Lời Chúa: Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên B

Sống Khiêm Nhường

Thứ Bảy tuần 20 Thường Niên (Thánh Luy. Thánh Giu-se Calasanz, Linh mục)
Lời Chúa: 

 Mt 23,1-12

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên (Mt 23,12)

Suy niệm: 

Phân tích

1. Chúa Giêsu nói với các môn đệ về các luật sỹ và các biệt phái:

a. Vì họ “ngồi tòa Môsê”, nghĩ là nắm quyền giảng dạy, cho nên “những gì họ nói, các con hãy làm và tuân giữ”.

b. “Nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm”.

2. Những gương xấu cả họ là:

* Ra luật cho người khác giữ, còn bản thân thì không giữ.

* Làm những việc đạo đức chỉ cốt cho người ta thấy mà khen.

* Ham danh vọng: Ngồi chỗ nhất, thích được chào hỏi nơi công cộng, thích được gọi là Rabbi.

Suy niệm

1. Hầu hết những lời Chúa Giêsu kết án các biệt phái ngày xưa đều đúng cho cả chúng ta hôm nay:

Chúng ta rất thích “chỉ tay năm ngón”, bảo người khác làm còn mình thì không làm?

Chúng ta cũng rất ưa sống bề ngoài: người ta tưởng tôi đạo đức, nhưng trước mặt Chúa tôi có đạo đức thật không?

Tôi cũng ham danh vọng và địa vị?

2. “Tất cả chúng con đều là anh em với nhau”: người có quyền và người không có quyền, người bề trên và người bề dưới cũng đều ngang nhau trước mặt Chúa. Quyền và chức chỉ là những phương tiện để phục vụ anh em. “Trong chúng con, ai là người quyền thế hơn sẽ là người phục vụ anh em chúng con”.

3. “Ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Các động từ ở thể thụ động “bị hạ xuống” và “được nâng lên” ám chỉ kẻ hạ xuống và nâng lên chính là Thiên Chúa. Đã đành ai ai cũng ghét kẻ kiêu căng và mến người khiêm tốn. Nhưng quan trọng hơn nữa là chính Thiên Chúa cũng hạ kẽ kiếu căng và nâng cao người khiêm tốn.

Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy về sự khiêm hạ, nhưng Ngài đã sống khiêm hạ tột bậc, là Con Thiên Chúa, Ngài chấp nhận thân phận nô lệ giữa loài người, để cho con người hành hạ và giết mình đi như một phạm nhân. Và Ngài hứa: Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Tin mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những người biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh cúm dễ làm cho người kitô mắc phải trong cách sống đạo, nên ta cảnh giác. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người kitô hữu. Khi căn tính kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?

Câu hỏi mà chúng ta phải không ngừng đặt ra là cuộc sống đạo của tôi có thật sự là một đóng góp vào việc cải tạo một xã hội đang băng hoại về đạo đức và những giá trị tinh thần không? Giáo hội mà tôi là thành phần, có xứng đáng là điểm tựa đạo đức cho nhiều người không?

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 43, 1-7a

“Uy nghi Chúa tiến vào đền thờ”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Thiên Thần dẫn tôi đến cửa phía đông. Và đây vinh quang Thiên Chúa Israel từ con đường phía đông tiến vào: tiếng của Người như tiếng nước lũ, và địa cầu sáng rực uy nghi của Người. Thị kiến mà tôi đã thấy giống như thị kiến trước kia tôi đã xem thấy khi Người đến huỷ diệt thành phố, và như thị kiến tôi đã xem thấy gần sông Côbar, nên tôi sấp mặt xuống đất. Uy nghi Chúa tiến vào đền thờ theo lối của hướng đông. Thần Trí đỡ tôi lên, và dẫn tôi vào hành lang phía trong. Ðây ánh vinh quang của Chúa tràn ngập đền thờ. Tôi đã nghe có người nói với tôi từ trong đền thờ và người đứng gần bên tôi, bảo tôi rằng: “Hỡi con người, đây là nơi đặt bệ ngai Ta, nơi Ta để chân, nơi Ta ngự giữa con cái Israel đến muôn đời”.