh cho rằng ở tâm điểm các đề nghị này là niềm hoài nghi về sự khiết tịnh. Thực vậy, loại bỏ bổn phận sống khiết tịnh khỏi người ly dị và tái hôn là sự đổi mới chính trong các đề nghị này, vì Giáo Hội vốn đã cho phép người ly dị và tái hôn, vì lý do nghiêm trọng , như để dưỡng dục con cái, được tiếp tục sống với nhau và lãnh nhận bí tích Thánh Thể nếu họ chịu sống như anh trai em gái, và nếu không gây gương mù gương xấu. Cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Bênêđíctô XVI đều dạy như thế.

Tuy nhiên, các đề nghị này cho rằng sống khiết tịnh như thế là điều bất khả đối với người ly dị. Phải chăng giả thiết này chứa đựng nỗi thất vọng dấu mặt đối với đức khiết tịnh (chastity) và đối với sức mạnh của ơn thánh có thể chiến thắng tội lỗi và thói hư? Chúa Kitô kêu gọi mọi người sống khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình, bất luận họ chưa lập gia đình, sống độc thân, đã lập gia đình, hay đã ly thân. Người hứa ban ơn thánh để họ sống cách khiết tịnh. Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại lời kêu gọi và lời hứa này, cùng với lời cảnh cáo rất gợi hình: điều gì gây nên tội thì phải “móc ném đi” và “cắt bỏ đi” vì “thà mất một phần thân thể còn hơn cả thân thể bị ném vào hỏa ngục” (Mt 5:27-32). Quả thực, trong Bài Giảng Trên Núi, khiết tịnh là tâm điểm và linh hồn giáo huấn của Chúa Giêsu về hôn nhân, ly dị và tình yêu vợ chồng. 

Sự khiết tịnh này là hoa trái của ơn thánh, chứ không phải việc đền tội hay việc tước đoạt. Nó không ám chỉ việc ức chế tính dục của con người, mà ám chỉ việc sắp đặt nó cho đúng khuôn phép. Khiết tịnh là nhân đức nhờ đó, người ta khiến các ước muốn dục tình tuân theo lý trí, để dục tính của họ phục vụ mục đích đích thực của nó, chứ không phải nhục dục (lust). Kết quả, người khiết tịnh cai quản được các đam mê của mình thay vì trở thành nô lệ của chúng, và nhờ thế có khả năng hiến thân một cách toàn vẹn và vĩnh viễn. Tóm lại, nó không thể thiếu được đối với việc theo đường Chúa Kitô, là đường chân thực duy nhất dẫn tới niềm vui, tự do và hạnh phúc. 

Nền văn hóa ngày nay cho rằng khiết tịnh là điều bất khả, thậm chí còn có hại nữa. Cái tín điều thế tục này trực tiếp mâu thuẫn với giáo huấn của Chúa. Nếu chấp nhận nó, ta khó thấy tại sao lại chỉ nên áp dụng nó vào người ly dị mà thôi. Há không phải là điều cũng bất thực tiễn hay sao khi ta yêu cầu người độc thân phải sống khiết tịnh cho tới lúc kết hôn? Và nếu không khiết tịnh được, liệu cả họ nữa cũng nên được rước lễ hay sao? Các thí dụ còn nhiều. 

Một số cặp tái hôn dân sự quả có cố gắng sống khiết tịnh như anh trai em gái. Họ có thể thấy nó khó khăn, và đôi khi sa ngã, nhưng nhờ ơn thánh đánh động, họ lại chỗi dậy, đi xưng tội và làm lại. Nếu các đề nghị hiện nay được chấp nhận, thì bao nhiêu người trong số họ sẽ bỏ cuộc chiến đấu để sống khiết tịnh như thế này?

Lẽ dĩ nhiên, nhiều người ly dị và tái hôn không sống khiết tịnh. Điều phân biệt họ với những người cố gắng sống khiết tịnh (và đôi khi thất bại) là họ không chịu nhìn nhận việc gian dâm như là một tội trọng hay ít nhất không hề có ý định sống khiết tịnh. Nếu họ được phép rước lễ, dù trước đó có đi xưng tội chăng nữa nhưng vẫn có ý định tiếp tục sống không trong sạch, một điều mâu thuẫn triệt để, thì quả có nguy cơ thực sự là họ sẽ cố thủ trong thói hư hiện nay của họ. Khó lòng họ có thể tăng tiến trong cái hiểu của họ về tính tội lỗi khách quan và tính trầm trọng của các hành vi thiếu trong sạch của họ. Người ta không chắc liệu tính tình luân lý của họ sẽ được cải thiện hay có nguy cơ bị gián đoạn và thậm chí lệch lạc thêm. 

Chúa Kitô dạy rằng khiết tịnh là điều có thể làm được, ngay cả trong các trường hợp khó khăn, vì ơn thánh Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi. Việc chăm sóc mục vụ các người ly dị nên được xây dựng trên lời hứa này. Họ sẽ không bao giờ cố gắng, nếu họ không nghe thấy Giáo Hội công bố các lời đầy hy vọng của Chúa Kitô rằng họ thực sự có thể sống khiết tịnh. 

2. Các tiền lệ từ các công đồng sơ khai và các giáo phụ

Chứng tá gần như phổ quát trong Giáo Hội sơ khai khẳng nhận tính đơn nhất và bất khả tiêu của hôn nhân như là lời dạy của chính Chúa Kitô, và đây là điều phân biệt các thực hành của Kitô Giáo với các thực hành của Do Thái Giáo và dân ngoại. Không có vấn đề ly dị và tái hôn; đến cả việc tái hôn sau khi người phối ngẫu qua đời cũng đã khiến người thời ấy lo ngại. Thánh Phaolô chỉ cho phép cuộc hôn nhân thứ hai “trong Chúa” nhưng khuyến khích các góa phụ nên ở vậy (1Cor 7:39-40). Các giáo phụ nổi tiếng, căn cứ vào Mt 19:11-12 và lời khuyên của Thánh Phaolô, thường nhấn mạnh rằng thiện ích của đức đồng trinh và việc sống khiết tịnh lúc góa bụa đáng ưa hơn thiện ích hôn nhân. 

Mới đây, có người chủ trương rằng Công Đồng Nixêa thứ nhất (325) có nói tới việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ. Đây là một cách hiểu sai Công Đồng này một cách nghiêm trọng cũng như hiểu sai các cuộc tranh cãi ở thế kỷ thứ hai và thứ ba về hôn nhân. Một số bè phái khắt khe và lạc giáo ở thế kỷ thứ hai đã ngăn cấm hôn nhân nói chung, trái ngược với giáo huấn của Chúa Kitô và của Thánh Phaolô. Một số giáo phái khác ở thế kỷ thứ hai và thế kỷ thứ ba, nhất là phái Novatiô, ngăn cấm “cuộc hôn nhân thứ hai” sau khi người phối ngẫu qua đời. Khoản 8 của CĐ Nixêa đặc biệt nhắm vào sai lầm của phái Novatiô về “cuộc hôn nhân thứ hai” thường được hiểu là sau khi người phối ngẫu qua đời này. 

Điều trên đã được xác nhận trong lời giải thích thời Byzantine về một khoản luật của thế kỷ thứ tư về “cuộc hôn nhân thứ hai” và việc rước lễ. 

Khoản luật trên chuyên biệt áp dụng vào những người góa chồng và góa vợ còn trẻ bị thôi thúc bởi “việc xuất hiện của tinh thần xác thịt” nên đã tái hôn sau khi người phối ngẫu của mình qua đời. Họ bị chỉ trích vì “cuộc hôn nhân thứ hai” này nhưng vẫn được phép rước lễ nếu họ đã hoàn tất một thời kỳ cầu nguyện và đền tội. 

Có một vài bản văn mơ hồ của thế kỷ thứ tư nói về ly dị và mối liên hệ thứ hai bị coi là ngoại tình. Các bản văn này nói tới việc cho phép một người bước vào mối liên hệ ngoại tình này được rước lễ chỉ sau một thời kỳ đền tội lâu dài (7 năm chẳng hạn). Tuy nhiên, không có gì chắc chắn là các bản văn này cho phép mối liên hệ thứ hai, mà chúng vốn coi là ngoại tình, được tiếp tục. Lối hiểu tự nhiên là việc từ bỏ tội ngoại tình là một phần của việc đền tội cần thiết để được rước lễ. 

Tóm lại, các giáo phụ và các công đồng sơ khai mạnh mẽ chống lại việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ. 

3. Thực hành của Chính Thống Giáo Đông Phương

Thời Giáo Hội sơ khai có việc tranh luận xem liệu có được tái hôn sau khi người phối ngẫu qua đời hay không, còn ly dị và tái hôn thì bị cấm. Một số giáo phụ Đông Phương, như Thánh Grêgôriô thành Nazianô chống lại luật lệ lòng lẻo của đế quốc cho phép tái hôn. Ngài gọi các cuộc kết hợp tiếp theo là “dung túng” (indulgence), rồi “phạm qui” và thậm chí “như heo” nữa. Đấy không phải là cho phép ly dị và tái hôn, trái lại là các cố gắng loại bỏ các cuộc kết hợp sau đó, dù là sau khi một người phối ngẫu đã qua đời. 

Với thời gian và dưới áp lực của các hoàng đế Byzantine, những người muốn tỏ uy quyền đối với Giáo Hội Đông Phương, các Kitô hữu Đông Phương mới đúc kết “các cuộc hôn nhân thứ hai” sau khi người phối ngẫu qua đời thành một với ly dị và tái hôn, và đọc lại các bản văn giáo phụ dưới ánh sáng này. Qua thế kỷ thứ mười, Hoàng Đế Byzantine là Lêô VI đã buộc được người Chính Thống Đông Phương chấp nhận ly dị và tái hôn. Bằng thực hành “khoan dung” (oikonomia), phương thức hiện nay của họ cho phép cuộc hôn nhân thứ hai và thứ ba sau khi ly dị, dù nghi thức hôn phối được cử hành bên ngoài Thánh Lễ. Vì những cuộc kết hợp này không bị coi là ngoại tình, nên người ly dị và tái hôn được phép rước lễ. 

Thực hành trên đi ra ngoài truyền thống hết sức rõ ràng của Giáo Hội vốn chung cho cả Đông lẫn Tây Phương. Như Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tuyên bố năm 1994: “Cho dù các giải pháp mục vụ tương tự đã được một số giáo phụ đề xuất và phần nào được đem ra thi hành, nhưng chưa bao giờ đạt được sự đồng thuận của các giáo phụ và chưa bao giờ tiến tới chỗ tạo thành tín lý chung cho Giáo Hội cũng như xác định ra kỷ luật của Giáo Hội”. Nhận định này phản ảnh bút tích lịch sử. 

Hơn nữa, Giáo Hội Công Giáo nhiều lần xác định rằng mình không thể chấp nhận thực hành của Chính Thống Giáo Đông Phương. Công Đồng Lyon thứ hai, năm 1274, chuyên biệt bàn tới thực hành của Chính Thống Giáo Đông Phương, đã tuyên bố rằng “người đàn ông không được phép có nhiều vợ cùng một lúc và người đàn bà cũng không được phép có nhiều chồng. Nhưng, khi một cuộc hôn nhân hợp pháp bị tiêu hủy bởi việc qua đời của một trong các người phối ngẫu, thì [Giáo Hội Rôma] tuyên bố rằng cuộc hôn nhân thứ hai và sau đó, cuộc hôn nhân thứ ba sẽ lần lượt là hợp pháp”.

Hơn nữa, các đề nghị hiện nay biện hộ cho một điều mà ngay Chính Thống Đông Phương cũng không chấp nhận: cho phép những người kết hợp theo luật dân sự mà không được chúc lành rước lễ, vì điều này được coi là ngoại tình. Chính Thống Giáo Đông Phương chỉ cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ nếu việc kết hợp sau đó của họ được chúc lành trong một nghi thức Chính Thống Giáo Đông Phương. Nói cách khác, cho người ly dị và tái hôn rước lễ không thể tránh khỏi việc buộc Giáo Hội Công Giáo phải thừa nhận và chúc lành cho các cuộc hôn nhân thứ hai sau khi ly dị, một điều rõ ràng đi ngược lại tín điều đã cố định của Công Giáo và giáo huấn minh nhiên của Chúa Kitô. 

4. Các câu hỏi này đã được giải đáp trong các tranh cãi thời Cải Cách

Phong Trào Cải Cách đã trực tiếp thách thức giáo huấn Giáo Hội liên quan tới hôn nhân và tính dục con người, bằng cách sử dụng các luận điểm khá tương tự với các luận điểm hiện nay. Việc độc thân của giáo sĩ bị coi là quá khó khăn, vượt quá điều bản chất sa ngã của con người có thể chịu đựng được, dù là với ơn thánh. Bản chất bí tích của hôn nhân Công Giáo đã bị bác bỏ, cũng như tính bất khả tiêu của nó. Ly dị dân sự được dẫn khởi vào Đức với lý luận cho rằng không thể chờ mong nhà nước dành đặc quyền, cổ vũ và bảo vệ các cuộc hôn nhân suốt đời. Quả thực, Phong Trào Cải Cách đã triệt để định nghĩa lại hôn nhân.

Công Đồng Trent đã giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng bốn cách. Trước nhất, Công Đồng định tín giáo huấn truyền thống về tính bí tích và tính bất khả tiêu của hôn nhân Kitô Giáo, minh nhiên đồng hóa tái hôn với ngoại tình. Thứ hai, Công Đồng buộc hôn nhân phải có hình thức công cộng và Giáo Hội, chấm dứt sự lạm dụng của các cuộc hôn nhân riêng tư và bí mật: vì trong các trường hợp này, người ta thường dựa vào quyết định tư riêng và có tính chủ quan để bãi bỏ cuộc hôn nhân lén lút rồi sau đó kết hôn công khai; Công Đồng kết án phương thức chủ quan và tư riêng này. Thứ ba, Công Đồng Trent ấn định thành tín điều quyền tài phán của Giáo Hội đối với các vụ án hôn nhân; vì sự toàn vẹn của các bí tích, CĐ đòi chúng phải được phán định bằng các tiêu chuẩn khách quan tại các tòa án Giáo Hội. Thứ bốn, CĐ minh nhiên dạy rằng người ngoại tình mất ơn công chính hóa: “các người ngoại tình” và “mọi người khác phạm tội trọng”, “dù không mất đức tin” song mất “ơn công chính hóa” và “bị loại ra ngoài Nước Thiên Chúa” trừ phi biết ăn năn, từ bỏ và căm ghét tội lỗi mình, và đi xưng tội theo bí tích. Ở một chỗ khác, CĐ Trent dạy rằng họ không được rước lễ nếu không chịu xưng tội. 

Đơn thuần, ta không thể cho phép những người cứ tiếp tục sống trong sự ngoại tình được rước lễ đồng thời cho rằng mình phù hợp với các tín điều này của Công Đồng. Các định nghĩa của CĐ Trent về ngoại tình, công chính hóa hay ý nghĩa và tầm quan trọng của Phép Thánh Thể có thể thay đổi. Nhưng nhất định Giáo Hội không thể coi hôn nhân là việc riêng tư, hay là việc hoàn toàn thuộc thẩm quyền nhà nước hoặc là một điều được các phán đoán cá nhân của lương tâm quyết định. Sau một cuộc tranh cãi lâu dài, các vấn đề này đã được quyết định cách long trọng bởi một công đồng chung. Các tuyên bố này đã được huấn quyền đương thời lặp đi lặp lại, trong đó có CĐ Vatican II và Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. 

5. Tiền lệ trong Hiệp Thông Anh Giáo hiện đại – một đường dốc trơn trượt? 

Trong một thế kỷ qua, Hiệp Thông Anh Giáo phần lớn đã đi theo tập quán thích ứng mục vụ vào phong thái xã hội và tính dục đang đổi thay của Âu Châu và Bắc Mỹ. Họ đã giải phóng việc ly dị, cho phép ngừa thai, cho phép người sinh hoạt đồng tính luyến ái được rước lễ và thậm chí, ở một số nơi, còn được đảm nhiệm thừa tác vụ thụ phong nữa, và đã bắt đầu chúc phúc cho các cuộc kết hợp đồng tính. Một số thay đổi này khởi đầu được biện minh viện cớ là chỉ áp dụng vào những trường hợp hiếm hoi, nhưng nay đã trở hành hết sức phổ thông. 

Việc trên đã gây ra nhiều chia rẽ cay đắng, thậm chí phân rẽ, nếu không muốn nói là ly giáo thẳng thừng, trong Hiệp Thông Anh Giáo. Cùng giai đoạn này, con số tín hữu của họ ở Anh và Bắc Mỹ đã sa sút đáng kể. Dù người ta đang tranh luận về nguyên nhân gây ra sự sa sút này, nhưng không ai có thể có lý khi cho rằng sự thích nghi kia đã giúp Hiệp Thông này và nhiều hệ phái Thệ Phản khác duy trì được con số tín hữu của họ. 

Huấn Quyền Công Giáo không đi theo con đường trên. Ngay năm 1930, Đức GH Piô XI đã thấy trước mối đe dọa trầm trọng do ngừa thai, ly dị và phá thai đem lại; và quan điểm của ngài đã được các Đức GH Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI và CĐ Vatican II nhắc lại. Đức Gioan Phaolô II tái khẳng định các giáo huấn của Giáo Hội về ly dị, ngừa thai, đồng tính luyến ái và phá thai, nhấn mạnh tới mục đích sinh sản của hôn nhân, và đưa ra cơ sở thần học cho giáo huấn của Giáo Hội trong các bài giáo lý của ngài về thần học thân xác. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo cũng nhắc lại các giáo huấn trường cửu này, coi tính dục con người dưới ánh sáng đức khiết tịnh. Và năm 2003, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố rằng không có cách chi chấp thuận việc thừa nhận các cuộc kết hợp đồng tính là hợp pháp được; đây là một phần của luật luân lý mà lý trí, nhờ luật tự nhiên, có thể nắm được.

Do đó, trong thế giới đương thời, Giáo Hội luôn nhất quán làm chứng cho sự thật toàn diện về tính dục con người và tính bổ túc của các giới tính. Thiện ích của tính dục con người, từ trong nội tại, vốn có liên hệ với tiềm năng sinh ra sự sống mới, và vị trí thích đáng của nó là ở trong cuộc sống chung, trung thành và yêu thương hỗ tương giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Đây là những sự thật cứu rỗi mà thế giới cần phải lắng nghe; càng ngày, Giáo Hội Công Giáo càng là tiếng nói đơn độc trong việc công bố chúng. 

Dù các đề nghị này chỉ liên quan tới người ly dị và tái hôn, nhưng chấp nhận chúng, chỉ như các thực hành mục vụ mà thôi, cũng đòi Giáo Hội phải chấp nhận trên nguyên tắc rằng hoạt động tính dục bên ngoài cuộc hôn nhân vĩnh viễn và trung thành là tương ứng với việc hiệp thông với Chúa Kitô và với cuộc sống Kitô Giáo. Chấp nhận như thế, thật khó mà thấy làm thế nào Giáo Hội cưỡng lại được việc cho phép những cặp sống chung không hôn phối hay những người kết hợp đồng tính v.v… Thực vậy, luận lý học của chủ trương này đòi Giáo Hội cũng phải chúc phúc cho các liên hệ vừa kể, như Hiệp Thông Anh Giáo hiện đang làm, thậm chí chấp nhận trọn bộ cuộc “giải phóng” tính dục hiện nay. Việc cho người ly dị và tái hôn rước lễ chỉ là một khởi đầu. 

6. Rước lễ thiêng liêng hay rước lễ bí tích đối với người ly dị và tái hôn? 

Luận điểm để người ly dị và tái hôn khi vẫn còn cuộc hôn nhân đầu thành sự và hoàn hợp được đưa ra với các điểm sau đây: (1) Đức GH Bênêđíctô XVI đề nghị những người này nên rước lễ thiêng liêng; (2) nhưng nếu đã được rước lễ thiêng liêng thì cũng được rước lễ theo bí tích; (3) cho nên, người ly dị và tái hôn nên được phép rước lễ. 

Vấn đề ở đây là việc dùng hạn từ “rước lễ thiêng liêng” cách mơ hồ. Tùy theo ngữ cảnh, việc này có thể chỉ (a) hoa trái hay hiệu quả tối hậu của việc rước lễ theo bí tích, tức việc được hiệp thông hoàn toàn về thiêng liêng với Chúa Kitô trong đức tin và đức ái; (b) cũng chỉ việc hiệp thông thiêng liêng này nhưng không rước lễ theo bí tích (thí dụ người rước lễ hàng ngày nhưng hôm đó lỡ, không tham dự Thánh Lễ hàng ngày được, nên đành nhờ hành vi đức tin sống động, lặp lại việc hiệp thông hoàn toàn với Chúa Kitô đã được lãnh nhận theo bí tích trước đây); hay (c) ước muốn được rước lễ của một người biết mình có tội trọng hay đang sống trong một tình thế mâu thuẫn với luật luân lý một cách khách quan, nên chưa được hiệp thông hoàn toàn với Người trong đức tin và đức mến. 

Nghĩa thứ ba rất khác với hai nghĩa kia, vì người ước muốn được rước lễ chưa từ bỏ trở ngại trầm trọng cho việc hiệp thông hoàn toàn với Chúa Kitô. Trong hai nghĩa đầu, “rước lễ thiêng liêng” nói tới việc chu toàn sự hiệp thông hoàn toàn này. Thật rất tốt khi người này phát huy ước muốn như vậy và qua nó, với sự giúp đỡ của ơn thánh, cuối cùng họ có thể hồi tâm hối tội và phục hồi được sự viên mãn của hiệp thông Giáo Hội và tình trạng ơn thánh. Nhưng, và điều này rất chủ yếu, ước muốn này chỉ có giá trị bao lâu nó giúo họ từ bỏ chướng ngại vật. 

Nếu họ được phép rước lễ trong khi chưa từ bỏ trở ngại, thì tình huống sẽ trở nên trầm trọng hơn. Họ sẽ rước lễ trong khi không thể tiếp nhận Chúa Kitô trong đức tin và đức ái, vì vẫn còn tiếp tục dính bén với tội trọng hay với tình huống sống vô trật tự một cách khách quan. Họ có thể rơi vào tình thế coi hoàn cảnh của mình không có vấn đề. Rõ ràng, Đức GH Bênêđíctô XVI khuyến khích người ly dị và tái hôn ước muốn rước lễ để họ tuân phục giáo huấn của Chúa Giêsu về hôn nhân, chứ không phải để họ miễn chước việc tuân phục giáo huấn này. 

