Rõ ràng và rực rỡ – Những bài giảng chưa công bố của Đức Bênêđictô XVI

‘Thần tài, như con thú dữ, cố gắng tóm lấy tôi với móng vuốt của nó và nô dịch tôi.’

BenedictXVI.jpg

‘Người ta không mở ra với Thần Khí, thì như đầm lầy phun ra thứ khí hôi hám.’

‘Các luật sỹ tưởng tượng Thiên Chúa như một thầy giáo thực sự nghiêm khắc, giao cho nhân loại bài tập về nhà quá khó, chỉ một ít người làm được, còn đa số thì sẽ bị cho điểm rất kém.’

Trên đây chỉ là vài câu trong trong tuyển tập bài giảng giáo hoàng mới nhất.

Nếu bạn nghĩ các câu này nghe như giọng văn thường gặp của Đức Phanxicô, thì đúng là thế, nhưng đây lại chính là những lời của hồng y Joseph Ratzinger, trước khi trở thành Đức Bênêđictô XVI.

Mười bài giảng không chính thức, đầy màu sắc, nói tự phát, và chưa bao giờ được phát hành trước đây, là các suy niệm thường ngày của của linh mục Ratzinger với các giáo dân ở một giáo xứ nhỏ vùng Bavaria. Quyển sách 100 trang, hiện chỉ có tiếng Ý, với tựa đề, ‘Các Bài giảng ở Pentling,’ ngôi làng nhỏ ở nước Đức, nơi hồng y Ratzinger thường đi nghỉ và có một căn nhà với ý định khi về hưu sẽ về đây sống.

Đức Giáo hoàng Danh dự viết trong phần lời tựa rằng, ‘Ngoài một vài sửa đổi nhỏ, cha giữ văn phong của bài giảng hệt như xưa.’ Ngài nói ngài hi vọng các bài giảng, được viết lại từ các bản thu âm trong khoảng từ năm 1986 đến 1999, sẽ giúp ‘không chỉ các công dân Pentling’ mà còn tất cả độc giả ‘hiểu và sống lời Phúc âm.’

Trong khi Đức Giáo hoàng Phanxicô không ngừng cho thấy sự sắc bén khôn ngoan, với các ẩn dụ dễ nhớ trong các bài viết và bài nói chuyện của mình, thì nhiều người dường như quên mất là Đức Bênêđictô cũng rất giỏi trong việc này.

Cựu giáo sư và thần học gia lỗi lạc, cũng có cùng một tài năng giảng dạy như thế để trình bày và giải thích các khái niệm sao cho rõ ràng và đơn giản. Nhưng có lẽ bởi quá nhiều người tìm hiểu ngài trong bối cảnh trang trọng và khuôn phép hơn, nên thiên tư và những lời dạy ấm áp của ngài ít có chỗ trong triều giáo hoàng bận rộn của ngài.

Một cậu bé, vừa được rước lễ lần đầu, đã từng hỏi Đức Bênêđictô về cách Thiên Chúa thực sự hiện diện trong Phép Thánh Thể, khi mà ‘Con không thể thấy Chúa.’

Với một nụ cười nhẹ nhàng, Đức Giáo hoàng giải thích rằng, ‘Có nhiều điều quan trọng hiện diện mà không thể thấy được. Ví dụ như, điện thì không thấy được, nhưng mọi người biết có điện bởi chúng ta thấy ánh sáng mà điện làm ra, người ta thấy các hiệu ứng. Và khi mọi người không thể thấy Chúa Giêsu tận mắt, nhưng chúng ta có thể thấy Chúa qua những gì Ngài tác động. Chúng ta thấy nơi nào có Chúa Giêsu, thì người ta biến đổi, trở nên tốt hơn.’

Khi giảng với các giáo dân ở ngôi làng nhỏ này, ngài cho thấy ngài hiểu rằng hầu hết thế giới cũng không hiểu được sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô. Trong bài giảng năm 1991, ngài nói rằng,

‘Thiên Chúa đến giữa con người, để dễ gần với chúng ta, để trở nên một Thiên Chúa cho chúng ta. Ngài trở nên một Thiên Chúa trong tầm với của bạn, một Thiên Chúa đặt mình vào tay bạn. Nhưng, chúng ta phản ứng thế nào? Nếu đột nhiên ngày nay, báo chí loan tin có một nơi mà con người có thể nhìn thấy Thiên Chúa, nơi mà bạn có thể đi thẳng đến Ngài, thì chắc là lượng khách du lịch sẽ vô số kể, và truyền thông chạy theo sự kiện này đến thế nào. Nhưng dù cho Thiên Chúa luôn luôn hiện diện, thinh lặng chứ không ồn ào, hiện diện trong tình yêu và đơn sơ, thì phản ứng của chúng ta phần đông vẫn là thờ ơ. Các nhà thờ trống rỗng, và các môn đệ thì bỏ đi.’

‘Chúng ta thấy nơi nào có Chúa Giêsu, thì người ta biến đổi, trở nên tốt hơn.’

_ Bài giảng của hồng y Joseph Ratzinger

 

Hồng y Ratzinger, Trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, chạm đến nhiều chủ đề chung mà Đức Phanxicô đặt làm tâm điểm triều giáo hoàng của mình. Và những huấn giáo của hai giáo hoàng đều bắt rễ từ Kinh thánh.

Về nhu cầu Giáo hội mở ra với sức sống của Thần Khí, hồng y Ratzinger có nói trong một bài giảng năm 1987.

‘Một cộng đoàn Giáo hội khóa kín bản thân thì tự nhủ với mình, ‘Ở đây thật tốt, chỉ có chúng ta, chúng ta hiểu nhau quá rõ,’ – một cộng đoàn như thế, dù là ở Roma hay bất kỳ nơi nào khác đều sẽ tự nó sụp đổ, héo mòn. Cộng đoàn như thế không có sức sống nữa.’

Rồi ngài nói về tự hào và lười biếng có thể dẫn đến thói tự công chính, thứ đẩy con người xa lìa Thiên Chúa, cũng như khi họ đẩy người khác xa khỏi mình bằng những phán xét con người.

‘Chúng ta không được thành những kế toán của Chúa, tự nhận quyền kiểm kê sổ sách của Ngài, tự suy đoán ý nghĩ của Ngài … Chúng ta không được giao nhiệm vụ quyết định vận mạng của người khác. Chúng ta đứng trước Chúa, và chúng ta cần phải xin Chúa nhìn đến chúng ta và để Ngài nói với chúng ta. Những người khác là do tay Ngài phán quyết, chứ không phải chúng ta.’

Làm cho đời sống, giáo huấn và Lời của Chúa Giêsu được rõ ràng chung cho tất cả mọi người, là dấu ấn triều giáo hoàng Bênêđictô, và cũng là một trọng tâm trong bài giảng của ngài năm 1999.

Suy niệm về các chìa khóa thiên đàng mà Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô, Đức Giáo hoàng tương lai nói rằng Chúa Giêsu khiển trách ‘những ai dùng chìa khóa một cách tệ hại, những người với kiến thức nhất định, muốn làm rắc rối phức tạp Kinh thánh để không ai biết được ý nghĩa thực sự của Kinh thánh nữa.’

Giữ chìa khóa, ‘nghĩa là bạn phải mở khóa, để Kinh thánh trở nên dễ hiểu, để trở thành con đường sự sống. Và đây là một đặc nét mà Đức Bênêđictô XVI xác định trọn đời thừa tác vụ của mình là để giảng dạy và rao giảng với sự rõ ràng, đôi khi là một nét màu thật rực rỡ, để giúp mọi người khám phá ‘Lời Chúa thực sự chỉ lối.’

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 05.01.2016/
/CNS | Carol Glatz | 02-01-2016)