Suy niệm Chúa nhật 3 TN năm C _Lm Trầm Phúc

Gợi ý suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật thứ ba TN năm C (Lc 1,1-4; 4, 14-21)

Suy niệm Chúa nhật 3 TN năm C _Lm Trầm Phúc

Phụng vụ lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta đi vào những hoạt động của Chúa Giêsu khi Ngài bước vào đời sống công khai rao giảng. do Thánh Luca tường thuật.

Thánh Luca giới thiệu công việc của ngài bằng một lời dẫn nhập ngắn gọn để cho thấy chủ đích của ngài khi viết lại những gì Chúa Giêsu đã làm. Quyển sách nầy đề tặng một ông Thêôphilô nào đó, có thể là một người có cảm tình với đạo, muốn tìm hiểu, và là một quan chức cao cấp trong chính quyền thời bấy giờ. Tên Thêôphilô, theo tiếng Hy lạp, lại có nghĩa là “người yêu mến Chúa”, cũng có thể là một tên tượng trưng cho các tín hữu, là những người yêu mến Chúa.

Thánh sử nói rằng, trước khi ngài viết quyển sách nầy, đã có nhiều người khác viết về những biến cố nầy do những chứng nhân mắt thấy tai nghe đã kể lại. Thánh sử cũng nói rõ, ngài cũng cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự. như thế những điều ngài tường thuật là chính xác và vững chắc. Chúng ta hãy bước theo ngài để đi sâu vào cuộc đời và sứ mệnh cứu thế của Chúa Giêsu. và như thế, chúng ta cũng được cứu vớt.

Hôm nay, chúng ta đi vào giai đoạn đầu của cuộc đời rao giảng của Chúa. Ngài rao giảng tại xứ Galilê là vùng đất của Ngài. Mỗi ngày sabat, Ngài vào các hội đường và rao giảng tại đó. Hôm nay, Ngài về quê và vào hội đường Nadaret. Người ta trình cho Ngài đọc một đoạn sách tiên tri Isaia hôm nay nói về Thánh Thần xuống trên tiên tri và sai tiên tri đi công bố hồng ân của Thiên Chúa.

Theo tục lệ ở hội đường, người ta đọc sách Luật và sách tiên tri rồi giải thích những đoạn sách đó. Và thường là ông chủ hội đường hay một người nào trên ba mươi tuổi có khả năng đều được mời giải thích lời Chúa. Chúa Giêsu đứng lên và đọc đoạn sách người ta trình cho. Thánh Luca tỉ mỉ ghi lại từng cử chỉ của Chúa Giêsu, ghi lại phần chính của bài đọc, nhưng không ghi lại những lời Chúa giảng mà chỉ nhắc lại câu đầu tiên thôi.Chúa Giêsu đọc xong, cuộn sách lại và trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy đều chăm chú nhìn Ngài. Ngài tuyên bố: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”.

Thánh Luca chú ý đến từng cử chỉ của Chúa vì đây là hành động phụng vụ, đây là thời điểm quan trọng công bố Lời Chúa. Luca cũng cho chúng ta thấy bầu không khí trang nghiêm  của buổi lễ thích hợp với lời tuyên bố trang trọng của Chúa: Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh thánh quí vị vừa nghe”.

Đó là lời tuyên bố đầu tiên khi bắt đầu công cuộc rao giảng của Ngài. Luca chỉ ghi lại một câu duy nhất đó. Xem ra không có gì là quan trọng nhưng lại là một câu then chốt, gồm tóm tất cả sứ mệnh của Chúa. Ngài chính là người được Thánh thần sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo… và công bố năm hồng ân của Chúa. Tất cả đều do Thánh Thần Chúa.

Hôm nay. Đây không chỉ thời gian chúng ta đang sống mà là thời gian của Thiên Chúa. Hôm nay chính là thời thương xót. Chúa Cha sai Con Chúa xuống trần gian rao giảng Tin Mừng cứu độ, thực hiện lời hứa từ khởi đầu của Chúa, giải thoát con người khỏi ách ô lệ tội lỗi và mang lại ánh sáng cho chúng ta là những người mù… Chúng ta đi vào thời gian vĩnh cửu, thời gian của yêu thương.

“Hôm nay, đã ứng nghiệm lời Kinh thánh mà quí vị vừa nghe”. Vậy ai là người được Thần Khí Chúa ngự xuống, xức dầu và sai đi rao giảng cho kẻ nghèo hèn…? Chúa Giêsu không nói rõ là ai nhưng nếu chúng ta suy nghĩ thì thấy rằng những lời đó được ứng nghiệm trong lúc đó. Người được Thần Khí xức dầu và sai đi rao giảng là Ngài. Ai làm ứng nghiệm lời tiên tri đó, phải chăng là chính người vừa tuyên bố: “Hôm nay, đã ứng nghiệm lời quí vị vừa nghe”. Một cách mặc nhiên Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài là người mang sứ mệnh do Thánh Thần trao cho.

Hôm nay, là thời gian không đo được bằng giây phút nữa mà đo bằng tình yêu. Tình yêu Chúa Cha tràn ngập chúng ta qua Chúa Giêsu, là Lời ban sự sống. Ngài là ánh sáng cho kẻ mù lòa, là ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, là  con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.

Chúng ta được rửa trong Thánh Thần và được tràn đầy Thánh Thần khi lãnh nhận phép Thêm Sức, chúng ta được mời gọi sống cái hôm nay của Thiên Chúa trong thời gian của chúng ta. Chúng ta cũng được xức dầu Thánh Thần, được sai đi công bố  Tin Mừng cho thế gian. Phải làm sao cho cái hôm nay của chúng ta trở thành hồng ân, thành vinh quang cho Cha chúng ta trên trời. Chúa Giêsu đã đến rồi, đã vạch con đường cho chúng ta và chính Ngài là con đường là sự thật và là sự sống. Tuy chúng ta hèn kém và yếu đuối, nhưng Thánh Thần Chúa vẫn có thể biến chúng ta thành dụng cụ của Ngài, nếu chúng ta chấp nhận cho Ngài chiếm hữu cả cuộc sống chúng ta, mọi hoạt đông của chúng ta. Trong Giáo Hội, chúng ta thấy rất nhiều người hèn kém như chúng ta đã trở thành những dụng cụ hữu hiệu cho Nước Chúa, như thánh Bênađêta, thánh Faustina, thánh Giêrađô, thánh Mactinô Porrès. Các thánh tông đồ có phải là những người thông thái đâu!

Chúng ta đừng để ơn Chúa ra vô hiệu trong chúng ta.

Vì chúng ta quá thụ động, vì chúng ta không xác tín sự cao trọng của chúng ta và khiêm nhượng không đúng chỗ, cứ tưởng mình vô dụng. Không! Chúng ta là con Thiên Chúa vì đã được tẩy rửa trong sự chết của Chúa Kitô và sống lại trong Chúa Kitô, chúng ta là những người được tuyển chọn, được sai đi. Chúng ta phải là ánh sáng thế gian như Chúa Giêsu đã nói.

Chúng ta không thể làm được những việc lớn lao, Chúa cũng không cần chúng ta làm những việc lớn lao, chúng ta chỉ cần yêu thôi. Như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, chị chỉ biết yêu thôi, làm mọi việc vì yêu mến Chúa. Đó là con đường mà chúng ta cần bước theo để thực hiện những kỳ vọng Chúa đặt nơi chúng ta.

Hơn hết, chúng ta được nuôi dưỡng bằng một thứ lương thực tuyệt vời là Mình Thánh Chúa, là thứ lương thực mang lại sự sống và sức mạnh thần linh, có sức biến đổi chúng ta thành một Chúa Giêsu mới, chúng ta phải mạnh dạn “đi ra” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, loan truyền tình yêu Chúa cho mọi người. Không phải chúng ta làm việc mà chính Chúa hoạt động trong chúng ta. Thánh Phaolô nhiều lần đã quả quyết: sở dĩ ngài có thể làm việc cho Chúa, không phải vì ngài tài giỏi mà vì ơn Chúa hoạt động trong ngài, vì ngài trở thành Giêsu mới: “Tôi sống, nhưng không phải tôi mà chính Chúa Giêsu sống trong tôi”. Ngài đã kinh nghiệm được sự đồng hóa đó với Chúa Giêsu, tại sao chúng ta lại không làm như ngài? Chúng ta ăn lấy Chúa thì đương nhiên chúng ta phải là một với Chúa, chúng ta không tin điều đó sao? Vậy thì như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho