Vatican, nước nhỏ nhưng lại có những việc lớn

Câu nói của Tổng Thống Hoa Kỳ : “Chúng ta đều là người châu Mỹ” có bị ảnh hưởng bởi cách sống của ĐTC không, khi chúng ta đều là Kitô hữu ? Tôi nghĩ là có…

Vatican, nước nhỏ nhưng lại có những việc lớn

 

Sau hơn một nửa thế kỷ căng thẳng (từ tháng Giêng 1961 tới nay) trong mối quan hệ song phương, Hoa Kỳ và Cuba đã có một quyết định lịch sử, đó là thiết lập quan hệ bình thường hóa.

Cả hai vị nguyên thủ quốc gia cùng lên truyền hình công bố tin vui này bằng một bài diễn văn dài. Chính tổng thống Hoa Kỳ đã nói đến công lao to lớn của Đức Thánh Cha Phanxicô và Tòa Thánh về việc tái thiết lập bang giao này sau một chiến tranh lạnh. Đức Thánh Cha giữ một vai trò mấu chốt trong sự kiện này bởi hai lý do: thứ nhất, ngài là người châu Mỹ, nên rất muốn cho châu lục của mình phải có những thay đổi mang tính nhân đạo; thứ hai, ngài là người có tính cởi mở. Không nên duy trì những ranh giới, những khoảng cách vì chúng làm cản trở sự phát triển kinh tế và đặc biệt đối với sự phát triển tình huynh đệ của những con cái Chúa ở trần gian và tình huynh đệ giữa con người với con người. 

Cuba không phải là nước có khủng bố. Quốc gia này chỉ khác Hoa Kỳ về mặt thể chế chính trị, cho nên việc gỡ bỏ cấm vận là điều rất hợp lý trong lúc thế giới đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố tàn bạo và bệnh dịch Ebola ở châu Phi. Để chống lại dịch bệnh này, chính Cuba đã gửi 165 bác sĩ và y tá đến giúp đỡ các bệnh nhân của căn bệnh này tại châu Phi. Chính bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ cũng phải nói lời cám ơn hiếm hoi này tới Cuba vì tinh thần nhân đạo của họ. Vì thế, Hoa Kỳ và Cuba nối lại quan hệ bình thường là điều cả thế giới đều quan tâm. Chắc chắn khi nghe được tin vui này, giới quan sát quốc tế mới thấy được vai trò của ĐTC và Tòa Thánh quan trọng biết chừng nào : Nước nhỏ nhưng người lớn và việc cũng lớn.

Cũng nên nhắc lại sự kiện về chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của ĐTC từ 28-30 tháng 11 vừa qua. Ngài đã có những cử chỉ rất khiêm tốn và thân thiện khi gặp gỡ Đức Thượng Phụ Barthôlômô đệ nhất. Nếu quan sát trong cuộc gặp gỡ giữa hai vị này, Đức Thượng Phụ đã giơ một ngón tay lên trời nhìn cộng đoàn với ý diễn tả Đức Thánh Cha là Giáo hoàng tuyệt vời. Trong tình huynh đệ của các môn đệ Đức Kitô, ai cũng hiểu anh em Chính Thống và Công Giáo chúng ta đều là Kitô hữu, tại sao phải xa cách ? Tinh thần hòa giải, gần gũi, thân thiện của Đức Thánh Cha tại sao không ảnh hưởng đến các nguyên thủ quốc gia ? Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực. Câu nói của Tổng Thống Hoa Kỳ : “Chúng ta đều là người châu Mỹ” có bị ảnh hưởng bởi cách sống của ĐTC không, khi chúng ta đều là Kitô hữu ? Tôi nghĩ là có. Đúng là hai nguyên thủ Hoa Kỳ và Cuba chưa bao giờ nhận được những liên lạc gần gũi, trực tiếp, nhanh chóng của một Đức giáo hoàng như Đức Phanxicô bây giờ. Ngài vẫn luôn là ngài như đã từng nói với giới phóng viên báo chí : “Gorge, hãy luôn là mình đi”. Điều này thể hiện rõ qua thói quen thường xuyên gọi điện trực tiếp cho người này người kia. Cách sống đơn giản của ngài đánh động rất nhiều tâm hồn.

Với các tôn giáo khác, Đức Thánh Cha cũng tỏ ra rất thân thiện, gần gũi với họ qua việc tham dự những buổi cầu nguyện chung. Chắc hẳn ngài sẽ cầu xin cho họ sống tốt tôn giáo của mình, cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, yêu thương nhau, không còn chiến tranh, thù hận, bạo lực… Sự hòa đồng của Đức Thánh Cha đã thu hút dân chúng. Đi đến đâu cũng có những người kêu tên ngài, nhưng trong sự khiêm tốn, Đức Thánh Cha muốn họ tung hô Thiên Chúa hơn là mình. Hôm thứ tư vừa qua, nhân dịp sinh nhật thứ 78, nhiều người đã làm bánh sinh nhật và đốt nến để ngài thổi, ngài cho nhảy vũ điệu balê ở quảng trường thánh Phêrô. Đừng nghĩ đó là phàm tục mà ở đây ngài chỉ muốn người ta đến với Chúa và nhớ đến Chúa nhiều hơn. Cũng trong ngày này, Tòa Thánh đã công bố con số người tham dự yết kiến chung vào buổi sáng thứ tư hàng tuần : con số đã lên tới gần một triệu hai trăm ngàn người. Đây mới chỉ tính theo các số phiếu được phát, có lẽ còn hơn nữa kể từ tháng 3 năm 2013 với 73 cuộc yết kiến chung.

Trở lại sự kiện Đức Thánh Cha và Tòa Thánh đã thành công cho việc tái lập bang giao giữa hai nước cựu thù trong suốt hơn nửa thế kỷ nay, người Cuba nghĩ gì ? Có lẽ họ nghĩ rằng cần phải trao giải Nobel Hòa bình hay một giải thưởng lớn gì khác cho Đức Phanxicô ? Và rất có thể còn phải hơn thế nữa. Chúng ta sẽ cùng chờ đợi trong tương lai. Có một cảm xúc rõ ràng tôi đã nhìn thấy trên kênh tin tức 24/24 của Pháp : một thành viên cao cấp, nếu không nhầm ông ấy là chủ tịch Hội những người bạn Pháp-Cuba, ông ta vừa khóc, vừa trả lời những câu hỏi của phóng viên truyền hình vì sự kiện được chờ đợi từ hơn nửa đời người. Từ đó, tôi suy ra: cả hơn chục triệu dân Cuba chắc chắn sẽ ăn mừng. Cũng không thể tránh khỏi một thiểu số phản đối về việc thiết lập bang giao này vì họ là nạn nhân của chế độ độc tài Cuba. Hai quốc gia cách nhau không xa, nhưng nền kinh tế lại chênh lệch nhau rất xa.

Từ nhiều tháng qua, theo sau lá thư của Đức Thánh Cha gửi cho hai nguyên thủ hai nước, Tòa Thánh đã tạo điều kiện cho phái đoàn hai nước gặp gỡ để trao đổi những vấn đề tế nhị và đạt được kết quả tốt cho cả hai phía. Tòa Thánh còn tiếp tục hỗ trợ những sáng kiến để hai quốc gia đạt tới quan hệ song phương và lợi ích chung cho công dân của mình. Quả thật, Vatican là một quốc gia nhỏ nhưng lại có những vai trò thật quan trọng. Tuy Đức Thánh Cha nhìn nhận mình một cách thật khiêm tốn, nhưng suy nghĩ của ngài vừa có tâm lại vừa có tầm.

(Lm. Vinh sơn Đinh Minh Thỏa, WGP.Bùi Chu 19.12.2014)