Lời Chúa: Thứ Bảy Tuần XXXII Mùa Thường Niên

Kiên trì

 

Lời Chúa: 

 Lc 18,1-8

1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng 2 mà rằng:

“Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. 3 Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. 4 Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, 5 nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ “.

6 Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. 7 Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? 8 Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18,7)

 
Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống…)

Thánh Luca cho biết rõ ý nghĩa của dụ ngôn này là dạy “các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn có hai vai:

– Bà goá: trong xã hội Do Thái, các bà goá chịu nhiều thiệt thòi và không ai bênh vực. Bà goá này có lẽ bị người ta ức hiếp nhưng vì không ai bênh vực nên chỉ còn biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.

– Thẩm phán: lẽ ra nhiệm vụ của ông là bênh vực những người bị ức hiếp. Nhưng ông thẩm phán này không bênh vực bà goá vì bà chẳng có lợi gì cho ông cả. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.

Bài học: một người bất công như viên thẩm phán mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà goá. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì.

Tuy nhiên, có nhiều kẻ không kiên trì nên đã mất lòng tin. Đó là ý nghĩa câu cuối cùng: “Nhưng khi Con Người ngự đến. liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.

B- Suy gẫm (…nẩy mầm)

1. Cầu nguyện luôn: Đoạn Phúc Âm hôm nay bắt đầu như sau: “Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Nhiều người chưa thấy giá trị của sự cầu nguyện liên tục. Họ nghĩ chỉ cần cầu nguyện khi có việc cần Chúa giúp, thế là đủ. Chuyện sau đây là câu trả lời cho những người ấy.

Có một thành phố nhỏ kia có đầy đủ mọi cơ quan và dịch vụ cần thiết như bệnh viện, trường học, nhà thờ, tòa án, chợ, tiệm may, tiệm ăn v.v… Chỉ thiếu một điều là không có thợ sửa đồng hồ. Bởi vậy các đồng hồ lớn đồng hồ nhỏ của những cư dân thành phố này dần dần cái thì hư, cái thì chạy sai. Một số người quẳng đồng hồ vào tủ. Một số khác cố gắng tự mình lau chùi, sửa chữa rồi tiếp tục dùng tạm mặc dù những chiếc đồng hồ ấy chạy không được chính xác lắm.

Một ngày kia có một người thợ sửa đồng hồ đến thành phố. Mọi người rất mừng, ai nấy đều mang đồng hồ đến nhờ anh sửa. Tuy nhiên anh nói thật: “Tôi chỉ có thể sửa những chiếc đồng hồ nào còn chạy. Còn những chiếc nào đã ngưng chạy từ lâu thì tôi không sửa nỗi vì chúng rỉ sét hết rồi”.

Cầu nguyện luôn cũng giống như giữ cho chiếc đồng hồ đời ta luôn luôn chạy.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta phải cầu nguyện luôn, vì:

– Sự cầu nguyện luôn soi sáng niềm hy vọng và những dự định của chúng ta.

– Sự cầu nguyện luôn giúp ta phân biệt được điều gì là quan trọng, điều gì là tầm thường.

– Sự cầu nguyện luôn giúp ta khám phá ra những ước vọng chân thật, những ray rứt lương tâm bị bóp nghẹt, những nỗi khát khao bị quên lãng.

– Sự cầu nguyện luôn chỉ cho ta thấy những lý tưởng cao đẹp cần vươn tới.

– Và nhất là sự cầu nguyện luôn giữ ta thường xuyên gần gũi với Chúa.

2. Hai tư thế cầu nguyện: Hồi còn bé, chúng ta được dạy chấp tay lại khi cầu nguyện. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta thấy Linh mục cầu nguyện giang tay. Đó là hai tư thế cầu nguyện.

Cầu nguyện chấp tay có nghĩa là chúng ta tạm dừng những hoạt động để chuyên tâm nghĩ đến Chúa. Còn cầu nguyện giang tay là để tỏ ra rằng chúng ta là những người nghèo nàn trước mặt Chúa, chúng ta làm như người ăn xin đưa hai bàn tay không ra để xin ơn Chúa.

Hai tư thế cầu nguyện trên đều tốt. Và ngay cả những khi đôi bàn tay hoặc đôi cánh tay chúng ta đều không chấp lại hay giang ra, chúng ta cũng đừng bao giờ quên ý nghĩa của hai tư thế ấy. (FM)

3. Cầu thay nguyện giúp: Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ tới là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở ra đọc. Thư viết rằng: “Chúa thân mến, con là Tommy, con sáu tuổi. Ba con đã chết và mẹ con phải cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho chúng con 300 đồng nhé”.

Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và dưa cho các bạn đồng nghiệp xem. Họ quyết định quyên góp để giúp gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng là 100 đồng, và họ gởi tới địa chỉ cậu bé.

Vài tuần sau, họ nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc, thư viết như sau: “Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con, vì gởi qua bưu điện, họ giữ lại 200 đồng!”

Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng liền sau đó chúng ta lại cảm thấy hổ thẹn vì thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong hình ảnh cậu bé: Chúng ta cầu nguyện và muốn được Chúa đáp lời tức thì theo yêu cầu chúng ta đề ra, nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ “chỉ tiêu”chúng ta đưa ra, thì chúng ta lại khó chịu, và cũng chẳng thèm cám ơn Người.

Phúc Âm hôm nay Chúa dạy các môn đệ: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Người muốn chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì. Như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do Thái thắng trận, như bà goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augúttinô trở lại, chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí, không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ.

Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Người. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Người ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu của mỗi người.

Thường chúng ta lầm tưởng rằng, hơn ai hết chúng ta là người biết rõ những điều mình cần xin. Nhưng thánh Phao lô dạy: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp chúng ta theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,21-27). Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen viết: “Pytago. đã cấm môn sinh của ông không được cầu nguyện cho chính họ vì họ không biết điều gì là lợi ích cả”. Khôn ngoan hơn, Socrates dạy môn đồ ông chỉ xin những điều tốt lành, vì lẽ Thiên Chúa biết tường tận những gì là lợi ích. Dốt nát và yếu đuối nên chúng ta phải xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta làm đẹp lòng Chúa trong lúc an bình cũng như khi xao xuyến.

Như thế, cầu nguyện không phải là việc xin ơn này ơn nọ, theo óc vụ lợi của chúng ta, cầu nguyện không phải là việc tránh né bổn phận để Thiên Chúa làm tất cả, cầu nguyện cũng không phải là việc liệt kê ước muốn để mong chờ Chúa thực hiện. Nhưng cầu nguyện đích thực chính là việc thực hành Đức Tin, nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để đối thoại với Người, van xin Người tiếp tục ban ơn để chúng ta đủ sức thực hiện thánh ý Người. Thấu hiểu sự yếu đuối của con người nên Chúa Giêsu than thở: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Vậy, cầu nguyện không phải là độc thoại mà là đối thoại liên lỉ và kiên trì với Thiên Chúa trong Đức Tin để trung thành với Chúa cho tới khi Người lại đến.

4. Mảnh suy tư

a/ Cầu nguyện là dầu giữ cho ngọn đèn Đức Tin luôn cháy sáng.

– Hoa trái của cầu nguyện là Đức Tin
– Hoa trái của Đức Tin là tình yêu
– Hoa trái của tình yêu là phục vụ
– Và hoa trái của phục vụ là bình an.

b/ Lời cầu nguyện của ta được Chúa đáp lời, không phải khi chúng ta có được điều chúng ta xin, mà khi chúng ta được Chúa ban cho ý thức Chúa đang gần gũi mình.

– Lời cầu nguyện của bệnh nhân được đáp lời, không phải khi anh khỏi bệnh, mà khi anh cảm nhận được Chúa vẫn ở cạnh mình, nhờ đó anh ý thức rằng cơn bệnh không phải là hình phạt của Chúa, cũng không phải là dấu Chúa đã bỏ anh.

– Có thể sự cầu nguyện không thay đổi thế giới, nhưng nó giúp ta có thể trực diện với thế giới.

c/ Hồi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy cầu nguyện bằng cách đọc kinh. Bây giờ đã lớn, chúng ta hãy học cầu nguyện bằng cách mở rộng cõi lòng ra cho Chúa.

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa là Ðấng toàn năng hằng hữu. Chúa có thể làm mọi sự. Chúa lại có một tình yêu vô bờ bến. Chúa luôn yêu thương chúng con vô ngần. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con luôn xác tín về quyền năng của Chúa để chúng con biết phó thác cho Chúa. Xin cho chúng con luôn ở lại trong tình yêu quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc đời với những rủi roi, bất trắc. Dòng đời nhiều khi có những khúc quanh của trở ngại, của khổ đau. Có nhiều khi chúng con đánh mất đức tin trong những biến cố đau thương của cuộc đời. Chúng con chao đảo đức tin vì một chút sóng gió xảy đến với gia đình chúng con. Chúng con thất vọng, buông xuôi về những rủi ro xảy tới trong công việc làm ăn. Xin tha thứ cho những yếu lòng của chúng con vì đã nhiều lần chúng con nghi ngờ sự hiện diện của Chúa. Xin giúp chúng con luôn tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa để chúng con cùng với Chúa vượt qua những giông bão cuộc đời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trao vào tay Chúa những khó khăn, những thử thách chông gai trong niềm tin trung kiên vào Chúa. Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa qua ơn bình an của tâm hồn. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)