Trung gian

Vai trò trung gian không thể thiếu trong đời sống nhân loại. Nó cần thiết đối với mọi cấp độ quan hệ giữa các cá nhân, gia đình, cộng đồng và quốc tế. Ngày trước, các đôi trai gái chưa có điều kiện trực tiếp quen nhau thì họ phải cậy dựa vào vai trò cầu nối của người làm mai mối. Trong gia đình, để giải quyết sự bất hòa giữa các anh em với nhau, tiếng nói của một người uy tín trong dòng họ rất có giá trị đối với việc hàn gắn và xây dựng lại bầu khí hòa thuận yêu thương. Tương tự, ở cấp độ quốc tế, khi cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn hay chiến tranh giữa hai nước láng giềng lâm vào bế tắc, vai trò của các nước trung gian sẽ giúp các bên ngồi vào vòng đàm phám để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng này.

Trung gian được nói đến ở đây hiểu theo chiều hướng tích cực, vì trong nhân loại cũng không thiếu những kẻ cò mồi giăng bẫy hòng trục lợi cá nhân, hoặc đưa lối chỉ đường dẫn đến thế giới của sự dữ, gian manh và chết chóc. Trong lịch sử dân tộc, người ta vẫn lên án những kẻ « nối giáo cho giặc ». Còn trong đạo, khi kể về cuộc thương khó của Đức Giêsu không thể không nhắc đến bộ mặt phản bội của Giuđa khi đứng ra « làm mối cho quân dữ bắt » người Thầy của mình.

Vai trò trung gian là không thể phủ nhận. Vấn đề đặt ra ở đây là người đảm nhiệm sứ mệnh này có cảm thấy thực sự dễ dàng không ? Họ có cần có nơi mình những đức tính nào ? Họ có bị thiệt hại gì không hay đôi khi thậm chí tính mạng có bị đe dọa gì không?

Có thể khẳng định rằng nhiệm vụ này rất cao cả nhưng không hề dễ cho người thực hiện vì đôi khi họ có thể bị chuốc tai họa vào thân hoặc bị người khác chê cười gièm pha đủ điều. Chính vì vậy đã có những kinh nghiệm để đời khuyên nên tránh xa bốn việc « làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm trầu ». Khi gia đình xảy ra chuyện « cơm chẳng lành canh chẳng ngọt » giữa vợ chồng với nhau, lúc đó ông tơ bà nguyệt sẽ lãnh đủ hậu quả.

Đặc biệt, trong Mùa Vọng, chúng ta đang chuẩn bị tâm hồn để mừng kỷ niệm ngày Đức Giêsu « xé trời ngự xuống trần gian » (Is 63, 19). Ngài là trường hợp điển hình vì được mệnh danh là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x. Thông điệp Redemptoris missio, số 5). Để thi hành sứ vụ này, Người đã phải trả giá đắt không chỉ phải từ bỏ địa vị Con Thiên Chúa cao sang để mặc lấy thân nô lệ và sống như người trần thế, mà còn phải chấp nhận cái chết thậm chí là cái chết nhục nhã trên thập giá (x. Pl 2, 6-8).

Tôi tớ không trọng hơn chủ mình (x. Mt 10, 24). Những ai bước theo Đức Giêsu thì đều chịu chung một số phận. Hãy nhìn vào gương các nhà truyền giáo xưa kia. Các ngài sẵn sàng bỏ lại phía sau gia đình, người thân và quê hương để ra đi đến một nơi hoàn toàn xa lạ mà phía trước đầy những gian nan và rủi ro. Trước hết, các vị truyền giáo này phải đối diện với hành trình vượt biển lênh đênh đầy cam go mà không ít đã phải bỏ mạng vì đắm tàu, bão táp… Khi đến nơi, họ phải đối diện với khí hậu, phong tục tập quán, và thậm chí cả bắt bớ và bách hại.

Người thực hiện sứ vụ trung gian buộc phải am tường cả hai phía. Đức Giêsu cùng lúc vừa mang bản tính Thiên Chúa, lại vừa chia sẻ đầy đủ thân phận làm người với chúng ta, ngoại trừ tội lỗi để trở nên người anh cả của một đàn em đông đúc trong nhân loại (x. Rm 8, 29). Cũng vậy, để hạt giống Tin Mừng có thể nảy nở và trổ sinh trên mảnh đất mới lạ, các nhà truyền giáo buộc phải trở nên giống như người bản xứ từ ngôn ngữ, phong tục tập quán, cho đến cách ăn uống và trang phục. Nhất là tự đáy lòng, họ chia sẻ chung định mệnh, ưu tư vui buồn của dân tộc, đất nước và con người ở nơi mình thi hành sứ mệnh truyền giáo.

Mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta cúi mình trước máng cỏ để chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu trong màu nhiệm nhập thể. Người đã nối kết đất thấp với trời cao, đã xe duyên thắm cho hòa bình và tín nghĩa. Chúng ta tự hỏi mình phải làm gì để bắc một nhịp cầu của yêu thương, để chia sẻ ngọn lửa đầy ánh sáng và ấm nồng giúp xua tan đêm đen băng giá trong bao nhiêu cõi lòng, để khóc với người khóc và vui với người vui chung quanh ta ? Bậc Thầy của sứ vụ trung gian đang từng giây từng phút mong mỏi nơi chúng ta câu trả lời xuất phát từ một tấm lòng nhiệt huyết và đầy quảng đại.

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng