Nhóm đạp xe vòng quanh trái đất Phòng chống tự tử
1. Hiện trạng tự tử
Ngày thế giới phòng chống tự tử 10/9 hàng năm là hoạt động thúc đẩy cam kết và hành động trên toàn thế giới để phòng chống tự tử. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3000 người chết vì tự tử. Cứ mỗi người chết vì tự tử thì có khoảng 20 người tự tử thất bại.
Theo tổ chức Y tế Thế giới – World Health Organization (WHO), mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người trên thế giới tự kết liễu đời mình. Những người có ý định tự tử nhiều hơn con số tử vong khoảng 20 lần. Tỷ lệ tự tử cao nhất thuộc về các nước Trung-Đông Âu và châu Á, trong đó 75% các trường hợp xảy ra ở những nước nghèo và 25% tại các nước giàu. Số liệu này thu thập từ 172 quốc gia trên thế giới và công bố trước Ngày Phòng chống tự tử thế giới 10.9.2014.
Tuy tỷ lệ tự tử tại Việt Nam chưa nhiều sánh với Hàn Quốc hay Nhật Bản, nhưng thiết tưởng các nhà giáo dục, quý phụ huynh và nhà chức trách không thể xem thường hiện tượng tiêu cực này. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh An Giang đã có 343 trường hợp tự tử trong đó có 163 là nữ. Riêng Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân tự tử, trong đó 108 trường hợp là nam giới. Độ tuổi nhỏ nhất là 14 và lớn nhất 96.
2. Nguyên nhân tự tử
Có nhiều nguyên nhân gây nên tự tử, từ nguyên nhân xã hội như khủng hoảng kinh tế tài chính, đến nguyên nhân gia đình cẳng hạn như bố mẹ ly dị hay nguyên do cá nhân như thất tình hay thất bại. Nguyên do tự tử nơi giới trẻ không giống với lý do tự tử của người ở độ trung niên.
Bác sĩ Phạm Văn Trụ BV Tâm thần TP.HCM, qua phân tích trạng thái tâm lý dẫn tới hành vi tự tử cho biết: trầm cảm ngày nay là tình trạng bệnh lý xuất hiện khá nhiều ở cả người trẻ và cao tuổi, người mắc bệnh kéo dài, người nghiện ma túy,…
Riêng đối với bệnh nhân tâm thần tự tử thường là vì ý tưởng hoang tưởng bị hại, vì ảo giác sai khiến, vì không nhận thức được hậu quả hành vi, v.v… Tình trạng trầm cảm không còn hứng thú với cuộc sống, buồn chán, thất nghiệp, bị phụ tình, đánh giá thấp bản thân, thậm chí tội lỗi, cũng có thể dẫn đến tự tử.
Các yếu tố tâm lý xã hội có thể làm tăng nguy cơ tự tử: thiếu vắng hỗ trợ xã hội, không việc làm, tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng, bất hòa, bạo lực trong gia đình, sang chấn tinh thần trầm trọng, bạo lực và lạm dụng tình dục ở trẻ em
Theo Kevin Caruso, trên 90% số người chết do tự tử đều có bệnh tâm thần vào thời điểm họ chết. Và tác giả này cho biết bệnh tâm thần thường gặp nhất là trầm cảm. Trầm cảm được xem là nguyên nhân số một gây tự tử.
Tuy nhiên, người ta chết do tự tử không chỉ vì một nguyên nhân, mà thường có nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử. Nhiều người tự tử vì trầm cảm là do bị kích hoạt bởi các kinh nghiệm sống tiêu cực, và vì không được điều trị – hoặc điều trị không hiệu quả.
Sau đây là một số kinh nghiệm sống tiêu cực và một số nguyên nhân khác gây ra trầm cảm:
- Cái chết của một người thân yêu.
- Ly hôn, ly thân, hoặc một mối quan hệ bị tan vỡ.
- Mất quyền nuôi con, hoặc cảm thấy một quyết định về quyền nuôi con là không công bằng.
- Bị một tổn thất nghiêm trọng, như mất việc, nhà ở hay tiền bạc.
- Mang một chứng bệnh nguy tử
- Phát hiện một bệnh hiểm nghèo vào giai đoạn cuối
- Gặp một tai nạn nghiêm trọng.
- Đau đớn thể xác mãn tính.
- Gặp một nỗi đau tinh thần mãnh liệt.
- Mất hết hy vọng.
- Trở thành nạn nhân (bạo lực gia đình, hiếp dâm, tấn công,… ).
- Có thân nhân là nạn nhân (giết trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em, bắt cóc, giết người, hãm hiếp, hành hung,…).
- Bị lạm dụng thể chất, tình dục hay bị lạm dụng bằng lời nói.
- Lạm dụng chưa được giải quyết (dưới mọi hình thức) trong quá khứ.
- Cảm thấy “mắc kẹt” trong một tình huống tiêu cực.
- Cảm thấy mọi thứ sẽ không bao giờ “tốt hơn.”
- Cảm thấy bất lực.
- Gặp vấn đề pháp lý nghiêm trọng, như bị truy tố hình sự hoặc bị giam giữ.
- Cảm thấy “bị lợi dụng”
- Không có khả năng để giải quyết tình trạng bị “làm nhục”.
- Không có khả năng để đương đầu với sự “thất bại”.
- Lạm dụng rượu, ma túy.
- Một cảm giác không được chấp nhận bởi gia đình, bạn bè, hay xã hội.
- Bị thất vọng cùng cực.
- Cảm giác không sống được theo cao vọng của mình hay kỳ vọng của tha nhân
- Bị bắt nạt. (cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể bị bắt nạt)
- Lòng tự trọng thấp.
Tất cả những nguyên nhân trên đều có thể gây ra trầm cảm, và trầm cảm không được điều trị, sẽ trở nguyên nhân hàng đầu gây ra tự tử.
3. Làm thế nào phòng chống tự tử?
Tự tử và hành vi tự tử dù không tử vong là những vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động toàn thế giới (Shekhar Saxena, Giám đốc WHO phụ trách sức khỏe tâm thần báo cáo tại Genève – Thụy Sĩ.
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống tự tử năm 2014 là “Ngăn ngừa tự tử: Một thế giới kết nối”. Vâng, cả thế giới cần liên kết với nhau để tránh tạo ra những nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến tự tử. Đồng thời mọi người cần chung tay góp sức tái tạo hay kiến tạo những môi sinh an toàn cho nhân loại giữa một thế giới mà người ta thường xuyên cảm thấy bất an.
* Trên phạm vi toàn cầu, có Hiệp hội quốc tế phòng chống tự tử (International Association for Suicide Prevention – IASP). Hiệp hội này sẽ tổ chức một cuộc Hội nghị thế giới về phòng chống tự tử lần thứ XXVIII, tại Montréal, Québec, Canada, từ 16 đến 20/6/2015, với chủ đề: “Những khám phá và kỹ thuật mới để phòng chống tự tử”.
* Trên bình diện xã hội, nơi công sở, trường học, làm sao tránh gây áp lực trên nhân viên, công nhân, học sinh-sinh viên. Các phòng tư vấn tâm lý – đã hình thành nơi vài công ty, trường học -, có thể giúp giải tỏa những áp lực trong công việc, những biểu hiện trầm cảm do va chạm hay thất bại.
* Xây dựng gia đình trở nên một mái ấm, một điểm tựa tinh thần, tình cảm sẽ giúp thanh thiếu niên có được đời sống tinh thần lành mạnh, quân bình tình cảm và có đủ sức để đương đầu với những thử thách của cuộc sống. Bầu khí chan hòa và ôn hòa trong ứng xử tại gia đình rất quan trọng để giải tỏa sự ức chế tâm lý gặp phải trong xã hội.
* Về phương diện cá nhân, mỗi người cần rèn luyện văn-thể-mỹ theo châm ngôn “Mens sana in corpore sano” (Sound mind in a sound body), nghĩa là Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Nếu tối ngày chỉ có “nhồi sọ” kiến thức hay mãi chạy theo công việc làm ăn, mà quên bồi dưỡng thể lý hay tâm linh, sớm muộn gì ta cũng dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.
* Đối với Kitô hữu, việc suy niệm Lời Chúa hằng ngày, tham dự Thánh lễ thường xuyên để kín mục lương thực thần linh và dành đôi ba ngày tĩnh tâm hàng tháng hay mỗi tam cá nguyệt, sẽ giúp tái lập trật tự quân bình trong đời sống tâm-thể lý, tài bồi lòng Tin – cậy – Mến, cùng cải thiện các mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Thực vậy, một đời sống tâm linh mạnh mẽ vừa là phương thế phòng chống tự tử, là phương thuốc chữa lành các tổn thương xác-hồn, nguồn trợ lực giúp đương đầu với các thử thách trong đời sống, đồng thời kiến tạo nên một môi sinh tốt cho sự sống và ân sủng của Thiên Chúa triển nở trong lòng người cũng như nơi xã hội.
Tâm Đạo