Thánh giá và Tình Thương

Chắc không phải tình cờ mà Hội Thánh thiết đặt hai ngày lễ Suy tôn Thánh giá Chúa Giêsuvà lễ Đức Mẹ sầu bi tiếp nối nhau trong lịch phụng vụ Công giáo (14 và 15/9). Nếu tiếng “Xin Vâng” của hai mẹ con đã hòa quyện với nhau để phụng mệnh thiên ý Chúa Cha, thì đường Thánh giá của Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã hội tụ vào nhau để hiển thị Tin Mừng, Tin Mừng về đau khổ, Tin Mừng có sức ủi an và cứu độ.

Thấu cảm nỗi đau của tha nhân

Là người môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã theo sát con mình trên đường thánh giá. Những làn roi quất vào thân thể Chúa Giêsu, mão gai bấu vào đầu, những cây đinh đóng vào tay chân Người đều làm Mẹ đau thấu xương và khiến cho chính trái tim Mẹ bị đâm thâu như lời cụ Simêon tiên báo khi Mẹ cùng thánh Giuse dâng hài nhi Gie6su vào đền thờ: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Luca 2, 33).

Không biết Mẹ đã nghĩ gì khi nghe những lời này và lúc quặn đau theo con trên đường khổ giá, nhưng trích đoạn thư của một bà lão gần 90 dưới đây có thể giúp tôi tiếp cận với tâm trạng của Mẹ.

“Xin thêm lời cầu nguyện cho con. Tuổi cao, bệnh nhiều lên. Xin cho con chịu mọi sự khó Chúa định cho, vui lòng vác thánh giá cho đến cùng”.

Dù muốn hay không, ai trong chúng ta cũng có thập giá riêng trong đời để gánh vác, nhưng vui lòng vác và vác cho đến cùng gánh nặng ấy như Mẹ Maria và ước nguyện của người giáo dân cao niên này, thì chắc phải cần đến ơn trợ lực của Chúa và một tình yêu mãnh liệt dành cho Chúa, mới có thể thực hiện được.

Thực vậy, chỉ có tình thương mới khiến chúng ta thấu cảm, chia sẻ và đảm nhận nỗi đau của thân nhân. Và cũng chỉ có tình thương mới có thể làm cho tha nhân trở nên người cận thân hay thân nhân của ta mà thôi.

Có khi nào các Bạn tự hỏi mình: vì quá chú ý đến thiếu thốn hay bệnh tật của bản thân mà tôi quên hay không lưu tâm đủ đến nỗi đau của thân nhân hay của anh chị em sống gần mình không?

Hành trình thương khó của bản thân

Nhiều dạng đau khổ thể xác hay tinh thần không chỉ diễn ra trong chốc lát mà kéo dài nhiều năm, thậm chí có khi cả đời người. Đó là cả một con đường gian khổ hay đường thánh giá, đối với Kitô hữu.  Hành trình thương khó là con đường “khó thương”, vì mọi người đều khát khao hạnh phúc chứ chẳng ai lại muốn chịu thương đau, khổ sở. Thế nhưng chính Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu đau khổ và đi đến tận cùng hành trình thánh giá, vì yêu thương và hạnh phúc của tất cả nhân loại cũng như của từng người chúng ta.

“Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một mẫu gương cho anh em dõi bước theo Người” (1 Phêrô 2, 21)

Vẫn biết yêu là khổ, nhưng thực tế cho thấy quanh ta biết bao người vẫn dám chịu khổ vì yêu và đang yêu, vì không yêu thì đời đâu còn đáng sống nữa!  Nếu tin Thiên Chúa yêu thương và chịu khổ vì ta và với ta, chúng ta sẽ không còn cảm thấy đơn côi trong nỗi đau của mình. Hơn nữa, mỗi người có thể biến đau khổ thành của lễ cuộc đời dâng lên Thiên Chúa.

Sau khi bị mưu sát vào ngày 13.5.1981 và trong giai đoạn điều dưỡng tại bệnh viện, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô  đã tâm sự với các bệnh nhân qua những dòng thư đáng cho chúng ta suy nghĩ:

“Khi tôi gặp gỡ các bệnh nhân, tại Roma hay trong các chuyến du hành, tôi thích ngừng lại trước mỗi người bệnh, lắng nghe họ, chúc lành cho họ và nhắc nhở họ rằng mỗi người trong họ đều được Thiên Chúa tỏ lòng ưu ái. Đức Giêsu đã làm như vậy.

Thiên Chúa đã cho chính tôi, lúc này đây, cũng cảm nghiệm được nỗi đau và sự yếu đuối ngay trong thân xác mình. Tôi cảm thấy rất gần gũi với anh chị em. Tôi hiểu những thử thách của anh chị em hơn. “Những gian nan thử thách Đức Kitô phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức” (Côlôxê 1, 24).

Tôi kêu mời anh chị em, cùng với tôi, dâng lên Chúa những đau khổ của mình, Người là Đấng đã thực hiện những việc vĩ đại nhờ cây Thánh Giá: hãy hiến dâng để tất cả Giáo Hội, qua bí tích Thánh Thể, có được một sự canh tân Đức Tin và Đức Ái, hầu cả thế giới đón nhận được ơn phúc do sự tha thứ, hòa bình và tình yêu”[1].

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Gioan Phaolô II, xin Thiên Chúa thánh hóa nỗi đau của chúng ta và giúp mỗi anh chị em biết dâng hiến khổ đau thể xác và tinh thần của mình, để thăng hoa cuộc sống làm môn đệ của Đấng đã chịu đóng đinh và phục sinh vì yêu thương chúng ta.

 

Kỷ niệm 30 năm ban hành Tông Thư của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II,

Salvifici  Doloris-Ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo (1984-2014)