Lời Chúa: Thứ Sáu tuần XII mùa Thường Niên

Sứ mạng mỗi người

 
 
Thứ Sáu tuần XII mùa Thường Niên – 24/6: Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Lời Chúa: 

Lc 1,57-66.80

57 Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. 58 Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. 59 Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. 60 Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”.61 Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. 62 Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. 63 Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ.

64 Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. 65 Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. 66 Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”.

80 Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.

(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó.” (Lc 1,66)

 
Suy niệm: 

** LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ:

Ngoại trừ Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, chỉ còn có thánh Gioan Tẩy Giả là vị thánh được mừng ngày sinh nhật của mình, ngày sinh ra trong trần thế; các Đấng Thánh khác đều mừng vào ngày sinh nhật trên trời, tức là ngày qua đời. Lễ này đã có từ thế kỷ thứ V và đặt vào ngày 24/6, có nghĩa là 6 tháng trước ngày sinh của Chúa Cứu Thế.

Gioan Tẩy giả là ai?

Theo tường trình của Phúc Âm thánh Luca, Gioan Tẩy Giả – hay còn gọi là Gioan Baotixita, Gioan Tiền Hô, Gioan Tiền Sứ – là con của thầy tư tế Dacaria và bà Êlisabét, chị họ của Đức Maria. Hai ông bà đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có con. Cả hai không ngừng cầu khẩn xin Chúa ban cho một người con nối dõi tông đường. Nhận thấy lòng đạo đức của họ, Chúa dủ lòng thương sai sứ thần đến báo: “Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan…” (Lc 1,13)

Dacaria hoài nghi, vì thế Chúa để ông bị câm trong suốt hơn 9 tháng trời, cho đến ngày đặt tên cho Gioan. Gioan lớn lên và được giáo dục trong bầu không khí đạo đức. Đến năm thứ 5 đời hoàng đế Tibêriô, tức năm 28 sau công nguyên, có tiếng Thiên Chúa gọi Gioan trong hoang địa, tức vùng đồi núi Giuđê. Gioan sống khắc khổ: ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà và ngang lưng thắt dây da. Cuộc đời Gioan thật gương mẫu.

Có lần Chúa Giêsu đã công khai nói với dân Do Thái: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”. (Mt 11,11)

Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm gì?

Ngài đi khắp vùng sông Giođan rao giảng và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Lời nói và nếp sống khổ hạnh của ngài đã lay chuyển cả những tâm hồn cứng cỏi nhất. Họ đã đến với ngài thật đông đảo để được nghe giảng dạy và được nhận phép rửa. Có người đã lầm tưởng ngài là Đấng Thiên Sai mà dân Do Thái hằng mong đợi, nhưng ngài khiêm tốn trả lời : “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!” (Lc 3,16)

Thánh Gioan Tẩy Giả đã chết thế nào?

Trong khi ngài đang rao giảng sám hối thì một vụ tai tiếng đã xảy ra tại cung điện Hêrôdê Antipa. Nhà vua đã cưới con gái của Arêta phương nam làm hoàng hậu. Thế nhưng, trong một chuyến đi Rôma, ghé thăm người em cùng cha khác mẹ là Hêrôđê Philipphê, nhà vua lại say mê sắc đẹp của Hêrôdia, người em dâu và tìm cách chiếm đoạt. Hêrôđia có một người con riêng là Salômê có tài múa hát. Câu chuyện tới tai Gioan Tẩy Giả. Với tất cả lòng cương nghị của một người công chính, Gioan cảnh cáo Hêrôđê: “Nhà vua không được cướp vợ em mình” Câu nói đó đã khiến Hêrôđê phải giam Gioan vào ngục. Nhưng Hêrôđia vẫn chưa hài lòng, vì Gioan luôn là mối cản trở cho hành động ngang trái của bà. Bà lìm cách đế giết Gioan. Chính vì thế, trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê, lợi dụng khi nhà vua đã ngà ngà say, bà xúi Salômê xin chiếc đầu của Gioan. Thế là Gioan đã phải chết.

So với Tân Ước, Thánh Gioan Tẩy Giả vẫn còn thuộc về Cựu Ước; ngài được Thiên Chúa gọi để chuẩn bị dân chúng đón Chúa Giêsu đến bằng các bài giảng nói về nước Thiên Chúa và lời kêu gọi sám hối. Chính Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa thống hối từ tay thánh nhân và những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cũng xuất thân từ đám môn đệ của Gioan. Chính Gioan tự giới thiệu mình là tiếng kêu trong hoang mạc, người Tiền Hô cho Đấng vĩ đại đang đến. Còn Chúa Giêsu gọi ông là kẻ lớn nhất do người nữ sinh ra trong thời Cựu Ước và là ngôn sứ Êlia đã trở lại. (Mt 11,8.11.14)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Tường thuật Gioan Tẩy Giả sinh ra nhấn mạnh đặc biệt vào việc đặt tên:

– Đây là một cái tên đặc biệt (c.61: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”)

– Nhưng lại được cả bà Êlisabét và ông Dacaria nhất trí mặc dù trước đó Dacaria bị câm không nói chuyện được với vợ.

– Tên Gioan có nghĩa là “Chúa thương” và là tên do thiên thần bảo phải đặt (Lc 1,13).

Như thế, Gioan Tẩy Giả là kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ trong bụng mẹ, để trở thành tiên tri loan báo tình thương cứu rỗi của Thiên Chúa.

B. Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Khi cho một người sinh ra, Thiên Chúa đã có sẵn một sứ mạng dành cho người đó. Sứ mạng của Gioan là làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Và Gioan đã làm tròn sứ mạng đó, cho nên dù chết sớm, Gioan cũng hoàn thành tốt đẹp ý nghĩa và sứ mạng của đời mình.

Còn tôi, sứ mạng của tôi là gì? Sống bao nhiêu năm nay, tôi có nghĩ đến đều đó không? Có quan tâm thi hành sứ mạng ấy không? Nhà thơ Nguyễn công Trứ viết:“Đã mang tiếng sống trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Tôi không màng đến “danh”, chỉ muốn chu toàn sứ mạng Chúa giao cho đời mình.

2. “Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ”: cắt bì là dấu chỉ từ nay đứa trẻ thuộc về Chúadân của Chúa. Hồi còn bé, mỗi người chúng ta cũng được lãnh nhận Phép Rửa và được dâng hiến cho Chúa, được thuộc về Giáo Hội. Hôm nay suy gẫm về phép cắt bì của Thánh Gioan, chúng ta hãy nhớ lại ngày mình được dâng hiến cho Chúa và Giáo Hội. Ngày ấy cha mẹ dâng hiến ta, hôm nay chúng ta hãy tự dâng hiến mình một cách ý thức và đầy lòng yêu mến.

3. Cô bé nói với anh trai: nhân ngày sinh nhật ba, em sẽ tặng ba đôi dép. Người anh nói: “Nhưng em lấy tiền đâu mà mua?” Cô bé tròn mắt nhìn anh nói: “Ba cho em tiền mà!” Người anh lặng thinh nghĩ: ba cậu muốn có quà tặng trong ngày sinh nhật. Và vì yêu con gái, ông muốn nhận quà tặng từ tay đứa con yêu quí.

Chúng ta cũng chẳng có gì là của riêng mình để dâng cho Chúa. (Góp nhặt)

4. “Nó sẽ gọi tên là Gioan”. (Lc 1,60b)

Khi đặt tên cho con mình, bà Êlisabét và ông Dacaria đều muốn “gọi tên con là Gioan”. Cả hai đã chọn cho con một cái tên thật lạ trong họ hàng. Việc này cho thấy có sự can thiệp của Thiên Chúa. Gia đình Dacaria đã đón nhận sự can thiệp này trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.

Chúa cũng can thiệp vào đời sống của tôi. Nhưng tôi đã không nhận ra ý Ngài; hoặc tôi đã gạt Chúa ra khỏi đời mình chỉ vì ý Ngài ngược lại ý của tôi và đảo lộn cả cuộc sống của tôi.

Lạy Chúa, xin cho con lòng tin vững mạnh, để con có thể nhận ra sự can thiệp của Chúa trong đời con (Hosanna)

5. “Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa”: Ông Dacaria đã bị phạt câm hơn 9 tháng. Hôm nay ông mở miệng, và lời đầu tiên của ông là chúc tụng Thiên Chúa. Ông chúc tụng vì ông hết câm, vì ông được có con, nhưng cũng còn vì Chúa đã sửa dạy ông, nhờ đó hôm nay ông không còn hồ nghi Chúa nữa nhưng vững tin hơn vào quyền năng Thiên Chúa.

Noi gương ông Dacaria, con cũng dâng lời chúc tụng Chúa vì những sự việc và biến cố Chúa dùng để sửa dạy con.

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Khi xưa, Chúa đã dùng Thánh Gioan làm vị tiền hô, chuẩn bị cho Chúa một dân tộc thánh thiện để đón tiếp Chúa. Thánh Nhân đã giúp cho những người đương thời nhận biết Chúa. Xin cho con cũng trở nên công cụ giúp người khác gặp được Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết lấy Lời Chúa như kim chỉ nam cho cuộc sống, lấy cuộc sống của Chúa như gương mẫu, lấy tinh thần của Chúa thấm nhuần đời con, để giống như Thánh Gioan, con dẫn đưa người khác đến với Chúa chứ không phải đến với con. Amen.