THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,45-52
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
(Mc 6.51)
1. Sứ mạng của các môn đệ là loan Tin Mừng khắp nơi. Bởi đó sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, mặc dù dân chúng có quyến luyến, mến phục các môn đệ, Chúa cũng “bắt” họ “lập tức” phải rời nơi đó để đi đến các nơi khác. Vâng! Nếu tình cảm nhân loại tự nhiên mà cản trở sứ mạng của chúng ta, thì dù nó có chính đáng đi nữa, ta cũng không nên quá quyến luyến để nó trở thành bận vướng.
Cuộc hành trình của các môn đệ (và cả của chúng ta) đôi khi cũng có những khó khăn nguy hiểm như đang đi trong bão táp. Cảm giác tự nhiên là chúng ta hoảng sợ. Sợ hãi như vậy không phải là một điều khó hiểu. Khi con người cảm thấy mình bất lực trước một biến cố hay một thách đố nào đó mà tự mình khó có thể đương đầu nổi hay khó có thể vượt qua thì tự nhiên là họ cảm thấy sợ. Nếu chỉ là một sự sợ hãi chóng qua thì chẳng có điều gì phải nói. Nhưng nếu cứ phải sống mãi trong sự sợ hãi triền miên, hay sự sợ hãi lên đến mức quá độ, thì chắc chắn cuộc sống con người sẽ bị ảnh hưởng.
Trong kho tàng những câu chuyện dạy đời, người ta đọc được câu chuyện này:
Một người hành hương đang định vào Baghdad thì gặp bệnh dịch ở dọc đường. Bệnh dịch cũng đang trên đường đi vào đó. Thấy thế người khách hành hương hỏi bệnh dịch:
– Mi định làm gì ở đó?
– Tôi sẽ giết 5000 người.
Người hành hương rùng mình và ngay lập tức anh thay đổi dự định và đi về hướng khác. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó đi ra và được biết không phải 5000 nhưng là 50.000 người đã chết.
Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Bằng một giọng thật nghiêm khắc anh buộc tội bệnh dịch:
– Mi nói láo. Mi nói chỉ giết 5000 người, vậy mà thực tế lại quá khác!.
Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ:
– Tôi chỉ giết có 5000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ” (Góp nhặt).
Vâng! Có những nỗi sợ gây thiệt hại nhiều hơn cả những hiểm nguy có thực.
2. Chúa nói với các môn đệ của Ngài: “Cứ bình tĩnh. Thầy đây! Đừng sợ!” (Mc 6,50) Trong toàn bộ Kinh Thánh người ta đếm được tới 365 lần Chúa nói: “Đừng sợ” như thế. 365 lần tương đương với 365 ngày trong một năm.
Khi chú giải về đoạn Tin Mừng này thánh Augustinô đã viết: “Ngài đạp sóng tiến đến và như thế Ngài đã giày đạp dưới chân mình mọi xô bồ náo loạn của đời này. Vậy hỡi Kitô hữu, tại sao các bạn vẫn còn sợ hãi?”.
Xin gửi đến anh chị em một câu chuyện có thực được kể ở trong cuốn “Bưng biền của Thiên Chúa” của Cha George.
Trong một tu viện đang bị quân đội Xô Viết chiếm đóng, một hôm viên sĩ quan Xô Viết vào tận căn phòng mà họ giam cha tu viện trưởng ở trong đó và nói:
– Hiện giờ chỉ có hai chúng ta, không một ai chứng kiến, vậy ông hãy nói sự thật, đừng sợ gì cả! Hãy nói cho tôi biết là ông không còn tin vào tất cả những chuyện Chúa bà, tôn giáo mà trước đây ông tuyên xưng!
Vị Tu viện trưởng trả lời:
– Không! Tôi vẫn tin chứ!
Viên sĩ quan liền rút súng lục ra, dí thẳng vào thái dương cha và nói:
– Nếu ông không nói là ông chẳng tin gì nữa… thì tôi sẽ bắn!.
Và một lần nữa cha tu viện trưởng lập lại lời tuyên xưng của mình. Và ngay sau đó khẩu súng được từ từ hạ xuống rồi viên sĩ quan ôm lấy cha tu viện trưởng vừa rưng rưng nước mắt vừa vui sướng kêu lên: “Đây là điều mà tôi trông đợi từ lâu. Đây chính là người mà tôi tìm kiếm. Tôi cũng vậy, bây giờ tôi tin vào Chúa Kitô”.
Vâng! Có một sự kiện đơn giản ở đời, một sự kiện đã được vô số người thuộc mọi thế hệ cảm nghiệm, ấy là khi có mặt Chúa Giêsu, thì bão tố trở thành yên lặng, náo loạn trở nên bình an, việc bất khả trở thành khả hữu, việc không tài nào chịu đựng nổi biến thành có thể chịu đựng được, và người ta vượt được điều đáng lẽ phải ngã quỵ mà không bị ngã xuống, có Chúa Cứu Thế Giêsu cùng đi với chúng ta, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ chinh phục được cả bão tố.
Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Ðạo.
Xin sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý