Những con đường gần gũi với người Công giáo Sài Gòn

Đường phố ở Sài Gòn hơn một thế kỷ qua đã có nhiều thay đổi. Nhiều đường đổi tên hai, ba lần. Diện mạo con đường cũng biển đổi theo thời gian. Theo thống kê hiện nay, TPHCM có khoảng 2000 con đường đã được đặt tên. Số lượng tên đường nhiều như thế nên không phải ai cũng đủ nhẫn nại tìm hiểu hết về lịch sử, gốc tích hay đặc điểm từng tên phố. Cũng có không ít đường mang tên người Công giáo hoặc có lịch sử liên quan đến việc xây làng, lập ấp, dựng đường, mở lối của người Công giáo…
Những con đường gần gũi với người Công giáo Sài Gòn
Những con đường gần gũi với người Công giáo Sài Gòn

Đường mang tên danh nhân

Nằm chệch phía trước Hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ), qua ngã tư Pasteur, con đường Alexandre De Rhodes lặng lẽ, khiêm nhường chứng kiến bao tháng ngày đi qua của thành phố. Đường thuộc địa bàn phường Bến Nghé, Q.1, được ghi nhận dài 281m. Đây là một trong những đường xưa nhất Sài Gòn. Từ ngày 2.6.1871, đường này mang tên Paracels đến ngày 16.10.1871 đổi thành Colombert (tên gọi cũ của quần đảo Hoàng Sa). Từ 22.3.1955 đổi là Alexandre De Rhodes. Ngày 4.4.1985 đổi thành Thái Văn Lung. Năm 1995, đường lại được phục hồi tên như hiện nay.

Về nhân vật nổi danh này, ai cũng biết ngài là linh mục dòng Tên, đến Việt Nam năm 1624 để truyền giáo. Cha đã viết 8 tác phẩm, trong đó có 3 cuốn liên hệ đến tiếng Việt và chữ quốc ngữ, và được xem là người có công lớn trong việc hoàn thiện chữ quốc ngữ thời sơ khai.

Cách đó không xa là đường Pasteur nằm trên địa bàn các quận 1 và 3, dài 1.124m. Nhiều tài liệu còn ghi lại vào năm 1865, phía bến Chương Dương còn có con rạch, hai bên rạch có hai con đường đều mang số 24. Sau con đường bên phải đặt tên Olivier, con bên trái tên Pellerin. Dần dần, con kinh bị lấp, tên đường Olivier cũng mất, chỉ còn đường Pellerin. Năm 1955 đổi thành đường Pasteur. Sau năm 1975, đường đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai, rồi năm 1991 lại đổi thành Pasteur như cũ.

Sài Gòn 1967 – 1968 – Lê Lợi. Toà nhà bên kia đường bây giờ là Saigon Center,

trước đây là Bưu Điện Q1, số 57 Pastuer, nằm ngay góc Lê Lợi – Pasteur: Ảnh – Dave DeMIIner

Louis Pasteur (1822 – 1895) là một nhà bác học lừng lẫy. Ông sinh tại Dole, một thành phố thuộc miền đông nước Pháp, là con trai thứ ba trong một gia đình Công giáo làm nghề thuộc da. Ông khai sáng khoa vi trùng học. Yersin, Calmette là những người kế tục ông. Đường Pasteur là tuyến đường một chiều. Ngày nay, con đường cổ xưa bậc nhất Sài Gòn này vẫn còn những hàng me dọc hai bên, tô điểm thêm nét xanh cho thành phố, tạo nên một không gian đầy chất thơ cho con đường.

Cũng ở Q.1, đường Nguyễn Văn Bình nằm trên địa bàn phường Bến Nghé, Q.1, dài 100m, đối hông nhà thờ Đức Bà. Nghe kể rằng thời Pháp thuộc, lúc đầu đường mang tên Hồng Công. Từ 1897, đổi là đường Cardis đến 1955 đổi thành Nguyễn Hậu. Ngày 7.4.2000, đường có tên Nguyễn Văn Bình.

Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910 – 1995) là niềm tự hào của người Công giáo thành phố, nổi tiếng với tinh thần dân tộc và chủ trương hòa hợp, đối thoại và đồng hành cùng dân tộc. Ngài thụ phong linh mục năm 1937, là Giám mục GP Cần Thơ từ 1955-1960, từ 1960 là Tổng Giám mục tiên khởi của địa phận Sài Gòn – TPHCM. Con đường mang tên ngài ngày nay trở thành đường sách của thành phố, một điểm đến lý tưởng của nhiều người và là nơi đã và đang khơi nguồn văn hóa đọc trong dân Sài thành.

Ngã tư Pasteur – Hàn Thuyên, nhìn về phía công viên là đường Alexandre Rhodes

Đường Thái Văn Lung nằm trên địa bàn phường Bến Nghé, Q.1, dài 525m. Thời Pháp thuộc mang tên đường số 12. Năm 1865, đổi thành Hôpital. Từ 1897 là đường Pasteur. Năm 1955 lại đổi qua Đồn Đất. Năm 1995 mang tên Thái Văn Lung đến nay. Thái Văn Lung (1916 – 1946) là một giáo dân yêu nước, có nhiều đóng góp cho cách mạng. Đường Thái Văn Lung không quá dài nhưng khá sầm uất với đầy đủ các cửa hàng dịch vụ. Tuyến đường này là nơi hội tụ rất nhiều quán xá, đa dạng các món ăn Nhật, Hàn, Âu… phục vụ cho người dân sinh sống trong khu vực và du khách quốc tế.

Quận 4 có đường Nguyễn Trường Tộ dài 392m. Thời Pháp, đường này tên Messagries Maritimes. Từ 1920 đổi thành Heurteaux. Ngày 22.3.1995 đổi thành Nguyễn Trường Tộ đến nay. Ngoài ra trên địa bàn phường Tân Thành, Q.Tân Phú cũng có đường Nguyễn Trường Tộ bắt đầu từ Lũy Bán Bích. Cả hai con đường mang tên ông tuy đều không dài nhưng là đường tập trung đông dân cư.

Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1871) quê ở Nghệ An, là một giáo dân trí thức. Năm 1858, Đức Giám mục Gauthier đưa ông sang Pháp học. Ba năm sau, người Pháp muốn dùng ông làm tay chân nhưng vì yêu nước, ông không nhận chức vụ gì. Ông nổi tiếng với những bản điều trần, góp ý cho triều đình, cũng là người thiết kế xây dựng cơ sở dòng Thánh Phaolô, hiện vẫn còn đang sử dụng ở đường Tôn Đức Thắng (TPHCM).

Ở Q.Tân Phú cũng có nhiều tên đường mang tên người Công giáo. Có thể nhắc đến đầu tiên là đường Hồ Ngọc Cẩn nằm trên địa bàn phường Tân Thành, dài 400m. Theo nhiều người kể lại, năm 1967, đây là khu đồng ruộng được linh mục Đinh Xuân Hải xây dựng thành khu dân cư. Đường này cũng hình thành từ đó bên cạnh một số đường khác. Có lẽ vì vậy nên tên vị giám mục giáo phận gốc của dân trong vùng được dùng đặt tên đường. Đức Giám mục Đaminh Maria Hồ Ngọc Cẩn (1876 – 1948) quê Thừa Thiên Huế. Ngài cai quản GP. Bùi Chu từ 1936 – 1948.

Đường sách Nguyễn Văn Bình

Đường Nguyễn Hậu dài gần tròn 1km cũng nằm trên địa bàn phường Tân Thành. Trước kia là đường ngang qua ruộng, khi đô thị hóa được đặt tên là Gioan. Ngày 7.4.2000, thành phố đổi lại thành Nguyễn Hậu. Ông là một giáo dân từng đi du học ở Mã Lai và châu Âu về dâng sớ xin canh tân đất nước. Vua Tự Đức không nghe, ông sang châu Âu nghiên cứu thêm và mất tích trên Ấn Độ Dương. Tên của ông trước đây có một thời gian được đặt cho đường Nguyễn Văn Bình hiện nay.

Quận Tân Bình có đường Mai Lão Bạng nằm trên địa bàn phường 13, dài 165m. Đây vốn là đường D.14, được đặt tên vào ngày 7.4.2000. Lịch sử ghi lại, Mai Lão Bạng (?-1942) quê ở Nghệ An, là một tu sĩ Công giáo. Ông hưởng ứng phong trào Đông Du, Duy Tân, đã sang Nhật, Trung Quốc liên lạc với Phan Bội Châu. Năm 1914, ông bị bắt và đày ra Côn Đảo. Sau khi được trả tự do, ông về Huế sống với Phan Bội Châu và mất ở quê nhà.

Một số con đường mang tên của Giám mục hay linh mục nhưng vì tên đường không ghi thêm chức danh nên không nhiều người biết đến. Chẳng hạn như đường Trịnh Như Khuê nằm ở địa bàn xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh. Đức Hồng y Trịnh Như Khuê (1899 – 1978) được đặt tên cho con đường dài 2.600m. Trước kia đây vốn là đường xe lửa cũ được đặt tên này năm 2000. Ngài quê ở Hà Nam, là Hồng y đầu tiên của Việt Nam, vinh thăng năm 1976. Hoặc đường mang tên linh mục Nguyễn Bá Luật chỉ dài hơn trăm mét nằm trên địa bàn Q.Thủ Đức. Đây vốn là đường làng, có tên này từ ngày 7.4.2000. Linh mục Nguyễn Bá Luật (1903 – 1951) được ghi nhận tham gia Kháng chiến chống Pháp với chức vụ cố vấn BCH Công giáo kháng chiến Nam Bộ, hy sinh ở Cao Lãnh, trên đường đi công tác.

Đường gắn với sinh hoạt người Công giáo

Ngoài những con đường mang tên cụ thể một người con của Giáo hội Công giáo, còn có nhiều đường được hình thành từ giáo dân một xóm đạo, phần lớn những con đường có đặc điểm này nằm ở Q.Tân Bình và Tân Phú, nơi có đông bà con di cư. Đường Bác Ái nằm trên địa bàn phường Tân Thành, Q.Tân Phú, nối từ đường Nguyễn Xuân Khoát đến đường Phan Đình Phùng, dài 640m là một đường như thế. Nhiều người ghi lại mốc năm 1967, khi nơi đây còn là khu đồng ruộng được linh mục Đinh Xuân Hải xây dựng thành khu dân cư. Con đường vì vậy được đặt tên Bác Ái, thể hiện sự góp sức, chung tay của nhiều người vào việc cộng đồng. Từ khởi đầu làm con đường này, lần lượt các đường như Dân Chủ dài 250m hay đường Dân Tộc cũng dài 250m trong khu vực tiếp tục xuất hiện. Đây cũng là khu vực có nhiều nhà thờ. Nhà thờ Tân Phú hay nhà thờ Martinô nằm ngay trên  những con đường đó.

Quận Tân Bình là nơi tập trung nhiều nhất những con đường mang đặc trưng đã nêu. Cụ thể đường Bành Văn Trân có chiều dài 1.470m. Trước kia đây là con đường mòn. Từ năm 1954, đồng bào Công giáo di cư đến khu này đặt tên là đường Thánh Mẫu. Năm 1985 thì đổi thành tên Bành Văn Trân, một anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đường Châu Vĩnh Tế nằm trên địa bàn phường 12, dài khiêm tốn 170m với lộ giới chỉ 6m. Ban đầu đặt tên là Nguyễn Trường Tộ. Năm 1999 đổi thành tên trên. Châu Vĩnh Tế (1766 – 1826) là vợ Thoại Ngọc Hầu, người từng giúp chồng làm nhiều phúc lợi cho dân, trong đó có việc đào kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Cũng thuộc phường 12 còn có đường Lê Ngân chiều dài chỉ 80m và đường Sơn Cang dài 120m, đường Nguyễn Phúc Chu dài 1.120m. Các đường đều có lịch sử giống đường Bành Văn Trân và Châu Vĩnh Tế, tức được xẻ ra từ các xóm dân cư mới và bà con giáo dân cùng chung tay đắp nên. Đường Lê Ngân ngày trước tên là Hồ Ngọc Cẩn, đến năm 1999 đổi tên thành Lê Ngân. Lê Ngân là danh tướng của Lê Lợi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn những ngày đầu. Đường Nguyễn Phúc Chu trước là đường Lê Lợi, năm 1999 đổi thành tên trên. Nguyễn Phúc Chu là Chúa Nguyễn có công mở nước xuống đất Biên Hòa – Đồng Nai. Đường Sơn Cang trước là đường Hàn Mặc Tử, năm 1999 đổi thành Sơn Cang, là tên của một ấp thuộc xã Tân Thới Nhì của vùng này ngày trước.

Không xa đó còn có đường Năm Châu nằm trên địa bàn phường 11 và 12, dài 660m. Đường khi mới làm đặt tên là Trương Vĩnh Ký. Năm 1999 đổi tên thành Năm Châu. Đây là nghệ danh của nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu, vừa là nhà viết kịch kiêm đạo diễn, vừa là diễn viên xuất sắc, đã soạn trên 50 vở tuồng, được Nhà nước phong Nghệ sĩ nhân dân.

Đường Lưu Nhân Chú ở phường 5 dài 250m, trước có tên là Dân Chủ, năm 1999 đổi thành tên thành Lưu Nhân Chú. Đây là danh tướng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, một công thần của vua Lê Thái Tổ. Đường Đặng Lộ ở phường 7 dài 250m, hình thành sau 1954, khi đồng bào Công giáo đến lập nghiệp, lấy tên là Lê Phát Đạt. Năm 1999 đổi tên thành Đặng Lộ. Đặng Lộ người đời Trần Hiến Tông, là nhà Thiên văn học Việt Nam đầu tiên, giúp vua sửa đổi lịch mới gọi là Hiệp kỷ lịch. Đường Tân Châu nằm trên phường 8 dài 180m trước kia chưa có vì nằm trong vườn cao su Phú Thọ Hòa. Từ 1954, đồng bào Công giáo di cư đến mở đường đặt tên là Tân Châu…

*

Sài Gòn nhiều đổi thay khiến dấu tích xưa mất đi hoặc biến đổi đến nỗi những người lớn tuổi gắn bó với mảnh đất này trước kia không còn nhận ra hình trạng, nhưng những con đường vẫn đứng yên đó và vẫn âm thầm chuyên chở lịch sử của chính mình và những cư dân thành phố sinh sống bên cạnh. Trong gần 2000 con đường của thành phố hào hoa này, có hơn 20 con đường gắn với người và vùng đất Công giáo, là niềm tự hào của TGP.TPHCM.

Minh Hải

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc