Thập giá là tình yêu không điều kiện của Thiên Chúa

Thập giá Chúa Kitô như viên kim cương tuyệt bích. Xoay nó dưới ánh sáng mặt trời, bạn thấy nó có muôn vàn màu sắc lấp lánh. Giữa các biểu tượng khác, nó có cái giá của một tình yêu đích thực, sức mạnh của tính mỏng dòn đem đến cho cộng đoàn, sự hiện hữu của Thiên Chúa với nỗi đau con người, cách cái chết gột sạch mọi điều, cách cái chết có thể trở thành chiến thắng, cách người nào đó phải tuyệt vọng than khóc trước khi có được chiến thắng, và đặc biệt là cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện.


Kết quả hình ảnh cho croix du mont royalTình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa là những gì rốt cùng ngày thứ Sáu Tuần Thánh muốn nói với chúng ta. Đó là lý do vì sao nó được gọi là ngày Thứ Sáu Tốt Lành, chứ không phải ngày Thứ Sáu Đen Tối.

Điều này làm tôi nhớ rõ cách đây khá lâu. Có một anh khoảng ngoài ba mươi đến gặp tôi. Anh không xưng tội, nhưng buổi nói chuyện của anh như một buổi xưng tội.

Anh ngồi xuống và nói ngắn gọn, “Thưa cha, con muốn kể cho cha nghe một câu chuyện. Điều xấu nhất có thể xảy ra cho bất cứ ai đã xảy ra cho con – và điều tốt nhất có thể xảy ra cho bất cứ ai, cũng đã xảy ra cho con. Con đã đi xuống tận hỏa ngục và đã trở lại – việc con đã đi xuống tận hỏa ngục làm cho con tin có thiên đàng.”

Khi kể cho tôi nghe câu chuyện, nước mắt anh tuôn tràn. Anh đã lập gia đình, có ba con. Hôn nhân của anh căn bản là tốt đẹp, dù anh không chung thủy trọn vẹn. Thiếu suy nghĩ, thiếu đời sống cầu nguyện, bị cám dỗ do tính ích kỷ, do áp lực của nền văn hóa đương thời, anh sa ngã vào quan hệ yêu đương với cô thư ký trong văn phòng. Mới đầu anh không ý thức nhiều về tội của mình và tiếp tục sống bình thường với gia đình, giáo xứ, công việc.

“Thật không thể tin được,” anh thú nhận, “nhưng con đã tiếp tục làm chuyện này mà không cảm thấy một chút mảy may tội lỗi nào. Thậm chí con còn tin rằng chuyện này còn giúp cho cô ấy để hết tâm trí vào công việc và giúp con trở thành người chồng, người cha tốt hơn.”

Cuối cùng cô mang thai. Đến lúc này anh vẫn không ý thức về tội của mình. Anh tiếp tục sống như trước. Cô gái thì không.

Một ngày nọ, sau khi đi nghỉ với gia đình về anh nhận một bức thư. Cô gái cho biết cô đã phá thai, đã xin nghỉ việc, và chuyển đến ở một nơi khác. Mọi chuyện đã chấm dứt. Đến lúc này anh mới cảm thấy tội lỗi, sâu xa và đau đớn. Trước đó, anh ít cảm thấy tội lỗi. Bây giờ, bỗng chốc, thực tế đó khuynh đảo anh. Cuộc sống của anh bị đảo lộn. Tội lỗi làm cho anh mất tự chủ và bất lực khi nghĩ làm sao mình đối diện với Chúa, với gia đình và với chính mình, anh đã quyết định, dù chưa rõ ràng bằng cách nào, anh sẽ tự sát. Không một dự định nào trong đầu, ngay trong đêm nhận bức thư đó, anh ngồi vào xe, và bắt đầu lái.

Sau vài giờ chạy xe, anh thấy mình đang đi trên một con đường hoang vắng, không biết mình đang ở đâu và xăng thì đã cạn hết. Anh ra khỏi xe, trước mặt là một nhà thờ hoang phế. Các cánh cửa đã rơi khỏi bản lề và anh bước vào một cách vô thức và ngủ lúc nào không hay. Anh thức giấc lúc mặt trời ló dạng. Nhìn quanh nhà thờ anh chỉ thấy một vật duy nhất còn sót lại đó là cây thập giá treo trên bức tường phía trước.

Anh nói, “Cha biết đó, con thuộc gia đình đạo dòng. Con đã nhìn thập giá không biết bao nhiêu lần. Nhưng trước đây, con đã không nhìn rõ thập giá. Bây giờ con nhìn vào đó và con đã hiểu. Con đã đi xuống tận hỏa ngục và Thiên Chúa đã không bao giờ ngừng yêu thương con, dù chỉ một giây!”

Rồi anh nói thêm, “Con không hãnh diện về những gì con đã làm. Tội lỗi đó sẽ luôn là một phần quá khứ của con, không gì có thể xóa bỏ được nó. Nhưng vì những gì con cảm nhận khi nhìn thập giá nên con hiểu ý nghĩa của nó, con có thể sống vượt lên. Bây giờ con biết Chúa thương con dù con sai trái và tội lỗi. Con tìm thấy sức mạnh từ đó để sống một cuộc sống mới, lánh xa tội lỗi.”

Câu chuyện này làm cho tôi nhớ đến lời bình giải thần học mà nhà bình giải Jürgen Moltmann nói về thập giá của Đức Ki-tô:

Thập giá là yếu tố hoàn toàn không gì có thể sánh được trong mạc khải của Thiên Chúa. Chúng ta đã quá quen với thập giá. Chúng ta bọc hoa hồng chung quanh lời gièm pha về thập giá. Chúng ta dựng nên một thuyết chuộc tội từ đó. Nhưng đó không phải là thập giá… Trên thập giá, Thiên Chúa không là Thiên Chúa. Nơi đó là chiến thắng của sự chết, của kẻ thù, của phi giáo hội, của chính quyền không tuân thủ luật pháp, của người báng bổ, của quân lính. Nơi đó Xa-tăng chiến thắng Thiên Chúa. Đức tin của chúng ta bắt đầu ở một điểm mà những người vô thần cho là điểm kết thúc. Đức tin của chúng ta bắt đầu bằng đêm tối, sức mạnh đêm tối của thập giá, bằng ruồng bỏ, cám dỗ và nỗi hoài nghi về mọi cái hiện hữu! Đức tin của chúng ta phải được sinh ra từ nơi nó bị ruồng bỏ bằng tất cả thực tế hữu hình; nó phải được sinh ra từ hư vô, nó phải nếm trải sự hư vô này và phải nếm trải trong một cách mà không triết thuyết hư vô nào có thể tưởng tượng ra. (The Crucified God)

Đức tin của chúng ta bắt đầu từ nơi chúng ta nghĩ là hết. Có thể hơn bất cứ điều gì khác, sự tối tăm của hỏa ngục, u ám của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, có thể giúp chúng ta hiểu được tình yêu của chốn thiên đàng.

Chính vì tình yêu này mà chúng ta ca tụng khi chúng ta ca tụng cái chết của Đức Ki-tô.

Tình yêu khởi đi từ thập giá của Đức Ki-tô không phải là một điều gì đó để ngưỡng phục, sùng bái, nhưng là để hiểu và để sống với.

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Nguyễn Kim An dịch

(phanxico.vn 26.05.2019)