Lễ Suy tôn Thánh Giá
Ai tin vào Người thì khỏi phải chết…
Ga 3,13-17
13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết…” (Ga 3,16)
Lễ Suy Tôn Thánh Giá rất hòa điệu với thần học cứu độ của thánh Gioan. Trong bốn thánh ký, thánh Gioan là thánh ký duy nhất liên kết ý tưởng vinh quang của Thiên Chúa với hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh. Đối với thánh Gioan, Thánh Giá không đơn giản là những đau khổ và sỉ nhục, nhưng là dấu chỉ khải hoàn của Thiên Chúa; Đức Giê-su được tôn vinh khởi sự trên đồi Can-vê.
Vì thế, vào ngày lễ hôm nay, Phụng Vụ đề nghị cho chúng ta suy niêm một bản văn Tin Mừng Gioan, bản văn gợi lên cảnh tượng Thánh Giá vinh quang.
1. Ngữ cảnh:
Đoạn Tin Mừng này được trích từ cuộc đối thoại của Đức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô, một người Pha-ri-sêu vị vọng. Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm, sau này ông sẽ bày tỏ thái độ thiện cảm của mình đối với Ngài cách kín đáo(7: 48-52) và cuối cùng sẽ công khai tỏ ra mình là môn đệ của Đức Giê-su khi dự phần vào việc mai táng Ngài (19: 34).
Tuy nhiên, phần cuối của cuộc chuyện trò (3: 11-21), trong đó bản văn Tin Mừng được trích dẫn hôm nay, không còn hình thức đối thoại. Quả thật, trong suốt phần cuối này, chúng ta không còn gặp thấy hai đại từ số ít: “tôi” và “ông” trong phần đối thoại trước đó, nhưng thay vào đó là hai đại từ số nhiều:“chúng tôi” và “các ông”. Có lẽ ông Ni-cô-đê-mô vẫn còn có mặt ở đó, nhưng không còn tham dự vào cuộc đối thoại nữa. Người đọc có ấn tượng rằng chính ở bên kia ông Ni-cô-đê-mô, một nhân vật có thế giá của Do thái giáo, Chúa Giê-su mở ra một viễn cảnh của cuộc đối thoại giữa Ki-tô giáo và Do thái giáo vào thời Giáo Hội sau này.
2. Thánh giá, tự hạ và tôn vinh:
“Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”. Trong Tin Mừng Gioan, đây là lần đầu tiên Chúa Giê-su tự nhận cho mình tước hiệu “Con Người”. Tước hiệu này gợi lên thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en trong đó một nhân vật được gọi “Con Người” vừa thuộc về thiên giới, siêu việt, vừa dự phần vào nhân tính (Đn 7: 13-14). Trong đoạn Tin Mừng này, tư tưởng được khai triển giống như bài thánh thi ca ngợi Đức Ki-tô trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê: từ cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su bên cạnh Chúa Cha đến việc hạ mình của Ngài trong biến cố Nhập Thể, và sau cùng Ngài được Chúa Cha tôn vinh trên trời.
3. Thánh Giá, dấu chỉ của ơn cứu độ:
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”. Trong câu này, thánh Gioan có chủ ý dùng một động từ “giương cao” mặc lấy hai nét nghĩa: vừa theo nghĩa đen “đưa cao lên”, vừa theo nghĩa bóng “chúc tụng, tôn vinh”. Chúng ta cũng gặp thấy như vậy ở nơi hai lời công bố của Chúa Giê-su: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (12: 32-33) và “Khi các ngươi giương cao Con Người lên, bấy giờ các ngươi sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (8: 28). Nếu con rắn đồng đã là dấu chỉ cứu chữa hữu hiệu đối với dân Do thái, thì Con Người được giương cao lên trên thập giá còn hiệu nghiệm biết là ngần nào: “Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
4. Thánh Giá mặc khải tình yêu Thiên Chúa:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”. Thánh Gioan lấy lại cùng những từ ngữ trong thư thứ nhất của mình. Đây là ý tưởng rất tâm đắc đối với thánh Gioan, vị thánh ký duy nhất ban tặng cho Đức Giê-su tước hiệu “Con Một”. Tước hiệu này có lẽ ám chỉ người con một của ông Áp-ra-ham là I-xa-ác, người con mà ông Áp-ra-ham đã dẫn lên núi cao để hiến tế cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong phần kết của câu chuyện này, Thiên Chúa chứng thực tấm lòng nhất mực trung tín của ông Áp-ra-ham đối với Ngài:“Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của người” (St 22: 15) nên đã tha chết cho I-xa-ác bằng cách thế vào một con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây (St 22: 13). Chắc hẳn thánh Phao-lô đã suy niệm sâu xa cuộc Tử Nạn của Đức Giê-su trong ánh sáng của câu chuyện này khi thánh nhân viết cho tín hữu Rô-ma: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8: 32).
Ân ban tận mức này của Chúa Cha là lời chứng xúc động nhất về tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại không gì khác hơn là muốn mọi người được cứu độ để được sống đời đời: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Sau này, cũng chính thánh Gioan trong mối xúc cảm dâng trào đã viết: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4: 10). Thánh Giáo Phụ I-rê-nê cũng đã suy niệm sâu xa tình yêu Thiên Chúa như vậy: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. Chúa Giê-su trên thập giá không là một Thẩm Phán, nhưng là Đấng Cứu Độ. Giờ thập giá là giờ mà tấm lòng thương yêu tha thứ của Thiên Chúa trổi lên khúc ca khải hoàn. Đây là giờ vinh quang tột bậc của tình yêu Thiên Chúa rực rỡ hơn bao giờ hết đối với nhân loại.
(KinhThanhVN)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh thể,
Khi xưa Chúa đã dùng thập giá để cứu chuộc chúng con. Chúa cũng có thể cứu chúng con bằng những phương thế khác. Nhưng Chúa đã không chọn cách nào khác ngoài việc chết trên thập giá. Và như thế chúng con mới hiểu được Chúa yêu chúng con đến cùng. Chúa đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới: ý nghĩa của tình yêu trọn hảo.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng con cũng biết đón nhận thập giá của bản thân với tron vẹn tâm tình yêu thương. Yêu Chúa và yêu mọi người, để tình Chúa luôn mãi ở trong con. Và cuộc đời con luôn diễn tả tình yêu Chúa. Amen.