Nữ Vương ban sự bình an: Từ quan niệm người phụ nữ trong gia đình

 


Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương

quannemphunutronggiadinhTheo văn hóa Á Đông, người phụ nữ được coi người “nội trợ”, còn người đàn ông thì lo việc ngoài xã hội. Trong nhà, nếu có người phụ nữ chăm lo, thì gia đình được ấm cúng, trật tự ngăn nắp và bình an. Vì thế, trong tiếng Hán chữ bình an được viết từ hai chữ: gia và nữ. Gia là nhà, gia đình; nữ là phụ nữ. Nhà có người phụ nữ là có bình an. (Nhưng phải là một bà, một vợ, chứ hai ba bà, sẽ có chuyện). Gia đình nào có người phụ nữ chăm lo, gia đình đó có sự ngăn nắp, ấm cúng, sạch sẽ…; gia đình đó có bình an. Dĩ nhiên, người phụ nữ đó phải là người công dung ngôn hạnh, đảm đang, chịu khó, chung thủy và biết thương chồng thương con.

Tuy nhiên, ngày hôm nay, cuộc sống đã thay đổi, quan niệm về người phụ nữ cũng thay đổi. Ở những nước phát triển như ở Mỹ, vị trí người phụ nữ và đàn ông trong gia đình nhiều lúc thay đổi ngược lại, đàn ông trở thành nội trợ, phụ nữ người lo làm việc ngoài xã hội. Trong một số trường hợp, cánh phụ nữ dễ thành công và dễ tìm việc làm hơn cánh đàn ông, nhờ sự mềm dẽo, dễ hội nhập và nhanh nhẹnh, cùng một lúc làm được nhiều việc. 

Dầu có những thay đổi, nhưng không vì thế mà vai trò của người phụ nữ trong gia đình không được coi trọng. Sự hiện diện của họ là yếu tố giúp cho gia đình được bình an hạnh phúc. 

Eva, người phụ nữ làm mất bình an

Trong lịch sử nhân loại, có những người phụ nữ đã làm cho gia đình nhân loại được bình an. Nhưng cũng không thiếu những phụ nữ đã làm cho nhân loại mất bình an. 

Khởi đầu lịch sử nhân loại, Kinh Thánh cho chúng ta biết Eve là “mẹ của chúng sinh”, đã bị ma quỷ cảm dỗ và bất tuân lệnh Thiên Chúa, bà đã ăn trái cấm và đưa cho Adong cũng ăn (x. St 3,1-7). Hậu quả của sự bất tuân dẫn loài ngườ tới sự chết: “Cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người (Rm 5,12). Vì Eva là người phụ nữ đầu tiên đã phạm tội, nên cả gia đình nhân loại không có bình an và phải chết.

Maria, Nữ Vương ban sự bình an

Tuy nhiên, may mắn thay cho nhân loại, khởi đầu Giao Ước mới, Thiên Chúa đã cho xuất hiện một người phụ nữ khác, người phụ nữ đó đã mang lại sự bình an cho nhân loại, đó chính là Đức Maria.

Khác với Eva, Đức Maria “được chúc phúc giữa những người phụ nữ và Con lòng bà cũng được chúc phúc” (Lc 1,40). Bởi vì, Mẹ hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, Mẹ hoàn toàn tin vào Lời Chúa hứa. Mẹ là người nữ nhân đức vẹn toàn, công danh ngôn hạnh, mười phân vẹn mười. Mẹ đã cưu mang và sinh hạ cho nhân loại Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu Kitô, là Đấng Tối Cao, “Đấng dùng roi sắt mà cai trị muôn dân” (Kh 12,1-6). Nhờ Người Con đó, nhân loại khỏi chết và được cứu độ. 

Sau khi đã hoàn tất hành trình dương thế, Mẹ được Thiên Chúa ân thưởng đại phúc là được lên trời cả hồn lẫn xác. Đó là phần thưởng cho một người phụ nữ đã tin và sống theo ý Chúa. Đó cũng là hoa quả bởi phúc lòng Mẹ đã cưu mang và cho bú mớm. Mẹ xứng đáng với phần thưởng đó vì Mẹ đã dâng hiến trọn vẹn cho Chúa. Đây cũng sẽ là phần thưởng của ngày cánh chung cho những ai noi gương và sống như Mẹ.

Như thế, nếu Eva là người phụ nữ đã làm cho gia đình nhân loại mất bình an, thì Đức Maria đã làm cho gia đình nhân loại có bình an. Bên Tòa Chúa, Mẹ là người cầu bầu cho chúng ta. 

Dù lên trời, nhưng Mẹ luôn luôn gần gũi và đồng hành với chúng ta, những người con cái Mẹ trong đại gia đình Giáo Hội. Bên Tòa Chúa, Mẹ cầu bầu cho chúng ta được sự bình an. Nếu gia đình nào có Mẹ ở trong nhà thì gia đình đó có bình an. Vì Mẹ chính là “Nữ Vương Ban Sự bằng yên”.

Những dấu chứng của tình Mẹ

Lịch sử chứng minh rằng: trong hai mươi thế kỷ qua, Mẹ luôn luôn đồng hành với con cái Mẹ còn ở biển đời dương thế. Mẹ đã nhiều lần hiện ra ở Lộ Đức, ở Fatima, ở Guadalupe, ở Lavang… để an ủi, ban ơn và chở che con cái Mẹ trong những lúc lầm than khốn khổ. Mỗi lần hiện ra, Mẹ đều gửi tới loài người sứ điệp yêu thương và bình an của Mẹ. 

Mẹ cũng đã đồng hành với Giáo Phận Vinh gần 400 năm qua khi hạt giống Tin Mừng được gieo tại miền đất này, nên ngày 15-8-1892, Ðức cha Louis Pineau Trị dâng hiến giáo phận cho Ðức Mẹ và chọn lễ này làm quan thầy của Giáo Phận Vinh. Năm 1976 chiến tranh, nhà thờ Chính Tòa Xã Đoài bị dội bom, tượng Mẹ từ trên tháp rơi xuống mà vẫn đứng vững không hề gì. Mẹ vẫn chở che giáo phận trong những lúc tối tăm như thế. 

Có những người kể lại khi họ vượt biên qua Mỹ, giữa biển cả lênh đênh thập tử nhất sinh, chỉ còn lại chuỗi tràng hạt và tượng Đức Mẹ, cứ lần hạt và ôm gì lấy Mẹ. Nhờ sự bầu cử của Mẹ mà gia đình được sống và tới bến bờ đất nước Tự Do.

Mừng lễ Mẹ Lên Trời là ngày vinh thắng của Mẹ, chúng ta vui mừng chia sẻ phần vinh quang và hồng ân này. Dù nam hay nữ, tất cả chúng ta được mời gọi noi gương Mẹ để sống cuộc đời kitô hữu như Mẹ đã sống: là tin tưởng, phó phác, hiến dâng và phục vụ Chúa và Giáo Hội. Đó là con người đưa chúng ta về Trời cùng với Mẹ. Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ để xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta luôn được bình an trong mọi nghịch cảnh cuộc sống. Khi đi đường, khi lên xe, lên máy bay, hay bắt đầu làm bất cứ việc gì, chúng ta hãy đọc:

Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương Ban Sự Bình An, xin Mẹ cầu bầu cho chúng con khi này và trong giờ lâm tử – Amen.

 

“Con là đá, Ông là đá, Bà là đá, Quý Anh Chị em là đá”

 

Chúa Nhật XXI TN A

 

 

“Nầy con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo Hội muôn đời kiên trung,

Này con là đá, Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không hề chuyển rung”

 

Quý Ông Bà và Anh Chị em thân mến,

 

Mỗi lần chầu Phép Lành Mình Thánh Chúa, thì hầu như mọi nhà thờ từ Nam chí Bắc đều hát lên lời cầu cho Đức Giáo Hoàng cùng một giai điệu quen thuộc, một giai điệu mà Lm. Nhạc sĩ Hoài Đức đã lấy cảm hứng từ những lời khẳng định của Chúa Giêsu ngỏ với Phêrô trong Tin Mừng hôm nay: “Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

 

Phêrô, ngư phủ, không phải ai khác; trên Phêrô hèn yếu này, một Phêrô trầm trầy trầm trật với nhiều khiếm khuyết… chứ không phải trên một người đạo đức tài giỏi nào khác; và quan trọng hơn, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, chính Thầy, đích thân Thầy, không ai khác, chính Thầy hành động trên Phêrô; một cách nào đó có thể nói, không phải Phêrô làm mà Đức Giêsu làm. Thầy ở đây, chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết và sống lại hiển vinh.

 

Nhìn lại lịch sử, chúng ta đọc thấy bao tên tuổi lẫy lừng như César Đại Đế, bách chiến bách thắng như Napoléon, vang bóng một thời như Tần Thuỷ Hoàng… vân vân và vân vân… nhưng ôi thôi, tất cả đều nằm xuống và đi vào dĩ vãng, may lắm là được nhắc đến qua sử sách; ở đó, hậu thế đọc thấy không chỉ có công mà cả tội, tội ngàn đời của họ… Đang khi Kitô giáo, với một nhóm ngư phủ ít ỏi đầu tiên mà người đứng đầu là Phêrô èo uột lại kiên cường loan báo Tin Mừng Phục Sinh hơn 2000 năm qua và mãi cho đến cùng vì “Này đây, Thầy ở cùng anh  em mọi ngày cho đến tận thế” như Đấng Phục Sinh đã nói.

 

Những lời của Gamalien thời Hội Thánh sơ khai khi người ta bắt bớ các tông đồ thật chí lý: “Tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa”. 

 

Vâng, Hội Thánh là công trình của Thiên Chúa dù chỉ bắt đầu với một nhóm nhỏ tưởng như không làm nên tích sự gì. Phải, chỉ có Thiên Chúa mới chọn gọi kiểu đó, Người làm chơi như thiệt, làm thiệt như chơi; vì dưới ánh sáng đức tin, chúng ta nhận ra rằng, Hội Thánh là công việc của Trời, là công trình không phải do tay người phàm làm nên. Chính Đấng Sống Lại Từ Cõi Chết xây nên Hội Thánh của Ngài chứ không ai khác; không một sức mạnh, không một một thế lực nào khác giữa loài người hay chết này. Ôi huyền nhiệm!

 

Và rồi, thưa Quý Ông Bà và Anh Chị em,

 

Âm sắc lời khẳng định “Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” Đức Giêsu nói với Phêrô ngày nào, giờ đây, cũng đang vang vọng với mỗi chúng ta, cách riêng trong năm Tân Phúc Âm Hoá Gia Đình này. “Con là đá, Ông là đá, Bà là đá, Quý Anh Chị em là đá”. Không phải là những viên đá cảnh hay những khối cẩm thạch được các nghệ nhân thổi hồn; nhờ đó, đá biết cười, biết thở, biết khắc khoải, biết thổn thức… nhưng chúng ta, những viên đá bằng xương bằng thịt, mỗi ngày được Thánh Thần Chúa thổi hơi, thổi Lời, tác động và thanh luyện, được thịt máu châu báu Thánh Thể nuôi sống… chúng ta thao thức, chúng ta trăn trở, chúng ta vui mừng, chúng ta cùng lo lắng với Hội Thánh và những gì Hội Thánh đang để tâm… Chúng ta là những viên đá sống động được Thiên Chúa dùng mà xây nên Ngôi Đền Thờ thiêng liêng của Người như lời thánh Phêrô nói trong thư thứ hai của ngài.

 

Quý Ông Bà và Anh Chị em,

 

Phêrô là đá, các đấng bậc trong Hội Thánh là đá, cả chúng ta, những người làm ông làm bà làm cha làm mẹ, những bạn trẻ… chúng ta là đá, trên đá nầy, Đức Giêsu xây nên toà nhà Hội Thánh của ngài. Lại là một huyền nhiệm!

 

Bài đọc thứ hai hôm nay nói với chúng ta: “Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: phán quyết của Người làm sao hiểu được, đường lối của Người làm sao dò thấu!”.

 

Chúng ta đang sống trong Năm Tân Phúc Âm Hoá Gia Đình, năm mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi các gia đình hãy là một cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn bảo vệ sự sống, cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn loan báo Tin Mừng; nghĩa là hãy trở nên những viên đá sống động dựng xây Toà Nhà Hội Thánh thế kỷ 21 này.

 

Thứ nhất, gia đình chúng ta phải là những viên đá sống động trong việc cầu nguyện. Cầu nguyện phải là sống còn của gia đình. Một trong những món quà quý báu nhất cha mẹ có thể ban tặng cho con cái là tập cho con cái biết yêu thích cùng thưởng thức những giây phút cầu nguyện một mình. Không cách nào để thực hiện điều đó tốt hơn là dùng chính gương sáng cầu nguyện của mình. Hình thức thứ hai của việc cầu nguyện trong gia đình là cầu nguyện chung: đọc kinh trong gia đình. Kinh nghiệm cho biết, các gia đình bỏ kinh, bỏ cơm… là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt. Có hình ảnh nào dễ thương hơn khi mọi người được lắng nghe Lời Chúa trong những giây phút này. Hãy để Chúa Thánh Thần dạy dỗ mỗi khi đêm về nhiều hơn… thay vì cả nhà ngồi chầu trước con “quái vật một mắt” để nghe con người dạy bảo. Đố Anh Chị em, “con quái vật một mắt” là gì?, thưa, cái Tivi đó.

 

Thứ hai, gia đình chúng ta phải là những viên đá sống động trong việc bảo vệ sự sống. Theo Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc, mỗi năm, toàn thế giới có đến 42 triệu thai nhi bị giết chết, nhưng Việt Nam chúng ta đã chiếm hết 3,3 triệu sinh linh, nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á và là một trong 5 nước phá thai nhiều nhất trên thế giới. Trong diễn văn nhận giải Nobel Hoà Bình năm 1979, Mẹ Têrêxa Calcutta đã phát biểu: “Tôi cảm thấy sự phá hủy bình an ghê gớm nhất thời nay chính là phá thai. Đó là chiến tranh trực tiếp, giết người trực tiếp. Nếu một người mẹ còn có thể giết chính đứa con của mình, thì có gì bảo đảm rằng bạn không giết tôi và tôi không giết bạn vì giữa chúng ta nào có mối liên hệ gì?”. Toàn thế giới gọi người là Mẹ, nhưng được bao nhiêu người lắng nghe những lời tâm huyết ấy? Anh Chị em, là người công giáo, con cái của Hội Thánh, chúng ta hãy ra sức xây dựng một nền văn minh tình thương, chứ không tiếp tay cho nền văn minh sự chết.

 

Thứ ba, gia đình chúng ta phải là những viên đá sống động trong việc yêu thương. Một trong hai mục đích của đời sống hôn nhân Kitô giáo là yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Nếu tình yêu là mặt này của một đồng tiền, thì mặt kia sẽ là hy sinh… Ngày nay, đời sống gia đình đang đối diện với bao vấn đề nghiêm trọng, vì lẽ, ở đó thiếu vắng cảm thức của những hy sinh. Hãy bám chặt vào Chúa, cầu xin với Thánh Giuse và Đức Mẹ, cách riêng, khi Anh Chị em phải đương đầu với những nghịch cảnh trong đời sống hôn nhân, khi Anh Chị em không còn hy vọng ở gia đình và khi Anh Chị em nghĩ đến việc rời bỏ mái ấm như lời vị Đại Diện Đức Thánh Cha, Leopoldo Girelli, chia sẻ tại Đại Hội La Vang, Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc vừa qua.

 

Thứ tư, cũng là điểm cuối cùng, gia đình chúng ta phải là những viên đá sống động trong việc Loan Báo Tin Mừng. Thoáng nhìn qua Giáo Hội Hàn Quốc, nơi mà cách đây đúng 10 ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô vừa viếng thăm. Đức Hồng Y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng Giám mục Seoul, cho biết, từ thập niên 1980, trong những năm chuẩn bị lễ phong thánh các vị tử đạo 1984, Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc đã phát động phong trào “Một Cọng Một”, nghĩa là mỗi tín hữu phải làm sao giúp cho một người khác theo đạo. Nhờ đó, số tín hữu đã gia tăng gấp đôi. Trong 10 năm qua, số tín hữu công giáo Hàn Quốc đã tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu. Như thế, Giáo Hội Hàn Quốc là Giáo Hội phát triển mạnh nhất châu Á. Và hiện nay, Giáo Hội Hàn Quốc đang sống chương trình “Rao Giảng Tin Mừng Hai Mươi Hai Mươi”, nghĩa là vào năm 2020, số tín hữu công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng dân số Hàn Quốc, lý tưởng là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay để đạt con số 10 triệu người công giáo.

 

Quý Ông Bà và Anh Chị em,

 

Đức Hồng Y Gracias nói: “Gương mù cho thế kỷ nầy là chúng ta y hệt như mọi người khác”, dửng dưng như người khác, thờ ơ như người khác và lạnh lùng như người khác. Không, chúng ta không phải là những viên đá chết, những viên đá vô hồn thụ động… nhưng là những viên đá sống động, cầu nguyện chân thành, nhất mực bảo vệ sự sống và hết lòng bác ái yêu thương mọi người để tiếp tục loan báo Tin Mừng của Chúa… dẫu chúng ta yếu hèn như Phêrô, hoặc tệ hơn cả Phêrô, bởi chúng ta tin rằng, với ơn Chúa ban, chính Chúa đang hoạt động trên chúng ta, gia đình chúng ta hầu mỗi người, mỗi gia đình mãi là một viên đá sống động đang được Thiên Chúa dùng để tiếp tục xây nên Toà Nhà Hội Thánh của Người, một Hội Thánh trẻ trung xinh đẹp, sống động và bền vững đến muôn đời, Amen.

 

Lm. Minh Anh (Gp. Huế).