Tiếp kiến chung với ĐTC: Quyền lực vị công ích, lạm quyền phải ăn năn

ANSA960605_ArticoloVATICAN. Quyền lực là để phục vụ công ích, những người lạm quyền cần phải sám hối để được tha thứ. Đức Thánh Cha đã kêu gọi như trên trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung vào lúc 9h50 sáng thứ tư 24.02.2016, tại quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của đông đảo khách hành hương. Trong tuần này, ĐTC nói về việc sử dụng quyền lực của những nguời có quyền có thế.

ĐTC bắt đầu bài huấn dụ tuần này bằng câu chuyện vườn nho của ông Nabot được trích trong Sách các Vua. Ngài nói:

“Khi vua Acab muốn mua vườn nho của của Abot, bởi vì vườn nho này nằm cạnh vườn của nhà vua. Lời đề nghị xem ra có vẻ hợp lý, thậm chí có phần quảng đại, nhưng trong dân Israel bất động sản được xem gần như không thể chuyển nhượng. Thực vậy sách Lêvi có đoạn viết: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta”(Lv 25,23). Đất đai là đồ thánh vì đó là tặng phẩm của Thiên Chúa cũng như cần được trông coi và gìn giữ, vì đó là dấu chỉ chúc lành của Thiên Chúa vốn truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác và là sự bảo đảm cho phẩm giá của tất cả. Vì thế có thể hiểu được lời đáp trả tiêu cực của Nabot dành cho nhà vua: “Xin Đức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!” (1Các Vua 21,3).

Vua Acab phản ứng lại với sự từ chối này bằng sự cay đắng và căm phẫn. ông cảm thấy mình bị xúc phạm, ông là vua, là người quyền lực, nhưng bị coi thường trong thẩm quyền quốc vương của mình, và bị khước từ khả năng thoả mãn mong muốn chiếm hữu của mình. Nhìn ông bị coi thường như thế, vợ của ông là Gezabele, một hoàng hậu ngoại giáo vốn đã đẩy mạnh những nghi thức thờ kính các ngẫu tượng, và giết hại các tiên tri của Thiên Chúa (1 Các Vua 18,4) nên bà đã quyết định sẽ can thiệp. Những lời bà nói với nhà vua rất có ý nghĩa. Anh chị em có cảm nhận sự độc ác của người phụ nữ này không “Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Na-vốt người Gít-rơ-en.” (1Các Vua 21,7) . Bà đã nhấn mạnh vào uy thế và quyền lực của nhà vua, để rồi, theo cách nhìn của mình, bà đã bước vào cuộc thương thảo bị từ chối bởi Nabot. Một quyền lực mà bà đã xem như là tụyệt đối, và vì đó mọi tham vọng của nhà vua quyền thế sẽ trở thành một mệnh lệnh.”

Nhắc đến giáo huấn của Đức Giêsu về quyền thế, ĐTC nói:

“Đức Giêsu, để nhắc nhở về những điều này, đã nói với chúng ta: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”(Mt 20,25-27). Nếu người ta đánh mất đi chiều kích của phục vụ, quyền lực sẽ biến đổi thành ngạo mạn và trở nên kẻ thống trị và chuyên chế. Đây chính là điều đã xảy ra trong câu chuyện của vuờn nho của Nabot. Gezabele, hoàng hậu, trong cách thức vô luân, đã quyết định huỷ diệt Nabot khi thực hiện âm mưu của mình. Hoàng hậu đã sử dụng vẻ bề ngoài dối trá của một tính hợp pháp tai ác: nhân danh nhà Vua, gửi đi một lá thư cho những người cao niên và những người thế giá trong thành phố để sắp đặt những kẻ làm chứng gian hầu tố cáo Nabot cách công khai rằng ông này đã nguyền rủa Thiên Chúa và nhà vua, một tội phạm bị trừng phạt bằng cái chết. Và rồi, Nabot bị giết, nhà vua có thể chiếm hữu vườn nho của ông này. Và đây không chỉ là câu chuyện của ngày xưa, nhưng còn là câu chuyện của ngày nay, của những người quyền thế để có nhiều tiền hơn họ đã bóc lột những người nghèo, bóc lột con người. Đây cũng là câu chuyện của việc buôn người, của người làm nô lệ, của người nghèo vốn lao động trong tăm tối cùng với đồng lương rẻ mạt để làm giàu cho những kẻ quyền thế. Đây cũng là câu chuyện của những chính trị gia tham nhũng vốn muốn ngày càng nhiều hơn!”

ĐTC quảng diễn điều này như sau:

“Như thế nơi đây thực thi thẩm quyền nhưng thiếu vắng sự tôn trọng sự sống, coi thường công lý, khước từ lòng thương xót. Và rồi ở đây cũng xảy ra một cơn khát quyền lực: trở nên tham lam khi muốn chiếm hữu tất cả. Một bản văn của tiên tri I-sa-ia giúp soi sáng một cách cụ thể những gì có liên quan. Trong đó, Thiên Chúa quan tâm đến việc chống lại sự thèm muốn của những kẻ giàu có về đất đai vốn mong muốn chiếm hữu nhiều hơn nữa những ngôi nhà và những mảnh đất. Tiên tri I-sa-ia nói: “Khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia, nối thêm ruộng này đến ruộng khác, tới mức không còn chỗ trống nào và chỉ còn một mình các người ở lại trong xứ!” (Is 5,8).

Và tiên tri I-sa-ia dĩ nhiên vốn không phải là người cộng sản! Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng vĩ đại hơn sự độc ác và những âm mưu bẩn thỉu được thực hiện bởi con người. Với lòng thương xót, Thiên Chúa đã gửi tiên tri Elia để giúp vua Acab hoán cải. Chúng ta hãy giở qua trang và câu chuỵên này tíêp diễn ra sao? Thiên Chúa nhìn thấy tội lỗi này và đã gõ cửa lòng của Acab và của nhà vua, đặt ông đối diện với tội lỗi của mình, nhà vua hiểu, ông tự hạ và khẩn nài sự tha thứ. Thật đẹp biết bao nếu những người lợi dụng quyền lực ngày nay cũng thực hiện điều này! Thiên Chúa chấp nhận sự hối cải của ông; nhưng, một người vô tội đã bị sát hại, và tội đã phạm sẽ không thể nào tránh khỏi hậu quả kèm theo. Sự dữ đã vi phạm thực sự sẽ để lại những dấu vết đau khổ, và lịch sử của con người đã có những vết thương.”

Và ĐTC kết thúc bài huấn dụ như sau: “Lòng thương xót được tỏ bày ngay cả trong trường hợp này là con đường chính mà mọi người phải bước theo. Lòng thương xót có thể chữa lành những vết thương và có thể thay đổi lịch sử. Hãy mở cửa lòng cho sự thương xót! Lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi của con người. Chúng ta biết được sức nặng của quyền lực khi chúng ta nhớ lại Con Thiên Chúa Vô Tội là Đấng đã làm người để tiêu diệt sự dữ với sự thương xót của mình. Đức Giêsu Kitô là vua đích thực, nhưng quyền lực của Ngài thì hoàn toàn khác. Ngai vàng của Ngài là thánh giá. Ngài không phải là vị vua giết chóc, nhưng trái lại Ngài trao ban sự sống. Việc Ngài đến với tất cả mọi người, trên hết là những người yếu đuối nhất, đã đánh bại sự cô độc và số phận phải chết vốn dẫn đưa đến tội lỗi. Đức Giêsu Kitô cùng với sự gần gũi và âu yếm của mình đã đặt để tội nhân vào trong không gian của ân sủng và lòng thương xót. Và đây là lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai