(Tổng hợp tin tức)
Lê Thiên
Thay vì trình bày nội dung suy tư và phát biểu đôi khi mang sắc thái thần học từ các phiên thảo luận của Thượng Hội Đồng Giám mục, bản tóm lược này chỉ cô đọng những phần mang tính dân dã để mọi tầng lớp người đọc có thể nắm được vài nét chính yếu của chủ đề “Những thách thức mục vụ của gia đình trong bối cảnh của Phúc Âm Hóa” với bốn phân đoạn: (1) ĐTC Phanxicô đặc biệt quan tâm tới Thương Hội Đồng; (2) Hướng nhắm của THĐ; (3) Tiếng nói của giáo dân trong THĐ; (4) Phúc Trình Sau Thảo Luận và phản ứng.
Dĩ nhiên không tránh khỏi thiếu sót, phiến diện hoặc bất cập, mong nhận được tôn ý từ mọi tầng lớp độc giả.
Truyền thông Công Giáo theo dõi sát sao diễn tiến các cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám Mục (THĐGM) tại Vatican từ ngày 05/10/2014, dự trù kéo dài trong hai tuần lễ. Mạn phép ghi nhận ở đây một số nét quan trọng trích dẫn từ các truyền thông Công giáo, trong đó có VietCatholic News và VRNs của Việt Nam.
1. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt quan tâm tới Thương Hội Đồng.
Từ đêm 04 rạng 05/10/2014 trước khi diễn ra kỳ họp đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Gia đình, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức tại quản trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng (THĐ).
Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người “hãy nài xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả các nghị phụ ơn biết lắng nghe: lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, làm theo Thánh ý của Thiên Chúa.”
Trong các ý cầu nguyện, ĐTC nhấn mạnh đến ý cầu xin cho các nghị phụ “chuẩn bị thật tốt cho cuộc thảo luận chân thành, nhờ đó mới có thể hướng dẫn chúng ta cách đầy trách nhiệm trong việc mục vụ về những vấn đề chúng ta đang mang lấy tại thời điểm hôm nay.”
Xác tín vào “gió của Lễ Hiện Xuống thổi trên công việc của THĐ, trên Giáo Hội và trên toàn thể nhân loại,” ĐTC phó thác mọi sự vào Chúa Thánh Thần. Ngài khẩn thiết “xin ơn Thánh Thần chữa lành các vết thương và thắp lên niềm hy vọng.”
ĐTC mời gọi các Giám Mục trong THĐ hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa hầu có thể“chăm sóc cho các gia đình,” vì “các gia đình là “một phần kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa cho nhân loại.” ĐTC nhắc nhở các Nghị phụ: “Kỳ họp của THĐ không phải là thảo luận về các ý tưởng đẹp và khôn ngoan, nhưng để chăm sóc tốt hơn cho vườn nho của Chúa.”
Ngài cảnh báo: “Khi chúng ta không để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình, chúng ta sẽ ngăn chặn giấc mơ của Thiên Chúa. Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để chúng ta có khả năng làm việc với lòng quảng đại, với sự tự do đích thực và khiêm tốn sáng tạo.”
2. Hướng nhắm của THĐ.
Trong cuộc họp báo ngày 03/10/2014 tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ĐHY Lorenzo Baldisseri cho biết THĐGM sắp tới là độc đáo so với các THĐGM trước đó về sự tham dự đông đảo các vị Giám Mục để đối đầu với những thách thức của các gia đình Công Giáo. Ngoài 191 Nghị Phụ gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, còn có sự hiện diện cả một số các chuyên gia và nhà lãnh đạo tinh thần các Giáo Hội Kitô Giáo khác như Chính Thống và Tin Lành. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của những cặp vợ chồng từ một số quốc gia, như Úc, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ, Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) Phi Châu…
Cũng trong ngày 03/10/2014, ĐHY Velasio De Paolis, cựu Chủ tịch HĐGH về Kinh Tế và cũng là đương kim thành viên Tòa Ân Giải Tối Cao đã nói lên tầm quan trọng của THĐGM về gia đình với chủ đề “Những thách thức mục vụ của gia đình trong bối cảnh của Phúc Âm Hóa.” Ngài nói: “Hôn nhân và gia đình là hạt nhân của xã hội. Nếu hôn nhân bị khủng hoảng, thì xã hội bị khủng hoảng theo. Và nếu xã hội khủng hoảng, thì gia đình cũng bị khủng hoảng…”
ĐHY lưu ý: “Đức Giáo Hoàng không triệu tập các THĐ để thay đổi hay thiết lập các học thuyết về hôn nhân, nhưng để tìm những cách thức mới hầu giải quyết những vấn đề vì lợi ích của các gia đình.”
Đức Hồng Y Đe Paolis xác quyết: “Tín lý của Giáo Hội không phải là những thứ có thể thay đổi tùy tiện. Không! Ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng không thể thay đổi các tín lý của Giáo Hội. THĐ là để xét xem có thể có những ngộ nhận nào về tín lý cần phải làm rõ hơn hay việc áp dụng tín lý ấy trong Giáo Hội cần phải được chấn hưng.”
Cũng vậy, vào ngày 06/10/2014, nghĩa là chỉ sau một ngày THĐ khai mạc, ĐHY Brandmuller, Chủ tịch danh dự Ủy Ban Giáo Hoàng về Khoa Học Lịch Sử, đã nhận định rằng, “tại THĐ, các Giám Mục từ khắp nơi trên thế giới sẽ cùng ngồi với nhau, cùng thảo luận về các giải pháp mục vụ cho những thách đố xung quanh đời sống gia đình.” Tuy nhiên, theo ngài, “các giải pháp ấy không thể đi ngược lại với Giáo Huấn của Giáo Hội.”
ĐHY Brandmuller quả quyết: “Dù dưới bất cứ hình thức mục vụ nào, không ai được làm trái với giáo lý của Giáo Hội.”
Ngài còn nhấn mạnh: “Nếu anh là một người Công Giáo thì mọi hoạt động của anh đều phải phù hợp với đức tin và Huấn Quyền của Giáo Hội.”
Ngoài ra, ngài còn lưu ý: “Chúng ta phải nhớ rằng THĐ ngoại thường này sẽ chưa có một đúc kết cụ thể nào. Chỉ có THĐ thường niên diễn ra vào năm tới mới có thể làm điều đó.”
3. Tiếng nói của giáo dân trong THĐ.
Tuy là Thượng Hội Đồng Giám Mục, song một số giáo dân đã được hân hạnh góp mặt và đóng góp tiếng nói như là chứng từ thiết thực từ cuộc sống của họ trong tư cách là vợ, là chồng, là cha, là mẹ giữa cái thời mà vấn đề hôn nhân rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Bởi lẽ “lắng nghe và tin tưởng giáo dân được chứng tỏ là việc chủ yếu, vì nơi họ và với họ, Giáo Hội có thể tìm thấy các giải đáp cho các vấn nạn của gia đình” theo nhận định của THĐ.
Có cặp vợ chồng đến từ Úc như ông bà Pirola. Có cặp đến từ Hoa Kỳ như ông bà Jeffrey Heinzen, hay từ Phi Luật Tân như ông bà George và Cynthia Campos, hay bà Jeannette Toure từ Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) Phi Châu.
* Ông bà George và Cynthia Campos
Trong phát biểu của mình, bà Cynthia Campos (Phi Luật Tân) đưa ra những chứng từ bản thân trong đó “lần mang thai thứ 4, con (Cynthia) bị chẩn đoán mang chứng tiểu đường và nhiễm độc máu lúc có thai. Chúng con được cho hay mạng sống con có thể nguy hiểm nếu con tiếp tục mang thai và đứa con có xác xuất cao sinh ra bất thường. Chúng con được khuyên nên chọn lựa giữa phá thai và chấp nhận nguy hiểm. Đấy quả là một thử thách đối với đức tin và đầu hàng. Chúng con quyết định sinh cháu và tuân theo ý Chúa. Nhờ ơn Chúa, chúng con được mẹ tròn con vuông và con gái Christen của con hiện nay mạnh khỏe, đầy sức sống.”
* Ông bà Jeffrey Heinzen
Ông bà Jeffrey Heinzen (Hoa Kỳ) đưa ra một loạt hình ảnh bản than trong trách nhiệm sinh con và giáo dục con. Ông bà cho biết “Cha mẹ chúng con là chứng nhân trung thành của niềm vui và vẻ đẹp trong kế hoạch Thiên Chúa dành cho tình yêu và sự sống.”Nhưng chứng kiến thực tại xã hội hôm này, ông bà cũng đã phải thốt lên: “Bất hạnh thay, không những trong các lượng giá của chúng con về nền văn hóa đương đại, nhưng còn do các kinh nghiệm mục vụ của chúng con, chúng con biết: nhiều người trẻ không gặp được chứng tá của tình yêu vợ chồng như chúng con đã được gặp. Do đó, quá nhiều giới trẻ đã lớn lên trong những gia đình bị đổ vỡ vì ly dị hay không có cảm nghiệm gì về cha mẹ kết hôn do những vụ thai nghén ngoài hôn nhân.” Rồi ông bà đưa ra kết luận: “Như một số nhà khoa học xã hội từng mô tả, chúng con đã bước vào một thời đại trong đó cấu trúc gia đình bị thu nhỏ. Điều này trầm trọng hơn một cuộc khủng hoảng.”
Từ suy tư trên, ông bà Heinzen nói lên trăn trở của mình: “Chúng con thấy người trẻ trở thành mồi cho nền văn hóa hưởng lạc đầy mù mờ. Chúng con biết con số đếm không xuể những người trưởng thành ly dị tham gia các cộng đồng đức tin khác vì họ cảm thấy họ không được Giáo Hội Công Giáo chào đón. Và lòng chúng con nhói đau đối với những cha mẹ đơn lẻ đang lao đao trong việc chăm sóc con cái. Giống như qúy vị, chúng con cố gắng tìm ra những cách thế đơn giản hơn, hữu hiệu hơn để chia sẻ tốt hơn các ơn phúc trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình.”
* Bà Jeannette Toure
Bà Jeannette Toure từ Bờ Biển Ngà, Phi Châu, chỉ mỗi một mình đến với THĐ, vì chồng bà là một tín đồ Hồi Giáo, họ kết hôn với phép chuẩn của Tòa Thánh về hôn nhân dị giáo, đạo ai nấy giữ. Bà tâm sự: “Đối với chúng con, trong những cuộc hôn nhân hỗn hợp, chủ đề này ‘Các Thách Đố Mục Vụ của Gia Đình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hóa’ lại càng quan trọng hơn nhiều khi áp dụng vào thực tế của chúng con: làm thế nào để một người đàn ông, theo Hồi Giáo, và một người đàn bà, theo Công Giáo, trong hơn 52 năm qua đã yêu nhau, và tiếp tục yêu nhau cho tới ngày nay, trở thành chứng tá của Tin Mừng cho con cái họ, cho khu xóm họ, cho bằng hữu của họ, cho các cộng đồng tôn giáo khác?”
Bà Jeanne nêu rõ: “Chúng con muốn chứng tá đời sống của chúng con trở thành một đóng góp cho chủ đề trên: 52 năm chung sống trong khoan dung, tôn trọng hỗ tương các niềm tin của nhau, nâng đỡ nhau, giáo dục con cái theo Kitô Giáo (tất cả đều chịu phép rửa trong Giáo Hội Công Giáo với sự thỏa thuận của chồng con), tất cả những điều này trong khi tiếp nhận được nhiều niềm vui do Chúa ban và trong khi giữ vững hy vọng trước nhiều nỗi khó khăn. Từ cuộc phối hợp này, chúng con được 5 đứa con và 6 đứa cháu: với tất cả, chúng con vun xới lòng kính trọng người khác dù dị biệt và đem lại niềm tin cho chúng.”
Bà Jeanne lại một lần nữa triển dương lòng biết ơn đối với chồng mình cũng như xác lập quyết tâm dấn thân của bà trong trách nhiệm đem Tin Mừng đến những người xung quanh. Bà phát biểu: “Con cám ơn chồng con, người đã chấp nhận việc đó, tức việc tất cả các con của chúng con đều là người Công Giáo. Đến lượt chúng, chúng cũng cố gắng trở thành những người đem Tin Mừng tới những người xung quanh. Gia đình, nhất là gia đình Phi Châu, có nhiệm vụ làm chứng cho đức tin của mình ở giữa đời và ở khu vực xung quanh. Cũng là một thách đố khi ta ý thức được sức mạnh của truyền thống. Các chọn lựa và quyết định của ta phải giúp người xung quanh hiểu biết hơn, chấp nhận và yêu mến Thiên Chúa hơn.”
