« Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ » (Lc 1, 28).
Lời chào đặc biệt này của sứ thần Gabriel dành cho Trinh Nữ Maria được lặp đi lặp lại bởi các tín hữu không biết bao nhiêu lần mỗi ngày. Nó đã trở nên lời kinh thông dụng của Giáo Hội giúp mọi người dễ dàng cầu nguyện vì ai ai cũng đều có thể học thuộc. Phương pháp cầu nguyện này quen thuộc đến nỗi một số người coi đây là việc đạo đức bình dân. Ngay bản thân mỗi người, vì lời kinh này quá gần gũi và thật dễ dàng áp dụng, nên chúng ta đôi khi bỏ qua việc đào sâu ý nghĩa tiềm tàng trong đó. Mỗi khi trở về tìm hiểu ngọn nguồn, chúng ta mới thấy được màu nhiệm cao siêu của Kinh Mân Côi.
Kinh Mân Côi chính là cuốn Tin Mừng rút gọn. Nó bao hàm hết mọi màu nhiệm của Đức Giêsu từ nhập thể, giáng sinh, khổ nạn và phục sinh. Nhờ đó, chúng ta khám phá ra tình yêu vô bờ của Thiên Chúa dành cho nhân loại như thánh Gioan đã khẳng định : « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ » (Ga 3, 16-17).
Mỗi khi suy niệm Kinh Mân Côi cùng với các màu nhiệm Vui Thương Mừng, chúng ta cùng với Đức Maria chiêm ngắm Đức Giêsu từ lúc ra đời sinh làm hài nhi bé bỏng trong máng chiên lừa tanh hôi, đến những năm tháng dài sống âm thầm trong lao động và cầu nguyện nơi trường học Nazareth, rồi những năm tháng rong ruổi khắp đó đây để rao giảng Tin Mừng, và đặc biệt là cuộc thương khó bi thương cùng cái chết nhục nhã trên thập giá, và đỉnh cao là sự phục sinh vinh hiển để mở ra con đường dẫn đưa nhân loại vào cõi trường sinh.
Làm sao lại không gọi Đức Trinh Nữ Maria là người đầy ơn phúc ? Làm sao lại không công nhận Mẹ là người được chúc phúc giữa muôn vàn phụ nữ ? Không có một lý do gì để phủ nhận lời chào trên đây của sứ thần Gabriel dành cho Đức Maria. Hơn ai hết, Mẹ đã được cưu mang nơi mình Đấng Cứu Thế, đã vất vả trong việc nuôi dưỡng và dạy dỗ. Mẹ đã đồng hành cùng con mình trên nẻo đường rao giảng, bước đi cùng Ngài trên con đường thập giá, đặc biệt là thông phần mình vào chính hiến tế mà Đức Giêsu dâng trên thánh giá để giao hòa thế gian với Thiên Chúa, để mở ra cho nhân loại một chân trời mới. Ngoài Mẹ ra, có ai trên đời này lại có được diễm phúc như vậy ?
Ngoài ra, trước mỗi lần ca ngợi Mẹ bằng cách lặp lại lời chào ấy, chúng ta cùng với Đức Giêsu dâng lên Thiên Chúa lời kinh Lạy Cha mà Người Con Một Yêu Dấu đã dậy chúng ta cầu nguyện với lời thân thưa trìu mến của những người con thảo đầy niềm tin tưởng nơi người Cha đầy quyền năng và yêu thương.
Do đó, còn lời kinh nào cao đẹp và ý nghĩa bằng Kinh Mân Côi ? Chúng ta còn chần chừ gì nữa mà không thực hành và khám phá ra kho tàng quý báu của lời kinh này ?
Xin Mẹ Maria đầy ơn phúc, người môn đệ luôn biết lắng nghe, suy đi gẫm lại trong lòng Lời Chúa trước khi đem ra thực hành, giúp chúng ta đào sâu các màu nhiệm nơi Người Con của Mẹ, ngõ hầu chúng ta đáng được hưởng nhờ công ơn Chúa đã chịu nạn chịu chết.