Hơn nữa, lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, bí tích của bác ái chứa đựng chính Chúa Kitô, trong khi biết mình có tội trọng, tự nó đã là một tội trọng rồi (1 Cor 11:27-31). Người ly dị và tái hôn trong khi vẫn bị bó buộc bởi cuộc hôn nhân thành sự đầu tiên là đang sống trong một mâu thuẫn khách quan ngược với lệnh truyền của Chúa Kitô; các hành vi vợ chồng trong mối liên hệ thứ hai này là các hành vi ngoại tình, là tội trọng. Những người như thế không thể rước lễ.

Tuy nhiên,ta nên khuyến khích họ ước muốn được kết hợp với Chúa Kitô và xin được ơn biết sống cuộc sống phù hợp với Người. Tham dự Thánh Lễ sẽ giúp họ lên đường xa lánh tội lỗi và hướng về cuộc sống mới trongThiên Chúa và trong Giáo Hội. Rước lễ bí tích quá hấp tấp chỉ tổ ngăn cản họ khỏi tiến tới chỗ hoàn toàn và đích thực hiệp thông với Chúa Kitô.

7. Không thể có tha thứ nếu không ăn năn và cương quyết cải sửa

Luận điểm đưa ra là: người ly dị và tái hôn khi vẫn bị trói buộc bởi cuộc hôn nhân thành sự đầu tiên, sẽ được phép xưng tội rồi rước lễ, nếu “họ thực sự hối hận vì đã thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên”, nếu cuộc hôn nhân đầu tiên không thể phục hồi hay không thể bỏ mối liên hệ thứ hai “mà không bị mặc cảm tội lỗi mới” và “nếu họ cố gắng hết sức sống thực cuộc hôn nhân thứ hai trên căn bản đức tin và dưỡng dục con cái trong đức tin”. Không thấy nhắc gì tới việc sống như anh trai em gái; dù có dùng các chữ như “ăn năn” và “hồi tâm”, hình như luận điểm này mặc nhiên cho rằng đời sống vợ chồng vẫn tiếp diễn trong mối liên hệ thứ hai. 

Theo lời dạy của Chúa Kitô, “ai ly dị vợ mình và cưới người khác, là phạm tội ngoại tình” (Mc 10:11). Nếu cuộc hôn nhân thứ nhất thành sự, thì người nào biết và tự do làm các hành vi vợ chồng với một người khác (dù là sau khi đã cưới người này theo dân sự, và dù đã xét tới các trường hợp giảm khinh vừa kể) đều phạm tội ngoại tình. Một cách khách quan, thì là chất liệu nặng nề, sẽ dẫn tới tội trọng. 

Khẳng định rằng một người như thế có thể được tha thứ nhờ phép giải tội mà không cần phải ăn năn và xưng thú tội của mình là điều đơn thuần và dứt khoát không tương hợp với tín lý Công Giáo. Thực vậy, Giáo Hội vốn đã long trọng tuyên bố điều này thành tín điều và là một vấn đề thuộc thiên luật. Như Khoản Luật 7 của Công Đồng Trent về bí tích giải tội đã nói: bất cứ ai nói rằng theo thiên luật không cần phải xưng mỗi và mọi tội trọng mà họ nhớ được sau khi đã cẩn thận xét mình… họ hãy bị tuyệt thông”. 

Sách Thánh dạy rằng ăn năn là điều cần thiết để được tha tội và hiệp thông với Chúa Kitô: “nếu nói rằng mình hiệp thông với Người trong khi vẫn đi trong bóng tối, ta là kẻ nói dối và không sống theo sự thật” (1 Ga 1:6)”. Như Thánh Gioan Phaolô II từng viết: “Không hồi tâm đích thực, tức hàm nghĩa sám hối từ bên trong, và không chân thành và cương quyết cải sửa, các tội vẫn tiếp tục ‘chưa được tha’ theo lời của Chúa Giêsu, và với Người, là Truyền Thống Cựu và Tân Ước”. Theo CĐ Trent, người ta phải “ghét tội đã phạm” và “cương quyết không phạm tội nữa” mới được tha thứ. 

Bất kể liên quan tới bí tích nào (giải tội hay Thánh Thể), tín lý Công Giáo cũng loại bỏ khả thể tha tội nếu không sám hối mọi tội trọng và nhất tâm cải sửa. Đề nghị khả thể này cho người ly dị và tái hôn là dẫn họ ra xa chân lý, với những hậu quả hết sức nặng nề đối với họ. 

8. Các hậu quả của việc rước lễ khi mang tội trọng

Thánh Thể là thánh thiện, nên đòi sự thánh thiện. Ta tôn kính và thờ lạy Bí Tích này vì nó chứa chính Chúa Kitô. Thánh Phaolô cảnh cáo chống việc lãnh nhận nó cách bất xứng rằng: “bất cứ ai ăn và uống cách bất xứng, không biện phân ra mình Chúa, là ăn và uống phán xét vào chính họ” (1 Cor 11:29). Giáo Hội luôn áp dụng lời này vào những người có tội trọng. Như CĐ Trent vốn dạy: “những ai mà lương tâm chất nặng tội trọng, bất kể họ nghĩ họ sám hối ra sao, nhất thiết họ phải xưng tội nếu có vị giải tội. Nếu bất cứ ai dám dạy hay giảng hoặc cố chấp chủ trương hay bênh vực điều ngược lại với điều này trong cuộc tranh cãi công cộng, thì vì chính sự kiện này họ hãy bị tuyệt thông”. 

Lý do để Thánh Phaolô đưa ra lời cảnh cáo “đáng sợ” trên rất đơn giản: Dấu chỉ và ý nghĩa của việc rước lễ là người ta được kết hợp với Chúa Kitô. 

Ai thiếu đức tin, một đức tin được đức ái siêu nhiên linh động hóa, thì không, và không thể kết hợp với Chúa Kitô.Theo định nghĩa, người sống trong tội trọng không có đức ái này. Nếu cứ rước lễ, hành vi của họ sẽ mâu thuẫn với điều được bí tích này biểu hiệu. Nói cho đúng hơn, đó là một sự phạm thánh.

Thuốc chữa có tính bí tích đúng nghĩa cho người có tội trọng là xưng tội, qua đó, người có tội biểu lộ sự ăn năn của mình và quyết tâm sửa cải. Trong Ecclesia de Eucharistia, Thánh Gioan Phaolô II chi tiết giải thích điều này: “Việc cử hành Thánh Thể… không thể là khởi điểm cho việc hiệp thông; nó giả thiết rằng sự hiệp thông đã có rồi, một sự hiệp thông nó nhằm cách củng cố và đem tới chỗ hoàn hảo”. Ngài trích Thánh Gioan Kim Khẩu: “Tôi cũng xin cất cao tiếng, van nài và van xin cùng nài nỉ rằng đừng ai tới gần bàn thánh này với một lương tâm vấy bẩn và đồi bại. Vì thực sự một hành vi như thế không bao giờ có thể gọi là ‘hiệp lễ’ được… mà chỉ là ‘kết án’, ‘hành hạ’ và ‘gia tăng hình phạt’ mà thôi”. Thánh Gioan Phaolô II kết luận: “cho nên tôi muốn tái quả quyết rằng trong Giáo Hội, vẫn còn hiệu lực, cả nay lẫn trong tương lai, điều luật theo đó Công Đồng Trent đã phát biểu cách cụ thể lời cảnh cáo của Thánh Phaolô khi khẳng định rằng để rước Thánh Thể cách xứng đáng, ‘người ta trước nhất phải xưng các tội của mình, khi biết mình có tội trọng”. 

