Lại một lần nữa, những thượng tế và kỳ lão đã trả lời đúng câu hỏi Chúa Giêsu đưa ra. Nhưng chính câu trả lời của họ lại trở nên lời kết án họ. Chúa Giêsu đã hỏi rằng người chủ vườn nho sẽ làm gì khi mà những người tá điền làm vườn nho không chịu nộp hoa lợi, còn bắt các đầy tớ của chủ đánh đập hành hạ và ném đá chết. Thậm chí các tá điền còn ác tâm giết cả người con trai của chủ. Các thượng tế đã trả lời là chủ sẽ lấy lại vườn nho và trao cho những người làm vườn nho khác biết nộp hoa lợi đúng mùa, còn những người tá điền phản loạn thì bị bắt và tru diệt.
Sau câu trả lời này của những vị lãnh đạo do thái giáo, Chúa Giêsu đã đưa ra lời phán quyết : “Bởi đó tôi nói cho các ông hay, Nước Thiên Chúa sẽ được lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”. Tính chất hiện tại của lời Chúa đặt tất cả chúng ta trước lời phê phán này của Chúa Giêsu. Như thế, câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu muốn nhắc nhở các thượng tế và kỳ lão cũng nhằm nhắc nhở chúng ta sứ điệp cảnh giác vừa là sứ điệp hy vọng. Bởi vì Nước Thiên Chúa luôn tồn tại vững bền dù con người có ác tâm cố tình phá hoại. Trở nên những người thợ làm vườn mới hôm nay, chúng ta được đưa vào làm việc trong vườn nho này nhờ Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng nộp hoa lợi đúng mùa không.
Bài dụ ngôn này rất phong phú với những hình ảnh tiên tri của truyền thống Cựu ước, thường so sánh Israen với cây nho và vườn nho (Is 5,1-7; 27,2-6; Jr 2,21; Ez 15,1-8; 19,10-14; Hs 10,1). Hình ảnh cây nho và vườn nho này được dùng để mô tả Israen được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn làm dân riêng, giải thoát khỏi Ai cập và ban tặng đất hứa làm gia nghiệp, lề luật và các tiên tri để giáo huấn họ (Tv 80,9-10).
Trong bài đọc sách Isaia hôm nay, người chủ vườn nho đã làm hết mọi sự trong khả năng của mình, trồng cây nho quí (Is 5,2), chăm sóc lo lắng cho vườn nho của ông như chọn lựa mãnh đất đồi thực tốt, xây tháp canh và dựng bồn ép nho. Thế nhưng, đáp lại quan tâm chăm sóc của ông, vườn nho chỉ sinh toàn những nho dại. Trong câu chuyện vườn nho của Isaia, lỗi là do cây nho không sinh trái, và như thế vườn nho bị phá hủy. Vườn nho bị phá huỷ, trở nên điều tàn, tường rào cũng như tháp canh và bồn ép nho trở nên hoang vu. Tất cả là hình ảnh diễn tả những gì mà Israen phải chịu qua những lần xứ sở bị quân thù chiếm đóng và Israen phải chịu cảnh lưu đày.
Trong câu chuyện dụ ngôn phúc âm thánh Matthêu, Chúa Giêsu đưa ra những chi tiết khác hơn. Lần này, lỗi không phải nơi cây nho hay vườn nho, nhưng là do những tá điền phản loạn. Các tá điền này đã cùng nhau âm mưa để bắt các đầy tớ của chủ, hành hạ đánh đập và giết chết họ. Sau cùng chủ sai chính người con của mình, nghĩ rằng những tá điền sẽ kiêng nể người con này, nhưng những tá điền gian ác này chẳng hề kiêng nể gì, lại còn giết cả người con của chủ. Trong truyền thống Thánh Kinh, những người đầy tớ của chủ được hiểu là các tiên tri, số thì bị giết (1 V 18,4.13; Gr 26,20-23), số khác bị ném đá (2 Ks 24,21; Dt 11,37).
Sau cùng, những chi tiết mô tả về cái chết của người con của chủ như bị giết ngoài vườn nho được hiểu về cái chết của Chúa Giêsu, bị giết chết bên ngoài thành Giêrusalem. Sau cùng, câu chuyện dụ ngôn mở ra một viễn tượng mới nhiều hy vọng: những người thợ làm vườn nho mới được hy vọng là sẽ nộp hoa trái đúng mùa.
Câu chuyện dụ ngôn cho chúng ta thấy những tình tiết thực khác thường. Người chủ trong câu chuyện hết sức tận tâm tận lực cho vườn nho của mình, ông đã làm tất cả mọi sự trong khả năng để chăm sóc cho vườn nho. Ông tin tưởng trao công việc chăm sóc vườn nho cho những tá điền của mình để đi phương xa và khi trở về mong nhận được phần hoa lợi. Nhưng những người tá điền này của chủ đã thay đổi, họ trở nên ác độc và mưu mô. Nhằm để chiếm đoạt vườn nho và không phải nộp hoa lợi đúng mùa cho chủ, họ đã không từ tội ác nào mà không làm. Họ hành hạ đánh đập, ném đá, và giết những đầy tớ của chủ được sai đến với họ, hết lớp này tới lớp khác, ngay cả họ còn chủ ý giết chết người con của chủ để nhằm chiếm đoạt vườn nho của chủ. Thế nhưng họ không thể thực hiện mưu đồ của mình được. Vì chính chủ khi trở về sẽ trừng phạt họ. Chủ sẽ ra lệnh tru diệt họ và trao vườn nho cho những tá điền khác biết nộp phần hoa lợi cho chủ.
Câu chuyện dụ ngôn nhấn mạnh số phận bị trừng phạt và loại trừ của những tá điền gian ác và quyết định dứt khoát của chủ trao vườn nho Nước Thiên Chúa lại cho những người làm việc mới hiểu biết và trung tín với Chủ, nhấn mạnh đến trách nhiệm mà người chủ đòi hỏi ở các tá điền. Đã hưởng dùng những hoa lợi của chủ, họ phải có trách nhiệm đối với chủ. Hơn nữa, câu chuyện nhấn mạnh nhiều ở thái độ của người chủ này đã luôn nhẫn nại làm tất cả, ngay cả gửi chính người Con một duy nhất của mình đến với các tá điền mong họ hiểu biết và đối xử hợp tình với người con này. Dù những tá điền phản loạn có giết những đầy tớ và người Con một duy nhất của chủ, người Con này sẽ trở nên tảng đá góc tường và sẽ mời gọi những người thợ làm vườn nho mới vào làm việc cho vườn nho.
Nghịch lý của câu chuyện là những người tá điền phản loạn vốn là những người được chủ tin tưởng, nhưng lại không chu toàn bổn phận của mình và vì thế đáng phải chịu hình phạt và phán quyết nặng nề. Trong khi đó, những người thợ làm vườn nho mới, tuy được mời gọi sau, nhưng họ sẽ được sở hữu vườn nho của chủ, họ sẽ được tất cả, bởi vì họ trung tín và biết giao nộp phần hoa lợi cho chủ. Điều kỳ diệu, đó là người con bị giết của chủ lại trở nên tảng đá góc tường và công việc chăm sóc vườn nho được trao lại cho những người khác. Đây là hình ảnh ẩn dụ để nói công việc cứu độ của Thiên Chúa thực hiện thành tựu, dù con người có gian ác làm mọi cách để loại trừ. Chính khi bị giết chết thì người con Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho nhân loại.
Sứ điệp của câu chuyện dụ ngôn này là sứ điệp phán xét đòi hỏi phần trách nhiệm của những người được mời gọi làm việc cho vườn nho, tuy khó nghe nhưng nó là thành phần và khía cạnh thiết yếu của lời công bố Tin mừng, và mời gọi chúng ta tỉnh thức suy xét về đời sống của mình. Dù con người có liên minh để chống lại Thiên Chúa đi nữa, thì chương trình cứu độ, được diễn tả qua hình ảnh vườn nho và hoa lợi, vẫn được thực hiện vì người Con bị giết chết sẽ trở nên tảng đá góc tường. Chúng ta được mời gọi trở nên những người làm việc cho vườn nho mới, có trách nhiệm, biết nộp hoa trái đúng mùa cho chủ. Công việc của những tá điền vườn nho và phần hoa lợi đúng mùa có thể được hiểu như những gì thánh Phaolô khuyên nhủ trong bức thư gửi giáo đoàn Philipphê.
Các tín hữu được mời gọi hãy sống tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và trong lời cầu nguyện, hãy trình bày với Thiên Chúa những bận tâm của mình, những ưu tư cùng với những lời cảm tạ. Cầu nguyện với Thiên Chúa là yếu tố thiết yếu của đời sống người tín hữu, vì họ được trực tiếp nói chuyện tiếp xúc với Thiên Chúa, họ hãy trình bày mọi vui buồn ưu tư của mình cho Thiên Chúa và Người sẽ ban cho họ được bình an vượt mọi sự hiểu biết của họ.
Ngoài ra thánh Phaolô còn nhắc nhở các tín hữu hãy cố gắng sống đời sống luân lý ngay thẳng bằng cách thực hành các nhân đức như chân thật, trong sạch, công chính, thánh thiện. Người tín hữu luôn được huấn luyện nhờ bởi lời Chúa và lời rao giảng cùng gương sáng của vị tong đồ, họ hãy cố gắng thực hành trong đời sống hằng ngày các nhân đức và đó chính là điều kiện để Thiên Chúa luôn ở cùng họ. Người tín hữu phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về những ơn lành Thiên Chúa ban cho họ. Nhưng không vì thế họ sợ hãi và trở nên âm mưu gian ác để chống lại Thiên Chúa. Họ hãy hiểu biết và sử dụng những ơn Thiên Chúa ban cách hiệu quả và bằng an nhờ biết cầu nguyện và thực hành các nhân đức như tong đồ Phaolô vốn giảng dạy và thực hành.
Lm. Phêrô Lê Văn Chính