* Ông bà Ron và Mavis Pirola và những phản ứng
Riêng phát biểu của cặp vợ chồng người Úc là ông bà Ron và Mavis Pirola đã gây nên một luồng phản ứng không thuận lợi khi ông bà đặt lên câu hỏi: “Chúng con sẽ làm gì khi đứa con đồng tính muốn đem bạn tình về nhà trong dịp lễ họp mặt gia đình?” Ông bà ấy nêu lên rằng: “Gia đình phải đối mặt với sự căng thẳng trong việc bảo tồn chân lý đức tin trong khi vẫn phải thể hiện lòng từ bi và thương xót”. Họ kể lại việc có một số bạn bè của họ phải làm như thế nào khi người con đồng tính của họ muốn đem bạn tình về nhà trong dịp lễ Giáng sinh: “Nó là con của con mà!”
Cụ thể là thế này: “Những người bạn của chúng con đã lên chương trình họp mặt gia đình vào lễ Giáng sinh, khi đó người con trai đồng tính của họ nói rằng anh ta cũng muốn mang bạn tình của mình về nhà họp mặt. Các bậc phụ huynh này hoàn toàn tin tưởng vào giáo lý của Giáo Hội và họ biết rằng con cháu của họ sẽ chứng kiến việc tiếp đón của người con trai này với bạn tình của anh ta trong đại gia đình. Phản ứng của họ có thể được tóm gọn trong câu này: ‘Nó là con của chúng con mà!’”
Theo ông bà Pirola, “Giáo Hội liên tục phải đối mặt với sự căng thẳng để bảo tồn chân lý trong khi vẫn phải thể hiện lòng từ bi và thương xót. Các gia đình phải đối mặt với sự căng thẳng này trong mọi lúc.” Từ đó. ước mong của ông bà Pirola đối với THĐ là: “Một mô hình truyền giáo cho các giáo xứ phải trả lời được với các tình huống tương tự như vậy!”
Ông bà còn nêu lên một tình huống khác, một kinh nghiệm thực tế về “một người bạn đã ly dị của chúng con nói rằng đôi khi cô ấy cảm thấy mình không hoàn toàn được đón nhận trong giáo xứ của mình. Tuy vậy cô vẫn tham dự thánh lễ thường xuyên và giáo dục con cái rất tốt. Đối lại giáo xứ không có thiện cảm với cô và việc cô ly dị là một chướng mắt cho họ. Từ những người như cô, chúng con ngộ ra rằng tất cả chúng con còn giữ những yếu tố khiếm khuyết trong cuộc sống. Nhận ra sự khiếm khuyết, chúng con sẽ bớt phán xét người khác, phán xét sẽ làm cản trở việc loan báo Tin Mừng.”
Phát biểu của ông bà Pirota về đứa con đồng tính được truyền thông Công giáo Việt Nam, cụ thể là VietCatholic News (Vũ Văn An, ngày/10/2014) cho là “phát súng khá điếc tai”. Đặng Tự Do trên VietCatholic News ngày 11/10/2014 nói rõ hơn: “Cách đặt vấn đề và cách giải quyết [về người con trai đồng tính] của ông Ron và Mavis Pirola đã gây ra xao xuyến và bất mãn cho nhiều người Hoa Kỳ.”
Tác giả Đặng Tự Do trích dẫn câu trả lời của ĐHY Raymond Burke (Mỹ) cho chương trình truyền hình LifeSite News: “Nếu những mối quan hệ đồng tính luyến ái là những mối quan hệ rối loạn về bản chất, mà thực sự cúng là như vậy – thì việc chào đón một thành viên gia đình cùng với một người khác đang trong quan hệ rối loạn ấy trong một cuộc gặp gỡ gia đình có ý nghĩa gì với con cháu chúng ta?”
Cũng theo Đặng Tự Do, Đức Hồng Y [Burke] nói rằng cha mẹ trong trường hợp này có thể gây ngộ nhận cho con cháu của họ, và gây hại cho họ “bởi thái độ dường như tán đồng một hành vi phạm tội nghiêm trọng của một thành viên trong gia đình.”
4. Phúc Trình Sau Thảo Luận và phản ứng.
Từ ngày khởi sự làm việc (05/10/2014) cho đến cuối tuần lễ đầu, THĐ đã trải qua 10 phiên họp với nhiều ý kiến và đề nghị sôi nổi, nhiều khi không phải là không có những cuộc tranh cãi khá gay gắt, đến nỗi, tại phiên họp thứ 10, sau khi bản phúc trình sau thảo luận giữa kỳ được công bố đả xẩy sinh “các nhận định không thuận lợi cho phúc trình” (như nhan đề bản tin của Vũ Văn An ngày 14/10/2014 trên VietCatholic News đã chỉ ra). Hoặc “Âu lo của các nghị phụ với bản Phúc Trình Sau Thảo Luận” (theo như Đặng Tự Do cũng ngày 14/10/2014 trên VietCatholic News). Hay “Thượng Hội Đồng về Gia Đình gây chấn động với Phúc Trình Sau Thảo Luận” (Vũ Văn An, VietCatholic News 13/10/2014)…
Lý do: “Các nghị phụ phàn nàn rằng bản Phúc Trình Sau Thảo Luận đưa ra hôm Thứ hai đã không phản ánh đúng những suy nghĩ của Thương Hội Đồng” (Đặng Tự Do – Âu lo…14/10/2014).
Bài viết của Đặng Tự Do nêu rõ ĐHY Raymond Burke (Mỹ) “cáo buộc rằng bản Phúc Trình không phản ánh chính xác các cuộc thảo luận tại THĐ, nhưng ‘trên thực tế lại đề xuất những quan điểm mà nhiều nghị phụ không thể chấp nhận, và tôi có thể nói những mục tử trung thành với đoàn chiên không thể chấp nhận.’” Cũng theo tiết lộ của bài báo,“vị Hồng Y Mỹ cho biết rằng ‘một số lượng lớn những nghị phụ của THĐ phản đối Phúc Trình này.’”
Ngày 16/10/2014, các tham dự viên của Thượng Hội Đồng bước vào giai đoạn II của cuộc thảo luận. Cha Lombardi kể lại rằng: “Những gì tôi chứng kiến sáng nay là rất đáng ghi nhận … Mọi người thảo luận rất cởi mở và đó là một phần quan trọng của việc đổi mới từ cuộc họp của Thượng Hội Đồng …”
Các tham dự viên sẽ tiếp tục nghiền ngẫm các văn bản từ tài liệu làm việc để bàn về những thách đố nơi gia đình trong bối cảnh Tân Phúc Âm hóa. Cha Federico Lombardi, Giám đốc phòng báo chí cùng các trợ lý đã tường thuật lại những gì Đức Hồng Y Christoph Schonborn người Áo trình bày về giai đoạn tiếp theo này trong tiến trình thảo luận.
Cha Lombardi trình bày “điểm chính” cuộc thảo luận vào sáng thứ Năm và những kết quả từ cuộc thảo luận đang được cánh báo chí trên thế giới lưu tâm cách đặc biệt. Mỗi nhóm đều làm việc chăm chỉ để đề xuất những cải tiến, sửa đổi trong tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng và sẽ đi đến biểu quyết vào ngày thứ Bảy 18.10 tới đây.
Trong khi một số các phương tiện truyền thông đời đã mô tả cuộc thảo luận đang xảy ra những căng thẳng, xung đột từ các giám mục có đầu óc cải tiến thì Cha Tom Rosica người Canada cho biết các cuộc thảo luận hết sức chân thành và trung thực và đó cũng là mong muốn của Đức Thánh Cha. Đồng thời từ những thảo luận chân thành và trung thực này sẽ đưa ra quyết định trong Giáo Hội.
Một số những thắc mắc từ các cuộc hội thảo trước, nay cũng đang có những giải thích nhận được nhiều sự đồng thuận, như Hoàng Minh của VRNs (Tin DCCT Việt Nam) ghi nhận ngày 16/10/2014 như sau:
“Phải chăng những thay đổi này dẫn đến việc thay đổi bản chất của Giáo huấn Giáo hội về đời sống hôn nhân và gia đình? Đức Hồng Y Schonborn khẳng định rằng: ‘Không hề có chuyện đó. Việc đổi mới là nhằm để phát triển giáo huấn của Giáo hội để đối phó với những thách đố trong đời sống ngày nay. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta ‘chuyển đổi mục vụ’ trong Giáo Hội nơi nhiều nước châu Âu, là một thành phần của thế giới. Điều đó đòi hỏi sự can đảm nơi các Giáo hội tại Châu Âu là ‘đi ra các đường phố’, gặp tất cả mọi người, tôn trọng và tiếp đón họ, chứ không phải phán xét tình trạng của gia đình hay định hướng về khuynh hướng tính dục nơi gia đình ….
“Trường hợp về những người có khuynh hướng đồng tính thì giáo lý và các tài liệu nói rằng phải tiếp đón họ như những nhân vị và có cách cư xử mang tính Kitô giáo. Nhưng việc tôn trọng họ không có nghĩa là tôn trọng hành vi của họ.
“Đức Hồng Y Schonborn cũng nói đến kinh nghiệm đau khổ nơi những người con khi cha mẹ chúng ly dị, cũng như sự ngưỡng mộ của mình khi ngài làm việc mục vụ ở Vienna về tình yêu và sự quan tâm của một đôi đồng tính. ĐHY nhắc lại với cánh nhà báo rằng: Nhiệm vụ của Giáo Hội là tìm kiếm hạt giống tích cực của sự thật trong mọi tình cảnh, để nhận ra tình yêu nơi mỗi gia đình.”
Ngoài ra, trên truyền thông internet, người ta cũng đọc thấy quan điểm của ĐHY Kasper về một số vấn đề trong khủng hoảng gia đình hiện nay và những phản ứng đối với quan điểm ấy.
Theo tác giả Vũ Văn An, VietCatholic News ngày 16/10/2014 (Thượng Hội Đồng về gia đình, quan điểm gây tranh cãi của Đức HY Kasper về Phi và Á Châu), “trong cuộc phỏng vấn mới đây của hãng tin Zenit, ngài phát biểu hết sức một chiều, phiến diện về quan điểm của các Giáo Hội Công Giáo Phi Châu, trong khi lại dựa các luận điểm của mình vào những Giáo Hội không phải là Công Giáo để bênh vực chủ trương của mình là cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ (hình như không cần xưng tội!), theo một mô thức mà ngài gọi là “được khoan dung dù không được chấp nhận”.
Trong khi đó, khi được báo Vatican Insider phỏng vấn, nêu lên hỏi “Các người bảo thủ nói giáo điều đang bị lâm nguy”, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, linh mục Adolfo Nicolas, người sẽ từ nhiệm vào năm 2016, đang tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về gia đình đang diễn ra tại Rôma, đã trả lời: “Tuyệt đối hóa là sai lầm. Chúng ta lấy ví dụ của những cặp sống chung với nhau. Không phải vì có khiếm khuyết mà mọi sự đều xấu. Cũng như, có một cái gì đó tốt khi người ta không làm điều xấu cho người anh em. Đức Phanxicô đã nhắc lại chuyện này: “Tất cả chúng ta đều là kẻ phạm tội”. Phải nuôi dưỡng sự sống trong mọi lãnh vực. Công việc của chúng ta là đưa giáo dân về với ơn sủng chứ không phải vì các nguyên tắc mà loại bỏ họ. Đó là công việc hàng ngày của các tu sĩ Dòng Tên chúng tôi. Tòa Thẩm Tra biết chuyện này rất rõ.”
Vị linh mục kết luận: “Thần Khí vẫn là trước hết, vì Thần Khí đến từ Thiên Chúa, còn luật lệ và nguyên tắc là của con người. Đối với luân lý về tình dục và gia đình, phải dịu dàng và có tình anh em. Không phải chia rẽ nhưng là hòa hợp. Người ta không thể rao giảng Phúc Âm mà đi ngược với Phúc Âm. Chỉ có lựa chọn tập trung vào Chúa Kitô mới là lựa chọn thoát được các tranh chấp cằn cỗi, các tranh cãi ý thức trừu tượng. Các lỗ hổng và các bất toàn không vô hiệu hóa sự tiến triển của gia đình trong xã hội từ mấy mươi năm nay. Nếu có gì tiêu cực thì không phải tất cả mọi chuyện đều tiêu cực”(VietCatholic News, Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Tên trả lời phỏng vấn về Thượng HĐGM thế giới, Nguyễn Tùng Lâm dịch, 10/13/2014).
Chúng tôi thực hiện bản tóm lược này đang khi THĐGM đi vào giai đoạn cuối của tuần lễ thứ hai, và đúng lúc này cũng vừa nhận được Bản Tường trình kết thúc THĐ – cuộc hội ngộ kéo dài hai tuần lễ – trong đó xin ghi nhận lại một lần nữa lời của ĐHY Brandmuller: “Chúng ta phải nhớ rằng THĐ ngoại thường này sẽ chưa có một đúc kết cụ thể nào. Chỉ có THĐ thường kỳ diễn ra vào năm tới mới có thể làm điều đó.”
Bản Tường trình kết thúc THĐ
Vào đêm 18 rạng 19/10/2014, chúng tôi đọc được những bản tin kết thúc THĐGM thế giới. Xin mạn phép ghi lại những điểm then chốt mà bản tin ngày 18/10/2014 của Vũ Văn An, VietCatholic News đưa ra dưới nhan đề “Thượng Hội Đồng về Gia Đình: tường trình sau cùng”.
Theo bản tin này, đêm thứ Bẩy, THĐ về Gia Đình phiên đặc biệt đã kết thúc với bản tường trình sau cùng, hay bản tường trình của THĐ (Relatio Synodi), được công bố chi tiết. Theo đó, đã có sự sửa đổi lớn đối với cả hai vấn đề đồng tính và ly dị tái hôn so với bản tường trình giữa khoá hay còn gọi là bản tường trình sau thảo luận (relatio post deceptationem).
Bản tin nêu rõ: Các đoạn nói về hai vấn đề trên là những đề mục không hội đủ 2 phần 3 số phiếu để được thông qua, mặc dù đã được sửa lại với những lối nói thận trọng hơn. Có giám mục sẵn sàng thay đổi thì cũng có giám mục lo ngại trước việc xâm hại tới truyền thống Công Giáo.
Đức HY Raymundo Damasceno Assis, TGM Aparecida, Ba Tây, cho rằng đây là một“tài liệu thỏa hiệp” nghĩa là phản ảnh cố gắng dung hoà khuynh hướng muốn có sự cởi mở lớn hơn và khuynh hướng bảo thủ lo lắng trước viễn ảnh giáo huấn GH bị lu mờ.
Điều này xem ra cũng phản ảnh viễn kiến của Đức Phanxicô. Trong bài diễn văn dài 10 phút, Đức GH nói rằng Giáo Hội Công Giáo cần mở ra con đường trung dung giữa “cứng cỏi chống đối” và “thương xót sai lầm”. Ngài nói thêm: Giáo Hội không nên “ném đá người tội lỗi, người yếu đuối và người bệnh hoạn” mà cũng không nên “xuống khỏi thập giá”bằng cách tự thỏa hiệp với “tinh thần thế gian”.
Bản tin cho biết Đức Giáo Hoàng vừa dứt lời, THĐ đứng lên hoan hô trong 5 phút đồng hồ.
Bản tường trình của THĐ được dùng để hướng dẫn các cuộc thảo luận trong suốt năm tới, chuẩn bị cho THĐ thông thường về gia đình dự trù được tổ chức vào tháng Mười, 2015.
Bản tường trình kết thúc rằng: Người đồng tính phải được “chào đón một cách tôn trọng và tế nhị” không nên “bị kỳ thị một cách bất công”; nhưng đồng thời cũng quả quyết rằng “không có căn bản nào” để so sánh “dù là xa xôi” các mối liên hệ đồng tính này với cuộc hôn nhân giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà.
Về những người CG ly dị và tái hôn dân sự, tường trình sau cùng cho hay: việc cho phép họ rước lễ được cả hai phe nhiệt tình tranh luận và kết cục, THĐ đã quyết định để nó lại cho một cuộc nghiên cứu thấu đáo hơn.
Riêng thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, đại đa số các nghị phụ THĐ ủng hộ một hệ thống nhanh hơn, đơn giản hơn và lý tưởng nhất là miễn phí. Tuyên bố vô hiệu là tuyên bố rằng một cuộc phối hợp chưa bao giờ là hôn nhân cả vì thiếu một trong những điềulàm nó thành sự. Trên thực tế, lời tuyên bố này cho phép người ta kết hôn lần thứ hai trong GH.
Chúng ta tiếp tục hiệp thông cùng ĐTC Phanxicô và toàn thể Giáo Hội khẩn thiết cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng cho các Đấng bậc tìm ra và thực hiện viên mãn các điều tốt đẹp Chúa muốn cho Giáo Hội và cho sự thăng tiến của mọi gia đình, nhất là gia đình con cái Chúa nơi trần gian này đang rơi vào khủng hoảng.
Lê Thiên
(Khánh Nhât Truyền Giáo 19/10/2014).