ĐỨC TGM MAMBERTI TÂN CHỦ TỊCH TỐI CAO PHÁP VIỆN TÒA THẢNH ‘
VATICAN. Hôm 08.11, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Dominique Mamberti ngoại trưởng Tòa Thánh, làm Tân Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh thay thế ĐHY Raymond Burke 66 tuổi, được bổ nhiệm làm người Bảo Trợ Hội hiệp sĩ Malta. Đức TGM Mamberti người Pháp, năm nay 62 tuổi, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan trước khi được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm ngoại trưởng. Ngoài ra, ĐTC bổ nhiệm Đức TGM Paul Richard Gallagher làm tân ngoại trưởng của Tòa Thánh. Đức TGM người Anh, cho đến nay là Sứ thần Tòa Thánh tại Australia.
THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG ĐẶC BIỆT TẠI BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN
VATICAN. ĐTC đã quyết định thành lập một hội đồng đặc biệt tại Bộ Giáo Lý đức tin để đẩy mạnh việc xét xử mau lẹ hơn những vụ kháng án về tội nặng thuộc quyền xử của Bộ này. Vì con số cao những vụ kháng án được gửi về Bộ giáo lý đức tin và để bảo đảm cho Bộ này có thể xét xử nhanh chóng, qua phúc chiếu trong buổi tiếp kiến ĐHY Pietro Parolin ngày 03.11.2014 , ĐTC quyết định thành lập tại Bộ giáo lý đức tin một Hội đồng đặc biệt gồm 7 Hồng y hoặc Giám mục, các vị này có thể là thành viên hoặc là những người ở ngoài bộ. Vị chủ tịch Hội đồng này và các thành viên do ĐTC bổ nhiệm. ĐTC cũng đề ra một số chi tiết về cách hoạt động của Hội đồng đặc biệt này đồng thời cho biết một qui luật nội bộ của Hội đồng sẽ xác định thêm các thể thức tiến hành.
ĐTC TIẾP KIẾN CÁC GIÁM MỤC SÉNÉGAL, MAURITANIE, GUINEA, VÀ CAPO VERDE
VATICAN. Sáng 10.11.2014, ĐTC đã tiếp kiến 12 GM thuộc HĐGM 4 nước ở miền Tây Phi châu là Sénégal, Mauritanie, Guinea Bissau và Quần đảo Capo Verde. Ngài khuyến khích các vị gia tăng tình hiệp thông, huấn luyện giáo dân, gần gũi các LM, đẩy mạnh việc mục vụ gia đình, đối thoại với Hồi giáo. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY Robert Sarr, TGM giáo phận Dakar, thủ đô Sénégal. Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC khẳng định rằng điều quan trọng là anh em có thể biểu lộ tình hiệp thông với nhau trong sự khác biệt. Tình hiệp thông này tự nó là một chứng tá đích thực về Chúa Kitô phục sinh, trong một thế giới có quá nhiều xung đột chia rẽ các dân tộc, vì sự loan báo hòa bình chính là xác tín theo đó, sự hiệp nhất của Thánh Linh hòa hợp mọi khác biệt và vượt lên trên mọi xung đột, trong một tổng hợp mới mẻ và đầy triển vọng.
125 TRIỆU CUỐN KỈNH THÁNH ĐƯỢC ẤN HÀNH Ở TRUNG QUỐC
NAM KINH. Nhà xuất bản Amity ở Nam Kinh, Trung Quốc, đã ấn hành 125 triệu cuốn Kinh Thánh, và nhu cầu Kinh Thánh gia tăng tại nước này. Nhà xuất bản Amity được coi là nhà in Kinh Thánh lớn nhất trên thế giới và là nhà xuất bản duy nhất được nhà nước Trung Quốc nhìn nhận, tuy rằng cho rất nhiều nhà in “lậu” ở nước này. Theo thông cáo công bố hôm 07.11 vừa qua, Nhà xuất bản Amity cho biết: cách đây 2 năm, sau khi ấn hành cuốn kinh thánh thứ 1 triệu, thì nhà in này đã bán 65 triệu 700 ngàn cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Hoa, và 59 triệu 300 ngàn cuốn xuất bản tới 70 nước trên thế giới.
ĐTC SẼ THĂM PARAGUAY VÀO NĂM TỚI
ASUNCIÓN. HĐGM Paraguay xác nhận ĐTC Phanxicô sẽ viếng viếng thăm nước này vào năm tới, 2015. Theo tin phổ biến trên mạng, truyền đi hôm 11.11 vừa qua, HĐGMParaguay xác nhận tin của báo “Ultima Hora”, Giờ chót, theo đó tại Đền thánh Caacupe, vương cung thánh đường tại đây đang được tu bổ trong viễn tượng cuộc viếng thăm của ĐTC. Đức Cha Claudio Gimenez, GM giáo phận Caacupe sở tại, cũng xác nhận điều đó với báo Ultima Hora. Báo này nói rằng vào tháng 3 năm tới, Đức TGM Richard Gallagher, tân ngoại trưởng Tòa Thánh, sẽ đến Paraguay, để nói chuyện chi tiết về dự án viếng thăm của ĐTC, tuy rằng ngày giờ chắc chắn chưa được xác định. Mặt khác, trong cuộc viếng thăm tại Vatican vào thứ bảy 15.11 Tổng thống Peru, Ông Ollanda Húmala Tasso, củng sẽ chính thức mời ĐTC đến viếng thăm. Ngoại trưởng Gonzalo Gutierrez của Peru xác nhận tin này do báo chí truyền đi.
ĐẠI HỘI TẤT CẢ CÁC GM ARMÉNI TÔNG TRUYỀN
ERIVAN. Hôm 13.11, công nghị tất cả các GM Arméni Tông truyền đã kết thúc sau những ngày nhóm họp tại Erivan ở Cộng hòa Arméni. Công nghị đã được Đức Tổng Thượng phụ Karekin II và Đức Thượng phụ Aram I ở Cililia khai mạc. Cao điểm trong chương trình nghị sự là việc chuẩn bị tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng Arméni vào tháng 4 năm tới. Các vị đã viếng Đài tưởng niệm cuộc diệt chủng nơi có ngọn lửa đời đời và cử hành thánh lễ tại đây. Cả hai vị Thượng Phụ đã đặt vòng hoa. Cuộc diệt chủng dân tộc Arméni do chính quyền đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng từ ngày 24.04.1915 tại Constantinople. Các vị lãnh đạo chính trị, khoa học gia, nghệ sĩ, kỹ nghệ gia và ký giả người Arméni đã bị bắt và tiêu diệt. Giáo Hội Arméni Tông truyền do thánh Gregorio vị Soi Sáng thành lập cách đây hơn 17 thế kỷ. Trong lịch sử, có một số các GM, LM và giáo dân thuộc Giáo Hội này xin hiệp nhất với Tòa Thánh và nay là Giáo Hội Công Giáo Arméni.
ĐHY WOELKI: XUNG ĐỘT VỀ VẤN ĐỀ LY DỊ TÁI HÔN
MUELHEIM. ĐHY Rainer Maria Woelki, TGM giáo phận Koeln là giáo phận lớn nhất tại Đức nói rằng cuộc xung đột trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo về vấn đề những người ly dị tái hôn dân sự là một “thảm kịch” đe dọa gây chia rẽ. Tuyên bố chiều ngày 11.11 vừa qua tại thành phố Muelheim, ĐHY Woelki nhận xét rằng cả hai phe đều có những lý luận thần học vững chắc. ĐHY Woelki nhấn mạnh rằng Giáo Hội không thể đi ngược với giới luật của Chúa Giêsu về tính chất bất khả phân ly của hôn phối. ĐHY chủ trương không nên giải quyết vấn đề này về phương diện giáo luật. Đúng hơn nên giải quyết vấn đề này như một vấn đề lương tâm. Những người sống trong tình trạng khó khăn do ly dị tái hôn thì nói với cha giải tội để tìm giải pháp. Dĩ nhiên đương sự, sau những cuộc trao đổi như thế, có thể rước lễ.
HĐGM ITALIA TÀI TRỢ ĐẠI HỌC CÔNG GIÁO VIỆC KIẾN THIẾT ĐẠI HỌC CÔNG GIÁO
ASSISI. HĐGM Italia đã quyết định dành 2 triệu 300 ngàn Euro để tài trợ việc kiến thiết đại học Công Giáo ở miền Kurdistan ở mạn bắc Iraq. Hôm 12.11 vừa qua, Đức Cha Nunzio Galantino, Tổng thư ký HĐGM Italia, cho biết việc tài trợ này được thêm vào số 1 triệu Euro đã được gửi đến các Giáo Hội Công Giáo Canđê tiếp đón những người tị nạn. Trong khóa họp ngoại thường những ngày này ở thành phố Assisi, HĐGM Italia đã nghe chứng từ của Đức Cha Bashar Matti Warda, thuộc Giáo Hội Công Giáo Canđê, TGM giáo phận Erbil, thủ phủ miền Kurdistan. Đức TGM nói: “Nhờ lời cầu nguyện, và tình bác ái của Giáo Hội tại Italia, chúng tôi cảm thấy Giáo Hội này như Giáo Hội mẹ…Đây là lần đầu tiên một Giáo Hội lên tiếng bênh vực quyền lợi của chúng tôi. Chúng tôi xin Giáo Hội tại Italia tiêp tục lên tiếng để các tín hữu Kitô bị bách hại không cảm thấy bị lãng quên”.
CÔNG GIÁO ẤN ĐỘ XÚC ĐỘNG VỀ VỤ 12 BÀ MẸ TRẺ BỊ THIỆT MẠNG
THRISSUR. Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Độ bày tỏ xúc động và kinh hoàng về vụ 13 bà mẹ trẻ bị thiệt mạng tại các trung tâm làm tuyệt đường sinh sản do chính quyền quản trị tại bang Chhatttisgarh ở miền trung Ấn độ. Đức TGM Prakash Mallavarapu, của giáo phận Visakhapatnam, Chủ tịch ủy ban GM Ấn về săn sóc sức khỏe nói với hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ rằng: “Trừng phạt những người có trách nhiệm trong vụ này mà thôi thì vẫn chưa đủ. Cần phải vạch rõ và sửa chữa những thiếu sót hàng loạt đàng sau thảm trạng này”. 12 trong số phụ nữ nghèo bị làm tuyệt đường sinh sản tại một nhà thương tư ở Bilaspur hôm 08.11 vừa qua đã chết vì những biến chứng sau khi được gửi về nhà. Hôm 12.11 có thêm 1 phụ nữ trẻ bị thiệt mạng, nâng tổng số các nạn nhân lên 13 người. Gần đây chính phủ Liên bang Ấn đã gia tăng gấp đôi số tiền khuyến khích phụ nữ làm tuyệt đường sinh sản, từ 10 lên 23 mỹ kim cho phụ nữ.
VATICAN. Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh của khối G-20 nhóm tại Brisbane, Australia trong hai ngày 15 và 16.11 sắp đến, ĐTC kêu gọi các vị lãnh đạo G-20 tiếp tục tìm cách cải tiến nền kinh tế thế giới vfa đừng quên số phận của bao nhiêu người nghèo trong các cuộc thảo luận và quyết định sắp tới. Trong thư gửi thủ tướng Tony Abbot của Australia, cũng là chủ tịch Hội nghị, ĐTC khẳng định rằng mức độ thành công của khối G-20 sẽ không phải chỉ ở trong các con số thống kê, nhưng nơi sự cải tiến thực sự điều kiện sinh sống của các gia đình nghèo và giảm bớt mọi hình thức chênh lệch không thể chấp nhận được. ĐTC cũng thỉnh cầu các vị lãnh đạo thuộc 20 cường quốc kinh tế tìm phương thế chấm dứt sự gây hấn bất công chống các nhóm tôn giáo và chủng tộc, đồng thời tìm cách loại trừ tận căn gây ra nạn khủng bố đang lên tới mức độ không thể tưởng tượng được.
Tổng hợp và biên tập: Jos. Nguyễn Tiến Khải, SJ