9. Làm sống lại một lý thuyết luân lý đã bị bác bỏ?

Hãy xét trường hợp một cặp ly dị và tái hôn thừa nhận cuộc hôn nhân đầu là thành sự, tuy nhiên vẫn tự ý sống với nhau như chồng và vợ. Điều này tương tự như việc nhìn nhận mình ngoại tình và do đó, mắc tội trọng. Theo giáo huấn của Giáo Hội, cặp này nên được giúp đỡ để thấy ra rằng trong trạng thái thiêng liêng ấy, họ phải tự chế đừng rước Thánh Thể. Liệu có cách nào khác không? Liệu ta có thể chấp nhận rằng cuộc hôn nhân đầu tiên thành sự và mối liên hệ tính dục hiện nay của cặp này có vấn đề về luân lý, hay ít nhất không hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng, nhưng đồng thời lại cho rằng ít nhất trong một số trường hợp, điều này không đảo ngược niềm tin và tình yêu của họ đối với Thiên Chúa, họ vẫn thân hữu với Người, và do đó có thể lãnh nhận Thánh Thể cách hữu hiệu? Thậm chí có lẽ nên khuyến khích những cá nhân như thế này rước lễ, dựa vào lý thuyết cho rằng Phép Thánh Thể sẽ tăng cường mối liên hệ của họ với Thiên Chúa với những ơn thánh mới và sẽ giúp họ tăng trưởng trong tư cách môn đệ Chúa Kitô? 

Quan điểm trên lệ thuộc lối giải thích rộng rãi lý thuyết “chọn lựa căn bản” (fundamental option), là lý thuyết cho rằng người ta nên phân biệt tác phong cụ thể của một người với xu hướng nền tảng của họ hướng về hay quay mặt khỏi Thiên Chúa. Thiết nghĩ nên cảnh cáo các cặp này tránh xa phương thức sai lầm này, dựa trên hai cơ sở sau:

Thứ nhất là thẩm quyền giáo huấn của chính Giáo Hội. Tông Thư của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor, kết án phương thức “chọn lựa căn bản” này bằng cách bác bỏ rằng: người ta “nhờ chọn lựa căn bản này, có thể vẫn trung thành với Thiên Chúa bất kể một số quyết định và hành vi của họ có phù hợp với các qui luật luân lý đặc thù hay không”. “Người ta xúc phạm tới Thiên Chúa bằng mọi tội trọng tự ý phạm…; ngay cả khi họ trì chí trong đức tin, họ vẫn đánh mất ‘ơn thánh hóa’, ‘đức mến’ và ‘hạnh phúc đời đời’. Như Công Đồng Trent từng dạy: ‘ơn công chính hóa khi đã nhận được vẫn mất đi không những bởi tội bỏ đạo, qua đó chính đức tin mất đi, mà còn bởi bất cứ tội trọng nào khác’”. 

Cơ sở thứ hai nội tại ngay trong lý thuyết chọn lựa căn bản: chọn lựa căn bản có thể diễn ra khi ta đưa ra các quyết định có tính nền tảng về hướng đi của đời ta. Quyết định thường xuyên dính líu vào các liên hệ tính dục ở bên ngoài cuộc hôn nhân thành sự chắc chắn là một quyết định thuộc loại này. Nó là một việc tập thành thói quen được chọn lựa và là một lối sống. Khó có thể mô tả nó như một thứ tội thoáng qua vì yếu đuối hay đam mê. 

Dĩ nhiên, không có vấn đề gì đối với cặp tái hôn cố gắng sống như anh trai em gái nhưng đôi khi sai phạm. Họ có thể xưng thú điều này; trên nguyên tắc, họ có thể rước lễ. Vấn đề chỉ xuất hiện khi họ không có ý định từ bỏ các liên hệ tính dục. Trong trường hợp này, đâu còn vấn đề tranh đấu để sống tiết dục. Cho phép họ rước lễ sẽ không giúp được gì để họ khắc phục sự dính bén của họ với tội lỗi, mà chỉ giúp họ cố thủ trong chọn lựa mà họ đã chọn lựa rồi mà thôi. 

10. Cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ là gây gương mù gương xấu

“Gương mù là một thái độ hay một tác phong dẫn người khác tới chỗ làm điều ác. Người gây gương mù trở thành kẻ cám dỗ người lân cận” (Sách Giáo Lý Của GHCG số 2284). Gương xấu của một người thông tri sai lầm cho tri thức của người khác và làm yếu ý chí của họ, dẫn họ tới chỗ phạm tội.

Giáo Hội luôn không ngừng dạy rằng ly dị và tái hôn gây gương mù trầm trọng. Vatican II gọi ly dị là một “bệnh dịch” và kết án “hiệu quả tối tăm” của nó đối với tính” ưu tú” của “hôn nhân và gia đình” (Gaudium et Spes, số 47). Như Sách Giáo Lý Của GHCG từng giải thích: “ly dị là vô luân … vì nó đem vô trật tự vào gia đình và xã hội. Sự vô trật tự này gây thiệt hại trầm trọng cho người phối ngẫu bị bỏ rơi, cho con cái bị chấn thương vì sự phân ly của cha mẹ và thường bị cha mẹ giằng xé, và vì hiệu quả lây lan khiến nó quả là một bệnh dịch đối với xã hội” (số 2385). Tái hôn sau khi ly dị khuếch đại gương mù này. Một số người sẽ lý luận rằng việc năng xẩy ra ly dị nhiều hơn trong thời đại ta và việc chấp nhận nó cách rộng rãi đã làm giảm đi bất cứ gương mù nào, và do đó, là lý do để ta cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ. “Ngày nay, còn có ai ngỡ ngàng về nó nữa đâu?”

Cái nhìn trên đã hiểu lầm cái xấu xa của gương mù, vốn không phải là ngỡ ngàng về tâm lý mà là một cám dỗ để phạm tội. Kẻ vi phạm không cần có ý định cám dỗ người lân cận của mình; cám dỗ là hiệu quả của chính tội lỗi. Khi tội lỗi trở nên việc thông thường về phương diện xã hội, thì gương mù càng mở rộng chứ không thu nhỏ lại. Với mỗi con người mới chịu chiều theo nó, quyết tâm nơi người khác để cưỡng lại nó càng lâm nguy và áp lực của xã hội đòi họ chấp nhận nó càng gia tăng. Thực vậy, Giáo Hội dạy rằng việc chấp nhận rộng rãi tác phong tội lỗi tạo ra cả một cơ cấu xã hội cho tội lỗi, nói cách khác là định chế hóa gương mù gương xấu. Người Kitô hữu càng ngày càng thấy khó có thể sống trong một xã hội như thế mà không tỏ ra khoan dung với tác phong tội lỗi. Giáo Hội khuyên tín hữu cưỡng chống lại các cơ cấu của tội lỗi này. 

Trong Familiaris consortio, Đức Gioan Phaolô II nêu gương mù làm lý do khiến người ly dị và tái hôn không được rước lễ: “Nếu những người này được phép rước lễ, tín hữu sẽ bị dẫn vào sai lầm và mù mờ về giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới tính bất khả tiêu của hôn nhân”. Đi ra ngoài lệnh cấm truyền thống này sẽ cho tín hữu thấy, ít nhất một cách mặc nhiên, rằng ly dị và tái hôn là điều có thể chấp thuận được. Việc này cũng có thể đặt ra câu hỏi tại sao những người mắc tội trọng khác lại không thể được rước lễ. Gương mù cứ thế gia tăng. 

Xét cách khách quan, rước lễ là dấu chỉ sự hiệp thông với Chúa Kitô và do đó với Giáo Hội. Nó công khai công bố rằng người lãnh nhận đang sống phù hợp với đức tin và nền luân lý đúng đắn. Cho phép những người đang ở trong trạng thái tội lỗi công khai rước lễ sẽ khiến người khác kết luận rằng giáo huấn của Giáo Hội về tội này không có tầm quan trọng đáng kể và ta có thể dung thứ cho loại tội này. Đó mới là yếu tính của gương mù. 

Phân tích các đề nghị đối với việc thay đổi diễn trình tuyên bố vô hiệu

1. Đức tin chân chính có cần thiết để một hôn nhân thành sự hay không? 

Đôi khi có gợi ý cho rằng khi một cặp kết hôn trong Giáo Hội mà không cam kết một cách chân chính đối với đức tin của Giáo Hội hay không hiểu biết chiều kích bí tích của hôn nhân (thí dụ, một cặp ít được dạy giáo lý, chỉ Công Giáo cho có tên nhưng thiếu dấn thân đối với đức tin), là có một điều gì đó thiếu sót ngay trong bí tích, bất chấp sự ưng thuận có giá trị của họ theo hình thức Công Giáo. Luận điểm này không tương hợp với tín lý và thực hành mục vụ Công Giáo, vì ba lý do:

Thứ nhất, Giáo Hội dạy rằng sợi dây bí tích, bất khả tiêu của hôn nhân có thể được kết ước giữa một người Công Giáo và một người đã rửa tội nhưng không phải là Công Giáo (thí dụ Chính Thống hay Thệ Phản). Trong những trường hợp này, người không Công Giáo đâu có tuyên xưng đức tin Công Giáo trong tính toàn vẹn của nó. Cũng thế, khi một cặp Thệ Phản trở lại Công Giáo, Giáo Hội coi cuộc hôn nhân của họ có tính bí tích và bất khả tiêu, cho dù, lúc họ kết hôn, họ không tin hôn nhân là bí tích và chỉ có ý giữ các mục đích tự nhiên của hôn nhân mà thôi. Ấy thế mà luận điểm trên lại cho rằng tuyên xưng đức tin tinh tuyền Công Giáo là điều cần thiết để cuộc hôn nhân thành sự về bí tích. 

Chủ trương như thế thực tế là biến mọi cuộc hôn nhân hỗn hợp và mọi cuộc hôn nhân không Công Giáo thành không phải là bí tích.

Thứ hai, lý luận như thế là phá đổ trụ cột chính của nhiệm cục bí tích: các bí tích thành sự không tùy thuộc việc thừa tác viên phải ở trong trạng thái ơn thánh (một điều xét cho cùng không ai biết được) nhưng tùy thuộc mô thức và chất thể đúng mà thôi. Hai người phối ngẫu chính là hai thừa tác viên của bí tích hôn phối. Nếu họ thiếu đức tin do đức ái đào luyện, nghĩa là nếu họ không ở trong trạng thái ơn thánh, thì rất có thể họ không được hưởng lợi gì từ hiệu quả ơn thánh của bí tích, nhưng chính bí tích thì vẫn thành sự, miễn là họ trao đổi lời ưng thuận có giá trị và có ý định làm điều Giáo Hội làm, như lời dạy rõ ràng của Đức Bênêđíctô XVI (Diễn Văn trước Tòa Thượng Thẩm Rôma, 26 tháng 1, 2013). Thực ra, vấn đề này đã được giải quyết trong cuộc tranh cãi ở thế kỷ thứ 4 với phái Đônatô là phái chủ trương giống như trên rằng các thừa tác viên đang không ở trong trạng thái ơn thánh thì không thể ban bí tích một cách thành sự được. 

Thứ ba, lý luận như thế là thay đổi giáo huấn minh nhiên của Giáo Hội, một giáo huấn vốn dạy rằng một cuộc hôn nhân thành sự chỉ đòi người ta có ý định giữ các thiện ích tự nhiên của hôn nhân. Như Đức Gioan Phaolô II từng giải thích, “Giáo Hội không từ chối cử hành hôn nhân cho một người có ý hướng tốt, dù họ không được chuẩn bị hoàn hảo theo quan điểm siêu nhiên, miễn là người này có ý ngay lành muốn kết hôn theo thực tại tự nhiên của hôn nhân. Thực vậy, song hành với hôn nhân tự nhiên, người ta không thể mô tả một kiểu mẫu khác cho hôn nhân Kitô Giáo với những tiên quyết siêu nhiên chuyên biệt” (Diễn Văn trước Tòa Thượng Thẩm Rôma, 30-1-2003). Đức Bênêđíctô XVI, trong diễn văn trước Tòa Thượng Thẩm Rôma năm 2013, cũng đã trực tiếp trả lời cho lý luận cho rằng đức tin thiếu sót làm cho cuộc hôn nhân bất thành sự; ngài đã tái khẳng định giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II rằng có ý định tuân giữ các mục đích tự nhiên của hôn nhân là đủ rồi. 

2. Tuyên bố vô hiệu không thể ban bố nếu thiếu chuyên môn và thủ tục giáo luật

Diễn trình tuyên bố tính vô hiệu của hôn nhân không hẳn chỉ là một thủ túc khác: trong yếu tính, nó có liên hệ với giáo huấn vĩnh viễn của Giáo Hội đã được điều 1141 của bộ giáo luật phát biểu: “Hôn phối thành sự và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào, ngoài sự chết”. Cơ bản của điều luật này là hai bài nói chuyện với Tòa Thượng Thẩm của Đức Piô XII và trên hết là hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 48. Hơn nữa, hôn nhân vốn được sự che chở của pháp luật (favor of law): tính thành sự của một cuộc hôn nhân phải được nhìn nhận bao lâu chưa chứng minh ngược lại (Điều 1060). Thủ tục tuyên bố vô hiệu một cuộc hôn nhân nhằm tuyên bố một sự kiện pháp lý (xem Điều 1400 §1) và tìm kiếm sự thật. Chánh án phải có sự chắc chắn tinh thần về tính vô hiệu của cuộc hôn nhân để có thể kết án (Điều 1608 §1). Các qui định của Bộ Giáo Luật và của huấn thị Dignitas connubii (năm 2005, của Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Văn Bản Lập Pháp) bảo đảm việc tìm kiếm sự thật này và bảo vệ chống lại thứ nhân hậu giả tạo mà cả hai Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Bênêđíctô XVI đều cảnh cáo chống lại trong các bài nói chuyện của các ngài năm 1990 và năm 2010. 

Bảo đảm tốt nhất để các vụ về hôn nhân được xử lý một cách vừa công bằng vừa hữu hiệu là phải trung thành tuân theo các qui luật về thủ tục và có tính trọng yếu của giáo luật, và phải củng cố chúng bằng một hiểu biết thần học thích đáng. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc việc phải đào luyện các thừa tác viên của tòa án một cách thích đáng về thần học và giáo luật; họ phải biết sentire cum Ecclesia (cùng cảm nhận với Giáo Hội).

Thiếu các đòi hỏi căn bản trên thường là nguồn gốc gây ra các vấn đề cho diễn trình tuyên bố vô hiệu. Thí dụ, Tòa Thượng Thẩm Rôma đôi khi bị chỉ trích là phải mất nhiều năm mới giải quyết được các vụ án, nhưng vấn đề thường bắt nguồn trước hết tại tòa dưới trong đó các vụ xử đã không được chỉ thị thích đáng và các thủ tục không được tuân theo. Thật cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả, khi phải sửa ở tòa cao điều đã không được thực hiện ở tòa dưới. Bởi thế, đào luyện căn bản và tiếp tục đào luyện là điều chủ yếu đối với một diễn trình diễn tiến có kết quả. Đây là lý do tại sao các thừa tác viên tòa án phải là các luật sư có bằng cấp giáo luật (các điều 1420 §4, 1421 §3, và điều 1435). Hơn nữa, các thừa tác viên tòa án cần có đủ thì giờ để toàn tâm toàn trí vào các vụ án đã chỉ định cho mình chứ không nên ôm đồm nhiều nhiệm vụ khác làm họ mất thì giờ. 

Nếu các vụ án được chỉ thị một cách thích đáng, thì việc đòi phải có một phán quyết kép không phải là một trở ngại mà là một bảo đảm cho công lý. Thủ tục thực ra khá đơn giản, và việc bắt buộc phải duyệt lại phán quyết thứ nhất thực tế là một khuyến khích để tòa dưới tuân theo luật lệ một cách cẩn thận. Bãi bỏ việc duyệt xét lần thứ hai này chắc chắn sẽ khiến cho quyết định của toà dưới mất phẩm chất. 

Phương thức mục vụ thường bị nhìn như là đối nghịch với phương thức giáo luật. Thực ra, đây là một nhị phân giả tạo. Đức Bênêđíctô XVI vốn khuyên các chủng sinh nên “hiểu và, cha dám nói, nên yêu giáo luật, biết đánh giá nó cần thiết xiết bao và trân quí các áp dụng thực tế của nó: một xã hội mà không có luật sẽ là một xã hội không có quyền. Luật là điều kiện của yêu thương” (“Thư gửi Các Chủng Sinh” , ngà y 18 tháng Mười, 2010: AAS 102 [2010] 796). Phương thức giáo luật, trong yếu tính, vốn có tính mục vụ, vì nó đặt để các điều kiện cần thiết cho những tấm lòng chao đảo dễ thay đổi. Nơi nào không có tâm thức này, giáo luật chắc chắn bị hiểu lầm. Bất hạnh thay, điều thường gọi là phương thức mục vụ hay dẫn người ta tới các quyết định võ đoán và do đó bất công. Đó là nguy cơ tức thời nếu người ta tính tới việc bãi bỏ các thủ tục do luật dự liệu. 

3. Trong các vụ án hôn nhân, không thể dựa vào các phán đoán chủ quan

Liệu một phương thức có tính mục vụ nhiều hơn đối với các vụ vô hiệu có thể thay thế được diễn trình pháp lý hay không? Đôi khi người ta cho rằng diễn trình giáo luật hiện hành có tính vô ngã (impersonal), bàn giấy, và vô cảm đối với chiều kích bản thân độc đáo của những hoàn cảnh đặc thù. Hơn nữa, một số người ly dị và tái hôn còn chủ quan xác tín trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân trước của họ không thành sự. Các mục tử của họ có thể đồng ý với họ. Trong các trường hợp như thế, tại sao không trao việc quyết định tính vô hiệu cho sự biện phân có tính bản thân bao gồm cá nhân và vị mục tử của họ, hay cho một linh mục được chỉ định làm đại diện giám mục đặc biệt phụ trách các vấn đề này?

Nhưng đã có cả một lịch sử dài phía đàng sau các câu hỏi trên. Thời Cải Cách, một số nhà Thệ Phản từng đề nghị rằng trong một số trường hợp, người ta có thể ly dị nếu được tòa đời cho phép, bất chấp các tòa án của Giáo Hội. Công Đồng Trent lên án quan điểm này: “Nếu bất cứ ai nói rằng các vụ án hôn nhân không thuộc quyền các chánh án Giáo Hội, thì họ hãy bị tuyệt thông”. Đức GH Piô VI sau đó minh giải rằng những vụ đó chỉ thuộc quyền các tòa án Giáo Hội mà thôi, vì lâm nguy tới việc thành sự của bí tích.

Huấn quyền gần đây đã dứt khoát loại bỏ các phán quyết chủ quan trong các vụ tuyên bố vô hiệu (thí dụ, giải pháp tòa trong). Nhưng tại sao các quyết định liên quan tới quyền tự do kết hôn của người ta lại không thể được quyết định trong một diễn trình tư riêng? Thứ nhất, ngay trên bình diện tự nhiên, hôn nhân cũng đã là một hành vi vĩnh viễn và công khai rồi, giữa một người đàn ông và một người đàn bà để thiết lập ra một gia đình, nền tảng của xã hội. Do đó, không hề có những phán quyết “hoàn toàn tư riêng” hay “hoàn toàn bên trong” cho các vụ hôn nhân. Thứ hai, hôn nhân giữa hai người đã chịu phép rửa là một bí tích. Việc lãnh nhận bí tích luôn là một hành vi có tính Giáo Hội, không bao giờ hoàn toàn tư riêng cả. Do đó, việc thích đáng là Giáo Hội phán quyết tính thành sự của các bí tích theo các tiêu chuẩn khách quan. 

Đàng khác, theo một diễn trình cá nhân hóa sẽ dễ dàng tạo ra bất công. Hãy xét trường hợp người chồng bị cám dỗ ngoại tình. Anh ta có thể đưa ra một phán đoán tư riêng dựa trên một lương tâm sai lạc cho rằng cuộc hân nhân của anh ta không thành sự và do đó, anh ta được tự do ra đi và thậm chí còn cưới người đàn bà thứ hai. Mục tử của anh ta dám không biết hết sự thật nếu không điều tra kỹ, nhưng muốn điều tra kỹ thì cần một diễn trình nào đó. Diễn trình này chính là nhiệm vụ của các tòa án hôn nhân; tòa này có khả năng hơn nhiều để tiến hành cuộc điều tra với những bảo đảm an toàn cho mọi người liên hệ. Hơn nữa, người vợ và gia đình người đàn ông có những quyền lợi mà Giáo Hội, vì đức công bằng, buộc phải tôn trọng. Dù đặt qua một bên các hệ luận đối với tính toàn vẹn của bí tích, việc cho phép một phán quyết lầm lẫn được ban hành căn cứ vào phán đoán tư riêng chắc chắn gây tai hại cho vợ con anh ta và cho cả toàn bộ cộng đồng. 

Cuối cùng, hỗn độn sẽ xẩy ra. Nếu một linh mục bác bỏ một “giải pháp” nhưng vị khác lại chấp nhận nó hay nếu một cặp không ai biết đã kết hôn nhưng hành động như đã kết hôn, thì sinh hoạt của Giáo Hội chắc chắn sẽ bị hoen ố bởi mù mờ và gương mù gương xấu. 

Các yếu tố của một đề nghị tích cực đối với THĐ sắp tới

Các giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới hôn nhân, tính dục và đức khiết tịnh phát xuất từ Chúa Kitô và các Tông Đồ; chúng có tính vĩnh viễn. Không thể thay đổi chúng, trái lại, cần được nói rõ như mới. Vì cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình trong thời đại ta, nhiệm vụ này lại càng đặc biệt cấp thiết. Để đạt mục tiêu này, các điểm sau đây xem ra có nhiều hứa hẹn đối với chúng ta. 

Thứ nhất, đổi mới và thâm hậu hóa cái hiểu và việc thực hành đức khiết tịnh phải là một bước tích cực quan yếu hướng tới việc tái xây dựng cuộc sống gia đình. Hiện đang có cuộc khủng hoảng đích thực về đức khiết tịnh trong thế giới hiện thời, và nó đóng vai trò không nhỏ trong cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình. Nền văn hóa thế tục hiện nay hiểu lầm ý nghĩa của nhân đức này khiến người ta hoài nghi, thấy không thể sống được với nó. Thực vậy, điều này đã xẩy ra nơi một số cặp vợ chồng cưới nhau trong Giáo Hội, thậm chí còn cả ở nơi một số giáo sĩ nữa, như những tai tiếng gần đây cho thấy. Thành thử sẽ là một đóng góp lớn lao nếu ta biết bênh vực, giải thích và cố gắng giáo huấn việc thực hành và tính tự do của cuộc sống khiết tịnh, thậm chí đưa ra được một nền nhân học về đức khiết tịnh. Cũng sẽ là một công trình có giá trị lớn lao nếu ta chịu tìm hiểu nạn dịch lây lan của văn hóa khiêu dâm, các nguy hiểm nó đặt ra cho gia đình, và đưa ra các khuyến cáo thực tiễn có tính mục vụ cho những ai bị nạn dịch này hoành hành. 

Thứ hai, điều đáng giá cần làm là giải thích lại cho rõ tình yêu và lòng nhân hậu có tính biến đổi của Thiên Chúa. Tình yêu này không dừng lại ở việc tha thứ lỗi lầm quá khứ mà còn biến đổi con người từ bên trong, để họ sống thoát khỏi tội lỗi và thói hư. Dạy rằng ơn thánh Chúa không chỉ tha thứ mà còn chữa lành và nâng cao người lãnh nhận vốn là đặc điểm cổ điển của giáo huấn Công Giáo. Giải thích cho biết việc này diễn tiến ra sao trong từng bí tích, nhất là các bí tích hôn phối, thống hối và Thánh Thể, tái sinh khí hóa nền giáo lý về điểm này, và khuyến khích người ta thực hành thường xuyên và xứng đáng việc lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích thống hối, một bí tích mà nếu không có nó, ta khó có thể nhổ rễ các thói hư và vun trồng các nhân đức, cũng là bước tiến đáng kể nữa. 

Tin mừng về ơn thánh và lòng nhân hậu là một chiều kích của sự thật trọn vẹn về hôn nhân. Khi Tin Mừng được công bố bằng tình yêu và hy vọng, thì sự thật của nó có sức đem người nghe tới gặp chính Chúa Giêsu, và nhờ thế được ơn thánh của Người biến đổi. Sự thật được Chúa Kitô giảng dạy, trong đó, có sự thật về tính dục con người, giải phóng người có tội và đem lại cho họ một đường thoát, một đường hy vọng nhờ ơn thánh. 

Thứ ba, vì lòng tôn trọng đối với người ly dị và tái hôn, các THĐ nên tìm cách làm thế nào để thiết lập ra các cơ cấu mục vụ nhằm thi hành giáo huấn của Familiaris consortio một cách cụ thể. Người ly dị và tái hôn nên được khuyến khích lắng nghe Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ, kiên tâm cầu nguyện, đóng góp vào các công việc bác ái và vào các cố gắng công bình xã hội của cộng đồng, dưỡng dục con cái trong đức tin Kitô Giáo, vun đắp tinh thần và thực hành thống hối và nhờ thế ngày đêm khẩn cầu ơn thánh Chúa. Giáo Hội nên cầu nguyện cho họ, khuyến khích họ và chứng tỏ mình là người mẹ nhân hậu, và nhờ thế nâng đỡ họ trong đức tin và đức cậy (Familiaris consortio, số 84). 

Ta có thể làm gì trên bình diện giáo phận và giáo xứ giúp cho việc quan tâm mục vụ sâu sắc hơn đối với những người đang sống trong trạng huống này được dễ dàng? Cho phép rước lễ, theo một nghĩa nào đó, vừa thái quá vừa bất cập. Vì ta cần thừa nhận đặc tính của trạng huống này không những với lòng cảm thương và nhân hậu, mà còn với sự thật, với cầu nguyện và kiên nhẫn nữa. 

Thứ tư, tại nhiều nơi, việc chuẩn bị hôn nhân cần được củng cố hơn nữa. Vì quả thực, bồi đắp các cuộc hôn nhân lành mạnh cũng còn tùy việc chuẩn bị tốt để lãnh nhận các bí tích thống hối, rước lễ và thêm sức. Đổi mới và gia tăng việc chuẩn bị lãnh nhận các bí tích này là một trợ giúp lớn lao. 

Thứ năm, các tòa án hôn phối cấp dưới cần được tăng cường. Việc phục vụ của các tòa này có tính hết sức chủ yếu đến độ không thể chuyển giao cho các cơ quan khác mà không tạo ra các nan đề còn lớn lao hơn nữa. Các thừa tác viên của các tòa này cần được đào tạo thỏa đáng về giáo luật và thần học, và nên theo một chương trình tu nghiệp thường xuyên, giống các luật sư ở tòa dân sự. Cũng cần cung cấp nhân viên đầy đủ cho các tòa này và hỗ trợ chúng sao cho các vụ án được giải quyết nhanh gọn mà vẫn tuân thủ các qui định và thủ tục vững vàng của giáo luật. Những người được chỉ định làm việc tại các tòa này cần có thì giờ đầy đủ để thi hành nhiệm vụ, không nên bị chồng đống với nhiều nhiệm vụ mất thì giờ khác. 

Sau cùng, các THĐ nên nói lại cho rõ tại sao giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và tính dục không hề có thiên kiến, cuồng tín hay kết án ai, nhưng đúng hơn nhằm thiện ích chân chính của mọi người liên hệ. Điều này rất cần đối với đồng tính luyến ái, vì nhiều người Công Giáo hiện nay đang đối phó với áp lực nặng nề phải hành động phù hợp với thứ triết lý sống có tính thế tục, buông lỏng coi mọi chống đối đồng tính luyến ái đều là phi lý. Đưa ra các chiến lược thực tế cho việc chăm sóc mục vụ các người có khuynh hướng đồng tính là một việc làm rất có giá trị. 

Trình bày rõ ràng sự thật của luật tự nhiên, và trong tương quan với ơn gọi phổ quát phải yêu thương theo tinh thần Chúa Kitô sẽ tăng sức cho các gia đình đánh trả những trào lưu mạnh mẽ đang làm nó bất ổn hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới. 

Trong phần kết luận, các tác giả cho rằng theo lời hứa của Chúa Kitô (Ga 15:26), Giáo Hội luôn được Chúa Thánh Thần hộ giúp. Cho nên, bất cứ khi nào gặp thách thức lớn trong việc phúc âm hóa, Giáo Hội cũng biết rõ Thiên Chúa sẽ ban ơn thánh cần thiết để Giáo Hội thực thi sứ mệnh của mình. Nhiều người đồng thời với chúng ta thấy mình rơi vào những hoàn cảnh đau khổ lớn lao. Cuộc cách mạng tình dục gây nên không biết bao nhiêu thương vong. Họ bị thương nặng nề, khó lòng chữa khỏi. Dù tình huống này có thách thức tới đâu, nó vẫn là một cơ may có tính tông đồ quan trọng đối với Giáo Hội. Con người nhân bản thường biết rõ các thiếu sót của họ, thậm chí cả tội lỗi nữa, nhưng lại không biết phương thuốc do ơn thánh và lòng nhân hậu của Chúa Kitô đem lại. Chỉ có Tin Mừng mới thực sự hoàn toàn đáp ứng khát vọng của tâm hồn con người và chữa lành các vết thương sâu xa nhất trong nền văn hóa ngày nay của ta. 

Giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, ly dị, tính dục con người, và đức khiết tịnh có thể khá khó tiếp nhận. Chúa Kitô thấy rõ điều đó khi Người tuyên bố nó. Tuy nhiên, sự thật này mang theo nó một sứ điệp tự do và hy vọng chân chính: có một lối thoát ra khỏi thói hư và tội lỗi. Có một đường đi lên dẫn tới hạnh phúc và yêu thương. Nhờ luôn nhớ tới các sự thật này, Giáo Hội có lý khi hân hoan và hy vọng chấp nhận nhiệm vụ phúc âm hóa trong thời đại ta. 

Còn tiếp

Vũ Văn An