Lời Chúa: Thứ Hai Tuần XVIII mùa Thường Niên – Năm C

Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều

 
 
Thứ Hai Tuần XVIII – 1/8 Thánh Alphongsô Maria Liguori, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Lời Chúa: 

Mt 14, 13-21

13 Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.

15 Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”.

16 Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. 17 Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. 18 Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.

19 Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. 20 Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. 21 Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

“Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ”. (Mt 14,14)

 
Suy niệm: 

A. Phân tích (Hạt giống…)

Tường thuật phép lạ hoá bánh ra nhiều của thánh Mát Thêu chứa nhiều ngụ ý:

1. Tấm lòng của Chúa Giêsu: “Ngài thấy dân chúng đông đảo thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ”, và sau đó còn giảng dạy cho họ và làm phép lạ cho họ ăn bánh. Ta hãy chú ý là họ không xin, sáng kiến làm tất cả những việc đó đều xuất phát từ tấm lòng của Chúa Giêsu.

2. Mô tả Chúa Giêsu là Môsê mới nuôi dân mới bằng thứ lương thực trổi vượt hơn Manna ngày xưa.

3. Tiên báo về Bí tích Thánh Thể.

4. Vẽ lên hình ảnh Giáo hội: Chúa Giêsu ở giữa, các tông đồ ở kế bên và dân chúng ở xung quanh.

B. Suy niệm (…Nẩy mầm)

1. Rất nhiều lần Tin Mừng ghi nhận lại rằng Chúa Giêsu thấy dân chúng thì Ngài chạnh lòng thương. Tuy họ không phải là bà con, bạn hữu hay là những người quen biết với Ngài, nhưng thấy họ thì cảm xúc đầu tiên của Ngài là thương, và vì thương nên Ngài chữa bệnh, giảng dạy và cho họ ăn. Ai cũng là đối tượng của tình thương Chúa.

Phần tôi thì khác, tôi hay phân loại người ta thành hai hạng người: người thân và người dưng. Đối với người dưng thì tôi thờ ơ lãnh đạm. Xin Chúa cho con một tấm lòng yêu thương bao la như Chúa, nhất là khi con là tông đồ của Chúa.

2. “Xin thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”: cách giải quyết của các tông đồ là rất tự nhiên và bình thường. Tự dân chúng tìm đến đây thì tự họ phải lo thức ăn cho họ thôi. Đây là suy nghĩ tự nhiên. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “các con hãy lo cho họ ăn”: đây là suy nghĩ của tình thương.

Có nhiều hoàn cảnh, người môn đệ không được làm theo suy nghĩ của tự nhiên mà phải làm theo suy nghĩ của tình thương.

3. “Chúng con chỉ có 5 chiếc bánh và hai con cá”. Khi trả lời Chúa Giêsu như thế, một đàng các tông đồ nghĩ là không thể làm gì được để giải quyết cơn đói của đám đông mấy ngàn người, và đàng khác các ông nghĩ với số lượng lương thực ít ỏi đó nên dành cho nhóm của họ và Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Hãy đem lại đây cho Thầy”. Ngài không muốn người ta ai cũng ích kỷ chỉ lo cho riêng mình. Ngài dạy phải vừa quảng đại vừa phó thác vào Ngài: hãy đưa cho Ngài để Ngài làm phép lạ giúp ích cho nhiều người.

4. Một người hồi giáo làm nghề đập đá có thói quen vào đền thờ cầu nguyện với đức Ala. Ngày nào anh cũng thấy một con chim cú mù đứng bất động trên vách tường trước mặt là một con chim cú khác mang thức ăn đến cho nó. Cảnh tượng ấy làm cho anh suy nghĩ: “Đấng Ala quan tâm lo lắng cho cả một con chim cú mù. Còn ta, tại sao lại luôn lo lắng về của ăn hằng ngày. Ta phải biết phó thác cuộc đời cho sự quan phòng của đấng Ala”. Thế là anh ta bỏ nghề và ngày ngày đến trước đền thờ, để chờ đấng Ala săn sóc như là săn sóc cho con chim cú mù.

Một người bạn biết chuyện, đến khuyên: “Tôi nghĩ là anh chưa hiểu được điều mà đấng Ala muốn nói với anh qua hình ảnh hai con chim. Ngài không hề muốn bạn trở thành con chim cú mù, nhưng hãy học lấy tấm gương của con chim cú lành mạnh”. (Chờ đợi Chúa).

5. Chúa Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe thấy vậy, đám đông từ các thành đi bộ và theo Người”. (Mt14,13).

Không biết từ lúc nào tâm hồn tôi trở nên thờ ơ với việc cầu nguyện: thờ ơ vì những dễ dãi, vì sự lười biếng của chính mình. Những buổi tối đáng ra phải dành cho Chúa, tôi ngụy biện: mình mệt mỏi hay còn nhiều bài vở học…mà thực ra không phải lúc nào cũng vậy. Tôi mấy dần sự đối thoại với Chúa và đôi khi tôi cảm thấy Chúa thật xa vời. Những lúc nguyện cầu (như một thói quen!) tôi vẫn để tâm với những gì xảy ra xung quanh với cảm giác mong muốn nhanh nhập cuộc.

Những người Do Thái khi nghe biết Chúa Giêsu đến một nơi hoang vắng, đã không quản ngại đường xa để đến với Người với cả lòng nhiệt thành. Và Chúa đã ban cho họ những điều vượt quá lòng họ mong ước. Còn tôi, đã biết phải gặp Chúa ở đâu, đã tham dự Thánh lễ và đã rước cả Mình Máu Thánh Chúa; vậy mà tôi vẫn không nhận ra được điều quý giá này: có Chúa ở đó với ơn lành của Ngài. Phải chăng sự dễ dàng đến những “nơi gặp Chúa” khiến tôi thực sự không gặp được Người?

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tấm bánh dưỡng nuôi cuộc đời chúng con. Ðây là ân phúc vượt lên mọi điều chúng con mong ước. Chúng con chỉ cần của ăn mau hư nát, nhưng Chúa lại cho chúng con sự sống đời đời là chính Thánh Thể Chúa. Chúng con chỉ cầu Chúa ban cho chúng con lương thực hằng ngày, thế mà Chúa lại cho chính Chúa làm gia nghiệp cuộc đời chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con cũng trở thành tấm bánh để hoà tan trong anh em. Xin giúp chúng con luôn trở thành người hữu ích cho cộng đoàn bằng đời sống yêu thương và phục vụ vì lợi ích của tha nhân.

Lạy Chúa, ngày nay người ta không chỉ đói cơm ăn, thiếu áo mặc mà còn cần sự cảm thông và chia sẻ, cần tình thương mến và rất cần những cử chỉ quan tâm chăm sóc của tha nhân. Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con quá ích kỷ với nhau. Chúng con thường có thái độ bàng quan, dửng dưng trước những bất hạnh của tha nhân. Chúng con cũng còn thiếu cả trách nhiệm với gia đình, đôi khi vì lười biếng mà chúng con đã chồng chất gánh nặng lên vai cha mẹ và anh em. Chúng con thiếu mau mắn chia sẽ trách nhiệm với gia đình. Chúng con ngại đưa tay giúp đỡ thi ân. Chúng con chần chờ khi phải đến viếng thăm nhau. Chúng con thường tìm vui thú cho bản thân hơn là lo lắng phục vụ cho lợi ích cộng đoàn. Chúng con đã không dùng tài năng Chúa ban để phục vu cộng đoàn nhưng chỉ lo thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Xin Chúa tha thứ cho những thiết sót của chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho cuộc đời chúng con cũng là tấm bánh làm vui lòng mọi người qua sự chia sẻ trong yêu thương và phục vụ của chúng con. Amen.