Về Sở Kiện thăm Trung tâm Hành hương kính các Thánh Tử Đạo

Trong dòng lịch sử hơn 400 năm của Giáo hội Công giáo Việt Nam, địa danh Sở Kiện luôn mang một dấu ấn đặc biệt. Đã có thời, nơi đây là trung tâm của giáo phận Tây Đàng Ngoài. Thời gian dù có vàng võ vô tình đi qua trên những di tích, nhưng dấu ấn của một thuở vẫn cứ phảng phất, lưu lại ít nhiều ở nơi chốn này…
Về Sở Kiện thăm Trung tâm Hành hương kính các Thánh Tử Đạo

Xứ đạo lâu đời…

Trong cái lạnh cắt da thịt những ngày cuối năm ở miền Bắc, chúng tôi đặt chân đến Sở Kiện, tìm về vùng đất gắn chặt với nhiều thăng trầm của Giáo Hội. Ngôi nhà thờ rêu phong, cổ kính, sừng sững đứng giữa những vách nhà kiên cố như dang tay đón chào khách thập phương. Bên trong khuôn viên rộng 11 hécta này, những công trình phần lớn có tuổi đời trên dưới trăm năm, nên dễ hiểu vì sao, trong những chương trình tham quan về Hà Nam, nhiều công ty du lịch không thể bỏ qua địa danh Sở Kiện.

Nằm cách thành phố Phủ Lý – tỉnh Hà Nam 5 cây số và cách Hà Nội khoảng 65km về phía Nam, Sở Kiện tọa lạc tại thị trấn Kiện Khê – huyện Thanh Liêm – Hà Nam. Tên gọi “Sở Kiện” được ghép từ tên của làng Sở (hay Ninh Phú) chuyên làm ruộng và làng Kiện (hay Kiện Khê) chuyên nghề buôn bán, nung vôi. Gọi là hai làng nhưng thật ra cách nhau chỉ một ngõ nhỏ. Theo lời các cụ cao niên thì vùng Sở Kiện gần 500 năm trước đã có người sinh sống. “Trong đó hạt giống Tin Mừng gieo vãi nơi đây cũng hàng thế kỷ, khi các cố Tây thường xuôi theo con sông Đáy gần đây để giảng đạo”, ông cố Ninh, tuổi trên 70, một giáo dân trong xứ cho biết.

Theo lời các vị cao niên trong xứ thì Nhà Chung trước được đặt ở Sở Kiện vì khi đó đã là họ đạo lớn, mảnh đất có nhiều người chịu tử đạo. Hơn nữa, đây còn là một thị trấn sầm uất, trên bến dưới thuyền. Khi TGM chuyển về Hà Nội, nơi đây trở thành Trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật và trẻ mồ côi (từ 1936 – 1954). Chính những người này sau đó lập gia đình, sinh con đẻ cái làm cho giáo xứ ngày một đông đúc hơn.

Sở Kiện ngày trước từng là giáo xứ Chánh tòa, cũng là nơi đặt Đại Chủng viện, Tòa Giám mục của giáo phận Tây Đàng Ngoài. Đến năm 1924, vì thấy vùng này không còn tập trung các hoạt động chính trị, văn hóa nên Tòa Giám mục chuyển dần về Hà Nội. Khi này Sở Kiện dù không còn đóng vai trò trung tâm nhưng nhờ truyền thống đức tin lâu đời, nhiều năm sau đó, vẫn luôn là cánh chim đầu đàn của giáo phận.

Ngày nay, với gần 7000 giáo dân, chia làm 9 giáo họ, Sở Kiện là một trong những giáo xứ lớn nhất của TGP Hà Nội. Các nhóm, hội đoàn trong xứ đều có đủ, lớn mạnh và sinh hoạt đều đặn, sôi nổi. Trong đó, đến với tha nhân luôn là việc làm được đoàn thể đặt lên hàng đầu. Hội Legio Mariae xông pha qua công tác chăm sóc người bệnh, tàn tật. Mỗi Chúa nhật, hội còn mang xe lăn đến đưa đón người già, người bệnh đi lễ. Giới trẻ hằng tuần chia ca đi từng nhà thu gom ve chai để gây quỹ. Còn ban Bác ái – Caritas thì mở chương trình hũ gạo tình thương. Theo đó, mỗi gia đình nhận một hộp nhựa, cuối tháng có người của Caritas đến thu gom. Với 800 hũ được phát ra, hằng tháng giáo xứ nhận về khoảng tấn rưỡi gạo san sẻ cho người nghèo, dư thì bán lấy tiền giúp kẻ ốm đau, hoạn nạn, neo đơn, hoặc xây nhà tình thương, đến thăm các trại phong hay ủy lạo xứ đạo vùng sâu, vùng xa…

Xiềng xích, gông cùm của các thánh tử đạo

 

Từ khi Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, lúc còn là Tổng Giám mục TGP Hà Nội nâng Sở Kiện thành Trung tâm Hành hương các Thánh Tử Đạo (năm 2008), địa danh này dần trở lại với vai trò tâm điểm giáo phận như vốn có, là nơi tổ chức các sự kiện lớn của Tổng Giáo phận nhằm giảm tải cho Tòa Giám mục. Nhất là do Sở Kiện trầm mặc, giàu nét đặc trưng về lòng đạo đức của người Bắc bộ, lại nằm ngay trung tâm của giáo tỉnh Hà Nội, gần quốc lộ 1A, khuôn viên rộng cùng nhiều đất trống xung quanh… nên có thể tổ chức các hoạt động tham dự đông người cùng lúc. Với những lý do trên, cùng với Thánh địa La Vang và Trung tâm Hành hương Núi Cúi, có người dự đoán Sở Kiện có thể sẽ là nơi tiếp đón Đức Thánh Cha ở miền Bắc, một khi ngài sang thăm Việt Nam.

Một quần thể với những công trình trăm tuổi

Sau mấy trăm năm, ngày nay ghé Sở Kiện, du khách vẫn còn rất nhiều điều để khám phá, từ văn hóa đến kiến trúc, từ các di sản tinh thần đến đời sống đạo thâm trầm mà sâu nặng với những nét độc đáo riêng.

Sợi dây trói Thánh Phêrô Lê Tuỳ đặt trong phòng trưng bày thánh tích

 

Công trình đồ sộ trong tổng thể rộng lớn chính là ngôi nhà thờ có tuổi đời 133 năm. Trong gần 1,5 thế kỷ tồn tại, nhà thờ đã qua ba lần trùng tu vào các năm 1924, 1989, 2009, chủ yếu làm mới bên trong như gian Cung thánh, trần, tô lại sơn, thay mới số ảnh tượng… Ngày chúng tôi đến, nhà thờ đang trong quá trình tu sửa lần 4 và dự tính hoàn thành vào giữa năm 2017. Cha Giuse Mai Xuân Lâm, chánh xứ cho hay, đợt trùng tu này sẽ tập trung bên ngoài như chống dột cho mái, khôi phục những mảng tường bong tróc, sửa tháp nhỏ bị gãy đổ do bão gió. “Việc đại tu được lên kế hoạch tỉ mỉ, tìm những chất liệu như xưa để tôn tạo nên chắc chắn sẽ giữ lại được nét nguyên bản”, cha Lâm nói.

Hơn 60 năm (1862 – 1924), Sở Kiện là nơi đặt “thủ phủ” của giáo phận Tây Đàng Ngoài. Ngôi nhà thờ khởi công ngày 25.10.1877 và khánh thành 6 năm sau đó : tháng 1.1883, dưới sự chỉ đạo của Đức cha Puginier Phước. Nhà thờ có chiều dài 67m, rộng 31m, cao 23m, xây trên cái đầm lớn. Để chống sụt lún, toàn bộ nền được lót bằng các phiến gỗ lim. Nhà thờ có 5 lòng, gồm 9 gian, 4 hàng cột, bàn thờ sơn son thiếp vàng, vách quanh bàn thờ trang trí bằng gỗ chạm tỉ mỉ…

Tháp chuông nhà thờ cao 27m, treo 4 quả chuông lớn, trong đó quả lớn nhất nặng tới 2.461kg. Năm 2010, Tòa Thánh với sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng tự đã nâng nhà thờ Sở Kiện lên Tiểu Vương Cung Thánh Đường thứ 4 tại Việt Nam, với tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đến Sở Kiện, cũng không thể không viếng khu lưu giữ gần 700 hũ hài cốt, đất… thấm máu của các vị tử đạo đã và chưa được tuyên thánh. Cùng với đó là các thánh tích như xiềng xích, gông cùm, các vật dụng tra tấn, bia mộ, thẻ ghi án lệnh…, đặc biệt là hộp sọ của cha Thánh Phêrô Thi, sợi dây trói cha Thánh Phêrô Lê Tùy, hũ đất thấm máu cha Thánh Ven và cha Thánh Dũng Lạc. Mười bốn bức tranh vẽ cảnh tử đạo được các họa sĩ Việt Nam thời đó vẽ lại đang trưng bày tại Hội thừa sai Paris bên Pháp cũng được sao chụp nguyên vẹn và treo trong căn phòng rộng này… Tại nhà nguyện Thánh Tâm – trước từng là nhà nguyện Tòa Giám mục, xây năm 1913 – có vầng hào quang với thánh tích của 67 Thánh Tử Đạo đã được suy tôn.

Duy nhất bị hư hại nặng là ngôi nhà nguyện của Đại Chủng viện cũ, do một quả bom rơi trúng năm 1956. Có nhiều phương án đưa ra để bảo quản ngôi nhà cổ này, trong đó ý kiến được quan tâm là sẽ bao quanh bằng kính cường lực nhằm tránh sự hủy hoại của thời tiết. Những di tích còn lại như nhà ở của các Đức Giám mục, nhà xứ… còn nguyên vẹn, tô điểm thêm cho sự hưng thịnh của vùng đất lịch sử, văn hóa của cả xã hội Việt Nam trong ngày cũ lẫn Giáo hội.

Tổng quan, Sở Kiện ngày Tòa Giám mục còn hiện diện được chia thành 4 khu vực rõ rệt : khu nhà thờ Chánh tòa, hiện là Tiểu Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện; khu vực nhà máy in; khu Tòa Giám mục và khu Đại Chủng viện. Các cơ sở này xây dựng riêng biệt để phục vụ theo nhu cầu riêng, do đó chưa có sự liên kết. Hơn nữa, trong một thời gian dài, từ năm 1954 – 2009, phần lớn khuôn viên được nhà nước mượn để dành vào việc dạy học. Quần thể Sở Kiện cũng không có người coi sóc thường xuyên nên xuống cấp nhiều. Sau khi được trao trả lại thì TGM Hà Nội bắt đầu sửa sang nhằm chuẩn bị cho Đại lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 diễn ra tại đây. Hiện Trung tâm Sở Kiện đang trong quá trình quy hoạch lại tổng thể, sẽ bỏ đi số cơ sở dư thừa và xây mới một số phòng ốc, quảng trường, nhất là nơi lưu giữ và trưng bày thánh tích các Thánh.

*

Chia tay Sở Kiện, ánh mặt trời đã le lói mang theo chút nắng sưởi ấm cho mùa Đông giá lạnh, cùng lúc tiếng chuông nhà thờ ngân lên, vang xa cả thị trấn. Anh bạn đi cùng rỉ tai: “Mình mới trải qua một chuyến hành hương đầy ý nghĩa, Đức tin được bồi dưỡng thêm nhiều bằng những “món” ăn chất lượng”.

ĐÌNH QUÝ

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc