Từ TRO đến BỤI – Suy niệm về SỰ CHẾT

Nghĩ đến sự chết, đó là một cách thần diệu giúp tôi sống xa lánh tội lỗi, giúp tôi sống thánh cuộc đời.

Tối nay, khi tắt đèn, tôi lên giường nằm ngủ. Tôi nói tôi ngủ, nhưng thật ra, tôi đang thực tập cái chết: một ngày kia, hoặc có lẽ nội đêm nay chăng, tôi sẽ nằm chết như khi tôi ngủ giờ đây; vì nếu tôi chết đêm nay, thì đó là tôi ngủ một giấc không bao giờ thức dậy: thân xác tôi lúc đó không động đậy, không cựa quậy; người ta ép hai tay tôi nắm chặt một cây Thánh Giá nhỏ, và người ta quấn một Tràng Chuỗi vào hai tay được chắp lại của tôi, hy vọng đây là tràng chuỗi được rút trong bọc tôi ra, chứ không phải là tràng chuỗi mượn của ai nào đó đang đứng xung quanh tôi.

Lạy Chúa, con chắc chắn thế nào con cũng chết.

Con thấy có người chối điều nầy điều nọ, tuy điều nọ điều nầy là có thật.

Con thấy có người còn chối cả Chúa nữa.

Nhưng con không thấy ai dám chối cái chết vì cái chết vật cổ nhiều người trước mắt họ: khắp nơi trên mặt đất nầy, mỗi phút, nó vật cổ nhiều người; mỗi ngày, nó vật cổ rất nhiều người.

Người ta có thể khác nhau rất nhiều về màu da, chủng tộc, thể xác, trí khôn, tuổi tác, nghề nghiệp, v.v…., nhưng mọi người đều có một điểm giống nhau, đó là chết.

Ai cũng chắc thế nào mình cũng sẽ chết.

Khi con nói thẳng vào mặt một người nào: “Thế nào ông (bà…) cũng chết!

thì họ im lặng. Im lặng là cứng họng, không chối cải được.

Lạy Chúa, con sẽ chết, đó là việc riêng của con với Chúa.

Sinh ra, con nhờ Chúa cho con có cha, có mẹ. Lớn khôn, con được nuôi dưỡng, được giáo dục, được thành đạt, là do công ơn của cha, của  mẹ và của biết bao nhiêu ân nhân, bạn bè. Khả năng, tài sản, trí khôn, nghề nghiệp, ….là công của con và công của nhiều người đã giúp con tạo nên.

Chỉ có một việc là tự con, là của riêng con, không ai ngăn cản con được, không ai thay thế con được, đó là cái chết của con.

Con sẽ chết, và việc chết nầy, chỉ một mình con là đủ, vì đây là việc riêng của con. Ai cũng chết một mình. Không ai chết thế cho con.

Lạy Chúa, con sẽ chết lúc nào?

Có người chết già. Có người chết trung niên. Có người chết trẻ. Có người chết trong bụng mẹ. Có người vừa lọt lòng mẹ đã chết.

Hiện nay, tôi mấy tuổi? Thế mà có nhiều người đã không sống đến tuổi của tôi. Tôi đã thấy nhiều người qua đời trẻ hơn tôi. Tôi có nhiều bạn đồng lứa ngày xưa, mà bây giờ, họ đã chết rồi.

Tôi dựa vào đâu mà tôi chắc mình sống lâu.

Dựa vào sức khỏe? Sức khỏe rất mỏng giòn. Tôi thấy có người đang khỏe mạnh, bỗng lăn đùng ra chết! Tôi dựa vào tuổi trẻ. Tuổi trẻ lại càng dễ chết hơn nữa: trên thế giới, người trẻ chết nhiều nhất!

Lúc nầy, tôi không dám chắc chắn rằng tôi còn sống sau một phút nữa!

Lạy Chúa, con sẽ chết ở đâu?

Tôi biết nhiều nơi: nơi nhà cha mẹ tôi sinh tôi ra, nơi giáo xứ tôi lớn lên, nơi trường tôi đến học, những nơi tôi đã đến chơi, … nhưng nơi tôi chết, thì tôi không thể nào biết chắc được!

Nơi tôi chết,           chỉ có Chúa biết. Tôi chỉ biết cầu nguyện: “Lạy Chúa, con xin vâng theo thánh ý Chúa để chết nơi Chúa muốn, nơi Chúa định.”

Lạy Chúa, con sẽ chết thế nào?

Chết tự nhiên hay chết ngộ nạn? Chết mòn, chết dần lần lần, hay chết bất đắc kỳ tử? Chết vì ung thư phá hoại lần lần, kéo dài nỗi đau, làm mòn trí khôn, làm cứng tâm hồn, may mà vẫn cố gắng giữ được chút ánh sáng lương tâm để lập công đền tội, hay là chết chóng vánh: lúc đang bận rộn công việc, lúc đang nằm trên giường ngủ,         lúc đang ngồi ăn, lúc đang cầu nguyện? …..

Trong trời đất nầy, cái gì cũng có thể đem lại cái chết cho tôi: một cơn gió (tôi bị gió ), một chút nước ( tôi bị sặc sụa), một miếng ăn ( tôi bị trúng thực ), một tia lửa (tôi bị cháy), một vỏ dưa ( tôi bị trợt ),… cũng đủ đưa tôi vào cái chết, dù lúc đó tôi đang cười hay đang khóc, đang thức hay đang ngủ.

Sống đời tro bụi, tôi phải chết đời bụi tro. Nhưng sau khi sống cái chết của đời mình, người kitô-hữu vui lòng đón nhận cái chết của đời mình. Như thánh Phaolô khoe với các tín hữu Philíp: “Đối với thầy, …. chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Như thánh Inhaxiô, giám mục thành Antiôkia, trên đường bị dẫn đến Rôma cho thú dữ ăn thịt, vui mừng viết thư cho các tín hữu Rôma để báo tin ngày ngài được chết trong hý trường sắp đến: “Bao giờ cha sẽ có hạnh phúc được các thú dữ phanh thây?… Cha sẵn sàng tất cả, miễn là cha được hưởng Chúa Giêsu Kitô”. Như thánh Phanxicô Khó Khăn hát vang trên giường chết và trả lời cho anh em đang bỡ ngỡ: “Cha không thể không hát được khi nghĩ rằng chút nữa, cha sẽ gặp được Chúa.” Như thánh Lu-i Gôndaga sung sướng báo tin cho mẹ biết mình sắp chết: “Mẹ hãy vui mừng với con vì cái tin rất hạnh phúc nầy.” Như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, khi vị linh mục hỏi: “Con sắp chết, con nghĩ sao?”, trả lời: “Thưa cha, con cần phải nhẫn nại để sống, còn đối với cái chết, con chỉ thấy lòng vui mừng”.

Đạo Công giáo chúng ta là Đạo của sự chết.

Ngày nào, Giáo Hội cũng dạy con cái mình lặp đi lặp lại lời cầu nguyện xa xưa nhất, do từ cửa miệng các bổn đạo đầu tiên trong Giáo Hội: “Xin cho các linh hồn được nghỉ ngơi bằng an”.           Ngày nào, chúng ta cũng âu yếm nhìn lên Tháng Giá để thấy Chúa chết. Ngày nào, chúng ta cũng nhiều lần sốt sắng làm Dấu Thánh Giá trên thân xác chúng ta để kính nhớ sự Chúa chết, để in cái chết của Chúa Giêsu trên thân xác mình. Sáng nào, khi vừa thức dậy, cũng như mỗi tối trước khi đi ngủ, đôi môi chúng ta luôn mấp máy những lời cầu nguyện tha thiết: “Lạy Chúa Giêsu,

vì yêu thương con, Chúa đã chết, xin cho con được chết như Chúa và được chết giống Chúa. Xin cho con ngày hôm nay, (xin cho con tối nay,) biết ăn năn tội để khỏi phải chết tươi khốn nạn đời đời”.          Và ngày nào, từ sáng đến tối, thế nào môi miệng chúng ta cũng nhiều lần lặp đi lặp lại lời cầu nguyện với Mẹ Maria trong Kinh Kính Mừng: “Cầu cho con là kẻ có tội khi nầyvà trong giờ lâm tử. Amen!”.

Đạo Công giáo chúng ta là Đạo của người chết.

Khi biết được trái tim người chết của chúng ta vừa thôi đánh, Giáo Hội dạy đánh chuông nhà thờ để tiếng chuông vang lên báo tin cho mọi người biết linh hồn người nầy đã được Chúa gọi về. Khi nghe tiếng chuông báo tin nầy, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ tìm cách đến nhà người chết, đọc kinh, cầu nguyện, tẩm liệm cung kính theo nghi thức của Giáo Hội.            Và kìa đây, xác người chết được rước đến Nhà Thờ, được đặt ngay trước Nhà Chầu của Chúa Giêsu, được đặt gần quả tim của Người. Cây nến Phục Sinh, tượng trưng cho sự sống lại của Chúa Giêsu và của những ai tin theo Ngài, được thắp sáng lên, đặt cạnh quan tài người chết. Rồi thánh lễ được cử hành để cầu nguyện cho người chết, nói lên việc Giáo Hội cung kính xác người chết, như thánh nữ Mâđalêna cung kính Xác Thánh của Chúa Giêsu. Linh mục, đại diện cho Giáo Hội, lên đường đi tống táng, từ Nhà Thờ ra đến Đất Thánh, cùng với anh chị em trong cộng đoàn gia đình giáo xứ. Tại Đất Thánh, linh mục làm phép huyệt để thánh hóa nơi người chết an nghỉ, và nói lên cho mọi người nghe những lời hy vọng tuyệt vời: chúng ta hãy gởi xác người thân yêu ở lại đây, đợi ngày sống lại, sẽ gặp nhau trên nước thiên đàng!

Đạo Công giáo chúng ta là Đạo của người sống và của người chết.

Người chết, tuy là người đã hết sống đời nầy, nhưng họ đang sống ở đời sau, đang sống trong tình yêu của Chúa, và họ đang đợi gặp lại chúng ta trên nước thiên đàng. Người sống là người sẽ chết và sẽ gặp lại những người thân yêu của mình sau nầy trên nước thiên đàng. Như thế, đối với người sống, người chết vẫn còn sống để gặp nhau lại trên nước thiên đàng, và đối với người chết, người sống một ngày kia sẽ gặp lại họ trên nước thiên đàng. Thế là kẻ chết người sống không mất nhau: người chết không mất người sống, và người sống cũng không mất kẻ chết. Kẻ chết, người sống,       không ai mất ai: họ chỉ tạm biệt nhau nơi bờ đau khổ dưới trần gian, để gặp nhau lại vĩnh viễn nơi bến hạnh phúc trên thiên đàng.

Cùng với thời gian, Chúa ban cho chúng ta đang sống trên trần gian nầy được ý thức rằng mình không phải sống trong một gia đình, mà sống trong hai gia đình rõ rệt: một gia đình với những người đang còn sống với mình, và một gia đình với những người đã chết trước mình. Và tâm hồn chúng ta luôn đi từ gia đình nầy đến gia đình kia, trong niềm yêu thương vui sướng.

Trong thinh lặng của đêm khuya, chúng ta nhớ đến cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè, ân nhân của chúng ta đã qua đời. Bao nhiêu khuôn mặt hiện ra trước mắt chúng ta: đó là cha, mẹ ta, đó là anh, chị, em ta, đó là bà con, bạn bè ân nhân của chúng ta. Những người nầy luôn luôn hiện diện trong tâm trí chúng ta. Chúng ta nhớ tên từng người một. Chúng ta thấy rõ họ hơn và thấy họ luôn mới mẽ. Chúng ta nghe rõ giọng đặc biệt của họ, nghe rõ tiếng họ nói, thấy rõ những cử chỉ thân mật của họ, thấy rõ cặp mắt trong sáng và nụ cười thân ái của họ. Chúng ta nhìn họ và nói chuyện với họ. Chúng ta thấy giờ đây, họ đã thoát khỏi vật chất, thoát khỏi lầm lạc, thoát khỏi xa cách. Chúng ta thấy họ hiểu rõ chúng ta hơn chúng ta hiểu rõ chúng ta, và họ thấy rõ chúng ta hơn là chúng ta thấy rõ chúng ta. Vì những người chết, mặc dù chúng ta không thấy họ, không nghe họ, không đụng chạm đến họ nữa, nhưng tâm hồn họ vẫn luôn bao phủ lấy chúng ta, luôn hiện diện với chúng ta: những người chết không phải là những kẻ vắng mặt, họ chỉ là những kẻ chúng ta không trông thấy mà thôi, nhưng họ vẫn luôn luôn ở bên cạnh chúng ta.

Chúa Giêsu của chúng ta là Đấng đã thắng cái chết của kẻ khác một cách lạ lùng: em bé kia nằm chết trên giường, Ngài được mời đến, cầm tay em, lôi dậy, cho em sống lại; thanh niên con trai bà góa thành Naim nọ đã bị bó lại, đem đi chôn, Ngài phán một lời, anh ta sống lại ngay; Ladarô đã chôn trong mộ bốn ngày, không ai dám mở nắp mộ ra kẻo thúi, Chúa truyền cho mở nắp mộ, phán một lời, ông ta sống lại, ra khỏi mồ, không còn thúi tha gì nữa.

Chúa Giêsu đã thắng cái chết của kẻ khác một cách lạ lùng, nhưng Ngài cũng đã thắng cái chết của mình một cách lạ lùng hơn nữa.

Khi còn sống, Chúa Giêsu nói rõ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Và Ngài lại còn đưa ra một lời tiên tri táo bạo về sự sống lại của Ngài: “Thầy bị giết, nhưng ngày thứ ba, Thầy sẽ sống lại” (Mt 16,21).

Trên núi Canvariô, quân nghịch nhạo cười Chúa Giêsu đang hấp hối trên thập giá: “Ông Kitô vua Israen ấy, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin” (Mc 15,32). Chúa Giêsu im lặng, không trả lời. Đối với Chúa Giêsu lúc đó, xuống khỏi thập giá cũng dễ dàng như khi Ngài ra lệnh cho bão táp lặng im, cho người bất toại buớc đi, cho Ladarô sống lại sau khi đã chôn bốn ngày trong mồ. Nhưng Ngài muốn dành cho loài người chúng ta một sự lạ lùng vĩ đại hơn nhiều :

Ngài muốn chết như mọi người chúng ta, bị đem chôn chặåt trong mồ, để từ trong ngôi mộ, – ngôi mộ mà từ xưa đến nay,   và từ nay cho đếán tận thế,  đè bẹp tất cả những ai nằm trong đó,   không cho ai ngóc đầu chổi dậy, – Ngài tung mồ sống lại

sau khi chết chôn ba ngày trong đó.

Giáo Hội reo mừng chiến thắng khi thấy Thầy mình sống lại.

Giáo Hội ca lên lời ca bất hủ ngày Chúa Phục Sinh: “Sự sống và sự chết giao tranh ác liệt, nhưng sự sống đã toàn thắng sự chết và ngự trị muôn đời.”

Và kể từ đó, những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh, đều bước theo dấu vết của Ngài trên con đường sống lại. Thánh Atanasiô dạy chúng ta: “Từ khi Đấng Cứu Thế sống lại thì sự chết không còn đáng sợ nữa. Tất cả những ai tin vào Chúa Kitô đều biết rằng khi chết, mình không hết, nhưng vẫn sống, và sự sống lại sẽ làm cho thân xác mình được sáng láng.”

Chúng ta phải chết để đền tội chúng ta, như Chúa Giêsu đã chết để đền tội cho nhân lọai. Nhưng chúng ta chết, còn là để được sống lại, để được sống muôn đời bên cạnh Thiên Chúa Ba Ngôi, bên cạnh Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta, bên cạnh Đức Mẹ Maria đã sinh Chúa Cứu Thế ra cho chúng ta, bên cạnh những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta.

Chúng ta hãy luôn luôn dọn mình chết lành: khi gặp đau khổ, bệnh tật,…hãy xem đó là những dấu hiệu của sự chết; khi ở nơi vắng vẻ, nhớ mình khi chết, sẽ bị chôn dưới đất sâu lạnh vắng; khi đi ngủ, nhớ mình đang thực tập cái chết; khi nhắm mắt nằm ngủ trên giường ngủ, nhớ mình sẽ nhắm mắt chết trên giường chết;

khi dùng tay, chân, miệng, tai, mắt, hãy nghĩ đến khi chết, tay sẽ bất động, chân sẽ cứng đơ, miệng không còn cười nói gì được, tai không còn nghe được gì, mắt không còn thấy được chi…; khi làm gì, hãy xem như là làm lần sau hết; khi thức dậy mỗi sáng, hãy xem như là mình đang sống một ngày cuối cùng; khi đi ngủ, hãy xem như là mình đi ngủ một đêm cuối cùng….

Chúng ta hãy cầu nguyện cho cái chết của mình:

Lạy Chúa, con xin nhận sự chết như một án lệnh của Chúa để đền phần tội của con.

Lạy Chúa, con xin nhận sự chết như ý Chúa sắp đặt cho con, dù con không biết ý Chúa sắp đặt thế nào.

Lạy Chúa, con xin nhận sự chết như một ân huệ của Chúa, dù nó bất ngờ, dù nó mang đến những buồn phiền, cay đắng, ân hận, chia ly và xót xa.

Lạy Chúa, con xin vui nhận tất cả về cái chết của con để vâng lời Chúa, để tùng phục thánh ý Chúa, để xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi của con, để được chết lành trong tay Chúa, để được về Nhà Chúa muôn đời.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cho con trong giờ lâm tử như con hằng ngày réo lên bên tai Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là trạng sư bàu chữa con, con xin dâng giò sau hết của đời con cho Mẹ.

Khi lưỡi con đã liệt, khi trí con đã lạc, khi tay chân con đã tê, xin Mẹ hãy thương con, xin Mẹ hãy làm việc tin, cậy, mến Chúa và làm việc ăn năn tội thay cho con vì lúc đó, con không còn làm gì được nữa.

Con không biết giờ sau hết của con sẽ xảy ra nơi nào, lúc nào, thế nào, và con cũng không biết lúc con hấp hối, con có được ân nghĩa với Chúa không? Nên giờ đây, trong lúc nầy, con dâng lòng tin, cậy, mến Chúa và lòng ăn năn thành thật của con cho Mẹ, để khi đó, Mẹ dâng lên Chúa thay cho con.

Giêsu!

Maria!

Giuse!

con xin dâng hồn và xác con trong tay Ba Đấng.

Amen.

Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang